Các món ăn ngon ở Hà Tĩnh

Các món ăn ngon ở Hà Tĩnh (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Hà Tĩnh, mảnh đất miền trung với thiên nhiên đầy khắc nghiệt nhưng lại là một trong những vùng đất giàu truyền thống, lịch sử văn hóa nhất của dải đất này. Đến với du lịch Hà Tĩnh du khách có thể khám phá các sản phẩm du lịch đa dạng của địa phương, từ du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lich tâm linh. Tuy nhiên, liệu trong số hàng vạn du khách đến đây, có bao nhiêu người có thể nhớ được các món ăn ngon ở Hà Tĩnh hay đơn giản chỉ là những đặc sản Hà Tĩnh để mua về làm quà sau mỗi chuyến đi.

Ảnh – thienthancutduoi

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả thienthancutduoiquynhthoooo, meo.ltg, xuanhong0702, tieuhotien, lethanhnga1202, h_u_y_e_n2411, Bảo Hòa Lê, Cuong Phan, yeens94, hphuonggg11, Thu Hương, Đức Hùng, Đặng Phương, petitered_sg, diepcun, hai.candie, Báo Hà Tĩnh nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Hải sản Hà Tĩnh

Với ngư trường chính ở vùng rộng, ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt trong ngày nên hải sản đều rất tươi ngon. Hải sản sau khi được mang lên bờ, những loài còn sống như: cua, ghẹ, tôm, tôm tít… sẽ được các nhà hàng thả vào bể nước, còn những loài khác sẽ chuyển cấp đông và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn.

Mực nhảy Vũng Áng

Mực nhảy Vũng Áng, món đặc sản Hà Tĩnh rất nổi tiếng (Ảnh – quynhthoooo)

Một trong những đặc sản của Hà Tĩnh, chính là mực nhảy Vũng Áng. Mực nhảy được ngư dân dân đánh bắt từ biển rất tươi ngon và được nuôi trong những lồng nước ngọt, du khách có thể chọn và mua, sau đó nhờ chế biến ngay tại sạp với thực đơn đa dạng và phong phú.

Cá trích nướng

Cá trích nướng (Ảnh – meo.ltg)

Đi dọc cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà), bất kể mùa nắng hay mùa mưa, ta vẫn nghe thơm lừng mùi cá trích nướng lẫn trong mùi khói than hồng, ngào ngạt. Những rổ cá còn tươi ròng, đầy ắp hương vị mặn mòi của biển đã níu chân bao người phương xa.

Với người dân nơi đây, cá trích không phải là sơn hào hải vị quá xa xỉ, thậm chí còn được xem là món ăn bình dân nhất so với những loại cá, tôm biển. Thế nhưng, bất kỳ ai, khi nếm thử một con cá trích tươi vừa được nướng chín còn bốc hơi nóng hổi đều cảm nhận được sự quyến luyến không rời.

Gỏi cá đục

Gỏi cá đục (Ảnh – xuanhong0702)

Cá đục dài khoảng 13-18cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tư­ơng tự loài cá bống nư­ớc ngọt. Cá đục có thể chế biến đ­ược rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu nh­ư mùa nào cũng có.

Gỏi cá đục chế biến khá công phu và phải làm đúng cách ăn mới ngon. Cá đục còn tư­ơi, tách đôi, bỏ x­ương ngâm với chanh vắt chừng 15 phút. Sau đó vớt ra, vắt khô, để ráo. Mu dừa nạo nhỏ, trộn đều với cá. Lạc rang đâm mịn trộn với nư­ớc cá, n­ước dừa dùng làm n­ước lèo. Một gia vị nữa không thể thiếu là ớt t­ươi và tỏi. Ớt và tỏi giã nhỏ, trộn vào n­ước lèo, vừa ăn vừa xuýt xoa mới tuyệt!

Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non.., cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng, khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nư­ớc lèo. Khi ăn gỏi cá đục, bạn sẽ cảm nhận đ­ược vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.

Bánh mướt cuốn ram

Ram bánh mướt, đặc sản Hà Tĩnh phải thử (Ảnh – tieuhotien)

Bánh mướt cuốn ram (bánh cuốn nem rán) là món ăn sáng dân dã, đặc trưng của người dân Hà Tĩnh. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ ngâm trong nước nhiều giờ sau đó đem nghiền thành bột rồi tráng mỏng bằng tay. Nguyên liệu làm món ram cầu kỳ hơn, gồm thịt, miến, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành… cuộn chặt trong lá bánh mỏng rồi rán giòn. Ram nóng quấn trong lá bánh mướt mỏng tang ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt mang đến hương vị khó cưỡng.

Bánh bèo Hà Tĩnh

Bánh bèo Hà Tĩnh (Ảnh – lethanhnga1202)

Khác với bánh bèo của Huế, bánh bèo Hà Tĩnh được làm từ bột lọc (bột sắn), nhân bánh làm từ tôm non bóc vỏ hoặc thịt nạc trộn với mộc nhĩ được xào lên. Bánh bèo Hà Tĩnh thưởng thức theo hai cách: bánh bèo chan nước mắn pha, rắc thêm hành khô và bánh bèo nước từ nước xương hầm được chan sin sít vào với bánh. Chính nguyên liệu và cách thưởng thức đã tạo nên hương vị riêng cho món bánh bèo Hà Tĩnh. Đây là món quà ăn vặt được nhiều người ưu thích đặc biệt là giới trẻ.

Cháo canh Hà Tĩnh

Cháo canh Hà Tĩnh, tô đầy đủ bao gồm cả giò (Ảnh – h_u_y_e_n2411)

Cháo canh có mặt ở nhiều nơi, nhưng ở Hà Tĩnh lại có vị riêng biệt. Sợi cháo canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột, sợi được xắt ra dài chừng 2/3 thân đũa ăn cơm, sợi bánh có màu trắng đục. Nước dùng của cháo canh vừa có vị ngọt của xương hầm, vị thơm của hành tím, vị béo của tôm, vài lát giò lụa, thêm nhúm hành lá, ngò tàu, vài lát ớt thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng.

Hến sông La

Đến Hà Tĩnh, đặc biệt là Đức Thọ đừng quên thưởng thức món Hến Sông La bạn nhé (Ảnh – Bảo Hòa Lê)

Như một món quà được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông La hiền hòa, người dân các xã ven sông từ xưa đến nay vẫn gìn giữ nghề cào hến. Những con hến bé li ti qua nhiều công đoạn chế biến khá tỉ mỉ có thể chế biến ra nhiều món ăn lạ miệng nhưng không kém phần hấp dẫn như hến xào, canh hến, lẩu hến, cháo hến, đặc biệt nước hến có vị ngọt đậm đà… tạo nên một hương vị đặc trưng, ngon đến lạ lùng. Dù đi xa, câu hát rao “Hến ngọt, rọt nậy, đong đầy, bán rẻ ai mua” vẫn níu bước chân người xa quê tha thiết tìm về.

Dê núi Hương Sơn

Du lịch Hương Sơn, Hà Tĩnh hãy nhớ thưởng thức món dê núi (Ảnh – Cuong Phan)

Hầu như khách bình dân hay thượng lưu đến huyện Hương Sơn đều thích thưởng thức món đặc sản thịt dê núi. Đặc biệt, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nổi tiếng với nghề nuôi dê truyền thống từ bao đời nay.

Với lợi thế địa hình nhiều đồi núi cùng hang động, khe suối… dê ở Sơn Tiến được người dân thả nuôi tự nhiên hoặc nuôi nhốt. Nếu nuôi dê trong chuồng, chủ nuôi vẫn thường xuyên vào rừng chặt đủ thứ lá cây dê ưa thích mang về để vỗ béo cho dê.

Bún bò Đò Trai

Bún bò đò trai (Ảnh – yeens94)

Đây là món được người dân địa phương khuyên là món ăn bạn nhất định phải thử mỗi khi có cơ hội ghé qua vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Có cách ăn khá giống với món bún chả nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, bún bò Đò Trai không để bún sẵn vào bát nước dùng mà cho ra đĩa riêng. Sợi bún Đò Trai to, tròn, có màu hơi nâu như hoa cau, bởi được làm theo cách thủ công hoàn toàn bằng tay từ một loại gạo quê vẫn thường được người dân nơi đây sử dụng để nấu rượu. Thịt bò được sử dụng để làm ra món bún cũng phải từ chính những con bò được chăn thả ven đê nơi vùng quê Đức Thọ.

Bún được ăn kèm cùng các loại rau thơm, xà lách và bánh đa (còn gọi là bánh tráng). Các gia vị cần thiết khác như chanh, ớt, dấm tỏi và sa tế giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo.

Đặc sản Hà Tĩnh mua về làm quà

Kẹo cu đơ

Món ăn gắn liền với địa danh Hà Tĩnh mỗi khi nhắc đến (Ảnh – hphuonggg11)

Trước kia ở làng Thịnh Xá bên kia sông Ngàn Phố có nhà ông Cu Hai chuyên nấu kẹo lạc. Những đứa trẻ trong làng thường hay rủ nhau đến để xin vét nồi bằng ám hiệu “Cu Hai”. Đi miết, sợ cha mẹ biết mà mắng mỏ nên mỗi lần rủ rê nhau, những đứa trẻ ấy đã gọi chệch đi là “Cu đơ” (từ phiên âm của số 2 trong tiếng Pháp). Lâu dần, cách gọi của trẻ con cũng lan sang cả người lớn. Và, loại kẹo độc đáo ấy cũng được mặc định một tên gọi mới là Cu đơ. Kẹo cu đơ ban đầu chỉ được nấu ở làng Mân Xá hai bên sông Ngàn Phố, về sau có một người thiếu sinh quân từ thị xã Hà Tĩnh lên trọ học ở đây đã học nghề và đem về phổ biến ở phố thị.

Đây là một loại kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm đậu phộng làm nhân, rồi đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại với nhau để nguội.

Bánh đa vừng

Bánh đa vừng Hà Tĩnh (Ảnh – Thu Hương‎)

Bánh đa Hà Tĩnh dày, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen. Bánh được làm hoàn toàn bằng gạo non, là thứ gạo mới, không dùng loại gạo các mùa trước vì sẽ làm mất đi vị thơm, béo của bánh.

Bánh gai làng Khóng

Bánh gai được sản xuất ở làng Khóng, Đức Thọ (Ảnh – Đức Hùng)

Những chiếc bánh gai đen bóng mang hương vị ngọt thơm của mật mía, cái dẻo dính của nếp, quyện vị béo của đậu xanh, cùi dừa từ lâu đã là một sản vật nức tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Mọi nguyên liệu làm bánh đều được người dân sản xuất ngay tại địa phương. Đây là thứ bánh ăn nguội, thường được người dân dùng vào các dịp ăn hỏi, làm quà biếu.

Bánh đa kê Nghi Xuân

Bánh đa kê Hà Tĩnh (Ảnh – Đặng Phương)

Bánh đa kê tuy chỉ là một thức quà quê dân dã, đơn giản nhưng chứa đựng cả một nét văn hóa và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên ở huyện cực Bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyên liệu làm bánh đa kê rất đơn giản, bao gồm hạt kê đã xát vỏ, đậu xanh, bánh đa và các gia vị cần thiết như muối, mì chính, tinh bột nghệ. Đầu tiên người làm hàng phải ngâm kê trong khoảng 2 tiếng rồi vò và đãi sạn cho thật sạch, để ráo. Nồi nước nấu kê được bỏ thêm chút muối, mì chính và tinh bột nghệ để bánh có màu vàng tươi đẹp mắt. Sau khi đun sôi hỗn hợp thì cho kê vào lấy đũa đánh thật đều tay cho đến khi kê đặc mới được thả đũa ra.

Ruốc rươi Nghi Xuân

Với người dân ven sông Lam, ruốc rươi từ lâu là món ăn không thể thiếu với từng gia đình mỗi độ tết đến. Trước đây, người dân muối rươi chỉ để phục vụ gia đình, biếu người thân, nhưng những năm gần đây đã trở thành món hàng đặc sản, mang về nguồn thu lớn mỗi dịp tết.

Cam bù Hương Sơn

Cam bù Hương Sơn (Ảnh – petitered_sg)

Cam bù thường bắt đầu ra hoa vào mùa xuân và chín vào dịp Tết Nguyên Đán. Cam có quả hình cầu, vỏ dày và mọng nước, lúc chín vỏ màu da cam rất đẹp. Mùi của cam rất thơm và hấp dẫn với mùi đặc trưng của vỏ cam. Trọng lượng trung bình mỗi quả từ 250 ÷ 300g, có quả đạt hơn 1,2 kg. Cam bù được trồng ở hầu hết các xã của huyện Hương Sơn nhưng trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Hàm, Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Thọ (huyện Vũ Quang).

Bưởi Phúc Trạch

Quả bưởi Phúc Trạch hình dáng cầu tròn, nhỏ chứ không to (Ảnh – diepcun)

Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, nổi tiếng bưởi có hình dáng cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, mùi thơm nhẹ tự nhiên. Múi bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt, rất thích hợp cho du khách mua về làm quà.

Cam Khe Mây

Cam Khe Mây, Hương Khê (Ảnh – hai.candie)

Cam Khe Mây đã khẳng định được thương hiệu bởi vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Cam đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân vùng Khe Mây (Hương Khê)

Nấm tràm Kỳ Anh

Nấm tràm vùng thượng Kỳ Anh (Ảnh – Báo Hà Tĩnh)

Sau mỗi cơn mưa, người dân các xã vùng cao của Kỳ Anh lại tích cực tìm về những rừng tràm để hái nấm. Nấm tràm có màu nâu tím, ăn ban đầu có vị nhẫn đắng nhưng sau đó sẽ ngọt hậu, bùi béo và rất thơm. Nấm tràm mọc nhiều từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch nên nếu có dịp đi qua Kỳ Anh vào thời gian này, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội mua chút ít về làm quà nhé.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Hà Tĩnh
  • đặc sản Hà Tĩnh làm quà
  • ăn gì khi du lịch Hà Tĩnh
  • các quán ăn ngon ở Hà Tĩnh
  • đến Hà Tĩnh nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Hà Tĩnh
  • ẩm thực Hà Tĩnh
  • món ăn vặt Hà Tĩnh
  • các món ăn vỉa hè ở Hà Tĩnh
  • mua gì ở Hà Tĩnh
  • Hà Tĩnh có gì ngon

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 38 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào