Kinh nghiệm đi phượt Tà Xùa

Kinh nghiệm đi phượt Tà Xùa (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Săn mây Tà Xùa, cụm từ mà hẳn trong thời gian gần đây các bạn đã được nghe rất nhiều vào mỗi dịp cuối tuần, nhất là vào khoảng thời điểm đầu năm. Tà Xùa, nơi trước kia vốn chỉ nổi tiếng với chè shan tuyết cổ thụ và quả sơn tra nay đã trở nên gần gũi và thân thuộc hơn với các bạn trẻ yêu du lịch. Trước đây, khi giao thông chưa thuận lợi thì mây mù là một trở ngại lớn với bà con dân bản bởi việc di chuyển trong từng lớp mây mù dày đặc khá khó khăn, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thì mây lại là một trong những điểm đặc biệt để có thể biến du lịch Tà Xùa thành một trong những điểm nhấn của Sơn La khi rất nhiều bạn trẻ phượt Tà Xùa chỉ để bắt được những khoảnh khắc của mây.

Thung lũng mây Tà Xùa (Ảnh – phong2v)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả phong2v, rain9x1, zungoan_nhangian, huylongly, anhtu.13, cwouhp, Quốc Tuấn, Trấn Long, Tuan tran anh, coai.bae và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Tà Xùa ở đâu?

Là một xã vùng cao, Tà Xùa cách trung tâm huyện Bắc Yên chừng 15 km (Ảnh – cungphuot.info)

Tà Xùa là một xã vùng cao (thuộc huyện Bắc Yên) nơi giáp ranh của hai huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La). Con đường nối 2 huyện này đi qua Tà Xùa mới được khai thông từ năm 2011, kể từ đó các cung phượt đi Tà Xùa xuất hiện ngày càng nhiều và địa danh này cũng càng ngày càng nổi trong cộng đồng ham mê dịch chuyển.

Đỉnh núi Tà Xùa (21.433772, 104.303878) được các bạn yêu thích trekking cho rằng đây là đỉnh thấp nhất trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Với tọa độ GPS đo được là 2875m, đường lên Tà xùa qua Bản văn hóa Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái.

Địa danh Tà Xùa được các bạn yêu thích du lịch nhắc tới là một dãy núi nhỏ hơn thuộc huyện Bắc Yên. Bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao nên thung lũng Tà Xùa luôn xuất hiện mây mù dày đặc, những dải mây cuồn cuộn như cánh sóng đánh ập vào vách núi, tạo nên một biển mây đẹp ngỡ ngàng.

Nên đi phượt Tà Xùa vào thời gian nào?

Mùa hoa đào nở ở Tà Xùa (Ảnh – rain9x1)

Đi Tà Xùa chắc hẳn mục đích của các bạn là săn mây, vậy nên trước hết chúng ta hãy tìm hiểu qua một chút về quá trình hình thành mây và những thời điểm thích hợp để mây có thể xuất hiện.

Mây là khối các giọt nước ngưng tụ hay nước đá tinh thể treo lơ lửng trong khí quyển của Trái Đất. Hơi nước ngưng tụ tạo thành các giọt nước nhỏ (thông thường 0,01 mm) hay tinh thể nước đá, cùng với hàng tỷ giọt nước hay tinh thể nước đá nhỏ khác tạo thành mây mà con người có thể nhìn thấy.

Mây được tạo thành trong những khu vực không khí ẩm bị làm lạnh, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới nên vào mùa đông đặc biệt là các vùng núi phía Bắc và các nơi có nền nhiệt độ thấp, độ ẩm rất cao kết hợp với địa hình rừng núi bao quanh các thung lũng, các dòng sông, suối và rừng cây rậm rạp sẽ là nơi tích tụ của hơi nước, trải qua nền nhiệt độ thấp ban đêm và mùa thu đông sẽ tạo thành sương mù dày đặc. Nếu ta ở trong vùng này thì đó là sương mù theo cách gọi truyền thống còn nếu ta lên một độ cao nhất định bên trên tầng sương mù này thì cái sương mù mà ta vừa xuyên qua đó chính là mây.

Với Tà Xùa, thời điểm thích hợp để săn mây vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 4 dương hàng năm, tuy nhiên còn khá nhiều yếu tố khác mà bạn cần phải quan tâm như mới mưa phùn, nền nhiệt độ thấp ban đêm và cao ban ngày, ban ngày cần có nắng thì mây mới đẹp.

Ngoài ra, như hầu hết các vùng núi phía Bắc nếu các bạn đến Tà Xùa vào khoảng đầu năm, thời điểm mùa xuân sẽ dễ dàng gặp những khoảnh khắc rực rỡ của hoa đào hay hoa mận.

Hướng dẫn đi tới Tà Xùa

Phương tiện cá nhân

Thuận tiện nhất là sử dụng phương tiện cá nhân để tới Tà Xùa (Ảnh – cungphuot.info)

Từ Hà Nội, các bạn đi theo hướng Quốc lộ 32 đi Nhổn lên Thị xã Sơn Tây, đi qua cầu Trung Hà rồi đi Thanh Sơn, Thu Cúc. Đến ngã 3 Thu Cúc các bạn đi Phù Yên rồi sẽ tới Bắc Yên, từ Bắc Yên lên Tà Xùa còn khoảng 15 km nữa.

Nếu muốn đi về bằng 2 đường khác nhau, các bạn có thể đi thẳng Tà Xùa sang Trạm Tấu (chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô 2 cầu) không cần quay lại Bắc Yên. Đường này khá dốc nhưng do đi xuống nên cũng đỡ hơn. Trên đường từ Trạm Tấu về lại Hà Nội sẽ đi qua Nghĩa Lộ, các bạn nếu có thời gian có thể dành thêm một ngày ở đây để khám phá Nghĩa Lộ trước khi về lại Hà Nội.

Phương tiện công cộng

Nếu ngại tự chạy xe, các bạn có thể di chuyển tới Bắc Yên bằng xe khách rồi thuê xe máy đi tiếp (Ảnh – cungphuot.info)

Từ Hà Nội hàng ngày đều có xe khách đi lên Bắc Yên với thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng, vào những dịp đông khách có thể có một số hàng xe limousine đưa khách lên tận trung tâm Tà Xùa.

Khánh Thịnh Limousine
Lộ trình: Hà Nội – Tà Xùa
Giờ xuất bến: Hà Nội 8h00-13h00-18h00 Tà Xùa 12h00-14h00
Điện thoại: 1900 9418

Nguyên Hằng
Lộ trình: Bắc Yên – Phù Yên – Mỹ Đình – Thái Nguyên
Giờ xuất bến: Bắc Yên 20h00 Mỹ Đình 21h45
Điện thoại: 0975 541 999 – 0974 587 474

Thành Mỹ
Lộ trình: Bắc Yên – Mỹ Đình – Bx Bắc Ninh
Giờ xuất bến: Bắc Yên 20h Mỹ Đình 21h15
Điện thoại: 0968 727 797 – 0389 224 226

Hải Giang – Đức Soạn
Lộ trình: Bắc Yên – Phù Yên – Mỹ Đình
Giờ xuất bến: Mỹ Đình 7h30 Bắc Yên 22h15
Điện thoại: 0988 666 042

Hiền Hựu
Lộ trình: Bắc Yên – Phù Yên – Mỹ Đình
Giờ xuất bến: Bắc Yên 4h00 Mỹ Đình 13h00
Điện thoại: 0818 126 777

Đi lại ở Tà Xùa

Với những bạn đã đi đến nhiều nơi ở phía bắc, các cung đường đi lại quanh Tà Xùa cũng không quá khó (Ảnh – cungphuot.info)

Từ trung tâm xã Tà Xùa đi tới các địa điểm du lịch đường không đẹp nhưng cũng không quá xấu, các phương tiện ô tô gầm thấp cũng có thể di chuyển dễ dàng. Đường đi hướng Sống lưng Khủng Long bé và nhiều đoạn đường đất, không đi được nhanh và một số đoạn các loại xe gầm thấp cần cẩn thận chút là được. Đường đi thảo nguyên, mỏm cá heo, cây cô đơn là đường nhựa đẹp, chạy tẹt nhé các bạn.

Thuê xe máy

Xe khách thường đưa các bạn lên tới trung tâm Bắc Yên (hoặc xe limousine thì đưa các bạn tới trung tâm xã Tà Xùa), từ đây các bạn cần tiếp tục di chuyển lên Tà Xùa. Nếu tay lái cứng một chút các bạn chỉ việc thuê xe ngay tại thị trấn để lang thang chơi Tà Xùa, sau khi kết thúc chuyến đi mang xe lại trả rồi lên xe khách về lại Hà Nội. Nếu đi limousine các bạn cũng có thể thuê xe ngay trung tâm xã khá dễ dàng.

Một vài đơn vị cho thuê xe máy ở Bắc Yên

  • Thành Mỹ 0972 908 999 (Cạnh bến xe Bắc Yên)
  • Thuận Dung 0911 212 268
Thuê xe ôm

Trong trường hợp các bạn đi lên Tà Xùa bằng xe khách và ngại hoặc không có khả năng lái xe máy đường núi (nhất là các bạn nữ) các bạn có thể thuê xe ôm để đưa các bạn từ thị trấn lên trung tâm và đi các điểm quanh Tà Xùa.

Lưu trú ở Tà Xùa

Homestay

Gần đây, số lượng homestay ở Tà Xùa được xây dựng tương đối nhiều, khá thoải mái cho du khách (Ảnh – cungphuot.info)

Tùy thuộc vào thời gian xuất phát ở Hà Nội, nếu xuất phát muộn (chiều tối thứ 6 chẳng hạn) các bạn có thể dừng nghỉ ở Bắc Yên để hôm sau lên Tà Xùa sớm.

Nếu đi từ sớm các bạn có thể lên thẳng Tà Xùa để nghỉ ngơi, đi theo phương án này thì các bạn sẽ thuận lợi hơn trong việc săn mây sáng hôm sau, không phải dậy quá sớm để đi từ Bắc Yên lên. Hiện khu vực trung tâm xã Tà Xùa đã có khá nhiều nhà nghỉ và homestay được xây dựng để phục vụ khách du lịch.

Một số homestay tốt ở Tà Xùa

BUNGALOW Tà Xùa Ecolodge
Địa chỉ: Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La
Điện thoại: 0868832088
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY 1941M Homestay Tà Xùa
Địa chỉ: Sống Lưng Khủng Long, Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La
Điện thoại: 0869221941
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY May Home Tà Xùa
Địa chỉ: Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La
Điện thoại: 0774262626
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY ManDo Homestay
Địa chỉ: Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La
Điện thoại: 0822231983
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Danh sách Homestay ở Tà Xùa (Cập nhật 3/2024)

Cắm trại

Nếu thích các bạn hoàn toàn có thể ngủ bằng lều khi đến Tà Xùa (Ảnh – zungoan_nhangian)

Tà Xùa là một trong các điểm cắm trại khá hấp dẫn ở Sơn La, nếu các bạn có đầy đủ lều và các dụng cụ giữ ấm (do khí hậu Tà Xùa về đêm khá lạnh) hoàn toàn có thể dựng lều tại các vị trí đẹp, sáng dậy sớm đón bình minh và săn mây luôn.

Chơi gì ở Tà Xùa

Săn mây

Bản đồ các địa điểm săn mây đẹp ở Tà Xùa (Ảnh – cungphuot.info)

Thông tin các địa điểm chụp ảnh đẹp để săn mây tại Tà Xùa được gợi ý của anh Trần Việt Dũng, các bạn có thể tham khảo hoặc đơn giản hơn các bạn thấy ở đâu bạn có thể chụp được những bức ảnh đẹp về mây thì mình dừng lại thôi.

Chú ý khi dừng chup ảnh tại các vị trí sát ven đường, các bạn cần dựng xe gọn gàng, tốt nhất tìm chỗ khuất và tụt sâu hẳn vào trong lề để không gây ảnh hưởng đến giao thông.

Sống lưng Khủng Long

Sống lưng Khủng Long những ngày không có mây thì nắng vô cùng (Ảnh – huylongly)

Nằm trên địa phận bản Chống Tra, xã Háng Đồng, Sống lưng khủng long trở thành một trong những điểm khám phá hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến Tà Xùa. Được biết, trước khi trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến như hiện nay, Sống lưng khủng long có tên gọi là núi Chống Tra và tên bản cũng được đặt theo tên của quả núi này.

Sống lưng khủng long có địa thế khá đặc biệt, sống núi hướng thẳng về phía thung lũng giữa 2 xã Tà Xùa và Háng Đồng, tựa như chiếc mỏ neo, nếu nhìn từ xa, ngọn núi có hình giống như sống lưng của một con khủng long đang nằm ngủ. Sống lưng khủng long là một trong những điểm ngắm mây lý tưởng. Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, cũng là thời điểm xuất hiện những áng mây trắng bồng bềnh, lãng đãng ôm lấy Sống lưng khủng long, hòa cùng với ánh nắng bình minh, tạo thành bức tranh nhiên nhiên huyền ảo.

Sống lưng khủng long là địa điểm săn mây được nhiều người chọn (Ảnh – anhtu.13)

Sống lưng khủng long khá hiểm trở, chiều cao từ đỉnh núi xuống đáy của thung lũng ước chừng từ 200 – 300m, nên phần lớn du khách chọn đi bộ, leo dốc trên các con đường mòn để ra mỏm núi, nơi ngắm được mây và ghi lại hình ảnh những áng mây bồng bềnh.

Mỏm Lạc Đà

Mỏm Lạc Đà (Ảnh – cwouhp)

Nếu nhìn trên bản đồ, các bạn sẽ thấy mỏm Lạc Đà đối diện với Sống lưng Khủng Long qua Bản Bẹ. Do nằm cao hơn một chút nên từ đây nếu những ngày trời quang có thể nhìn rõ sang Sống lưng Khủng Long.

Đoạn đường leo lên mỏm Lạc Đà cũng tương đối cao (Ảnh – cungphuot.info)

Đoạn núi này ở phần giữa gồ lên cao, nhìn từ xa liên tưởng tới cái bướu của các chú lạc đà nên từ đó cái nên này ra đời. Khu vực này cũng là một điểm săn mây rất hấp dẫn.

Đỉnh gió Tà Xùa

Biển mây ở Đỉnh Gió (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một điểm nằm trên đường đi Xím Vàng, đây địa điểm ngắm hoàng hôn khá đẹp, cũng là một trong những điểm các bạn có thể gặp được biển mây.

Mỏm Cá Heo

Mỏm Cá Heo, tạo hình thú vị từ thiên nhiên (Ảnh – cungphuot.info)

Cách trung tâm xã Tà Xùa khoảng 10 km, đây là một mỏm đá với cái tên nghe khá đáng yêu.  Với hình dáng của một chú cá heo đang vươn đầu lên cao giữa núi rừng, đây quả thật là một trong những điểm chụp ảnh khá thú vị cho các bạn.

Cây cô đơn Tà Xùa

Cây cô đơn ở Tà Xùa (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu để ý, các bạn sẽ thấy gần đây có rất nhiều các “cây cô đơn” trên khắp mọi miền đất nước. Chỉ cần là một cái cây, đứng một mình giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ thì kiểu gì một thời gian sau cũng sẽ xuất hiện một địa điểm với cái tên “cây cô đơn” ở đó.  Ở Tà Xùa cũng vậy, chỗ này thực chất là một địa điểm cao mà từ đó các bạn có thể ngắm toàn cảnh hồ thuỷ điện Suối Sập.

Thảo nguyên Tà Xùa

Đây là địa điểm khá lý thú để cắm trại (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một đồi cỏ rộng mênh mang với tầm nhìn rộng, thoáng và khá đẹp. Địa điểm này rất phù hợp cho các bạn thích cắm trại, dựng lều ngủ qua đêm để sáng dậy đón bình minh. Tuy vậy, chỗ này gió mạnh, độ dốc cao nên các bạn nếu có đầy đủ đồ nghề dụng cụ hãy chơi bộ  môn này nhé.

Vườn chè cổ thụ Bản Bẹ

Cây chè cổ thụ ở Bản Bẹ (Ảnh – cungphuot.info)

Khác với vùng chè Mộc Châu hay Phổng Lái (Thuận Châu), xã Tà Xùa (Bắc Yên) có những cây chè cổ thụ từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi. Trong đó, bản Bẹ có nhiều cây chè cổ thụ nhất của xã Tà Xùa, không những cho sản phẩm chè ngon nức tiếng mà còn thu hút khách du lịch đến tham quan.

Đặc sản và món ngon Tà Xùa

Nếu không quá quan trọng về việc ăn uống, các bạn có thể đặt một bữa ăn cơ bản với đầy đủ thịt cá rau xanh cho đoàn mình với chi phí cao hơn một chút so với vùng đồng bằng. Ngoài ra, cũng như hầu hết các vùng cao, một số món ăn là bình thường với người dân địa phương nhưng lại khá hấp dẫn với du khách mà các bạn có thể thử.

Lẩu

Lẩu ăn trong cái tiết trời se lạnh của Tà Xùa rất thích (Ảnh – cungphuot.info)

Bởi thời tiết ở Tà Xùa quanh năm luôn mát mẻ nên ăn lẩu tương đối ngon, ngoài ra các loại rau trên này do được trồng ở khí hậu lạnh nên cũng ngon và ngọt hơn, rất tuyệt để ăn lẩu.

Gà đen

Gà nướng Tà Xùa (Ảnh – cungphuot.info)

Gà đen là giống gà quý hiếm của đồng bào dân tộc Mông, do đặc thù sống ở vùng núi cao, nên giống gà này bay, nhảy không kém gà rừng. Gà đen có đặc điểm chân 5 móng, thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và rất thơm ngon. Đến Tà Xùa, các bạn có thể làm một nồi lẩu gà đen hay đơn giản là gà đen nướng chấm mắc khén để thưởng thức trong cái se lạnh của vùng cao.

Lợn quay

Lợn quay (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu đi theo nhóm đông chừng 10 – 15 người, các bạn có thể đặt 1 con lợn để làm một mâm cỗ. Lợn trên này thường chỉ khoảng 10 – 15 kg, quay rất thơm và ngon.

Thịt lợn bản xiên nướng

Thịt lợn xiên nướng ở Tà Xùa (Ảnh – cungphuot.info)

Những miếng thịt lợn thái to bản, nhiều mỡ được xiên lại thành que và nướng trực tiếp trên than hồng. Do lợn được nuôi ở vùng cao nên bao giờ ăn cũng ngọt, giòn và thơm hơn nhiều so với thịt xiên nướng các bạn vẫn hay ăn khi ở thành phố.

Bánh dày người Mông

Bánh dày người Mông (Ảnh – Quốc Tuấn)

Người H’Mông quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời – là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Vì thế trong những ngày Tết không thể thiếu món bánh này. Các bạn nếu đến các tỉnh vùng Tây Bắc (trong đó có Tà Xùa) trong những ngày lễ của người Mông kiểu gì cũng có cơ hội thưởng thức món này.

Rượu Hang Chú

Rượu Hang Chú rất nổi tiếng khi nhắc tới vùng đất Bắc Yên (Ảnh – Trấn Long)

Hang Chú là một xã vùng cao của Bắc Yên (đỉnh Tà Xùa mà các bạn hay trekking thuộc xã này) nơi có đặc sản rượu Hang Chú với vị thơm, cay nồng mà chỉ thử một lần sẽ nhớ mãi không quên. Nấu rượu là nghề truyền thống từ bao đời nay và được khởi nguồn từ bản Pa Cư Sáng. Người dân trong bản truyền cho nhau công thức nấu rượu, sau đó nhân rộng sang một số bản khác trong xã. Với bà con, rượu là sản vật quý trong gia đình và được mang ra mời khách quý đến nhà chơi hoặc được dùng trong những dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào Mông vùng cao.

Măng trúc Háng Đồng

Măng trúc ở Háng Đồng thường được sử dụng làm măng ngâm ớt, nhưng nếu muốn thử các bạn có thể luộc rồi chấm muối vừng (Ảnh – cungphuot.info)

Khi tiết trời chuyển sang thu cũng là lúc những người dân vùng cao, xã Háng Đồng cùng nhau lên rừng hái măng trúc. Từ một món ăn dân dã hàng ngày của đồng bào dân tộc vùng cao, đến nay, măng trúc Háng Đồng đã trở thành đặc sản được nhiều người biết đến.

Chè Tà Xùa

Chè Tà Xùa là một trong những đặc sản vô cùng nổi tiếng (Ảnh – Tuan tran anh)

Chè Tà Xùa có mùi thơm đặc trưng, khi uống ban đầu cảm nhận có vị đắng, sau đó là vị ngọt thanh mà hiếm loại chè nào có được. Để chè ngon, giữ được hương vị đặc trưng, chè ở Tà Xùa được hái theo nguyên tắc 1 tôm 1 lá hoặc 1 tôm 2 lá, thời gian hái chè từ 5-9 giờ sáng, hoặc từ sau 15 giờ, hái chè vào những ngày trời mát, nhiều sương mù, sau khi hái phải sao chè càng sớm càng tốt.

Lịch trình đi phượt Tà Xùa

Đôi khi, việc săn được mây ở Tà Xùa cũng phụ thuộc khá nhiều vào “nhân phẩm” của team đi cùng (Ảnh – coai.bae)

Tùy vào thời điểm  trong năm, các bạn có thể kết hợp du lịch săn mây Tà Xùa với một số địa điểm khác như Mộc Châu hay khám phá các địa điểm hấp dẫn tại Sơn La

Hà Nội – Bắc Yên – Tà Xùa

Khu vực Sống lưng Khủng Long có khá nhiều hàng quán để nghỉ ngơi, ăn nhẹ (Ảnh – cungphuot.info)

Lịch trình này phù hợp với các bạn di chuyển bằng ô tô và có trẻ nhỏ bởi thời gian đi thong thả, không quá mệt. Nếu không có thời gian các bạn có thể cắt bớt chiều thứ 6, chỉ đi trong 2 ngày thứ 7 và chủ nhật.

Ngày 1: Hà Nội – Tà Xùa

Chiều thứ 6 các bạn xuất phát từ Hà Nội, với quãng đường chừng 200km thì thời gian di chuyển lên tới Tà Xùa sẽ mất chừng 5 tiếng. Các bạn cứ bám theo QL 32 qua cầu Trung Hà, đi Thanh Sơn – Tân Sơn, tới Thu Cúc thì rẽ trái đi Phù Yên. Thẳng tắp Phù Yên rồi Bắc Yên để tới Tà Xùa, chặng này là đường dốc nhưng cũng ngắn (chỉ khoảng 15 km), có một số đoạn cua hơi nguy hiểm. Nếu đi lần đầu thì các bạn cần chú ý, có thể tham khảo thêm trong bài viết kinh nghiệm đi xe máy trên đường phượt. Nếu xuất phát từ Hà Nội muộn, các bạn có thể ngủ tại Bắc Yên.

Lên đến Tà Xùa các bạn nhận phòng, cất đồ rồi nếu còn sớm thì lên Đỉnh Gió ngắm hoàng hôn và săn mây.

Ngày 2: Thảo nguyên Tà Xùa – Mỏm Cá Heo – Cây Cô Đơn

Sáng dậy sớm ăn sáng ngay trung tâm, xong rồi lang thang làm cốc cafe. Có quán cafe Thào ngay trung tâm xã với không gian ngoài trời tương đối thích. Nếu may mắn, các bạn sẽ uống cafe ngay dưới biển mây.

Gần trưa xuất phát đi thảo nguyên Tà Xùa, chỗ này có không gian vô cùng thích để cắm trại nên các bạn hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn trưa rồi lên đây dựng trại nhé. Chỗ này nếu trời khô ráo thì xe máy hay ô tô cũng phi được lên tận nơi, nếu đường trơn và lầy lội thì hơi khó chút thôi.

Đến khoảng đầu giờ chiều các bạn dọn trại, chạy qua mỏm cá heo và cây cô đơn ở thuỷ điện Suối Sập. Mấy địa điểm này nằm cùng trên một trục đường nên khá tiện.

Chiều quay trở lại trung tâm xã nghỉ ngơi, ăn tối.

Ngày 3: Sống Lưng Khủng Long – Pu Nhi Farm – Hà Nội

Sáng dậy ăn sáng rồi đi Sống lưng Khủng Long,  vào những ngày đẹp trời thì chỗ này săn mây thích lắm. Tới nơi các bạn gửi xe rồi trekking khoảng 1km đến điểm cuối cùng. Khu vực Sống lưng Khủng Long này có nhiều hàng quán bán đồ ăn nên có thể nghỉ ngơi ăn trưa ở đây.

Đầu giờ chiều, lên xe khởi hành ngược về Hà Nội. Trên đường đi, ngang qua Bắc Yên các bạn có thể chạy lên Pu Nhi Farm tham quan. Chỗ này nằm trên đồi cao, mát mẻ, view đẹp. Nếu không thích có thể chạy thẳng về Hà Nội.

Bắc Yên – Tà Xùa – Trạm Tấu

Lịch trình này phù hợp cho bạn nào thích chạy và khám phá, đi và về bằng 2 đường khác nhau (vẫn có đoạn giống nhau) và di chuyển bằng xe máy. Đoạn Trạm Tấu Bắc Yên đi sẽ hơi khó, đường sẽ xa hơn so với ở lịch trình trước. Đổi lại, các bạn có thể trải nghiệm chút offroad (nếu trời mưa thì cũng hơi căng), có thể ghé qua Nghĩa Lộ tắm suối nước nóng.

Ngày 1:  Hà Nội – Bắc Yên (Trạm Tấu)

Chiều tối thứ 6 xuất phát từ Hà Nội, nghỉ đêm tại Bắc Yên hoặc lên thẳng Tà Xùa nếu các bạn máu. Tối ngủ tại Bắc Yên (hoặc Tà Xùa)

Ngày 2: (Tà Xùa) Bắc Yên – Trạm Tấu – Nghĩa Lộ

Đường Bắc Yên – Trạm Tấu sẽ khá khó nhằn trong trường hợp mưa hay sạt lở (Ảnh – cungphuot.info)

– Sáng thứ 7 khởi hành săn mây, chụp choẹt  các điểm săn mây đẹp ở Tà Xùa. Có đủ đồ mang theo các bạn có thể dựng trại uống cafe, làm bữa đồ nướng trên núi.

 – Trưa thứ 7 từ Tà Xùa di chuyển theo hướng đi Trạm Tấu, về Trạm Tấu đi thẳng về Nghĩa Lộ, tối ngủ Nghĩa Lộ. Nếu có thời gian các bạn có thể dừng lại tắm suối nước nóng ở Trạm Tấu.

Ngày 3: Nghĩa Lộ – QL 32 – Thu Cúc – Hà Nội

– Sáng dậy thong thả ăn sáng uống cafe ở Nghĩa Lộ, có thể ghé chợ Mường Lò kiếm vài món đặc sản Yên Bái ở đây để ăn. Từ Nghĩa Lộ lại đi ngược theo QL 32, qua đèo Khế về Thu Cúc rồi quay ngược lại Hà Nội kết thúc tròn một hành trình.

– Nếu có thừa thời gian bạn cũng có thể vòng qua đèo Lũng Lô chơi rồi vẫn quay lại QL 32 để về Hà Nội. Con đèo này là vùng giáp ranh của 3 tỉnh Sơn La – Yên Bái – Phú Thọ

Bắc Yên – Tà Xùa – Mộc Châu

Ngày 1: Hà Nội – Bắc Yên – Tà Xùa

– Chiều hoặc tối thứ 7 xuất phát, nếu bạn có nhiều thời gian hơn có thể xuất phát sớm hơn. Từ Hà Nội xuất phát đi hướng Quốc lộ 32, đến Sơn Tây các bạn đi qua cầu Trung Hà rồi đi về hướng Thanh Sơn – Thu Cúc. Đến ngã 3 Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) sẽ có biển chỉ dẫn đi Phù Yên, các bạn đi theo hướng này qua Phù Yên là sẽ tới Bắc Yên.

– Nếu xuất phát sớm các bạn tiếp tục di chuyển Bắc Yên – Tà Xùa, nếu xuất phát từ Hà Nội muộn, các bạn có thể thuê khách sạn tại Bắc Yên để nghỉ ngơi.

Ngày 2: Tà Xùa – Bắc Yên – QL 37 – Phà Vạn Yên – Mộc Châu

– Sáng dậy sớm lên Tà Xùa săn mây, các bạn cứ thoải mái chơi bời chụp ảnh đến tầm trưa. Có thể mang theo đồ ăn uống làm một bữa picnic luôn tại các địa điểm dừng chụp ảnh

Hoàng hôn trên bến phà Vạn Yên (Ảnh – cungphuot.info)

– Ăn trưa rồi nghỉ ngơi xong các bạn quay lại đi ngược lại Bắc Yên (đường về Phù Yên hôm trước đi) nhưng đến đoạn ngã 3 của QL 37 và QL 43 (xã Gia Phù, Phù Yên) thì đi theo hướng QL 43 dọc theo sông rồi về bến phà Vạn Yên, qua phà lại tiếp tục bám theo QL 43 sẽ về tới Mộc Châu. Tối nghỉ ngơi tại Mộc Châu

Ngày 3: Mộc Châu – Hà Nội

 – Ngày này dậy sớm lên đồi chè, tranh thủ khám phá Mộc Châu rồi tầm trưa xuất phát về Hà Nội.

Một số lưu ý khi đi Tà Xùa

  • Chạy xe thật cẩn thận, nếu chưa có kinh nghiệm chú ý không đi buổi tối, không  chạy quá nhanh, không đi đoàn quá đông. Các bạn có thể tham khảo một vài chia sẻ trong bài Nếu bạn lần đầu đi phượt.
  • Check kỹ thời tiết trước chuyến đi để có thể có cơ hội cao nhất săn được mây, tốt nhất là liên hệ dân địa phương (chủ các homestay) trên đó để có thông tin chuẩn nhất.
  • Tà Xùa không có ATM, các bạn nên chuẩn bị lượng tiền mặt cần thiết đủ để sử dụng trước khi đến đây. Nếu muốn các bạn cũng có thể rút tiền tại trung tâm Bắc Yên trước khi lên Tà Xùa.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Tà Xùa 2024
  • du lịch Tà Xùa tháng 3
  • tháng 3 Tà Xùa có gì đẹp
  • review Tà Xùa
  • hướng dẫn đi Tà Xùa tự túc
  • ăn gì ở Tà Xùa
  • phượt Tà Xùa bằng xe máy
  • Tà Xùa ở đâu
  • đường đi tới Tà Xùa
  • chơi gì ở Tà Xùa
  • đi Tà Xùa mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Tà Xùa
  • homestay giá rẻ Tà Xùa
4.7/5 - (13 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Sơn La

SƠN LA

Vị trí Sơn La trên bản đồ Việt Nam

Nằm cách Hà Nội 320 km trên trục Quốc lộ 6 Hà Nội – Sơn La – Điện Biên, Sơn La là một tỉnh nằm sâu trong nội địa. Tỉnh này có 3 cửa khẩu với Lào là Chiềng Khương và cửa khẩu quốc tế Pa Háng,cửa khẩu quốc gia Nà Cài. Sơn La có độ cao trung bình 600 – 700m so với mặt biển.

Bạn có biết: Sơn La trước năm 1479 là lãnh thổ của vương quốc Bồn Man (gồm Tương Dương, Kỳ Sơn của Nghệ An, Quan Hoa, Quan Sơn, Mường Lát của Thanh Hóa, tỉnh Hủa Phan của Lào và phần lớn Sơn La

  • Diện tích: 14.174,4 km²
  • Dân số: 1.195.107 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 11 huyện
  • Mã điện thoại: 212
  • Biển số xe: 26