Thác Tác Tình và thiên tình sử của người Dao

Thác Tác Tình và thiên tình sử của người Dao

Cùng Phượt – Thác Tác Tình ở nơi núi cao vực thẳm của Tam Đường, Lai Châu là nơi gắn với một chuyện tình huyền sử dang dở của người Dao.

Thác Tác Tình 1

Bản Sì Thâu Chải ở Hồ Thầu (Ảnh – Tầm Mạc Văn)

Cách trung tâm Thành phố Lai Châu khoảng 20 km, xã Hồ Thầu, Tam Đường là nơi cư trú chủ yếu của nhóm Dao Đầu Bằng tỉnh Lai Châu. Sống bên những cánh rừng đại ngàn, người Dao ở bản Hồ Thầu vẫn còn giữ được nguyên vẹn những nét đặc trưng văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Cuộc sống của người Dao trên vùng hẻm núi cao mây bạc này còn nguyên sơ chân chất với những ngôi nhà đất, triền mái rêu phong cùng việc canh tác, trồng trọt, chăn nuôi gia súc.

Thác Tác Tình 2

Nhìn xa, thác như một dải lụa trắng (Ảnh – Nruag Hawj)

Tác Tình chính là con thác đầu nguồn tạo nên dòng suối chảy qua bản Hồ Thầu. Tên gọi “Tác Tình” không biết đã hình thành và tồn tại trong tiềm thức của người Dao từ bao giờ. Theo tiếng Dao, “Tác” có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống mỏm đá nhô ra từ vách núi thẳng đứng; “Tình” nghĩa là nước từ trên thác đổ xuống tạo thành một vũng nước trên mặt đất.

Chuyện xưa kể rằng, ở bản người Dao ta có nàng Lở Lan nổi tiếng hát hay, vô cùng xinh đẹp. Nàng đem lòng yêu chàng trai Lý Phàn mồ côi nghèo nhà ở cuối bản có tài thổi sáo. Ngày qua ngày họ quấn quýt với nhau không muốn rời.

Khi lên nương gieo hạt, lúc vào rừng tìm măng, tiếng hát ngọt như mật ong rừng của nàng Lở Lan xinh đẹp luôn hòa quyện với tiếng sáo dìu dặt trầm bổng của chàng trai Lý Phàn viết lên bản tình ca rung động cây rừng, say đắm lòng người.

Dân bản ai cũng mong cho đôi trẻ sớm về chung một bếp kết duyên vợ chồng. Song bố của nàng Lở Lan cái đầu không nghĩ vậy, cái bụng không ưng chàng trai Lý Phàn mồ côi nghèo, cái tay đã cầm hơn một trăm đồng bạc trắng của tạo bản, hứa gả con gái cho tạo bản. Để chia rẽ tình yêu của đôi trẻ, nhân dịp quan lang về lấy người vào quân đội, một đêm tối tạo bản đã lập mưu cho người đến bắt cóc chàng trai Lý Phàn đưa đi lính…

Vắng tiếng sáo Lý Phàn, mắt người già mờ hơn, bản đìu hiu se sắt. Suối trầm lắng rì rào, hoa đào nhanh phai sắc, tiếng chim không còn véo von ríu rít, dân bản không còn được nghe tiếng hát ngọt lịm trong vắt của nàng Lở Lan… Trái tim nàng quặn thắt, ngày lại ngày, nàng Lở Lan buồn bã trốn lên đỉnh núi cuối bản, đứng ngóng đợi người yêu. Đã biết bao mùa hoa ban trôi qua, bao mùa cánh rừng đổi màu thay lá, song vẫn không có tin tức của chàng trai…

Một sáng dân bản tỉnh dậy, không thấy nàng Lở Lan đâu, từ đỉnh núi cao cuối bản nàng Lở Lan vẫn thường đứng ngóng đợi chàng trai, xuất hiện một thác nước tung bọt trắng xóa, mát lạnh uốn lượn, mềm mại chảy dài xuống chân núi. Người dân tin rằng nàng Lở Lan đã hóa thân hòa vào núi, thác nước kia là mái tóc dài óng mượt và những giọt nước mắt nhớ nhung của nàng quyện vào hóa thành, ngày đêm tuôn chảy rì rầm những lời nhớ nhung, son sắt thủy chung của nàng Lở Lan với người yêu nơi xa…

Đóng quân ở miền biên ải xa xôi, nghe tin nàng Lở Lan đã hóa thân thành thác nước để bảo vệ tình yêu thủy chung của mình… lợi dụng một đêm tối trời, chàng trai Lý Phàn đã trốn khỏi nơi đóng quân. Qua bao ngọn núi, vượt qua nhiều con suối, qua bao nhiêu khe, qua bao mùa trăng, một buổi chiều, chàng trai về tới bản, xa xa ngọn núi cuối bản…

Bảng lảng trong ráng chiều, thác nước trắng xóa, mềm mại như suối tóc nàng Lở Lan đang tuôn chảy đổ dài xuống chân núi, thôi thúc bước chân chàng trai leo lên đỉnh thác. Thương nhớ nàng Lở Lan, ngực chàng như bị núi đè, trái tim chàng buốt nhói như ngàn vạn mũi tên xuyên trúng, ánh mắt thảng thốt xa xăm, chàng đưa cây sáo lên thổi bản tình ca mà nàng Lở Lan yêu thích.

Tiếng sáo da diết dào dạt yêu thương, hòa quyện vào tiếng thác nước chảy dìu dặt, dịu êm, tạo nên bản tình ca thiết tha, thủy chung son sắt… Ngày hôm sau, dân bản không thấy chàng trai đâu, chỉ nghe tiếng sáo của chàng hòa quyện vào tiếng thác nước ngày đêm tuôn chảy ca ngợi mối tình thủy chung khắc sâu vào núi, trường tồn cùng thời gian của nàng Lở Lan và chàng trai Lý Phàn…

Ngày nay, dân bản truyền rằng những đôi trai gái yêu nhau, những cặp vợ chồng nếu chỉ một lần được cùng nhau tắm mình trong dòng nước thác Tác Tình thì đến sấm sét, mưa giông, núi lở, lũ rừng cũng không chia rẽ được tình yêu của họ.

Thác Tác Tình 3

Thác đẹp nhất trong những ngày nắng (Ảnh – 이은범)

Bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, với độ cao khoảng 100 m, nhìn từ xa, Tác Tình trông như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian bao la của núi rừng Tây Bắc. Giữa nền xanh của ngàn cây, ngọn thác càng nổi bật bởi dòng nước trắng xóa. Đứng ngang tầm mắt, ngọn thác lại mang vẻ choáng ngợp của một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Thác Tác Tình 4

Con đường nhỏ dẫn vào chân thác (Ảnh – Giang Hoàng)

Đến thác Tác Tình, các bạn có thể leo lên các bậc đá, chừng 15 phút là đến vị trí ngắm thác tuyệt đẹp. Sau khi thỏa mãn tầm mắt từ trên cao, một lối đi nhỏ sẽ dẫn du khách xuống tham quan hồ nước dưới chân thác có diện tích rộng khoảng 100 m².

Thác Tác Tình 5

Hô nước dưới chân thác (Ảnh – Thinh dang)

Chính dòng nước từ trong hồ tràn ra, tạo thành một dòng suối nhỏ trong vắt, men theo triền núi chảy xuống thung lũng huyện Tam Đường.

Thác Tác Tình 6

Mỗi mùa, thác Tác Tình lại có một vẻ đẹp riêng (Ảnh – June Fuu)

Thác Tác Tình mỗi mùa mang mỗi vẻ đẹp riêng. Vào mùa khô, thác có vẻ đẹp dịu dàng như buông nhẹ hững hờ xuống hồ nước trong xanh, cùng suối róc rách ngày đêm. Đến mùa mưa, dòng thác tuôn đổ ầm ào, tung bụi mờ hơi nước, làm rộn rã không gian, toát lên vẻ mạnh mẽ, oai hùng.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 42 bình chọn và điểm trung bình là 4.6

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Lai Châu

LAI CHÂU

Vị trí Lai Châu trên bản đồ Việt Nam

cách thủ đô Hà Nội 450 km về phía tây bắc. Phía bắc Lai Châu giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; phía đông giáp với tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La; phía tây và phía nam giáp với tỉnh Điện Biên. Tỉnh có 273 km đường biên giới với cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt – Trung trực tiếp giao lưu với các lục địa rộng lớn phía tây nam Trung Quốc.

Lai Châu có 20 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong đời sống văn hoá truyền thống. Chợ phiên vùng cao là nơi biểu hiện rất rõ những nét văn hoá đặc trư­ng đó. Ngoài ra nơi đây còn có nhiều cao nguyên cao trên 1.500m, mây, sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm như: cao nguyên Sìn Hồ, hồ Thầu, Dào San…

Bạn có biết: Trước khi tách tỉnh đây là tỉnh có diện tích lớn nhất miền Bắc Việt Nam và đứng thứ hai Việt Nam (sau Đăk Lăk cũ)

  • Diện tích: 9.068,8 km²
  • Dân số : 482.500 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 7 huyện
  • Mã điện thoại: 213
  • Biển số xe: 25