Các món ăn ngon ở Ninh Bình

Các món ăn ngon ở Ninh Bình (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Ninh Bình là một trong những tỉnh nằm ở vùng duyên hải thuộc châu thổ sông Hồng, có những nét đặc thù riêng của nền văn minh lúa nước, của văn hoá sông Hồng, trong đó có văn hoá ẩm thực. Và ở mỗi vùng miền trên dải đất này lại có những món đặc sản riêng không chỉ hợp khẩu vị với người dân sở tại mà còn làm cho nhiều du khách cả trong nước và quốc tế đến đây thích thú, say lòng. Cùng điểm qua các món ăn ngon ở Ninh Bình mà nhất định các bạn phải thử nếu có dịp du lịch đến vùng đất này, đừng bỏ lỡ bất kỳ món nào bởi mỗi món lại có những dư vị riêng mà chắc chắn bạn sẽ mãi nhớ.

Ngoài việc có nhiều thắng cảnh đẹp, Ninh Bình còn có một nền ẩm thực đa dạng và phong phú với nhiều món ăn ngon (Ảnh – hoalthuong)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả hoalthuong, Mai Đại Linh, jessjamesjo, Lê Văn Cửu, phuong.thao183, Đàm Lê, Anh Ngoc, Hà Anh Nguyễn, habe0809, Boo Lee, Nguyễn Lê Huyền Trang, carrot101, Đới Công Lại, FB Mắm tép Gia Viễn, leho.94, Thu Phương, Phùng Trang và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy, đặc sản nổi tiếng cùng với thịt dê ở Ninh Bình (Ảnh – Mai Đại Linh)

Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.

Thịt dê núi Ninh Bình

Thịt dê núi tái chanh (Ảnh – jessjamesjo)

Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Gỏi cá nhệch Kim Sơn (Ảnh – Lê Văn Cửu)

Cứ vào cữ mưa ngâu độ 2 tháng là mùa đi bắt cá nhệch. Cá nhệch cùng họ với lươn nhưng nhệch sống ở nơi nước hơi mặn (nhệch củ) và sống ở nước lợ (nhệch khét). Nhệch củ to ngang, nhệch khét dài. Cá nhệch giống lươn về độ dài, nhưng bề ngang lại giống cá chình. Cá nhệch có con dài hàng mét, con nhỏ 3 – 4 lạng, con to nặng tới cả kilôgam. Cá nhệch trơn và dữ tợn, nên đánh bắt không dễ dàng.

Gỏi nhệch ở đây được ăn kèm nhiều loại rau, gia vị như lá sung, lá ổi, lá đinh lăng, lá lộc vừng, lá mơ, khế chua, lá vọng cách. Người ta quấn các loại lá ấy thành một chiếc phễu, cho thịt nhệch vào, quết nước chẻo lên, thêm vài hạt muối trắng, vài lát hành khô và có thể thêm lát ớt tươi rồi gói lại.

Ốc núi Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình thơm ngon, thịt dai và ngọt (Ảnh – Trung Trần)

Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.

Gà ri Cúc Phương

Gà ri nướng, ngay trong một số quán ăn dọc đường rừng (Ảnh – phuong.thao183)

Gà ri Cúc Phương từ lâu đã trở thành loài vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình), loài gà này được nuôi ở vùng rừng núi Cúc Phương, với khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp nên thịt thơm và ngon, rất được ưa thích.

Gà ri Cúc Phương từ lâu đã trở thành loài vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình), loài gà này được nuôi ở vùng rừng núi Cúc Phương, với khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp nên thịt thơm và ngon, rất được ưa thích.

Cá rô Tổng Trường

Cá rô tổng trường trong bữa ăn gia đình hàng ngày (Ảnh – Đàm Lê)

Cá rô Tổng Trường là loại cá rô sống ở môi trường hang động ngập nước vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Gọi là cá rô Tổng Trường vì loài cá này được phát hiện thấy ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, nay là quần thể di sản thế giới Tràng An ở huyện Hoa Lư. Cá rô Tổng Trường có thịt rắn, vàng, thơm và có thể chế biến thành nhiều món ăn như: rang, rán, nấu canh chua cá rô hoặc kho khô.

Dứa Đồng Giao

Trái dứa Đồng Giao khi thu hoạch (Ảnh – Anh Ngoc)

Dứa Đồng Giao là thương hiệu nông sản của vùng đất Tam Điệp, Ninh Bình. Quả dứa Đồng Giao có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Dứa Đồng Giao cùng với cá rô Tổng Trường, dê núi và cơm cháy Ninh Bình được coi là những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình.

Bún mọc Tố Như

Mọc Kim Sơn khiến bát bún trở nên đặc biệt (Ảnh – Hà Anh Nguyễn)

Cũng như tên gọi, bún mọc Tố Như (bún mọc Kim Sơn) gồm có bún, mọc, nước dùng và thứ ăn kèm (rau sống) của nhà hàng Tố Như. Để có được bát bún ngon, người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc sao cho khi chế biến sợi bún trắng, dẻo, săn tròn. Việc làm mọc còn cầu kỳ hơn. Thịt phải là thịt bắp, lọc hết gân mỡ ra mới cho xay giã, ướ gia vị, viên thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước sôi, sau 7 đến 10 phút, viên mọc đã nổi lên trên mặt nước trắng hồng, trong suốt, một mùi thơm ngọt lan nhẹ xung quanh.

Xôi trứng kiến Nho Quan

Xôi trứng kiến (Ảnh – habe0809)

Xôi là một món ăn phổ biến với người Việt, nhưng không phải ai cũng biết đến đặc sản xôi trứng kiến quý hiếm, độc đáo của vùng Nho Quan (Ninh Bình).

Với địa hình núi đá vôi lởm chởm, Nho Quan thường có rất nhiều loại kiến nâu làm tổ trên ngọn cây (có nơi gọi là kiến ngạt, kiến cong trôn). Loài này cho các loại trứng béo ngậy và nhiều đạm. Người dân đã sử dụng nguyên liệu này một cách khéo léo để sáng tạo ra món xôi trứng kiến vừa ngon lạ, vừa rất giàu dinh dưỡng.

Trứng kiến sau khi mang về sẽ được cho vào nước ấm đãi thật sạch, để ráo, ướp bột canh rồi đem phi với hành khô và mỡ gà cho đến lúc vừa chín tới và dậy hương thơm béo ngậy. Sau đó, trứng kiến được gói vào trong lá chuối ngự đã hơ chín rồi đặt vào trong chõ xôi.

Khi thấy xôi dậy hương thơm thoang thoảng thì bắc ra, mở gói trứng kiến vàng óng màu hổ phách rắc đều lên trên, dùng đũa xới nhẹ cho thật đều và đơm lên đĩa ăn nóng.

Cá chuối nướng Vân Long

Cá chuối nướng trên than hồng (Ảnh – Boo Lee)

Là đặc sản quý của đầm Vân Long, được phát hiện đầu tiên ở hang Cá. Cá chuối Vân Long có thân hình to, tròn, sống trong các hang động ngập nước nên có hình dáng đặc trưng. Món cá chuối nướng Vân Long là một đặc sắc ẩm thực của vùng đất phía bắc Gia Viễn.

Miến lươn Ninh Bình

Miến lươn Ninh Bình (Ảnh – Nguyễn Lê Huyền Trang)

Cũng chỉ làm từ miến và lươn nhưng miến lươn gia truyền ở Ninh Bình lại ngon nổi bật, khác biệt với những vùng miền khác bởi nước dùng làm từ xương lươn nên khi ăn cảm nhận rõ vị đậm đà, nước dùng có màu đục là do hầm từ sương lươn rất kỹ nên có cả thịt lươn trong đó. Thịt lươn lại được rim theo công thức riêng nên khi ăn thấy lươn thơm, béo ngọt mà không hề có mùi tanh.

Bí quyết làm nên thương hiệu riêng cho miến lươn Ninh Bình lại nằm ở nồi nước dùng. Nước dùng muốn ngon phải được nấu từ chính xương lươn, sau khi lọc thịt, xương lươn không vứt bỏ mà cho vào nồi nước dùng, ninh cùng xương ống thật lâu, vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong cũng như vị béo tự nhiên. Cũng nhờ vậy, khi bát lươn được bưng ra thấy nước dùng màu nâu đậm, đặc sánh vô cùng ngon mắt, đậm miệng.

Cá kho gáo

Cá kho gáo (Ảnh – carrot101)

Cá kho gáo vốn là một trong những món ăn dân dã của người vùng đất Ninh Bình, đây cũng là món ăn ngon khó cưỡng khi tới vùng đất cố đô. Nghe qua cái tên cá kho gáo nhiều người lại lầm tưởng là cá kho bằng gáo, nhưng thực chất món cá kho gáo ở đây là kho cá với quả gáo. Gáo là một loại cây tầm nổi thường mọc ở khe suối hoặc chân đồi.

Quả gáo có vị chua, hơi ngọt mát và có mùi thơm nên thường được dùng để nấu các món canh chua thay me, sấu tuy nhiên ngon hơn cả là món cá kho gáo – món ăn trở thành đặc sản Ninh Bình mỗi khi nhắc tới món ngon đất cố đô Hoa Lư.

Đặc sản Ninh Bình mua về làm quà

Ngoài những món ăn ngon ở Ninh Bình mà các bạn có thể thưởng thức trong suốt hành trình khám phá mảnh đất cố đô, Ninh Bình còn có rất nhiều đặc sản mà các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Nem chua Yên Mạc

Nem chua Yên Mạc (Ảnh – Đới Công Lại)

Nem chua Yên Mạc là đặc sản của Ninh Bình, do con gái của quan Thượng thư Phạm Thận Duật là Phạm Thị Thư sáng tạo nên dựa trên món nem chua cung đình Huế triều Nguyễn. Ăn nem chua Yên Mạc ngon nhất là ăn kèm với các loại lá sung, lá mơ, lá đinh lăng. Tất cả tạo nên một vị tổng hòa thật đặc biệt, rất đắm thắm vị quê hương. Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra vẫn rời, tơi, có màu hồng của thịt lợn.

Mắm tép Gia Viễn

Ảnh – FB Mắm tép Gia Viễn

Mắm tép Gia Viễn Ninh Bình cũng giống như mắm tép ở các vùng khác với nguyên liệu chủ yếu là làm từ những con tép riu còn tươi, có hình dáng nhỏ, thân tròn màu xanh lam hoặc màu đỏ và ngon nhất vẫn là tép ở sông Hoàng Long. Sản phẩm mắm tép Gia Viễn có màu đỏ tươi đẹp mắt, lại có mùi thơm và vị mặn ngọt đặc trưng mắm tép. Mắm tép Gia Viễn có độ sánh vừa phải, không quá lỏng, vị mặn ngọt hòa quyện vừa ăn, kích thích vị giác, đã thử một lần khó mà quên được.

Rượu cần Nho Quan

Ít người biết rằng món rượu cần cũng có ở ngay mảnh đất Ninh Bình (Ảnh – leho.94)

Rượu cần Nho Quan là loại rượu không qua chưng cất lửa. Người ta dùng gạo nếp xay (gạo lứt) nấu thành cơm trộn đều với men đem ủ vào trong ang hoặc vò sành từ 3 tháng trở lên mới đem ra uống.

Khi sắp uống, đem đổ nước vào ang. Nước đầu bao giờ cũng ngon và ngọt, đổ nước tiếp, rượu sẽ nhạt dần. Uống rượu cần không dùng chén, mà phải có các cần rượu làm bằng thân các cây trúc được thông rỗng bên trong cắm vào ang rượu.

Rượu cần ngon hay không là do men làm có chất lượng không. Men rượu phải là vỏ cây mun cùng với củ giềng, củ gừng, lá ổi xanh theo tỷ lệ nhất định, đem giã vắt lấy nước rồi trộn với bột gạo nếp. Sau đó nặn thành bánh tròn bằng quả ổi nhỏ ủ vào trấu cho phồng lên, để khô khoảng 10 ngày mới dùng được.

Rượu nếp Kim Sơn

Thấy bảo món gỏi cá nhệch phải uống kèm với rượu này mới đúng chất (Ảnh – Thu Phương)

Rượu Kim Sơn là rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân các làng nghề tại Kim Sơn. Rượu thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Trước đây, rượu được đựng trong các vò đất và nút lá chuối khô, khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu. Cùng với những người Kim Sơn di cư, rượu Kim Sơn đã đi đến nhiều vùng của Việt Nam. Ngày nay rượu Kim Sơn đã được đóng chai và bán trên thị trường.

Khoai Hoàng Long

Khoai Hoàng Long mềm ngọt và thơm (Ảnh – Phùng Trang)

Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản của tỉnh Ninh Bình nói chung và vùng Nho Quan – Gia Viễn vốn nằm bên sông Hoàng Long nói riêng. Khoai Hoàng Long có thịt củ bở, màu vàng nhạt, bùi, ngọt và có mùi thơm đặc trưng.

Tìm trên Google

  • các món ăn ngon ở ninh bình
  • ăn gì khi du lịch ninh bình
  • danh sách quán ăn ngon ninh bình 2024
  • ẩm thực ninh bình
  • đặc sản ninh bình mua về làm quà

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 35 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Ninh Bình

NINH BÌNH

Vị trí Ninh Bình trên bản đồ Việt Nam

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc Việt Nam, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 – 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Tiền Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Ninh Bình hiện là một trung tâm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng.

Bạn có biết: Vùng đất Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh – Lê – Lý.

  • Diện tích: 1.378,1 km²
  • Dân số: 927.000 người
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 6 huyện.
  • Mã điện thoại: 229
  • Biển số xe: 35