Kinh nghiệm du lịch Bái Đính

Kinh nghiệm du lịch Bái Đính (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Khu du lịch Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam, nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1700 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…vẫn đang được tiếp tục xây dựng và mở rộng.

Bái Đính hiện đang là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam (Ảnh – katsu_pham)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả katsu_pham, Pham Duc Ky, Tràng An Group, VEC, Tran Quang Thuy, Nguyễn Hồi Vũ, Bái Đính Hotel, Việt Hùng Nguyễn, Thieu Quang Minh, Chùa Bái Đính, instatebow, Doai Lucky, roman.masek, Chiến Nguyễn, Huy Hai, ad_bloom, manelcalleteixeira, tieu_panda, jessjamesjo, hanhinno và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính cổ (Ảnh – Pham Duc Ky)

Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An.

Năm 1136, khi thiền sư Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc để chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông, ngài đã phát hiện ra hang động trên núi Đính và chọn nơi đây để xây dựng tượng Phật, làm nơi tu hành.

Năm 968, Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế, ông đã lên núi Đính – ngọn núi linh thiêng này lập đàn tế trời để cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an và phong hầu bái tướng sĩ. Tiếp đó, Vua Quang Trung cũng đã về đây lập đàn tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh.

Quần thể chùa Bái Đính hiện nay gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư.

Nên du lịch Bái Đính vào thời gian nào?

Lễ rước kiệu từ điện Tam thế chùa mới sang Bái Đính cổ (Ảnh – Tràng An Group)

Là một khu du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng, các bạn có thể du lịch Bái Đính vào bất kỳ thời gian nào trong năm, miễn là phù hợp với kế hoạch cá nhân của bạn. Tuy nhiên, nếu muốn khám phá Bái Đính vào những khoảng thời gian hợp lý, các bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:

  • Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức từ chiều mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3 (âm lịch). Nếu đi Bái Đính vào thời điểm này khả năng rất cao là luôn đông đúc, hiếm có những khoảng không gian tĩnh lặng để vãn cảnh chùa.
  • Nếu kết hợp du lịch Tràng An, hãy lựa chọn những thời điểm thích hợp nhất để du lịch Tràng An luôn nhé.

Hướng dẫn đi tới Bái Đính

Hướng dẫn đi tới Ninh Bình

Đường bộ

Với đường cao tốc, từ Hà Nội đi Ninh Bình giờ chỉ mất khoảng 1h đồng hồ (Ảnh – VEC)

Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, có 9 quốc lộ (trong đó có 6 quốc lộ khởi đầu và 3 quốc lộ đi qua) dàn đều trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên phương tiện thuận lợi nhất để đến với Ninh Bình chính là thông qua hệ thống giao thông đường bộ.

Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Do Tp Ninh Bình cũng nằm ngay sát trên trục QL1A nên ngoài các tuyến xe này, các bạn có thể sử dụng bất cứ một tuyến xe nào khác từ Hà Nội đi vào các tỉnh miền Trung hay miền Nam (hãy lựa chọn các tuyến xe Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… vì các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục)

Xem thêm bài viết: Các tuyến xe khách đi Ninh Bình (Cập nhật 3/2024)

Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm Tp Ninh Bình, từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.

Đường sắt

Ga Ninh Bình hiện tại cũng đã được nâng cấp khá nhiều (Ảnh – Tran Quang Thuy)

Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.

Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22

Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.

Từ Ninh Bình tới Bái Đính

Từ cuối đường cao tốc Ninh Bình tới chùa Bái Đính còn khoảng hơn 20km, nếu đi đến Ninh Bình bằng phương tiện công cộng và có đông người các bạn có thể thuê một chuyến taxi để tới Bái Đính, đây là phương án khá hợp lý bởi chia đều ra thì số tiền taxi phải trả cho một người cũng không nhiều. Nếu đi ít người, hãy lựa chọn phương án thuê xe máy tại Ninh Bình rồi từ Tp Ninh Bình khám phá Bái Đính.

Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, sau khi ra khỏi đường cao tốc Ninh Bình, các bạn quay trở lại Tp Ninh Bình theo hướng đi Hà Nội, tới đường Tràng An đi theo hướng KDL Tràng An và Cố đô Hoa Lư, qua khỏi đây sẽ tới Bái Đính.

Đi lại tại chùa Bái Đính

Nếu không muốn đi bộ, các bạn có thể mua vé xe điện vào chùa (Ảnh – Nguyễn Hồi Vũ)

Từ cổng chùa Bái Đính vào đến trung tâm khoảng 3,5 km, các bạn có thể lựa chọn phương án đi bộ hoặc đi xe điện, xe chạy liên tục và vé được bán ngay tại bến xe.

Lưu trú tại Bái Đính

Ngoài khách sạn ngay trong khuôn viên chùa Bái Đính, còn khá nhiều homestay cũng như nhà nghỉ của người dân ở xung quanh chùa (Ảnh – Bái Đính Hotel)

Nếu chỉ đi Bái Đính trong ngày, chắc các bạn cũng không cần quan tâm tới các khách sạn hay nhà nghỉ tại Bái Đính làm gì. Tuy nhiên, với những bạn muốn đi thăm thú nhiều nơi ở Ninh Bình mà Bái Đính chỉ là một trong những điểm đến thì có thể sẽ quan tâm tới việc lưu trú ở đây.

Ngay trong chùa Bái Đính hiện tại có một khách sạn của Công ty Tràng An, có thể coi như một khu resort nhỏ trong khuôn viên chùa. Khách sạn có các loại phòng từ bình thường cho đến phòng cao cấp với giá cả tương đối cao. Nếu muốn một giải pháp tiết kiệm hơn, các bạn có thể nghỉ ở một số khách sạn hay homestay của người dân ngay phía bên ngoài chùa.

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ tại chùa Bái Đính (Cập nhật 3/2024)

Các địa điểm tham quan trong chùa Bái Đính

Khu chùa Bái Đính mới

Tam quan ngoại

Tam quan ngoại (Ảnh – Việt Hùng Nguyễn)

Chùa Bái Đính có 3 tam quan ngoại được xây dựng cao rộng, biểu tượng cho 3 cửa để vào chùa. Mỗi tam quan ngoại có 3 cửa, được dựng bằng bê tông cốt thép và ốp đá bên ngoài, có bốn mái cong nhỏ lợp đá ở phía trên.

Tam quan nội

Tam Quan Nội (Ảnh – Thieu Quang Minh)

Tam quan nội được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ Tứ Thiết, cao 16,5m, dài 32m, rộng 13,5m. Tam quan nội có 4 cột cái, mỗi cột cao 13,85m, đường kính 0,87m và nặng khoảng 10 tấn. Tam quan nội có 3 tầng mái uống cong ở bốn phía, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Trong tam quan đặt 2 tượng hộ pháp bằng đồng, mỗi tượng cao 5,5m và nặng 12 tấn.

Hành lang La Hán

Hành lang La Hán (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Hành lang La Hán được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, các vì kèo mái được kết cấu kiểu giá chiêng chồng giường con nhị, gồm 2 dãy, dài 3.400m với 250 gian, mỗi gian có kích thước 4,5m x 4,5m. Dọc hai hành lang tả, hữu đặt 500 pho tượng La Hán tạc bằng đá nguyên khối, do các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (Hoa Lư – Ninh Bình) chế tác. Mỗi tượng cao từ 2-2,5m, nặng khoảng 2-2,5 tấn. Mỗi pho tượng bộc lộ một hình dáng, thần thái khác nhau, thể hiện triết lý Đạo giáo với những hỷ, nộ, ái, ố trong đời sống thường nhật của con người. Hành lang La Hán đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác nhận là: “Hành lang 500 vị La Hán dài nhất”.

Tháp chuông

Tháp Chuông lúc lên đèn (Ảnh – instatebow)

Tháp chuông được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, kiến trúc kiểu tháp chuông cổ, hình bát giác, có 3 tầng mái cong, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Tháp chuông cao 22m, đường kính 17m, mang dáng dấp của bông sen.

Bên trong tháp chuông treo quả chuông đồng nặng 36 tấn, do các nghệ nhân ở Huế đúc. Quả chuông đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt cấp bằng Xác nhận kỷ lục: “Đại hồng chuông lớn nhất Việt Nam”. Phía dưới chuông đồng có đặt chiếc trống đồng đúc theo mẫu trống đồng Đông Sơn, trọng lượng 13 tấn, đường kính hơn 6m, chiều cao gần 7m.

Điện Phật Bà

Điện Phật Bà (Ảnh – Doai Lucky)

Điện Quan Thế Âm Bồ Tát được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết, gồm 7 gian, cao 14,8m, dài 40,4m, rộng 16,8m. Gian giữa của điện đặt tượng Chuẩn Đề Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đúc bằng đồng dát vàng, nặng 80 tấn, cao 9,57m. Pho tượng đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận là: “Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.

Hồ phóng sinh

Hồ phóng sinh (Ảnh – roman.masek)

Hồ Phóng Sinh có chiều ngang 63m, chiều dài 77m, diện tích gần 5000m2. Trong Hồ trồng Sen. Hoa Sen là biểu tượng cho Đức Phật và cõi Niết Bàn. Hồ ở dưới thấp là âm, chùa trên cao là dương. Do đó, Hồ Phóng Sinh tạo ra âm dương điều hòa, cảnh “tiền thủy hậu sơn” tuyệt đẹp.

Điện pháp chủ

Bên ngoài Điện Pháp Chủ (Ảnh – Chiến Nguyễn)

Điện pháp chủ chùa Bái Đính thờ Phật Tổ xây dựng toàn bằng bê tông cốt thép giả gỗ rất đồ sộ, hoành tráng, cao đến nóc gần 30m, dài 44,7m, rộng 43,3m, có diện tích 1.945m , gồm 2 tầng mái cong, có 8 mái ở bốn phía và một hàng cổ lâu để nâng độ cao, lấy ánh sáng và thông khí, bờ đao cao tới l,3m, mái đao cao 2,6m, riêng mặt nguyệt ở đỉnh mái cao đến 4,4m, đầu kìm cao 3,3m.

Trong điện pháp chủ chùa Bái Đính thờ Phật Tổ có ba cửa võng, ba bức hoành phi và các câu đối thúc đổng (câu đối bằng đồng thúc chữ và hoạ tiết) đều ca ngợi công đức của Phật và cảnh đẹp của chùa. Đó là những sản phẩm của trí tuệ con người, cũng là di sản văn hoá Phật giáo, văn hoá dân tộc của nước ta: Các câu đối này cũng dài và rộng lớn nhất Việt Nam.

Điện Pháp Chủ có 5 gian, gian giữa đặt pho t­ượng Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen cao 10 m, nặng 100 tấn. Được xác nhận kỷ lục ”Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam”

Điện tam thế

Điện Tam Thế (Ảnh – Huy Hai)

Toà Tam Thế cũng xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, có 3 tầng mái uốn cong, gồm 12 mái ở bốn phía. Tất cả các mái được uốn cong, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Các góc của mái đều có mái đao cong lên như hình đuôi chim phượng làm cho mái uốn lượn, uyển chuyển, hài hoà như sóng nước thuỷ triều, như con thuyền trôi trên nước, như hai cánh chim đang dang rộng để bay lên. Trong điện Tam Thế đặt 3 pho t­ượng Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại và tương lai) bằng đồng cao 7.2 m, nặng 50 tấn. Được xác nhận kỷ lục: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.

Từ sân, có hai lối lên toà Tam Thế chùa Bái Đính, mỗi lối rộng 8m, gồm 32 bậc đá theo độ cao từ sân lên đến hiên là 4m. Giữa hai lối lên còn làm một phù điêu đá hình vuông mỗi chiều 10m, có diện tích 100m2 được ghép bằng nhiều phiến đá có độ dày 0,2m. Bốn góc của phù điêu đá, phía trên chạm khắc hai con phượng chầu, phía dưới bên phải chạm khắc con rùa, bên trái chạm khắc con ly, ở giữa là hình mặt nguyệt rộng bên trong chạm khắc con rồng uốn lượn. Bức phù điêu đá lớn này chạm khắc tứ linh.

Vườn Bồ Đề

Vườn Bồ Đề trước cửa Điện Tam Thế (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Bái Đính là ngôi chùa có nhiều cây Bồ đề nhất Việt Nam. Ngày 17/5/2008, nhân ngày Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Việt Nam 100 cây bồ đề triết từ gốc bồ đề Ấn Độ đã được các nhà lãnh đạo Việt Nam và thế giới trồng trong khuôn viên chùa.

Nhà bia

Mỗi tấm bia được gắn trên lưng một con rùa đá (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Nhà bia gồm 55 gian, chủ yếu ghi tên những người tiến cúng xây dựng chùa Bái Đính. Phía tây, đông và nam mỗi bên là 18 gian, mỗi gian để một tấm bia đá trên lưng con rùa đá. Mỗi bia đặt trên lưng rùa cao 2,9m, rộng 1,45m, dày 0,40m. Con rùa đá dài 2,95m, chiều ngang của thân rộng 1,70m, dày 0,97m. Bia đá ở gian giữa đặt trên bệ rồng cao nhất, cao 6,9m (tính cả bệ), rộng 3,5m, dày 0,6m.

Tượng Phật Di Lặc

Tượng Phật Di Lặc (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Tượng Phật Di Lặc đặt trên đỉnh đồi cao nhất trong khu chùa, cao khoảng 100m so với sân chùa. Đó là Phật Vị Lai, đúc bằng đồng ở tư thế hóa thân thành Hòa thượng đi hành khất. Tượng cao hơn 10m, nặng 80 tấn.

Bảo tháp Chùa Bái Đính

Bảo tháp trong chùa lúc ban ngày và ban đêm (Ảnh – ad_bloom & manelcalleteixeira)

Với chiều cao 100 m, 13 tầng, có thang máy và 72 bậc leo, tòa bảo tháp tại chùa Bái Đính là nơi trưng bày xá lợi Phật từ Ấn Độ.

Chùa Bái Đính cổ

Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía nam. Khu chùa này quay hướng chính tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.

Hang Sáng – Động Tối

Hang Sáng thờ Phật (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên. Phía trên cửa hang sáng có 4 chữ đại tự “Minh Đỉnh Danh Lam” khắc trên đá do Lê Thánh Tông ban tặng có nghĩa là: “Lưu danh thơm cảnh đẹp”. Khi lên vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính, vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ tứ tuỵêt chữ Hán được dịch như sau:

Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.

và Động Tối thờ Mẫu (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối hang sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Nếu đi tiếp xuống các bậc đá sẽ đến đền thờ thần Cao Sơn. Quay trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới động Tối. Động Tối lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống. Các vị Tiên được thờ ở nhiều ngách trong động.

Đền thờ thánh Nguyễn

Đền thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được vua phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không 4 km. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền thánh Nguyễn nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.

Quốc sư Nguyễn Minh Không là con người mang ánh xạ của thời đại nhà Lý. Ông đã học hỏi, sưu tầm những kiến thức y học dân gian, hàng ngày tìm thuốc trong vườn Sinh Dược mà trở thành danh y, chữa bệnh lạ cho Vua, sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng. Ông khó công tầm sư học đạo, để từ một nhà sư ở từ phủ Tràng An ra kinh thành làm Quốc sư, đứng đầu hàng tăng ni trong nước, danh vọng và đạo pháp đạt đến đỉnh cao. Hành trạng của ông thể hiện nên cái không khí của Phật giáo thời Lý thần bí, kỳ dị, đầy rẫy sự hoang đường nhưng đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phục hưng và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam về nhiều mặt: triết lý, văn học, kiến trúc, mỹ thuật, kỹ nghệ… làm nền tảng cho sự phát triển của văn hoá Việt sau này.

Đền thờ thần Cao Sơn

Đền thờ thần Cao Sơn (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Đi hết hang sáng có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây sưa là đền thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Đinh Bộ Lĩnh từ thuở còn hàn vi đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động. Khi xây dựng kinh đô Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng Đế cũng cho xây dựng 3 ngôi đền để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành mà dân gian gọi là Hoa Lư tứ trấn Theo đó, thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần Quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam và thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được tu tạo có kiến trúc gần giống với đền Thánh Nguyễn, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Đền thờ chính của thần ở Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình). Vị thần này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục, sau cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía Nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn.

Theo như thần phả của đền núi Hầu (xã Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng ở hành cung Vũ Lâm, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư.

Giếng ngọc

Giếng Ngọ xây hình bán nguyệt (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Giếng ngọc của chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Tương truyền đây là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy n­ước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông. Giếng xây lại hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của n­ước là 6 m, không bao giờ cạn n­ước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác.

Ăn gì khi du lịch Bái Đính

Thịt dê Ninh Bình

Thịt dê núi Ninh Bình (Ảnh – tieu_panda)

Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy Ninh Bình, đặc sản nổi tiếng cùng thịt dê (Ảnh – jessjamesjo)

Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.

Xem thêm bài viết: Các món ăn ngon ở Ninh Bình (Cập nhật 3/2024)

Một số lịch trình du lịch Bái Đính

Chùa Bái Đính là một điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng ở Ninh Bình (Ảnh – hanhinno)

Hà Nội – Tràng An – Bái Đính – Hoa Lư (1 ngày)

Sáng từ Hà Nội khởi hành đi Ninh Bình, nếu đi theo đường cao tốc thì chỉ chừng hơn 1 tiếng là bạn có mặt ở Tp Ninh Bình. Từ đây bắt đầu đi tới khu du lịch Tràng An.

Khoảng 9h bắt đầu đi khám phá Tràng An bằng thuyền, tùy thuộc lịch trình mà các bạn mất khoảng 2-3 tiếng để khám phá hết nơi này. Sau khi rời Tràng An, đến khu di tích Cố đô Hoa Lư, tham quan khu đền vua Đinh, vua Lê. Nghỉ ngơi ăn trưa tại một nhà hàng nào đó.

Chiều đi thăm chùa Bái Đính, đây là quần thể chùa rất nổi tiếng ở Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác nhận. Kết thúc hành trình các bạn trở lại về Hà Nội

Hà Nội – Cúc Phương – Bái Đính – Tràng An – Vân Long (3 ngày 2 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Cúc Phương

Sáng khởi hành từ Hà Nội, khoảng 3 tiếng sẽ xuống đến cổng vườn quốc gia Cúc Phương, ăn trưa tại Cúc Phương. Tham quan rừng Cúc Phương, Cây Trò ngàn năm, các địa danh dọc theo chặng đường từ cửa rừng vào trong.

Tối ngủ một đêm tại Cúc Phương

Ngày 2: Cúc Phương – Bái Đính – Hoa Lư – Tràng An

Buổi sáng trả phòng, ăn sáng rồi từ Cúc Phương khởi hành đi chùa Bái Đính, ngôi chùa có quy mô hoành tráng và lớn bậc nhất. Từ Bái Đính tiếp tục di chuyển đi đến cố đô Hoa Lư. Sau khi thăm đền vua Đinh, vua Lê và khám phá cố đô, các bạn nghỉ ngơi ăn trưa rồi tiếp tục di chuyển đến khu du lịch Tràng An. Lựa chọn một trong 2 tuyến di chuyển ở đây, chiều về Tp Ninh Bình Nghỉ Ngơi

Ăn tối và ngủ đêm tại Tp Ninh Bình

Ngày 3: Ninh Bình – Vân Long – Kênh Gà – Hà Nội

Buổi sáng dậy trả phòng, từ Tp Ninh Bình đi đầm Vân Long. Đây cũng là một trong những nơi thực hiện các cảnh quay của Kong : Skull Island. Trưa từ Vân Long về thẳng khu suối nướng nóng Kênh Gà ăn uống, nghỉ ngơi và tắm suối nước nóng.

Chiều khởi hành về Hà Nội.

Hà Nội – Nhà thờ Phát Diệm – Tràng An – Bái Đính (2 ngày 1 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Phát Diệm – Động Thiên Hà

Từ Hà Nội khởi hành đi thẳng nhà thờ đá Phát Diệm. Đây là một quần thể nhà thờ công giáo với kiến trúc độc đáo và đặc sắc, được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ trong một thời gian dài từ 1875 đến 1899.

Nghỉ ngơi ăn trưa. Chiều từ Phát Diệm đi tham quan Động Thiên Hà. Tuy động không lớn nhưng do nằm ngay trong dải núi Tướng, vốn là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh thành Hoa Lư thế kỷ 10, nên động Thiên Hà được nhiều du khách tìm đến để hiểu thêm về vùng đất cố đô.

Chiều tối quay lại Tp Ninh Bình, thuê khách sạn tại Tp Ninh Bình để nghỉ ngơi, tối nhớ thưởng thức các đặc sản của Ninh Bình

Ngày 2: Tràng An – Hoa Lư – Bái Đính – Hà Nội

Từ Tp Ninh Bình di chuyển tới khu du lịch Tràng An, chọn 1 trong 2 tuyến khám phá Tràng An để đi. Sau khi kết thúc hành trình ở đây thì tiếp tục đi tới cố đô Hoa Lư thăm đền vua Đinh, vua Lê

Trước khi trở lại Hà Nội, các bạn nhớ ghé thăm chùa Bái Đính, một ngôi chùa mới được xây dựng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch bái đính 2024
  • du lịch bái đính tháng 3
  • tháng 3 bái đính có gì đẹp
  • review bái đính
  • hướng dẫn đi bái đính tự túc
  • ăn gì ở bái đính
  • phượt bái đính bằng xe máy
  • bái đính ở đâu
  • đường đi tới bái đính
  • chơi gì ở bái đính
  • đi bái đính mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp bái đính
  • homestay giá rẻ bái đính
5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Ninh Bình

NINH BÌNH

Vị trí Ninh Bình trên bản đồ Việt Nam

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc Việt Nam, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 – 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Tiền Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Ninh Bình hiện là một trung tâm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng.

Bạn có biết: Vùng đất Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh – Lê – Lý.

  • Diện tích: 1.378,1 km²
  • Dân số: 927.000 người
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 6 huyện.
  • Mã điện thoại: 229
  • Biển số xe: 35