Kinh nghiệm du lịch phượt A Pa Chải

Kinh nghiệm du lịch phượt A Pa Chải (Cập nhật 08/2024)

Cùng Phượt – Lãnh thổ Việt Nam có 2 ngã ba biên giới rất đặc biệt là Ngã ba Đông Dương thuộc địa phận xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) và ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung thuộc địa phận A Pa Chải, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) là điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách tỉnh lỵ Điện Biên Phủ khoảng 250 km. Nơi này được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy”. Nằm ở độ cao 1864 m so với mực nước biển, nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Trước đây, việc đi phượt A Pa Chải, chinh phục mốc Cực Tây khá khó khăn và vất vả do đường xá còn chưa hoàn thiện, thủ tục xin phép khó nên số lượng các bạn đến được đây không nhiều. Tuy nhiên kể từ khi đồn A Pa Chải xây xong, các tuyến đường tuần tra biên giới ở đây dần hoàn thiện, A Pa Chải giờ đã được biết đến như một điểm du lịch với thủ tục khá đơn giản.

A Pa Chải cũng là nơi bắt đầu của cột mốc số 0 giữa Việt Nam – Trung Quốc (Ảnh – Ngọc Viên)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của tác giả Ngọc Viên, Nha que, Phuong Nguyen Thanh, ThànhRx, Du Nguyen, Đăng Định, Xíu Nhỏ, Hứa Minh Chánh, Quốc Trần Hoàng, Tình Trần, Lê Bách, Nguyễn Minh Sơn, Kiệt Vũ, Tuấn Minh, Duy Nguyen Dinh nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu A Pa Chải

Mây trời A Pa Chải (Ảnh – Nha que)

A Pa Chải còn là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm trên đỉnh núi Khoang La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé. Đây là xã biên giới thuộc của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện lỵ 43 km. Toàn xã có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm đa số bằng 98%. Là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 60,7%.

Cột mốc A Pa Chải là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, được 3 quốc gia thống nhất cắm vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia. Đến năm 2007, đồn biên phòng 317 được thành lập, phụ trách khu vực biên giới bao gồm cả cột mốc số 0 tại đây.

Trước đây, A Pa Chải là khu vực có địa hình khó khăn do đường xá chưa thuận lợi. Về sau này, khi tuyến đường nối Mường Nhé và A Pa Chải được nâng cấp, tuyến đường tuần tra biên giới được hoàn thành việc chinh phục cột mốc số 0 này trở lên thuận lợi hơn rất nhiều.

Nên đi A Pa Chải vào thời gian nào?

Cố gắng tránh đi A Pa Chải vào mùa mưa, mệt lắm (Ảnh – Phuong Nguyen Thanh)

Thời tiết ở Tây Bắc luôn khó dự báo trước nên cũng không thể đưa ra cho các bạn chính xác khoảng thời gian nào nên đi A Pa Chải, tuy nhiên có một vài lưu ý như dưới đây :

  • Cố gắng tránh đi vào ngày mưa bão bởi với quãng đường gần chục km đi bộ và leo dốc tương đối, trời mưa sẽ khiến bạn khá là vất vả khi di chuyển do đường trơn và lầy lội.
  • Tránh đi vào các dịp lễ như 30/4, 2/9 bởi những dịp này có quá nhiều người lên đây. Riêng việc cung cấp chỗ ăn nghỉ và người dẫn đoàn đã khá là mệt mỏi cho các cán bộ chiến sỹ đồn 317. Số lượng người lên đông sẽ khiến việc ăn ngủ nghỉ không được thoải mái, khi lên mốc cũng có quá nhiều người nên rất hiếm khi bạn có thể chụp được một bức ảnh trọn vẹn với mốc.
  • Đi kết hợp với một số mùa đặc trưng của Tây Bắc để có thể đi được nhiều nơi trong cùng một chuyến đi như : mùa lúa chín (tháng 9), mùa hoa ban nở (tháng 3), mùa dã quỳ (tháng 12) mùa hoa mận (tháng 11). Cung A Pa Chải này có thể kết hợp đi Mù Cang Chải, Sapa hay Y Tý đều được.

Hướng dẫn đi đến A Pa Chải

Đường bộ lên Điện Biên sẽ qua đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc (Ảnh – ThànhRx)

Để đến được A Pa Chải, trước hết các bạn cần di chuyển tới Tp Điện Biên Phủ, sau đó di chuyển tiếp vào Mường Nhé, Sín Thầu, Đồn biên phòng 317. Tp Điện Biên Phủ cách Hà Nội vào khoảng 500km do đó thời gian di chuyển tới Điện Biên khá dài. Hiện chỉ có 2 cách để tới Điện Biên là phương tiện đường bộ hoặc đường hàng không.

Đi từ Hà Nội tới Điện Biên Phủ

Đường bộ

Xe giường nằm đi Điện Biên chạy hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình, thời gian xe chạy vào khoảng 12-13 tiếng. Đi bằng xe giường nằm có một lợi thế nữa là có thể gửi xe máy kèm theo. Nếu không thích đi bằng ô tô các bạn cũng có thể lập lịch trình đi xe máy thẳng từ Hà Nội lên Điện Biên, với chặng đường khoảng 500km bạn sẽ mất nguyên một ngày để di chuyển thẳng.

Xem thêm bài viết: Xe giường nằm đi Điện Biên (Cập nhật 8/2024)

Đường hàng không

Vasco hiện là hãng hàng không duy nhất có đường bay tới Điện Biên (Ảnh – Du Nguyen)

Hiện tại Vietnam Airlines Vasco (một hãng con của Vietnam Airlines) là hãng duy nhất khai thác đường bay Hà Nội – Điện Biên, máy bay sử dụng cho đường bay này là ATR 72 với tần suất 2 chuyến một ngày. Thời gian bay lên tới Điện Biên chỉ khoảng 1 tiếng nên sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc đi bằng ô tô.

Đi từ Sài Gòn tới Điện Biên Phủ

Từ Sài Gòn các bạn cần đáp chuyến bay ra Hà Nội rồi lựa chọn tiếp phương án di chuyển. Nếu định bay tiếp lên Điện Biên, các bạn có thể lựa chọn chuyến từ Sài Gòn ra trước thời điểm bay khoảng 2 tiếng và nghỉ ngơi luôn tại sân bay trước khi bay tiếp lên Điện Biên. Nếu lựa chọn phương tiện ô tô, các bạn có thể lựa chọn bay các chuyến chiều rồi buổi tối lên xe đi Điện Biên luôn.

Tp Điện Biên Phủ cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 500km. Để đi từ Hà Nội – Điện Biên Phủ các bạn có thể lựa chọn nhiều cách để tới đây tùy thuộc điều kiện kinh tế và lộ trình của bạn.

Từ Điện Biên Phủ đi Mường Nhé

Trên đường từ Tp Điện Biên Phủ vào Mường Nhé (Ảnh – Phuong Nguyen Thanh)

Từ thành phố Điện Biên Phủ, đi theo quốc lộ 12 khoảng 280km theo lịch trình Mường Chà – Si Sa Phìn -Chà Cang –  Mường Nhé – Sín Thầu sẽ tới được trung tâm xã Sín Thầu, điểm bắt đầu cho hành trình chinh phục Cực Tây Tổ Quốc A Pa Chải. Đường nhựa ô tô đi đã được làm tới tận trung tâm xã, riêng xe máy có thể chạy tới tận chân đỉnh núi Khoang La San theo đường cấp phối, tiết kiệm được khoảng hơn 2 tiếng đi bộ so với thời đường chưa làm xong.

Thủ tục xin phép khi tới A Pa Chải

Đơn vị cấp phép leo A Pa Chải

Hiện giờ, chỉ cần vào thẳng đồn liên hệ các bạn sẽ được cấp phép leo mốc 0 (Ảnh – Đăng Định)

Trước đây, thủ tục để xin phép leo A Pa Chải khá phức tạp, cần phải thông qua Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Điện Biên để xin phép rồi sau đó từ đây mới cấp giấy giới thiệu xuống đồn 317 để cấp phép ra mốc 0. Tuy nhiên, từ khi số lượng người đến A Pa Chải du lịch ngày càng đông, thủ tục cũng được tinh giản gọn nhẹ để phù hợp hơn với nhu cầu của khách du lịch. Việc các bạn cần làm duy nhất là mang theo giấy tờ tùy thân và vào thẳng đồn 317 để đăng ký, sau khi đăng ký thì đồn sẽ cử chiến sỹ đưa các bạn đi. Các bạn lưu ý là quy định vào khu vực biên giới vẫn không đổi nhé, các bạn tham khảo ở dưới.

Để vào được đến A Pa Chải, bất cứ đoàn nào cũng phải có các chiến sĩ bộ đội đồn biên phòng đóng trên địa bàn (đồn 317) dẫn đường và phải luôn theo sát nhau vì nếu lãng đi một chút thôi là có thể lạc nhau và lạc sang nước bạn. Trước đó, để được sự tiếp đón của bộ đội biên phòng, các đoàn đi phải có giấy giới thiệu của địa phương cư trú hoặc cơ quan công tác để xin phép Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Điện Biên, sau đó Bộ chỉ huy sẽ giới thiệu xuống đồn biên phòng và chính quyền địa phương nơi các đoàn đến (vì đây là khu vực biên giới nên các thủ tục này là bắt buộc, các bạn hết sức lưu ý nếu không muốn bị trục xuất khỏi địa bàn).

Một số quy định trong khu vực biên giới

Vật bất ly thân các bạn nên nhớ khi vào khu vực biên giới là giấy tờ tùy thân có dán ảnh (Ảnh – Xíu Nhỏ)

Một số quy định về cư trú, đi lại và hoạt động khu vực biên giới, các bạn đọc để biết tránh trường hợp không mang đầy đủ giấy tờ rồi không được phép ở lại, thì lại nghĩ các anh Biên phòng gây khó dễ cho mình.

  • Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.
  • Công dân Việt Nam khi vào khu vực biên giới phải có CCCD hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp.
  • Người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan Trung ương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Bộ Công an cấp. Nếu người nước ngoài đang tạm trú tại địa phương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do công an cấp tỉnh nơi tạm trú cấp.
  • Người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài đủ điều kiện vào khu vực biên giới,vành đai biên giới nếu ở qua đêm phải đến cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn hoặc đồn công an sở tại đăng ký quản lý tạm trú theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
  • Trong thời gian ở khu vực biên giới mọi hoạt động của người, phương tiện phải chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương.

Địa điểm ăn nghỉ tại A Pa Chải

Nghỉ tại Mường Nhé

Ngày đầu tiên, thường thì các bạn sẽ chạy đến Mường Nhé lúc chiều tối. Nếu muốn nghỉ ngơi sớm hoặc muốn có nhiều sự lựa chọn ăn ngủ nghỉ thì các bạn có thể chọn nghỉ tại đây. Mường Nhé có khá nhiều nhà nghỉ với giá phòng khá rẻ, đầy đủ tiện nghi hơn so với trong đồn.

Xem thêm bài viết: Nhà nghỉ tại Mường Nhé (Cập nhật 8/2024)

Nghỉ tại Sín Thầu

Trong xã Sín Thầu hiện cũng có nhà nghỉ được đầu tư khá đầy đủ nóng lạnh, chỗ nghỉ ngơi thoải mái. Nếu thời gian dư dả các bạn có thể chạy thẳng đến đây để nghỉ ngơi, so với việc ngủ trong đồn thì ngủ ở ngoài sẽ ổn hơn.

Nghỉ tại đồn 317

Khu nhà sàn cho khách du lịch trong đồn 317 (Ảnh – Hứa Minh Chánh)

Đây là phương án an toàn nhất cho các bạn lựa chọn. Hiện trong đồn 317 có xây riêng một khu nhà sàn dành cho khách du lịch đến để ở, các bạn chỉ cần gọi điện trước (số điện thoại ở cuối bài viết này) để thông báo số người sẽ được chuẩn bị sẵn nơi ngủ.

Địa điểm ăn uống khi leo A Pa Chải

Bữa tối tại đồn biên phòng A Pa Chải (Ảnh – Quốc Trần Hoàng)

Nếu ngủ ở ngoài Mường Nhé, các bạn có thể tự do ăn uống như những gì mình muốn. Nếu xác định vào trong đồn ngủ để hôm sau leo sớm, các bạn chủ động ăn uống trên đường vào cho thoải mái. Phương án cuối cùng là đặt trước đồ ăn trong đồn 317, chi phí khoảng 100k 1 người cho một mâm cơm cũng khá đầy đủ.

Hành trình Leo mốc 0 – Cực tây A Pa Chải

Từ đồn 317 tới chân núi Khoang La San

Từ đồn biên phòng 317, các bạn sẽ di chuyển khoảng 9km theo đường tuần tra biên giới tới chân núi rồi để lại xe máy và leo lên mốc (Ảnh – Tình Trần)

Trước đây, khi đường chưa làm xong, để có thể leo lên đến mốc A Pa Chải phải mất khoảng 4-5 tiếng đi bộ kết hợp leo núi, phải vượt qua những đồi cỏ gianh cao gần bằng đầu người và luôn sắc lẹm, có thể cứa đứt da thịt. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, sau khi tuyến đường tuần tra biên giới dần hình thành, các bạn đã có thể di chuyển bằng xe máy tới rất gần điểm leo mốc 0. Từ đồn 317 sẽ đi xe máy khoảng 9km để đến điểm bắt đầu đi bộ, từ đây nếu sức khỏe tốt chỉ mất khoảng hơn 1h đồng hồ để có thể lên đến mốc, thời gian đi xuống còn nhanh hơn với chỉ khoảng 45 phút.

Từ đồn 317 các bạn có thể di chuyển bằng xe máy tới chân núi, để xe tại đó rồi bắt đầu hành trình chinh phục Cực Tây. Hành trình sẽ lần lượt vượt qua những đồi cỏ gianh cao gần bằng đầu người (nhưng nếu đi mùa khô các bạn có thể sẽ tránh được đồi cỏ này), vượt qua cánh rừng nguyên sinh với những đoạn dốc gần như dựng đứng. Tùy vào sức khỏe của mình nhưng thường sẽ mất khoảng 4-5 tiếng để có thể đến với Cực Tây.

Từ chân núi tới cột mốc số 0

Cập nhật thông tin mới nhất 8/2024: Hiện tại đã có thể đi xe máy lên tới sát chân cột mốc số 0, còn cách khoảng 200-300m. Tuy nhiên đường đi từ đồn vào tới đây vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thành nên đường rất xấu, vẫn còn ngổn ngang đất đá trong quá trình thi công. Dự kiến đến đầu năm 2019 quãng đường này sẽ hoàn thành, lúc đó có thể đi xe tới sát cột mốc và leo bậc thang lên tận nơi.

Bản đồ mô tả chặng đường các bạn sẽ phải vượt qua để chinh phục cực Tây (Ảnh – cungphuot.info)

Từ điểm dừng chân trên tuyến đường tuần tra biên giới, chỉ còn khoảng 3km là lên tới điểm Cực Tây. Quãng đường này chủ yếu là leo dốc, xuyên qua các cánh rừng nguyên sinh nên khá ẩm ướt, lầy lội và nhiều côn trùng, nhất là vào mùa mưa.

Quãng đường chỉ khoảng 3km nhưng thay đổi độ cao từ 1000 lên tới 1800m (Ảnh – cungphuot.info)

Các bạn nhìn trên bản đồ sẽ thấy, từ điểm bắt đầu leo lên tới mốc 0 sẽ vào khoảng gần 3km, độ cao được thay đổi khi leo từ 1000m lên 1800m. Khoảng 1,8km đầu tiên quãng đường có độ dốc vừa phải và tăng đều, đoạn này nên đi tốc độ vừa phải để giữ sức. Sau 1,8km đầu tiên này sẽ là một đoạn tiếp khá vất vả với quãng đường chỉ khoảng 600m nhưng thay đổi độ cao lên tới 400m (từ 1300m lên 1700m). Qua được đoạn này là nhẹ nhàng, sẽ có một đoạn đi đường bằng trong rừng trước khi leo nốt khoảng 300m cuối để lên đến mốc.

Trước khi chui vào rừng, các bạn sẽ phải đi bộ qua những đoạn đường sát núi, men theo tuyến tuần tra biên giới (Ảnh – Lê Bách‎)

Những đoạn quá dốc thì cũng cần sự trợ giúp của dây thì mới lên được (Ảnh – Lê Bách‎)

Trước kia, để leo lên mốc 0 các bạn sẽ phải vượt qua đồi cỏ gianh sắc lẹm này (Ảnh – cungphuot.info)

Những đoạn dốc xuyên qua khu rừng nguyên sinh (Ảnh – cungphuot.info)

Đoạn dốc cuối cùng, trước khi lên mốc (Ảnh – cungphuot.info)

Mốc 0, Cực Tây A Pa Chải hiện ra sau một hành trình dài chinh phục (Ảnh – Nguyễn Minh Sơn)

Ngoài mốc 0, A Pa Chải còn có gì?

Chợ phiên A Pa Chải

Chợ phiên A Pa Chải và một số mặt hàng bán tại đây (Ảnh – Kiệt Vũ)

Chợ A Pa Chải hay còn được gọi là Chợ ngã ba biên giới nằm trên vùng đất tiếp giáp giữa huyện Mường Nhé (Điện Biên – Việt Nam) với huyện Giang Thành (Vân Nam – Trung Quốc), gần cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Được họp vào những ngày 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng. Nếu hành trình chinh phục Cực Tây của bạn trùng vào một trong những ngày này, sau khi từ trên mốc xuống trên đường trở về đồn 317, các bạn có thể tranh thú ghé thăm chợ.

Mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc số số 2 và 3

Mốc số 2 biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Ảnh – Tuấn Minh)

Mốc số 3 biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Ảnh – Tuấn Minh)

Đây là 2 mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, nằm ngay tại khu vực lối mở A Pa Chải nên rất thuận lợi để các bạn có thể đến thăm và chụp ảnh lưu niệm (Mốc 1 thì nằm ở khu vực hiểm trở nên hơi khó đến)

Chi phí đi A Pa Chải

Một chuyến đi A Pa Chải thực tế không tốn quá nhiều chi phí, nếu các bạn kết hợp để đi một vòng Tây Bắc thì chi phí có thể sẽ cao hơn một chút. Dưới đây là một vài thông tin về các chi phí phải chi khi đi A Pa Chải, các bạn tự tính toán theo các lịch trình riêng của đoàn mình.

  • Chi phí vé xe Hà Nội Điện Biên 280k
  • Gửi xe máy Hà Nội – Điện Biên, thường có giá gấp 1,5-2 lần giá vé người.
  • Thuê xe máy tại Điện Biên từ 150k-200k
  • Chi phí xăng xe khoảng 50k cho 100km
  • Chi phí ngủ tại đồn 317 : 70k/1 người
  • Chi phí ăn tại đồn 317 cho bữa sáng (mì tôm + rau + trứng) là 20k, chi phí ăn trưa tối là 100/1 người
  • Chi phí dẫn đoàn 400k/1 đoàn (kể cả 1 người cho đến 10 người)
  • Chi phí ăn uống dọc đường vào khoảng 50-100k/1người/1 bữa với bữa trưa và tối. Bữa sáng khoảng 20-30k.

Lịch trình đi phượt A Pa Chải

Có thể kết hợp đi vào múa chín để khám phá một vòng Tây Bắc sau khi chinh phục A Pa Chải (Ảnh – Nguyễn Minh Sơn)

Đây là một số lịch trình cơ bản cho các bạn muốn chinh phục Cực Tây A Pa Chải, các bạn có thể thay đổi bằng cách thêm/bớt các điểm đến trên hành trình để phù hợp với chuyến đi của mình.

Hà Nội – Điện Biên – A Pa Chải – Hà Nội

Ngày 0 : Hà Nội – Điện Biên

– Đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên
– Gửi xe máy theo ô tô

Ngày 1 : Điện Biên – Mường Chà – Mường Nhé – Đồn 317

– Sáng sớm có mặt ở Điện Biên, ăn sáng và sắp xếp đồ vào Bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh xin giấy phép.
– Đi thẳng từ Điện Biên vào Mường Nhé (200km)
– Có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Mường Nhé (nếu đi vào các dịp lễ đông như 30-4) hoặc vào thẳng đồn 317 ngủ nhờ.

Ngày 2 : Đồn 317 – Mốc 0 – Đồn 317 – Mường Nhé

– 8h sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn trưa để leo mốc
– Khoảng 10h tới mốc 0, dừng chụp ảnh và ăn trưa. Thời gian tùy thuộc vào khả năng leo núi của từng đoàn
– 11h từ mốc 0 trở về, khoảng 12h-13h sẽ về tới đồn 317
– Thu dọn đồ đạc và chạy ngược ra Mường Nhé rồi đi tiếp về Mường Chà nghỉ ngơi.

Ngày 3 : Mường Chà – Điện Biên Phủ – Hà Nội

– Từ Mường Chà chạy ngược ra Tp Điện Biên Phủ, thăm thú một số di tích như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ …
– Tối người + xe máy lên ô tô trở về Hà Nội
– Sáng sớm ngày 4 có mặt tại Hà Nội

Hà Nội – Điện Biên – A Pa Chải – Mường Lay – Sìn Hồ – Mù Cang Chải/Sapa

Ngày 0 : Hà Nội – Điện Biên

– Đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên
– Gửi xe máy theo ô tô

Ngày 1 : Điện Biên – Mường Chà – Mường Nhé – Đồn 317

– Sáng sớm có mặt ở Điện Biên.
– Thăm quan một số điểm du lịch như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Nghĩa trang đồi A1 trong khoảng 1 tiếng.
– Đi thẳng từ Điện Biên vào Mường Nhé (200km)
– Có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Mường Nhé (nếu đi vào các dịp lễ đông như 30-4) hoặc vào thẳng đồn 317 ngủ.

Ngày 2 : Đồn 317 – Mốc 0 – Đồn 317 – Mường Nhé

– 8h sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn trưa để leo mốc
– Khoảng 10h tới mốc 0, dừng chụp ảnh và ăn trưa. Thời gian tùy thuộc vào khả năng leo núi của từng đoàn
– 11h từ mốc 0 trở về, khoảng 12h-13h sẽ về tới đồn 317
– Thu dọn đồ đạc và chạy ngược ra Mường Nhé rồi đi tiếp về Mường Lay nghỉ ngơi.

Ngày 3 : Mường Lay – Sìn Hồ

– Đến khu vực xã Chăn Nưa thì rẽ theo TL 128 đi Sìn Hồ
– Tối nghỉ ngơi tại Sìn Hồ
– Đừng quên đi tắm lá thuốc để xóa tan mệt mỏi mấy ngày vừa qua. Tối nghỉ ngơi tại Sìn Hồ

Ngày 4 (Lựa chọn 1) : Sìn Hồ – Lai Châu – Tam Đường – Bình Lư – Mù Cang Chải (Thích hợp nếu đi vào mùa lúa chín)

– Sáng dây có thể đi chơi chợ Sìn Hồ nếu đúng ngày chợ họp, lên Đài tưởng niệm chụp ảnh toàn cảnh Sìn Hồ. Có thời gian nữa các bạn có thể dành thêm nhiều thời gian để khám phá Sìn Hồ.
– Từ Sìn Hồ đi về Thành phố Lai Châu, qua Tam Đường tới ngã 3 Bình Lư thì rẽ đi Than Uyên -> Mù Cang Chải. Nếu thời tiết đẹp thì sẽ được ngắm mây Sìn Hồ.
– Nếu về sớm có thể tranh thủ đi chơi quanh Mù Cang Chải
– Tối ngủ và ăn uống tại Mù Cang Chải

Ngày 4 (Lựa chọn 2) : Sìn Hồ – Lai Châu – Tam Đường – Bình Lư – Sapa

– Sáng dây có thể đi chơi chợ Sìn Hồ nếu đúng ngày chợ họp
– Từ Sìn Hồ đi về Thành phố Lai Châu, qua Tam Đường tới ngã 3 Bình Lư thì rẽ đi đèo Ô Quy Hồ -> Thị xã Sapa
– Tối nghỉ ngơi và chơi tại Sapa

Ngày 5 (Lựa chọn 1) : Mù Cang Chải – Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Hà Nội

– Phương án 1 : Dạo chơi Thị trấn Mù Cang Chải, rồi về Tú Lệ ăn trưa sau đó chạy thẳng về Hà Nội
– Phương án 2 : Dành nguyên 1 ngày để chơi ở Mù Cang Chải, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Đèo Khau Phạ rồi nửa đêm gửi người và xe máy theo xe khách Lai Châu về Hà Nội

Ngày 5 (Lựa chọn 2) : Sapa – Hà Nội

– Dành trọn 1 ngày để du lịch Sapa kết hợp với nghỉ ngơi lấy sức
– Tối gửi người + xe máy về Hà Nội bằng tàu hỏa hoặc ô tô

Sáng ngày 6 có mặt tại Hà Nội

Một số lưu ý khi đi phượt A Pa Chải

Một số kinh nghiệm tổng hợp chung cho chuyến đi A Pa Chải từ các đoàn đi trước, các bạn nên đọc qua để có thêm kinh nghiệm cho bản thân mình.

Chuẩn bị đồ đạc khi leo A Pa Chải

Khi leo lên mốc, đồ đạc chỉ nên được gói gọn trong những chiếc ba lô có kích thước vừa phải để thuận tiện hơn khi leo (Ảnh – cungphuot.info)

Trong bài này chỉ hướng dẫn các bạn chuẩn bị một số thứ cơ bản thôi, chi tiết các bạn xem bài Kinh nghiệm chuẩn bị đồ khi đi phượt

  • Nên mang theo 1 đôi giầy bộ đội (hoặc giầy dành cho việc leo núi) tránh sử dụng các loại không phù hợp như giày da, giày búp bê (với các bạn nữ). Đối với nam bạn nào đi được dép tổ ong thì cứ dùng
  • Mặc quần áo dài, đội mũ, đeo khẩu trang và dùng khăn rằn quấn cổ. khi đi qua đồi cỏ gianh, tránh việc bị cỏ cứa vào chân, tay gây chảy máu. Hiện tại đường mới đã được làm, các bạn không còn phải đi xuyên qua đồi cỏ gianh nữa, tuy nhiên mang quần áo dài và khăn rằn quấn cổ vẫn rất có nhiều tác dụng khi đi xuyên rừng. Có thể mang thêm găng tay hạt nhựa để đu bám cho dễ và không làm trầy xước tay.
  • Mang theo 1 áo mưa mỏng dạng áo để khoác trong trường hợp trời mưa và khi đi xuyên rừng để tránh bị ngấm lạnh bởi nước mưa và không khí ẩm.
  • Khi vào tới Mường Nhé thì nhớ mua nước mang theo, mua tại Trung tâm huyện bao giờ cũng dễ hơn so với việc vào trong xã mới tìm mua. Leo mốc 0 khá mệt và mất nước nên cứ tính bình quân mỗi thành viên 1 chai 1,5 lít. Nếu được thì chuẩn bị trước 1 ít đường Gluco hòa vào nước để uống cùng, đường Gluco có tác dụng chống mỏi cơ khi leo.
  • Chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ để ăn dọc đường, nếu có ý định ăn trưa trên mốc thì chuẩn bị đồ khô để ăn, tránh mang các loại nước uống có ga, bia, để giảm lượng hành lý mang vác.

Về giấy tờ thủ tục khi leo A Pa Chải

  • Mang đầy đủ CMND, Hộ chiếu hoặc giấy tờ xác nhận nhân thân tương đương có dán ảnh như bằng lái xe, thẻ học sinh sinh viên…
  • Nếu thành viên nào trong đoàn có thể xin giấy giới thiệu thì mang đi, thuận lợi hơn khi đi đường (các loại giấy tờ của báo thì quá ổn)
  • Các bạn không cần thiết phải xin giấy giới thiệu nữa, chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân và vào thẳng đồn A Pa Chải đăng ký. Khi lên tới Điện Biên thì vào Bộ chỉ huy BP Tỉnh để xin phép nhất là đi vào những dịp nhạy cảm như 30-4, 2-9… bạn nào có những mối quan hệ sẵn với bên BP rồi thì có thể bỏ qua bước này.
  • Liên hệ với Đồn 317 trước ngày lên để nhờ các anh chuẩn bị đồ ăn nếu ngày bạn vào đến Mường Nhé muộn quá (sau 20h) thì chủ động mua thức ăn từ ngoài huyện mang vào và tự nấu, không nên phiền đến các chiến sĩ ở đồn.

Thông tin liên hệ đồn 317

Nếu cần liên hệ để hỏi các vấn đề về leo mốc, đặt ăn ngủ nghỉ tại đồn 317 các bạn có thể liên hệ trước với Anh Ninh (Cán bộ phụ trách vấn đề du lịch) theo số điện thoại 0972 416 456 để được cung cấp thêm thông tin cũng như giải đáp.

Không vứt rác trên đường đi

Rác trên mốc cực Tây (Ảnh – Duy Nguyen Dinh)

Một vấn nạn với A Pa Chải nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung là rác, thực tế là sau mỗi chuyến đi lượng rác sinh ra khá lớn do số lượng người đến và đi quá nhiều. Thông thường, rác thường được tập trung lại một chỗ và các chiến sỹ hoặc người dân sẽ đốt sau một thời gian do không có phương án xử lý khác. Chính vì vậy, các bạn chú ý để rác đúng nơi quy định, không vứt rác trên đường đi, những loại rác không đốt được thì giữ lại mang về hoặc tốt nhất là hãy tập hợp hết các loại rác của các xe lại và mang về trung tâm, nơi có những phương án xử lý rác tốt hơn.

Tìm trên Google :

  • phượt a pa chải
  • kinh nghiệm phượt a pa chải
  • du lịch bụi a pa chải
  • đi a pa chải như thế nào
  • thủ tục đi a pa chải
  • lịch trình phượt a pa chải
  • ăn ngủ ở A Pa Chải
  • liên hệ với đồn a pa chải
  • a pa chải ở đâu
  • a pa chải cách hà nội bao xa

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 25 bình chọn và điểm trung bình là 4.6

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Điện Biên

ĐIỆN BIÊN

Vị trí Điện Biên trên bản đồ Việt Nam

Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400 km. Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài ra Điện Biên chính là nơi có địa danh A Pa Chải, Cực Tây của Tổ quốc.

Bạn có biết: Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” nghĩa là vùng biên giới, biên ải, “Điện Biên” tức là miền biên cương vững chãi của tổ quốc.

  • Diện tích: 541 km²
  • Dân số: 57.400 người
  • Vùng: Tây Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện
  • Mã điện thoại: 215
  • Biển số xe: 27