Kinh nghiệm du lịch Nam Du

Kinh nghiệm du lịch Nam Du, Kiên Giang (Cập nhật 11/2024)

Cùng Phượt – Nam Du là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải, Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 83km đường biển, phía Đông Nam của Phú Quốc và nằm trong quần thể Vịnh Thái Lan. Du lịch Nam Du vẫn còn tương đối hoang sơ, cảnh sắc hấp dẫn với 21 hòn đảo lớn nhỏ, được tạo hóa xếp đặt khéo léo, trong đó đảo lớn nhất là đảo Nam Du có đỉnh cao khoảng hơn 300m. Từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp của các hòn trong quần đảo nằm đan xen nhau, tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương trông rất đẹp. Toàn bộ quần đảo nằm dưới sự quản lí của xã An Sơn và xã Nam Du. Hiện đây đang là một trong những điểm đến yêu thích của các bạn trẻ mê du lịch.

Quần đảo Nam Du nằm ngoài khơi bờ biển thành phố Rạch Giá (Ảnh – marktrandotnet)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả marktrandotnet, Anh Dang, letuananh, nhminh1997, thanhnghi tran, nguyensuongthi, mr.thuong88, calvinthaipham, ha.hin.nguyen, minhanhhh96, hahueman, harikanguyen, Thuc Nguyen, Le Quoc Anh, itsphucduc, hitman273, dao truong thi, tucmach.127, Hoan Quách, 198X Retro, Phong Vũ, Cỏ Úa, Tùng Trần Thanh, Aloha Nguyen, tuandanh2812, thientran1214, mtpham92, tina_trang2711, tn.thuytrang, chauchip, jazzpuma, tr.thithi và một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây

Giới thiệu về Nam Du

Củ Tron là hòn lớn nhất trong quần đảo Nam Du (Ảnh – Anh Dang)

Nam Du là cái tên mơ hồ về nguồn gốc. Có người cho rằng tên Nam Du có từ thời Gia Long, lại có người thì nói Nam Du là do người Pháp ghi từ chữ Nam Dự (đảo phía Nam) theo cách gọi của các cụ đồ nho mà ra. Còn theo bản đồ người Pháp ghi là Puolo Dama, vị trí hòn đảo nằm ở vào kinh độ 104 độ 22/ Đông và vĩ độ 42/ Bắc. Nhưng Nam Du còn một tên gọi khác là Củ Tron (hòn đảo lớn nhất trong cụm đảo mà người dân gọi là Hòn Lớn).

Trong một lần du ngoạn nơi đây, Nhà thơ Lê Chí đã viết:

“Xa xa phương ấy Củ Tron
Khen ai khéo đặc tên hòn dễ thương
Xanh mờ như lẫn trong sương
Một quần đảo tựa phố phường đông vui.”

Theo Nam Du ký của nhà văn Anh Động về chuyện tích truyền khẩu của Hòn Củ Tron: “Vào năm 1870, sau khi thất thủ thành Gia Định lần thứ 2, Chúa Nguyễn Ánh cùng một đám tàn quân bị Tây Sơn truy đuổi ráo riết, phải tấp vào cụm hòn này  lẩn trốn. Thiếu nước uống, Chúa bảo binh sĩ đào ao lấy nước ngọt. Hiện nay “Giếng Ngự”, “Bãi Ngự” vẫn hiện hữu phía tây bắc Hòn Lớn. Thiếu lương thực, người dân hướng dẫn binh sĩ đi đào củ nầng có dáng hình tròn tròn về nấu ăn đỡ đói. Đến khi Chúa lên ngôi hoàng đế (1802) chạnh nhớ đến những nơi nhiều kỷ niệm sâu sắc của mình thời bôn ba tẩu quốc, ông sắc tứ cho hòn này một cái tên, gọi là hòn “Củ Tròn”. Vị quan hành khiển vốn người Ngũ Quảng, mang chiếu chỉ đến đây, tập hợp dân lại đọc theo giọng Quảng của vị quân hành khiển, hai tiếng “củ Tròn” thành “Củ Tron” dân nghe chiếu dụ bảo “tron” thì phải gọi theo là “tron” đâu ai dám kháng chỉ”.

Du lịch Nam Du bắt đầu khởi phát từ khoảng 2015 (Ảnh – letuananh)

Đứng trên đài Kiểm báo ở đỉnh Hòn Lớn với độ cao hơn 300m xem từng chiếc hòn với vị trí và tên của nó mà bản thoại dân gian thường gọi: Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai, Đô Nai quay sang Bờ Đập; Bờ Đập tấp lại Hòn Lò; Hòn Lò mò đến Hòn Ngang; Hòn Ngang tạt sang Hòn Đụng; Hòn Đụng cụng vào Hòn Dầu; Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo; Bỏ Áo tháo ngược Hòn Ông; Hòn Ông dông đến Hòn Dâm; Hòn Dâm đâm thẳng Hòn Tre; Hòn Tre te đến Hòn Mốc; Hòn Mốc xốc lại Hòn Nhàn; Hòn Nhàn tràn thẳng Hòn Hàn; Hòn Hàn quàng cổ ba Hòn Nồm; Hòn Nồm chồm đại lên Hòn Khô; Hòn Khô vô bãi Chệt; Bãi Chệt lết lên Hòn Lớn…”

Nên du lịch Nam Du khi nào ?

Đi biển thì cứ mùa khô và nắng nóng là đẹp nhất (Ảnh – nhminh1997)
  • Nên đi vào mùa khô trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, thời tiết đẹp nhất là trong khoảng từ tháng 1-3 do lúc này biển khá êm, những bạn bị say sóng cũng sẽ giảm được nhiều khó chịu khi di chuyển bằng tàu.
  • Các vùng biển của Kiên Giang không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng mưa do bão gây ra chiếm tỉ trọng lớn. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4-11 hàng năm.

Hướng dẫn đi tới Nam Du

Đa phần du khách sẽ tới Rạch Giá để di chuyển ra đảo Nam Du (Ảnh – thanhnghi tran)

Phương tiện công cộng

Xe khách

Từ bến xe miền Tây ở Sài Gòn, hàng ngày đều có rất nhiều xe đi tới Rạch Giá, xe thường xuất phát vào buổi đêm và khoảng sáng sớm sẽ đến nơi. Từ đây các bạn có thể sử dụng xe buýt trung chuyển để ra cảng, mua vé và lên tàu đi Nam Du.

Xem thêm bài viết: Xe khách giường nằm đi Rạch Giá (Cập nhật 11/2024)

Máy bay

Với các bạn ở xa có thể lựa chọn phương tiện đường hàng không, bay tới các sân bay ở gần rồi từ đó di chuyển tới Nam Du. Nếu từ Sài Gòn hoặc Hà Nội các bạn có thể bay tới Thành phố Rạch Giá, từ Sài Gòn có các chuyến bay của Vietnam Airlines và từ Hà Nội có các chuyến bay của Bamboo tới đây. Những bạn ở địa phương khác có thể bay tới Phú Quốc, từ hòn đảo này cũng có tàu cao tốc đi thẳng tới Nam Du luôn.

Phương tiện cá nhân

Với các bạn có sẵn phương tiện cá nhân và muốn chủ động trong việc đi lại, các bạn có thể lựa chọn tự lái xe tới bến tàu ở Tp Rạch Giá rồi sau đó mua vé tàu đi Nam Du. Từ Sài Gòn, chỉ mất khoảng 5-6 tiếng di chuyển là có thể có mặt ở Rạch Giá.

Đi tới Nam Du

Hiện nay, việc di chuyển tới đảo Nam Du tương đối dễ dàng với mạng lưới các tuyến tàu cao tốc (Ảnh – nguyensuongthi)

Để tới Nam Du các bạn chỉ có thể sử dụng tàu cao tốc, có 2 lựa chọn bến xuất phát là bến tàu ở Rạch Giá và lựa chọn còn lại là bến tàu ở Phú Quốc. Với các bạn đi từ Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, có thể lựa chọn đi từ Rạch Giá cho thuận tiện. Với các bạn ở xa, có thể lựa chọn bay tới Phú Quốc, tranh thủ khám phá đảo Ngọc rồi bắt tàu từ Phú Quốc tới Nam Du.

Đi lại ở Nam Du

Xe máy

Trên đảo khá nhỏ, các bạn có thể lựa chọn việc thuê xe máy để có phương tiện chủ động đi lại. Thường các nhà nghỉ và homestay trên đảo cũng cung cấp sẵn tiện ích này, các bạn chỉ cần báo trước khi đến để họ chủ động chuẩn bị.

Thuyền
Để đi lại giữa các đảo, bạn cần sử dụng thuyền của người dân địa phương (Ảnh – mr.thuong88)

Để khám phá các hòn xung quanh Hòn Lớn và tham quan một số địa điểm đẹp, các bạn nên thuê tàu để di chuyển. Trên đảo hiện tại đang có một số cá nhân cho thuê tàu như dưới đây (nếu không thuê được các bạn có thể ra thẳng bến tàu, tìm bất kỳ tàu cá nào của người dân, thống nhất giá cả và các địa điểm muốn đi)

Lưu trú ở Nam Du

Homestay

Ngoài homestay, trên đảo Nam Du cũng bắt đầu hình thành một số khu nghỉ dưỡng nhỏ (Ảnh – calvinthaipham)

Hình thức lưu trú chủ yếu trên đảo Nam Du là homestay, trước kia khi chỉ một nhóm nhỏ du khách biết đến nơi này, số lượng cơ sở lưu trú tương đối ít và không có nhiều lựa chọn. Về sau này, cùng với sự phát triển của du lịch địa phương nên Nam Du hiện nay đã tương đối xịn hơn khá nhiều, ngoài homestay cũng đã có một số resort nhỏ, khách sạn 3 sao… để đáp ứng nhu cầu của những du khách khó tính.

Một số homestay tốt ở Nam Du

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Nam Du View
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0963145342
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Sky & Sea Nam Du
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0946110527
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Homestay Nam Du Xanh
Địa chỉ: Ấp An Cư, Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0947681102
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Hải Thuý
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0858177709
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà Nghỉ Tuấn Thảo
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 094 483 23 53
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Nam Du (Cập nhật 11/2024)

Ngủ lều

Nếu thích các bạn có thể dựng lều ngủ ở Nam Du (Ảnh – ha.hin.nguyen)

Số lượng cơ sở lưu trú tương đối nhiều nên thực chất nếu không phải vì sở thích các bạn không nhất thiết phải ngủ ngoài lều. Với những bạn luôn có sẵn đầy đủ đồ dùng, các bạn có thể mang theo lều để trải nghiệm trên bãi biển.

Các địa điểm du lịch ở Nam Du

Chơi gì

Bơi lội

Đi biển thì thích nhất là bơi lội rồi (Ảnh – minhanhhh96)

Với nhiều bãi biển đẹp, làn nước trong xanh cũng như tương đối lặng sóng, các bạn không nên bỏ lỡ việc được đắm mình dưới biển. Nếu không thuê thuyền đi chơi, các bạn có thể tắm ở các bãi biển trên đảo, nếu đi chơi bằng thuyền thì chỉ cần mặc áo phao rồi nhảy xuống biển là có thể thoải mái bơi lội.

Lặn ngắm san hô

Với một chiếc kính các bạn có thể ngắm san hô tương đối dễ dàng (Ảnh – hahueman)

Thực ra là bơi lội ngắm san hô thì đúng hơn, bởi khách du lịch chỉ cần một chiếc kính để có thể thực hiện hoạt động này. Với những bạn lặn chuyên nghiệp, mang theo thiết bị và dụng cụ của mình thì ở Nam Du cũng có một vài chỗ để các bạn thoả mãn niềm đam mê.

Bãi biển

Bãi Cây Mến

Bãi cây Mến (Ảnh – harikanguyen)

Bãi tắm Cây Mến là một cái vịnh, nước biển xanh biếc với diện tích 600 m² nằm gọn trong Vịnh Thái Lan. Anh Võ Văn Phương, người đang sở hữu phần diện tích đất trồng dừa và bãi tắm cho biết, đến nay anh vẫn không hiểu vì sao lại đặt tên là bãi Cây Mến. Thời ông cố, bà cố của anh đã sinh sống và sở hữu phần diện tích đất này. Tổng diện tích đất khoảng 7ha đều được ông cố trồng dừa. Hiện có cây tuổi thọ từ 70-80 tuổi. Lúc đầu, dừa  mọc thưa thớt. Khi cây cho trái đến khô rụng xuống đất và dừa con sinh trưởng phát triển. Cứ thế, cây dừa ngày một nhiều trở thành rừng dừa xanh, nằm liền kề vịnh biển. Ông cố, bà cố qua đời để lại cho ông ngoại, bà ngoại rồi đến mẹ và cậu anh sở hữu. Hiện mẹ anh Phương đã giao quyền sở hữu phân nửa diện tích đất và một phần vịnh này lại cho anh.

Bãi Ngự

Bãi Ngự (Ảnh – Thuc Nguyen)

Bãi Ngự nằm ở phía tây Củ Tron. Tương truyền trên đường qua Xiêm, vua Gia Long đã dừng lại đây nên khu vực này có tên là bãi Ngự. Mùa khô, bãi này vẫn đầy đủ nước ngọt trong khi các khu vực khác thiếu nước trầm trọng. Tại đây,m vẫn còn một cái giếng luôn đầy nước. Người dân địa phương cho rằng giếng được đào khi vua đặt chân đến đây nên được đặt tên là giếng Vua.

Bãi Đất Đỏ

Bãi Đất Đỏ (Ảnh – Le Quoc Anh)

Đây là một bãi biển tương đối đẹp của Nam Du với bãi cát mịn, trải dài, làn nước trong xanh. Bãi sẽ đẹp dịu dàng nhất vào mùa gió chướng, lúc này sóng ở bãi tương đối nhẹ nhàng, thích hợp cho nhiều hoạt động vui chơi.

Bãi Sỏi

Bãi Sỏi ở Nam Du (Ảnh – itsphucduc)

Đây là bãi biển nằm khá xa khu vực trung tâm, thực chất là một quần thể các dịch vụ lưu trú, ăn uống trên đảo. Bờ biển của bãi Sỏi được đổ khá nhiều sỏi cùng nhiều vật dụng trang trí nhỏ xinh để các bạn có thể check-in chụp ảnh.

Dốc Ân Tình

Bãi Ngự nhìn từ dốc Ân Tình (Ảnh – hitman273)

Đây là con đường dẫn lên hải đăng Nam Du, tên gọi có lẽ do người dân địa phương tự đặt bởi điểm này thu hút được nhiều cặp đôi lên chụp ảnh. Từ trên con dốc, các bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh Bãi Ngự.

Hải đăng Nam Du

Bờ biển Nam Du nhìn từ Hải Đăng (Ảnh – dao truong thi)

Hải đăng Nam Du nằm trên đỉnh Hòn Lớn (Củ Tron) thuộc xã An Sơn. Đây được xem là ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam nhờ nằm ở định đồi cao hơn 300 mét so với mực nước biển.

Cây cô đơn

Cây cô đơn ở Nam Du (Ảnh – tucmach.127)

Vốn chỉ là một cây thông bình thường nhưng nằm giữa một khung cảnh hùng vĩ, lãng mạn giữa núi rừng Nam Du đã khiến nó trở nên nổi tiếng.

Miếu Bà Chúa Xứ

Miếu bà Chúa Xứ ở Nam Du (Ảnh – Hoan Quách)

Người dân địa phương kể rằng thì miếu Bà Chúa xứ đã có từ rất lâu, trải qua nhiều lần tu sửa thì mang dáng dấp vững chãi như hiện nay. Người dân trên đảo dựng miếu bà ở trên cao, nhìn ra biển với nguyện ước nhận được sự phù hộ của ơn trên để mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, ra khơi đánh bắt bội thu và bình yên trở lại.

Các đảo xung quanh

Hòn Mấu

Bãi biển ở Hòn Mấu rất đẹp, nước trong, bờ cát trắng trải dài (Ảnh – 198X Retro)

Hòn Mấu rộng khoảng 200 ha với hơn 120 hộ dân nằm liền nhau vắt ngang qua phần thấp nhất của đảo. Hầu hết người dân trên đảo này đều làm nghề biển. Ðảo nhỏ nên vừa đặt chân lên tới đây, người dân trên đảo từ người già đến trẻ em đều biết bạn là người khác đến đảo này.

Trong số 21 hòn đảo của quần đảo này, tạo hóa có vẻ thiên vị khi ban phát cho hòn đảo nhỏ này những bãi biển tuyệt đẹp. Có đến năm bãi biển trên đảo. Trong đó, có hai bãi cát trắng mịn hiếm nơi nào có được là Bãi Chướng và Bãi Nam; còn lại là ba bãi đá: Bãi Bắc, bãi Ðá Ðen và bãi Ðá Trắng. Bãi Nam là mặt tiền của đảo. Bãi này hầu như yên ắng quanh năm, nên tàu bè đến giao thương đều dừng lại ở mặt này. Vì thế, cư dân ở đây cũng đông hơn, dù vậy bãi cũng rất sạch sẽ, cát trắng mịn và bãi dài.

Hòn Ngang

Làng bè nuôi cá ở Hòn Ngang (Ảnh – Phong Vũ)

Hòn Ngang có bến cảng êm sóng nhất Nam Du nên thu hút hàng ngàn tàu thuyền, ghe xuồng và những lồng bè nuôi cá. Từ Hòn Lớn qua Hòn Ngang mất 30 phút đi đò, mỗi ngày có hai chuyến xuất bến lúc 7h và 15h hàng ngày. Hòn Ngang là trung tâm xã Nam Du. Bến tàu Hòn Ngang có hàng ngàn tàu thuyền ghe xuồng và gần 60 lồng bè nuôi cá neo đậu không theo một trật tự nào. Bờ cảng là dãy nhà sàn trên cọc tre và bê tông san sát nhau chạy dài 2km. Chỉ có một con đường nhỏ chừng 1,5m, không có bất cứ loại phương tiện giao thông nào.

Hòn Bờ Đập

Hòn Bờ Đập (Ảnh – Cỏ Úa)

Hòn Bờ Đập có hình dáng khá đặc biệt bao gồm 2 phần, được nối với nhau bằng 1 dãy đá tự nhiên, nhìn từ xa trông giống 1 con đập. Trên đảo hiện chỉ có duy nhất 1 nhà dân cùng các lồng bè nuôi cá nên nơi đây gần như vẫn giữ được vẻ hoang sơ vốn có. Đến đây các bạn có thể lặn ngắm san hô, thăm lồng bè nuôi cá và thưởng thức hải sản tươi sống.

Hòn Nồm

Là một trong 11 đảo có dân sinh sống, Hòn Nồm giữa hiện chỉ có duy nhất đại gia đình ông Dương Văn Sáu sinh sống. Hòn đảo được ông Vương Văn Kiều, cha ông sáu đến khai hoang và xây dựng từ năm 1960. Toàn đảo có diện tích khoảng 10 ha nhưng chỉ có 3 ha là có thể trồng trọt, phần diện tích còn lại hoàn toàn là núi đá.

Hòn Tre

Trong 3 xã đảo của Kiên Hải thì Hòn Tre gần nhất và cũng là nơi đặt trung tâm hành chính của xã (Ảnh – Tùng Trần Thanh)

Hòn Tre là trung tâm hành chính của Kiên Hải, nơi này cũng có khá nhiều địa điểm lý thú, cảnh đẹp dành cho các du khách yêu thích trải nghiệm .

Hòn Sơn

Từ đất liền, sau khi qua Hòn Tre sẽ đến Hòn Sơn rồi cuối cùng mới đến Nam Du (Ảnh – Aloha Nguyen)

Nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, cách đất liền khoảng 60km, trên nền xanh thẳm của đại dương, Hòn Sơn (hòn Sơn Rái) hiện lên như một quả núi khổng lồ. Từ năm 1983, hòn đảo duyên dáng này được mang tên là Lại Sơn, một trong 4 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) diện tích 11,5km2 với 2.012 hộ sinh sống. Đến Hòn Sơn, du khách mới thấy hết cảnh sắc nên thơ, sự kết hợp hài hòa giữa biển – đảo với những giá trị nhân văn gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất nơi trập trùng sóng nước.

Ăn gì ở Nam Du

Ra biển thì đương nhiên đặc sản của biển là hải sản rồi, tuy nhiên ở đây cũng có đầy đủ các món ăn bình thường để phục vụ du khách. Nếu muốn cắm trại ngoài đảo bạn có thể chuẩn bị và mua thức ăn từ trước và mang theo từ Rạch Giá. Ngoại trừ hải sản còn lại thực phẩm ở ngoài đảo đều phải chuyển từ đất liền ra nên giá sẽ cao hơn trong đất liền một chút nha các bạn.

Hải sản

Nhum

Nhum biển hay còn gọi là cầu gai (Ảnh – tuandanh2812)

Nhum biển có hình thù kỳ quái, dưới bàn tay khéo léo của ngư dân xứ đảo đã mang đến cho du khách hương vị độc đáo, ngon khó quên. Nhum ở đây có nhiều loại. Nhum sọ màu trắng hoặc vàng cam, gai ngắn, ít thịt; nhum bàn gai nhọn, dài như chông thịt mỏng; nhum đen thịt nhiều, ngon và béo…

Để chế biến được món ăn từ nhum cũng không hề dễ dàng bởi những chiếc gai tua tủa, sắc nhọn rất dễ gây thương tích. Vì vậy người chế biến phải hết sức khéo léo, sau khi chặt hết lớp gai, người ta dùng dao chặt đôi nhum ra, lột bỏ dạ dày, rửa sạch cho hết sợi tơ máu rồi lấy muỗng hoặc thanh tre mỏng để nạo hết thịt nhum ra khỏi vỏ.

Ghẹ

Ghẹ ở Nam Du (Ảnh – thientran1214)

Ghẹ ở Nam Du được đánh bắt trực tiếp từ lưới ghẹ của ngư dân địa phương trên đảo nên luôn rất tươi sống. Ghẹ đa phần là ghẹ xanh, thịt chắc và rất ngọt.

Hàu đá

Hàu ở Nam Du (Ảnh – mtpham92)

Hàu cùng họ hàng với sò và nghêu, địa bàn cư trú của chúng là những vách đá ven bờ biển. Chúng bám rất chắc chắn vào đá và ăn rong rêu để sinh trưởng. Cũng giống như sò, nhanh và ngon nhất là nướng hàu trực tiếp trên than hồng.

Cá xanh xương

Cá xanh xương ở Nam Du (Ảnh – tina_trang2711)

Cá xanh xương còn có tên là cá nhái, một loài cá biển, thân tròn và dài, mỏ nhọn giống như cá lìm kìm. Con to có thể dài cả thước và nặng 2-3kg. Gọi là cá xanh xương vì da cá có màu xanh, khi nhìn vào thấy xương cá hiện lên màu xanh xanh.

Người ta chọn những con cá thật tươi từ biển mới mang về, cạo rửa sạch nhớt rồi dùng bẹ chuối xiêm ốp lại, quấn dây thật kỹ. Sau đó chất củi lên nướng cho đến khi nào bẹ chuối bị héo, khô là cá chín. Khi ăn, mở bẹ chuối ra, thịt cá nứt da, dậy mùi thơm lựng, dễ dàng chinh phục bất kỳ dân đất liền sành ăn từ Nam chí Bắc. Thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai dai, cuốn với bánh tráng ăn kèm với rau rừng như lá cách, lá lớp, đinh lăng, cải trời, đọt bứa… tạo nên một bản sắc riêng của vùng biển đảo, ít nơi nào có được.

Sò điệp

Sò điệp nướng mỡ hành (Ảnh – tn.thuytrang)

Sò điệp là một loại hải sản quen thuộc với phần cùi thịt trắng ngà thơm ngon mà không dai, thích hợp cho cả xào lẫn rang và là một trong những loại nguyên liệu thực phẩm để chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như: Sò điệp rang muối tiêu, sò điệp nướng mỡ hành, sò điệp hấp cuộn miến

Canh chua cá Bớp

Vùng biển phía Tây của Kiên Giang khá nổi tiếng với nghề nuôi cá Bớp lồng bé. Đây là loài cá có thân hình thoi dài, màu đen trông khá giống cá lóc. Canh chua cá bớp miệt biển Tây này không giống canh chua ở đất liền. Canh chua cá bớp ở đây nấu với me tươi hoặc me muối chung với sả bằm và nghệ đâm nhỏ. Để món ăn thêm phần hấp dẫn, người ta cho măng tươi hoặc măng chua vào.

Mực trứng

Mực tươi chỉ cần đem nướng trên than hồng là rất ngon rồi (Ảnh – chauchip)

Mực trứng được đánh bắt trong mùa sinh sản nên trong bụng chứa nhiều trứng, số lượng con mực có trứng chiếm đến trên 70%. Theo chuyên gia, mực trứng là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Mực trứng là loại thực phẩm dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon nên rất được ưa chuộng. Mực trứng có thể làm món mực trứng chiên ớt, chiên xù xốt thơm, chiên bơ, nướng tương ớt hoặc sa tế… nhưng nổi bật nhất vẫn là mực trứng hấp gừng vì mùi vị ngọt của mực không bị mất mà dễ thực hiện, ăn lại không ngán

Khô cá

Cá được người dân trên đảo chế biến thành khô (Ảnh – jazzpuma)

Phương thức phơi khô là một cách giữ thực phẩm cổ nhất của nhân loại. Khô cá có thể để hằng năm mà không bị hư. Cách thức phơi khô khá thô sơ nhưng hữu hiệu, thường được ngư dân áp dụng để giữ các mẻ cá đánh về nếu không tiêu thụ kịp. Khô cá cũng có lợi điểm là dễ chuyên chở hơn là cá tươi. Ở Nam Du mọi loại khô trên quần đảo Nam Du được người dân làm những con cá còn tươi nguyên và là một đặc sản khá thú vị với khách du lịch.

Lịch trình du lịch Nam Du

Các bạn có thể kết hợp đi Hòn Sơn hoặc Phú Quốc khi có kế hoạch tới với Nam Du (Ảnh – tr.thithi)

Đây chỉ là lịch trình tham khảo để các bạn có thể thoải mái khám phá đảo, nếu bạn không có hoặc có thêm thời gian thì có thể chủ động rút ngắn hoặc kéo dài lịch trình này cho phù hợp với riêng mình.

Ngày 0: Sài Gòn – Rạch Giá

Tối ngày đầu tiên này các bạn bắt xe từ Sài Gòn đi Rạch Giá, xe chạy chuyến muộn thì chỉ khoảng sáng sớm sẽ tới nơi. Tiếp đến các bạn đón xe trung chuyển ra cảng, nghỉ ngơi ăn sáng rồi đợi giờ lên tàu.

Ngày 1: Rạch Giá – Nam Du

Tàu chạy chuyến sáng thì sau khoảng2 tiếng các bạn có mặt ở Nam Du, nhận phòng khách sạn rồi cất đồ đạc, thuê một chiếc xe máy để khám phá đảo.

Buổi sáng nếu còn nhiều thời gian, các bạn có thể ghé các điểm tham quan trên đảo như Hải Đăng, gành Ông. Xong buổi trưa về lại homestay nghỉ ngơi, ăn uống rồi đến chiều chạy một lèo các bãi biển của Nam Du như bãi cây Mến, bãi Ngự, bãi Chệt…

Tối về lại homestay nghỉ ngơi

Ngày 2: Đi đảo

Ngày này các bạn chủ động liên hệ thuê thuyền của người dân để khám phá các đảo xung quanh như Hòn Ngang, Hòn Mấu. Nếu không muốn tự liên hệ, các bạn cũng có thể đặt các tour khám phá đảo mà người dân nơi đây tổ chức.

Tối quay lại Hòn Lớn nghỉ ngơi

Ngày 3: Về lại Sài Gòn

Sáng dậy các bạn làm thủ tục trả phòng, ghé chợ mua một số đồ lưu niệm hoặc đồ khô muốn mang về làm quà.

Ra cảng lên tàu trở lại Rạch Giá, ngày cuối này các bạn có thể dành khoảng nửa ngày để khám phá Rạch Giá hoặc lên xe về thẳng lại Sài Gòn luôn. Phương án nào thì sáng hôm sau các bạn cũng có thể trở lại với công việc hàng ngày.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Nam Du 2024
  • du lịch Nam Du tháng 11
  • tháng 11 Nam Du có gì đẹp
  • review Nam Du
  • hướng dẫn đi Nam Du tự túc
  • ăn gì ở Nam Du
  • phượt Nam Du bằng xe máy
  • Nam Du ở đâu
  • đường đi tới Nam Du
  • chơi gì ở Nam Du
  • đi Nam Du mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Nam Du
  • homestay giá rẻ Nam Du

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 65 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào