Kinh nghiệm du lịch Bắc Giang

Kinh nghiệm du lịch Bắc Giang (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Bắc Giang là tỉnh miền núi có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, diện tích tự nhiên 3.827,8 km2, với dân số trên 1,569 triệu người gồm 20 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 10 huyện thành phố. Bắc Giang còn được thiên nhiên ban tặng khá nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, với những cánh rừng nguyên sinh cùng hệ động thực vật phong phú được bảo tồn, những vùng cây ăn quả trù phú của vùng đồi Lục Ngạn…đã tạo cho Bắc Giang một tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái. Tổng hợp những chia sẻ về kinh nghiệm du lịch Bắc Giang mới nhất (cập nhật 2024) để các bạn tham khảo.

Sông Thương đoạn chảy qua Bắc Giang (Ảnh – tu_geo)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả tu_geo, Hai Tran, dan toan, Dần Lê, Nghiêm Phú Lâm, Hồ Khiêm, dukhach.net, Mạnh Bùi Văn, Thanh Sơn HP, Giang_famj, ducva83, Nguyễn Hoài Sơn, Lune’s Kitchen, Hạnh Lâm, Ngoc Bao Nguyen, Thuan Pham Van, Huy Nguyễn Tuấn, Thang Pham Xuan, Nguyễn Thị Huệ, FB Du lịch Hồ Cấm Sơn, Thiện Cơ Trần, haidavh, KTS Nguyen Phu Duc, DungLV44, Nga Đặng Thị, Tuan Hai, Trung TQ, VTV3, Thuy Nguyen, Mù Tạt, Lê Thu Uyên, Hải Phương, Thái Anh, Trang Sumo, Thu Ket Ket, FB Nông Nghiệp Sạch, Anh Le, Ốc Quyên, FB Cam Bố Hạ và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Bắc Giang

Mục lục

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng đông bắc Việt Nam. Từ năm 2012 là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Bắc Giang giáp với nhiều tỉnh thành, phía bắc giáp Lạng Sơn, phía đông giáp Quảng Ninh, phía tây giáp Thái Nguyên và Hà Nội, phía nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50 km.

Trong những năm gần đây, kinh tế của Bắc Giang phát triển khá toàn diện và đang dần khẳng định được vị thế là Trung tâm kinh tế lớn thứ hai của vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Quảng trường trung tâm Thành phố Bắc Giang (Ảnh – Hai Tran)

Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía bắc với châu thổ sông Hồng ở phía nam. Tuy phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đồi nhưng nhìn chung địa hình không bị chia cắt nhiều. Khu vực phía bắc tỉnh là vùng rừng núi. Bắc Giang nằm kẹp giữa hai dãy núi hình cánh cung và cùng mở ra như nan quạt, rộng ở hướng đông bắc, chụm ở phía tây nam (tại vùng trung tâm tỉnh), là: cánh cung Đông Triều và cánh cung Bắc Sơn, phần giữa phía đông tỉnh có địa hình đồi núi thấp là thung lũng giữa hai dãy núi này. phía đông và đông nam tỉnh là cánh cung Đông Triều với ngọn núi Yên Tử, cao trung bình 300–900 m so với mặt biển, trong đó đỉnh cao nhất là 1.068 m; phía tây bắc là dãy núi cánh cung Bắc Sơn ăn lan vào tới huyện Yên Thế, cao trung bình 300–500 m, chủ yếu là những đồi đất tròn trĩnh và thoải dần về phía đông nam. Tại vùng núi phía đông bắc tỉnh, giáp với Quảng Ninh có khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ rộng 7153 ha với hệ động vật và thực vật phong phú, bao gồm 236 loài cây thân gỗ, 255 loài cây dược liệu, 37 loài thú, 73 loài chim và 18 loài bò sát.

Trên địa bàn Bắc Giang có 374 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Sông Lục Nam chảy qua vùng núi đá vôi nên quanh năm nước trong xanh. Sông Thương bắt nguồn từ hai vùng có địa hình và địa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng: bên đục, bên trong.

Ngoài sông suối, Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần. Hồ Cấm Sơn năm ở khu vực giáp tỉnh Lạng Sơn, dài 30 km, nơi rộng nhất 7 km và chỗ hẹp nhất 200m. Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.600 ha, vào mùa mưa có thể lên tới 3.000 ha. Hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 240 ha và lòng hồ có 5 đồi đảo được phủ kín bởi rừng thông 20 tuổi. Người ta có thể dạo chơi trên hồ Khuôn Thần bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền gắn máy, vừa cùng người Sán Chỉ, Cao Lan, Nùng bản địa hát soong hao, vừa thưởng thức những sản phẩm độc đáo của địa phương như hạt dẻ, mật ong và rượu tắc kè.

Du lịch Bắc Giang là đến với một miền quê yên bình, những trang trại trồng cây ăn quả ngút tầm mắt, những hồ nước mênh mang, được hoà mình vào thiên nhiên còn nguyên sơ với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Bắc Giang còn là vùng đất một thời được ví là phiên dậu, là tứ trấn trọng yếu của đất nước, với những chiến công vang dội mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.

Du lịch Bắc Giang vào thời gian nào?

Hãy đến du lịch Bắc Giang vào mùa vải thiều ở Lục Ngạn (Ảnh – dan toan)

Bắc Giang có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa từ tháng 4-10 và mùa khô từ tháng 11-3. Tùy vào mục đích chuyến đi phượt Bắc Giang của mình mà các bạn có thể lên kế hoạch đi Bắc Giang vào một số thời điểm sau

  • Khoảng thời gian từ tháng 6-9, thời điểm này là mùa hè, buổi tối thường không quá lạnh nên rất thích hợp để cắm trại tại cao nguyên Đồng Cao. Tuy nhiên, do đây là khu vực đồi núi khá trống trải nên các bạn cần chú ý tránh vào những dịp đang có mưa bão.
  • Đi vào khoảng tháng 6-7 nếu bạn muốn thưởng thức một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Bắc Giang là vải thiều.

Hướng dẫn đi tới Bắc Giang

Khá gần Hà Nội nên Bắc Giang khá phù hợp để di chuyển đến bằng đường bộ (Ảnh – Dần Lê)

Là một tỉnh trung du miền núi, có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với vùng đồng bằng Sông Hồng nên hạ tầng giao thông của Bắc Giang chủ yếu là đường bộ và đường sắt.

Phương tiện cá nhân

Xe máy

Bắc Giang có 4 tuyến quốc lộ chính chạy qua gồm QL 1A, QL 31, QL 27 và tuyến QL 279 (nối các tỉnh miền núi phía Bắc kéo dài từ Quảng Ninh đến tận cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên). Từ Hà Nội các bạn có thể di chuyển tới Bắc Giang theo hướng QL1A cũ đi qua Bắc Ninh rồi tùy thuộc vào lịch trình của mình các bạn sẽ đổi sang các hướng đi phù hợp.

Ô tô

Nếu sử dụng ô tô, các bạn có thể đi theo tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang để rút ngắn lịch trình. Tuy vậy, các bạn lưu ý là tuyến cao tốc này lại rất nguy hiểm khi cho phép xe máy đi cùng (do không có hệ thống đường gom riêng cho xe máy) và nằm dọc 2 bên đường là rất nhiều khu công nghiệp nên thường xuyên có công nhân băng ngang đường. Nói chung nếu đi tuyến này cần hết sức cảnh giác.

Phương tiện công cộng

Đường bộ

Các tuyến xe khách đi Bắc Giang từ Hà Nội thường xuất phát từ bến xe Gia Lâm. Các bạn có thể qua đây để tìm xe đi các huyện hoặc sử dụng các tuyến buýt kế cận giữa Hà Nội để tới trung tâm thành phố Bắc Giang

Xem thêm bài viết: Các tuyến xe khách đi Bắc Giang (Cập nhật 10/2024)

Đường sắt

Hiện có 2 tuyến tàu chạy qua Bắc Giang là Hà Nội – Đồng Đăng và Yên Viên – Hạ Long nên nếu muốn các bạn có thể đến Bắc Giang bằng tàu hỏa và có thể gửi kèm xe máy theo tàu.

Đi lại ở Bắc Giang

Xe buýt

Bắc Giang hiện đang duy trì một số tuyến buýt nội tỉnh từ trung tâm thành phố Bắc Giang tới các huyện và một số địa phương kế cận như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội…

Thuê xe máy

Ngoài ra, nếu các bạn có dịp đi công tác hay đang học tập tạm thời ở Bắc Giang, các bạn có thể tranh thủ thuê xe máy ở Bắc Giang rồi đi khám phá các địa điểm yêu thích.

Xem thêm bài viết: Địa điểm thuê xe máy ở Bắc Giang (Cập nhật 10/2024)

Lưu trú ở Bắc Giang

Ở một số khu du lịch sinh thái tại Bắc Giang, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những dịch vụ ngủ nhà sàn như thế này (Ảnh – Internet)

Khách sạn/Nhà nghỉ

Để phục vụ cho việc phát triển du lịch, trong những năm gần đây cơ sở lưu trú ở Bắc Giang đã tăng mạnh cả về số lượng, nâng cao về chất lượng. Theo thống kê, hiện toàn Bắc Giang có 330 cơ sở lưu trú với 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn, tăng 95 cơ sở lưu trú và 1500 buồng nghỉ. Chất lượng các khách sạn nhà nghỉ tại Bắc Giang cũng được nâng cao đáp ứng các nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.

Một số khách sạn tốt ở thành phố Bắc Giang

KHÁCH SẠN Ravatel Luxury Bắc Giang
Địa chỉ: 1 Đường Hùng Vương, Phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, Bắc Giang
Điện thoại: 02043789999
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Ravatel Home Bắc Giang
Địa chỉ: 3 Hùng Vương 1, Phường Lê Lợi, Tp Bắc Giang, Bắc Giang
Điện thoại: 02043505152
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Mandala Hotel & Suites Bắc Giang
Địa chỉ: 55 Nguyễn Văn Cừ, Phường Ngô Quyền,TP Bắc Giang, Bắc Giang
Điện thoại: 02043868866
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Sojo Hotel Bắc Giang
Địa chỉ: Số 8 Nguyễn Văn Cừ, Phường Trần Phú, TP Bắc Giang, Bắc Giang
Điện thoại: 02043838333
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang
Địa chỉ: Quảng trường 3/2, đường Hoàng Văn Thụ, Tp Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang
Điện thoại: 0204 3542 888
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ tại Bắc Giang (Cập nhật 10/2024)

Homestay

Tại một số địa điểm du lịch nằm ở xa trung tâm như Đồng Cao, khu Tây Yên Tử…hệ thống khách sạn nhà nghỉ không phủ tới các bạn có thể liên hệ người dân để ở theo hình thức lưu trú homestay.

Các địa điểm du lịch ở Bắc Giang

Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về các loại hình du lịch. Ngoài cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tươi đẹp còn nhiều điểm du lịch mang đậm văn hóa với bản sắc riêng:

Đồng Cao

Đồng Cao có khí hậu mát mẻ, khá phù hợp cho việc cắm trại (Ảnh – Nghiêm Phú Lâm)

Khoảng hai năm trở lại đây, du khách biết nhiều đến điểm du lịch Đồng Cao, thuộc xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) qua các phương tiện thông tin đại chúng. Không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ ưa thích du lịch khám phá theo hình thức “phượt” đã đặt chân đến đây.

Điểm ấn tượng với du khách khi đến Đồng Cao là được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, thiên nhiên hoang sơ cộng thêm sự chất phác, thật thà và nhiều tập quán truyền thống của đồng bào vùng cao. Đây còn được ví như “Mẫu Sơn” hay “Sapa” của Bắc Giang. Ngoài ra, sự mới lạ, mong muốn chinh phục những con đường gập ghềnh, khó đi cũng là lý do để không ít các nhóm trẻ hướng lên Đồng Cao.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Đồng Cao (Cập nhật 10/2024)

Khu bảo tồn Tây Yên Tử

Yên Tử là dãy núi cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Đây là dãy núi chính của vòng cung Đông Triều (từ Quảng Ninh qua Hải Dương – Bắc Giang và dừng ở bờ tả sông Lục Nam).

Yên Tử là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang và của vùng Đông Bắc, nằm trên diện tích của các xã An Lạc, Thanh Sơn, Thanh Luận (huyện Sơn Động) và xã Lục Sơn (huyện Lục Nam). Đây là khu rừng phân bố ở độ cao từ 200m đến hơn 1.000m so với mặt biển và có địa hình cao dốc phức tạp.

Rừng Yên Tử có vị trí vô cùng quan trọng đối với việc phòng hộ, môi trường và điều tiết khí hậu cho vùng Đông Bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, rừng Yên Tử còn có nguồn tài nguyên rừng khá lớn, đủ điều kiện để xây dựng thành một khu dự trữ thiên nhiên với diện tích trên 17.000 ha và tổng trữ lượng gỗ gần 1.000.000 m3. Mặt khác, do nằm ở vị trí có địa hình cao dốc, hiểm trở nên rừng tự nhiên Yên Tử còn giữ được những khu vực tương đối nguyên vẹn với một quần thể sinh vật phong phú, đa dạng, đặc trưng tiêu biểu cho vùng Đông Bắc Việt Nam.

Khu bảo tồn Tây Yên Tử (Ảnh – Hồ Khiêm)

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử có nhiều nguồn gien động, thực vật rừng quý hiếm, đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam mà nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác không có.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tây Yên Tử (Cập nhật 10/2024)

Trên hệ thống núi Yên Tử có nhiều thắng tích nổi tiếng đã được sử sách xưa ghi nhận, đó là: khu thắng tích Am Vãi; khu thắng tích Suối Mỡ – Hồ Bấc; khu thắng tích Huyền Sơn; khu di tích Khám Lạng; khu di tích Hòn Tháp – Yên Mã… Các khu thắng tích này là một quần thể rộng gồm danh sơn và cổ tích hợp lại. Hầu hết, những khu di tích nằm trên sơn phận Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang là những khu di tích cổ, có từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI đến thế kỷ XIV). Đó là những di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm do vua là Trần Nhân Tông sáng lập.

Khu du lịch sinh thái Đồng Thông

Khu sinh thái Đồng Thông (Ảnh – dukhach.net)

Khu du lịch sinh thái Đồng Thông thuộc tuyến du lịch Tây Yên Tử – một tuyến du lịch trọng điểm đang được tỉnh Bắc Giang tập trung quy hoạch và xây dựng. Khu du lịch Đồng Thông cũng là nơi bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm, ngoài ra, đây còn là điểm dừng chân cho bạn trước khi chinh phục đỉnh Phù Vân Yên Tử từ phía Tây.

Đến với Đồng Thông, bạn có thể ghé thăm chợ Nòn để thưởng thức hương vị mật ong rừng Yên Tử, đặc sản rượu men lá đặc trưng nơi đây; hoặc tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa, lễ nghi dân gian của bà con dân tộc như: Lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ cấp sắc của người dao ở bản Mậu và Đồng Thông. Cũng tại Đồng Thông, bạn có thể dã ngoại xuyên rừng lên đến Chùa Đồng và các chùa khác trong quần thể chùa trên dãy núi Yên Tử.

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ

Bên trong rừng nguyên sinh Khe Rỗ (Ảnh – Mạnh Bùi Văn)

Khu rừng nguyên sinh thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động có diện tích 7.153ha trong đó có 5.092ha là rừng tự nhiên. Khu rừng có 236 loài thực vật, cây lấy gỗ, 255 loài liệu dược quý. Trong khu rừng còn có 37 loài thú, 73 loài chim, 18 loài bò sát, đặc biệt có 7 loài thuộc loại động vật quý hiếm. Đây là cánh rừng nguyên sinh tiêu biểu của khu vực Đông Bắc Việt Namnằm gọn trong hai khe suối khe Rỗ và khe Din. Phía Đông và Đông Bắc giáp với huyện Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn, phía Nam và Đông Nam giáp với huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh, phía Bắc và Tây Bắc thuộc địa phận của xã An Lạc. Sống xung quang khu bảo tồn rừng nguyên sinh là dân cư của hai bản dân tộc Dao: Pác Duốc và Khe Din.

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ hiện nay rất phù hợp cho các hoạt động du lịch cộng đồng, cắm trại, du lịch mạo hiểm (Ảnh – Thanh Sơn HP)

Hiện nay rừng nguyên sinh Khe Rỗ nói riêng và toàn bộ khu rừng Tây Yên Tử nói chung còn giữ được vẻ nguyên sơ rất thích hợp cho các tour du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu các hệ động thực vật rừng nhiệt đới của du khách.

Làng Thổ Hà

Thổ Hà nổi tiếng với nghề làm bánh đa (Ảnh – Giang_famj)

Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Đó là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính. Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.

Thổ Hà ba mặt là sông như một hòn đảo, ra khỏi làng là phải đi đò. Làng có hai bến đò: bến Chùa ở trước cửa đình, bến đò dưới nằm ở xóm Ba. Trước kia đò do người chèo trông rất thơ mộng, nhưng ngày nay đều được gắn máy nên đò chở khách nhanh hơn. Dọc bờ sông của làng là thuyền bè của dân vạn chài sinh sống.

Thổ Hà là một ngôi làng với 3 mặt giáp sông (Ảnh – ducva83)

Làng có một trục đường chính chạy theo bờ Bắc dòng sông Cầu, theo chiều dòng chảy lần lượt là Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3 và Xóm 4. Vuông góc với trục đường chính là các ngõ xóm sâu và hẹp. Cách đây vài chục năm dấu tích của nghề gốm vang bóng một thời là những bức tường ngõ cổ và bức tường nhà xây toàn bằng những mảnh gốm vỡ hay tiểu sành phế phẩm mà không dùng chút vôi vữa nào, chỉ dùng bùn của sông Cầu để kết dính. Khi dân làng giàu lên các bức tường này đã xây lại bằng gạch và xi măng, hiện nay chỉ còn rất ít đoạn tường cổ. Có hai đường vào làng: đường thủy qua bến đò từ phía Nam, đường bộ qua cổng làng từ phía Bắc làng, bến đò và cổng làng chỉ cách nhau 100 mét.

Kiến trúc cổ của Thổ Hà gồm: ba di tích lịch sử văn hóa được nhà nước công nhận là Đình, Chùa, Văn Chỉ, trong đó có gần hai chục tấm bia đá ghi chữ nho ở cả hai mặt; Cổng làng, bốn ngôi Điếm của bốn xóm, các ngôi nhà cổ. Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, là một trong những chiếc cổng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu. Quanh khu vực cổng làng, đình và chùa có rất nhiều cây đa đều hàng trăm năm tuổi. Trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Đình Thổ Hà

Đình làng Thổ Hà (Ảnh – Nguyễn Hoài Sơn)

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Đình thờ Thân Cảnh Phúc,là Tướng nhà Lý, có công lớn trong kháng chiến chống quân Tống, dân tộc Tày, tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn-Lạng Sơn), được vua Lý gả công chúa và phong chức tri châu. Đó là một công trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000 m², một nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Đình đã từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Đình được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1960. Đình xây dựng năm 1685 thời vua Lê Chính – Hòa năm thứ 7. Đến năm 1807 (Gia Long năm thứ 5) xây dựng tiền tế và hai nhà tả vu, hữu vu. Thời kỳ kháng chiến chông Pháp, đình bị rỡ ngói, phá sàn và chấn song. Mặt khác hàng năm thường bị lụt, có năm nước ngập đến mái ngói, nên đình bị xuống cấp nhiều.

Trong suốt thời gian từ lúc được xây dựng tới bây giờ, ngôi đình đã được sửa sang và nâng cấp rất nhiều lần. Năm 1977 – 1979 nhà nước đã đầu tư kinh phí và cử cán bộ về trùng tu, nâng ngôi đình cao thêm 1,8m, nhưng ngôi tiền tế vẫn chưa nâng. Năm 1988 dân Thổ Hà với tinh thần tự lực cánh sinh đã tôn tạo ngôi tiền tế và nâng cao bằng ngôi đình.

Đình được dựng theo kiểu chữ công, toà bái đường dài 27m, rộng 16m, dựng trên nền cao 0,5m xung quanh bó đá tảng xanh chia làm ba cấp, mái đình lợp ngói mũi hài to bản, bốn góc là những đầu đao cong vút. Đầu bờ nóc uốn quanh hình lưỡi liềm, góc mái có gắn nghê, thú nhỏ bằng sành nung già lửa đỏ tía. Có tất cả 22 đầu bẩy lực lưỡng, chạm rồng, mây, nghê, thú rất trau chuốt. Bái đường chia làm 7 gian, 48 cột lim, bộ khung mái chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động. Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ trong tư thế cưỡi phượng, đè rồng, hoặc đang nhảy múa giữa các lớp mây bồng bềnh. Lòng bái đường lát đá xanh nhẵn bóng. Bức cửa võng thếp vàng chạm trổ lộng lẫy làm cho bái đường càng thêm trang nghiêm cổ kính.

Trong đình có ba tấm bia to: Thủy tạo đình miếu bi nói về việc xây dựng đình, Cung sao sự tích thánh (Lão Tử) nói về sự tích thành hoàng Thái thượng lão quân, Bia sao sắc phong sao các đạo sắc của các triều đại trước phong tặng. Ngoài ra còn có các bia khác quy tập tại đình nói về những điều lệ trong dân đã quy định.

Năm 2006 được sự trợ giúp kinh phí của Vương quốc Bỉ đình Thổ Hà lại được dỡ hết để làm lại, dự định cuối 2009 sẽ xây dựng xong. Trong lần trùng tu này đình được phục chế theo các ảnh chụp còn lưu trữ bên Pháp. Sau khi làm xong đình thì Chùa Thổ Hà và Văn chỉ cũng sẽ xây dựng lại.

Thành cổ Xương Giang

Xương Giang là một thành cổ hiện chỉ còn lại tàn tích tại tỉnh Bắc Giang, đây là một trong những nơi đã diễn ra trận chiến giữa quân của Lê Lợi và quân Minh.

[su_youtube_advanced url=”https://www.youtube.com/watch?v=1vQ7BBOQyYo” width=”660″ height=”560″ fs=”no” theme=”light”][/su_youtube_advanced]

Thành Xương Giang do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15, năm 1407, trong thời gian nhà Minh đô hộ Việt Nam. Thành được xây bằng đất, các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.

Thành Xương Giang xưa tuy đặt ở vùng bằng phẳng nhưng lợi thế ở chỗ hiểm yếu. Thành này án ngữ con đường “Thiên Lý Bắc – Nam” xưa. Xung quanh thành địa hình cũ có hệ thống sông con, đầm lầy, rộc trũng bao quanh rất khó tấn công. Năm 1407, giặc Minh cho đắp thành này, trấn giữ ở đó được 20 năm thì bị Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn vây đánh vào năm 1427. Do địa thế hiểm yếu, nghĩa quân Lam Sơn phải 9 tháng mới hạ được thành, trong khi đó các thành Thị Cầu, Chi Lăng, Đoàn Thành nghĩa quân triệt hạ nhanh chóng.

Khu di tích Suối Mỡ

Suối Mỡ mùa cạn nước (Ảnh – Lune’s Kitchen)

Suối Mỡ là tên một con suối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh – Yên Tử, tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá và nhiều bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Cảnh đẹp nhất nơi đây là đoạn suối có năm bậc thác mẹ con từ đền Thượng xuống đền Trung. Theo các tài liệu, đền Suối Mỡ là nơi thờ Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương, người có công mở dòng Suối Mỡ, dạy nhân dân làm ruộng, làm nương.

Tại khu vực Suối Mỡ, các công trình tạo thành một khu liên hoàn: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng (có từ thời nhà Lê, thế kỷ XV – XVI). Với nhiều loại hình du lịch để du khách có thể lựa chọn như: Tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, tắm suối, cắm trại, leo núi, khám phá thiên nhiên hoặc mua sắm, ẩm thực… Du khách có thể lựa chọn điểm du lịch sinh thái tại thác Suối Mỡ; thác Thùm Thùm; vọng Ngắm Trăng; đỉnh Rông Khế; hồ Suối Mỡ hoặc du lịch tâm linh tại đền Suối Mỡ (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng); đền Trần; đền Quan; đền Cô Bé Cây Xanh.

Đền Hạ

Điểm đầu tiên trong chuỗi thắng cảnh là đền Hạ, ngôi đền nằm kề bên đường tỉnh 293. Đây là một trong 3 ngôi đền có quy mô và diện tích lớn nhất trong hệ thống đền Suối Mỡ. Đền tọa lạc trên thế đất “hoàng long”. Trước cửa đền có núi Tai Voi làm án có tác dụng ngăn không cho tà khí bay vào đền và giữ lại những tài lộc do long mạch bên trong thúc ra.

Đền Hạ Suối Mỡ (Ảnh – Hạnh Lâm)

Ngày nay, dưới bóng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, đền Hạ vẫn giữ được nét uy nghi, rêu phong cổ kính. Đền Hạ hiện còn giữ được 3 pho tượng đồng quý hiếm, bên ngoài được phủ một lớp sơn bóng quang điện trông càng rực rỡ uy nghi.

Đền Trung

Đền Trung Suối Mỡ (Ảnh – Hạnh Lâm)

Nằm tách biệt với khu dân cư, từ xa nhìn lại, đền Trung tọa lạc trên mảnh đất có vị trí như một hòn đảo được bao bọc bởi suối và cây xanh tạo nên vẻ tĩnh mịch, huyền bí và linh thiêng cho ngôi đền. Với điểm tựa gối đầu là núi Bà Bô; án là rừng Thông và sườn Giông Khế, theo thuyết phong thủy đây là mảnh đất tụ linh và ngôi đền nằm trên thế đất “tựa Sơn đạp Thuỷ”. Lối đi duy nhất vào đền là cây cầu bán nguyệt được coi như nối cõi trần với nơi đất thánh. Trong đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương – Thượng Ngàn Thánh Mẫu và một số bệ thờ theo tín ngưỡng thờ mẫu.

Đền Trung có cả thảy 5 thác nước, trong những nét nguyên sơ của đá và nước, cùng cỏ cây xung quanh tạo nên nét kì bí và thú vị cho những du khách đến đây.

Đền Thượng

Đền Thượng Suối Mỡ (Ảnh – Ngoc Bao Nguyen)

Ngôi đền nằm giữa lưng chừng núi có kiến trúc khá đơn sơ, hầu như giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc ban đầu từ thuở mới tạo dựng. Đền chỉ có một gian rộng lấy một tảng đá lớn bên trên làm mái, lấy vách đá xung quanh làm tường, ba bề trên dưới là đá, cả điện thờ cũng nguyên khối đá. Tại đền Thượng, bên dòng Suối Mỡ thơ mộng, còn được thưởng thức những điệu hát chầu văn mượt mà, say đắm lòng người.

Thác Thùm Thùm

Thác Thùm Thùm (Ảnh – Thuan Pham Van)

Nằm trong quần thể khu du lịch Suối Mỡ, thác Thùm Thùm, còn gọi là thác Chúa, từ đền Trần đến đây mất khoảng 30 phút. Thác Thùm Thùm mang một vẻ đẹp kì bí, Đây là thác cao nhất trong hệ thống thác Suối Mỡ. Thác được khoác trên mình một tấm áo choàng bằng nước từ trên cao đổ xuống tạo ra những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Bây giờ, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa tên thác bởi thác nước đổ xuống tạo nên những âm thanh thùng thình, ùm ùm, nghe như tiếng trống trận của quân sĩ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Hồ Suối Mỡ

Công trình khởi công xây dựng năm 2009 gồm 4 hạng mục: Đập chính, tràn xả lũ, cống nước, kênh dẫn nước. Với diện tích mặt hồ hơn 30 ha, công trình hồ Suối Mỡ góp phần tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho khu vực đồng thời giúp điều hòa khí hậu và thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch như: bơi thuyền, câu cá, nghỉ dưỡng và dịch vụ khách sạn, nhà hàng, công viên thú. Trong tương lai không xa, khi hoàn thiện, nơi đây sẽ tôn thêm vẻ đẹp của Suối Mỡ – miền đất thiêng.

Hồ Khuôn Thần

Khuôn Thần là một hồ nước rộng rộng 240 ha, bao quanh bởi những đồi vải, đồi thông bạt ngàn và xanh mướt. Đây là một khu du lịch còn nhiều tiềm năng của xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Với khí hậu mát mẻ, Khuôn Thần là nơi khá phù hợp để tổ chức các hoạt động dã ngoại, cắm trại (Ảnh – Huy Nguyễn Tuấn)

Từ thành phố Bắc Giang theo quốc lộ 31 đi khoảng 40 km lên đến trung tâm ngã tư Đài Phát thanh -Truyền hình Lục Ngạn, sau đó rẽ trái 9 km, du khách sẽ tới khu du lịch Khuôn Thần. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp nguyên sơ, thanh bình với hồ nước trong xanh, không khí thoáng đãng, bao quanh là những đồi vải, đồi thông ngút ngàn.

Núi Dành

Cây sâm nam Núi Dành (Ảnh – Thang Pham Xuan)

Cách TP Bắc Giang hơn 15 km, trên núi Dành có nhiều thông, keo vi vu. Đây là địa danh từng được nhắc tới trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, trong đó có đoạn: “Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra sâm Nam và cỏ Thi”. Quần thể khu du lịch này gồm nhiều công trình như: Đền Trình, đền Hạ, đền Thượng, chùa Không Bụt, đình Vường và hơn 30 ha rừng thông, keo, bạch đàn có độ tuổi trên chục năm, tạo thành một không gian văn hóa tâm linh, sinh thái thu hút đông đảo người dân đến hành hương, thưởng ngoạn.

Bản Đá Húc

Bản Đá Húc cách trung tâm xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) khoảng 8 km. Từ con đường liên xã chạy qua bản nhìn lên là màu xanh thẫm của khu rừng nguyên sinh – rừng lim xanh. Ngay bìa rừng là ngôi đình cổ kính nhìn ra khu định cư của đồng bào Cao Lan.

Không xa nữa khi tuyến đường tâm linh 293 sườn Tây Yên Tử hoàn thành, đường về bản Đá Húc sẽ rất thuận tiện. Khi đó rừng lim xanh và ngôi đình cổ sẽ là điểm tham quan du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách gần xa.

Thác nước Hang Chiêng – Khe Nương Dâu

Có một địa chỉ du lịch sinh thái lý thú khá quen thuộc với người dân bản địa nhưng lại mới mẻ và ít người nơi khác biết đến tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), đó là thác nước Hang Chiêng – Khe Nương Dâu. Những ngày hè dát bỏng, đây thực sự là điểm đến cuốn hút giải nhiệt của người dân.

Hang Chiêng – Khe Nương Dâu (Ảnh – Nguyễn Thị Huệ)

Nằm giữa khe núi hun hút, xung quanh bao phủ bởi những thảm thực vật của rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Tuấn, sở dĩ có tên gọi Hang Chiêng bởi trong thời kỳ chống Pháp du kích địa phương đã giấu nhiều chiếc chiêng làm hiệu lệnh mỗi khi hoạt động tại đây, xung quanh là những bãi dâu tươi tốt.

Hồ Cấm Sơn

Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn thì bị chặn lại thành hồ. Hồ Cấm Sơn là nguồn cung cấp nguồn nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang.

Ảnh – FB Du lịch Hồ Cấm Sơn

Bình thường mặt hồ rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, hồ có rất nhiều đảo. Điều đặc biệt bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc. Cư dân sống gần hồ là những bản làng người dân tộc Nùng, Tày và Kinh. Nhân dân vùng chung quanh hồ chủ yếu là dân tộc. Người dân ở đây đi lại chủ yếu bằng thuyền, và giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo tạo những cảnh quan sơn thủy hữu tình.

Để đến được hồ Cấm Sơn du khách có khá nhiều đường khác nhau, song thuận lợi hơn cả là con đường từ thị trấn Chũ, ngược theo đường 297 qua đèo Váng, đến Tân Sơn đi theo con đường đất đỏ với những khúc cua tay áo liên tiếp, men theo những bản làng người Nùng, người Sán Chí, người Dao là đến Cấm Sơn, hoặc từ thành phố Bắc Giang ngược theo quốc lộ 1A qua huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn rồi rẽ phải khoảng gần 5km thì đến đập Cấm Sơn.

Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, Việt Nam, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, một viên ngọc sáng trong các chùa cổ Việt Nam.

Chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang (Ảnh – Thiện Cơ Trần)

Trước kia, chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, nay là thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nên còn gọi là chùa Đức La và lễ hội ở đây được gọi là lễ hội La. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.

Văn bia chùa thời Trần viết: “Đức Tổ Điều Ngự Pháp Loa khi mở tùng lâm này, còn mở cái chợ Đức La. Các vị vương thân quốc thích và thập phương đàn Việt, phát tâm tậu ruộng đất ở tại bản xã và các hạt khác các nơi, để cúng hương dâng tam bảo muôn đời. Chùa này và chùa Sùng Nghiêm cả thảy 72 chốn tùng lâm, công đức sáng tạo, hợp khắc vào bia ở chùa Hoa Nghiêm núi Yên tử”. Một tấm bia chùa dựng khác viết: “Ðức tổ Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) khi mở Tùng lâm này (tức chùa Vĩnh Nghiêm), mở cả chợ chùa. Các vị vương thân quốc thích và khách thập phương đã phát tâm tậu nhiều ruộng cúng cho chùa, gồm cả ruộng trong xã và ruộng ở các hạt khác nữa”.

Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự (永嚴寺). Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (陳仁宗; 1258-1308), từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa (法螺), Huyền Quang (玄光) sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam tổ.

Chùa cổ Bồ Đà

Những bức tường đất của chùa mang một chút màu rêu phong, hoài cổ (Ảnh – haidavh)

Chùa Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự , là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh xưa). Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ.

Vườn tháp chùa Bổ Đà (Ảnh – KTS Nguyen Phu Duc)

Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), Khổng Tử… Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương – có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).

Lăng Dinh Hương

Lăng Dinh Hương thuộc làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê, được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ 1965. Lăng Dinh Hương xây dựng từ năm 1727 (xuất hiện trước tất cả các lăng mộ vua Nguyễn ở Cố đô Huế). Trong lăng lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu, tên húy là La Đoan Trực.

Lăng Dinh Hương (Ảnh – KTS Nguyen Phu Duc)

Lăng nằm trên một quả đồi hình tròn rộng khoảng một ha có tường gạch bao quanh (ngày xưa là tường đá ong bao quanh). Vào cổng là hai tượng quan hầu cầm dùi đồng. Quần thể lăng đá Dinh Hương chia làm ba phần chính: phần mộ táng ở giữa, phần thờ tự ở bên trái, phần bia ở bên phải. Tượng người và vật tại lăng làm bằng đá xanh được chạm khắc rất sống động, tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và được tỉa công phu.

Phần mộ rộng khoảng 100 mét vuông có tường đá ong dày bao quanh là nơi lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu, có hai võ quan dắt ngựa đứng canh. Cặp tượng quan hầu dắt ngựa được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá, tượng chú trọng vào cách tạo khối trên thân, khiến con vật trở nên đậm chất hiện thực. Một số mảng chạm tỷ mỷ và mang tính cách điệu cao như phần yên cương, bờm con ngựa. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên phải có mặt to, hàm rộng. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên trái có râu dài, mặt nhỏ.

Khu thờ tự gồm hai voi nằm chầu, bàn thờ có hai con nghê to há mồm ngồi chầu, tiếp theo là ngai thờ làm từ hai khối đá lớn cùng hai quan hầu nữ và hai con nghê nhỏ trạm khắc tinh tế, sinh động. Quan hầu nữ bên trái bưng chiếc tráp khối hộp chữ nhật ngang bụng, bàn tay trái đỡ dưới hộp tráp, tay phải giữ ngang đầu hộp, để hở nửa bàn tay với những ngón thon dài. Quan hầu nữ bên phải ngai thờ tay cầm quạt, đầu đội mũ ni có chóp nhọn như một chiếc nón nhỏ, nửa phía sau mũ có bốn lớp vải trùm kín chân tóc, phủ xuống kín tai và gáy.

Các món ăn ngon và đặc sản Bắc Giang

Vải thiều Lục Ngạn

Vải thiều là một trong các đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang (Ảnh – DungLV44)

Mặc dù nguồn gốc của vải thiều không phải là Lục Ngạn. Vải thiều đến với vùng đất sỏi đá này hết sức tình cờ. Xuất xứ từ vùng Châu thổ sông Hồng, vải thiều di thực về Bắc Giang một cách hữu duyên như trời định, sự hòa hợp giữa đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu với loài cây quả độc đáo này đã tạo ra một thứ quả ngọt thơm lành thậm chí còn thơm ngọt, đậm đà hơn ở nơi nó đã được sinh ra. Kết quả của mối nhân duyên đó đã hình thành nên vùng cây ăn quả tập trung tại Bắc Giang mà thủ phủ là Lục Ngạn, với diện tích khoảng 40.000 ha.

Quả vải Lục Ngạn còn thường được dùng để sấy khô (Ảnh – Nga Đặng Thị)

Bánh đa Thổ Hà

Để có một mẻ bánh đa ngon, người Thổ Hà phải chọn nguyên liệu rất cẩn thận, công phu gồm gạo tẻ loại ngon; vừng trắng đãi kỹ, không sạn; lạc loại già, mẩy; dừa già, cùi dày và đường kính.

Những chiếc bánh đa được phơi ở Thổ Hà (Ảnh – Tuan Hai)

Trước tiên, ngâm gạo 1-2 tiếng để ráo nước, sau đó đổ vào cối xay, vừa xay vừa đổ nước sao cho không loãng cũng không quá đặc. Sau đó lọc bột bằng vải. Trước khi tráng, đun chảy đường hòa với bột cho đều. Một bếp lò nghi ngút khói được nổi lửa, từng muỗng bột gạo thơm phức được tráng đều trên mặt vải căng. Bánh đa thông thường chỉ cần tráng một lần nhưng bánh đa Thổ Hà tráng làm hai lần, lần thứ nhất một lượt bột không, đợi lượt bột đó chín lại tráng thêm một lượt bột nữa, lần này là hạt lạc sống rửa sạch xắt nhỏ, tróc sạch vỏ rắc đều lên mặt bánh cùng với vừng trắng và dừa nạo.

Bánh tráng xong được rải đều lên “giàng” phơi cho được nắng. Nắng càng to thì bánh lên màu càng đẹp, càng mau khô. Bánh phơi xong được đưa ngay lên bếp than rừng rực lửa quạt. Mùi bánh nướng lửa than thơm phức, đưa vào miệng giòn tan. Người quạt bánh xong đợi bánh nguội bớt, dùng dao gọt cạnh bánh cho tròn rồi cho vào túi bóng, mỗi bánh một túi. Bánh căng tròn những miếng lạc vàng thơm, điểm thêm dừa nạo có vị bùi bùi.

Bánh đa Kế

Bánh đa Kế nướng (Ảnh – Trung TQ)

Bánh đa Kế là một món ăn bình dị, dân dã, chứa đựng trong đó bao hương vị, đậm đà quê Bắc Giang. Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh.

Gọi là bánh đa Kế bởi món bánh này được làm ở làng Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Xưa kia, bánh đa Kế chỉ là món ăn dân dã ở vùng thôn quê. Ngày nay, bánh đa Kế xuất hiện cả trên những bàn tiệc sang trọng, những nhà hàng cao cấp.

Nham Vân Xuyên

Món ăn nham cá của người Hiệp Hòa, Bắc Giang (Ảnh – VTV3)

Nguyên liệu chính để làm Nham gồm: Trám đen nấu bỏ hạt lấy cùi; thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ; thịt cá sông (đánh bắt từ sông Cầu) nướng. Ba thứ đó theo tỉ lệ 1:1:1, đem trộn với gia vị như lạc rang, quả núc nác nướng, rau thơm, khế chua, nêm mắm muối vừa đủ. Cách làm như sau: Trám đen (đã om chín và ngâm trong nước muối loãng) dã nhỏ; thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ; cá nướng gỡ xương lấy thịt, rau mùi gai, húng quế, tía tô, khế chua thái nhỏ, đặc biệt không thể thiếu lá gừng tươi và lá hẹ thái nhỏ, tất cả trộn đều và rắc thêm vừng hoặc lạc rang giã rối… khi ăn dùng bánh đa nem cuốn ngoài.

Thưởng thức đặc sản này, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của trám đen; ngọt đậm của cá và hương thơm của các loại gia vị rau thơm, vừng, lạc… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc trưng rất lạ, khó quên.

Gỏi cá mè Hiệp Hòa

Để có món gỏi cá mè cần phải trải qua nhiều công đoạn từ lựa chọn cá làm nguyên liệu; lọc bỏ xương, da; ủ cá trong gạo; kỹ thuật thái;… cho đến việc tập hợp, sưu tầm tới hơn 10 loại lá các loại chủ yếu là những lá có vị chát, ngoài ra còn có rau thơm, gia vị,… hết sức công phu. Ngoài việc chủ động chuẩn bị lựa chọn những con cá tươi sống còn phải tìm rất nhiều loại gia vị như: Riềng, mẻ, bánh đa nem, chuối xanh, khế chua, thịt ba chỉ, lạc, vừng, đỗ tương, nước mắm, mì chính, lá thơm… Riêng lá thơm phải chuẩn bị trên dưới 10 loại lá gồm: Lá nhội, lá sung, lá lộc vừng, lá mơ lông, lá vọng cách, lá đài bi, lá diếp cá, tía tô, kinh giới, mùi tàu, lá ổi, lá đinh lăng… Các loại lá có thể thái nhỏ, trộn đều, cũng có thể để nguyên để người ăn có thể chọn loại lá hợp sở thích, chú ý lá phải khô.

Gỏi cá mè Hiệp Hòa, Bắc Giang (Ảnh – VTV3)

Để làm nên thành công cho món gỏi cá không chỉ ở cách chế biến mà còn ở khâu pha chế nước chấm (hay còn gọi là hạt). Hạt được chế biến rất công phu với nguyên liệu chủ yếu là đầu và gan cá, thịt ba chỉ, trứng và các gia vị như hành, tỏi khô, mẻ, mắm, muối, mì chính, đường, tiêu, ớt… Đầu và gan cá được băm nhỏ cùng với thịt ba chỉ rồi ướp với mẻ và các gia vị nói trên. Cho mỡ lợn hoặc dầu ăn vào xoong đun sôi để phi thơm hành, tỏi, cho hỗn hợp trên vào xào qua rồi cho thêm vào một ít nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 – 20 phút. Trứng vịt đập vào bát, đánh tan cho vào nồi khuấy đều, nêm thêm muối và bột ngọt cho vừa ăn là được.

Việc làm ra gỏi cá đã một công phu, nhưng thưởng thức gỏi cá còn là cả một nghệ thuật. Thực khách dùng thìa san một ít hạt vào bát của mình, có thể dùng bánh đa nem hoặc trực tiếp dùng lá nhội, lá lộc vừng, lá sung, lá vọng cách để gói. Đặt miếng cá vào giữa rồi cuộn lại, chấm vào hạt rồi đưa lên miệng cảm nhận vị ngọt thơm của cá; mằn mặn, cay cay, beo béo của hạt hòa quyện với mùi vị của các loại rau thơm, nhấp thêm chén rượu gạo nồng đượm, thầm cảm ơn trời đất, tình quê lan tỏa trong món ăn dân dã, cầu kỳ này.

Nhiều thực khách tò mò và băn khoăn rằng “đã nghe kể nhiều về gỏi cá mè Hiệp Hòa nhưng chẳng thấy có nhà hàng, quán ăn nào chế biến, bán món gỏi để mà thưởng thức”. Xin thưa, đây là món ăn cầu kỳ, mất nhiều thời gian và vô cùng công phu, người Hiệp Hòa chỉ dùng vào dịp chiêu đãi khách quý, bạn tâm giao mà không hề bán.

Chè đỗ đãi Mỹ Độ (Chè kho)

Món chè này còn gọi là chè kho, được coi là một trong những món ăn truyền thống vào ngày tuần rằm hay dịp lễ tết. Nguyên liệu chính là đỗ xanh, đường kính trắng thêm chút vừng rang, hương va ni, tất cả hoà quện vào nhau tạo nên một món ăn mà từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân làng Mỹ Độ.

Món chè kho Mỹ Độ (Ảnh – Thuy Nguyen)

Công thức của món chè đỗ đãi là: 1 kg đỗ thì cần 1,3 kg đường, nếu thiếu đường, chè sẽ không sánh, dễ vữa khi đổ khuôn. Chè đỗ đãi đạt yêu cầu phải ráo, có độ dai, mềm nhất định. Yêu cầu của một món chè đỗ đãi thành công là phải có vị ngọt thanh, tan nhanh nơi đầu lưỡi.

Việc chế biến đã là một công phu nhưng việc thưởng thức cũng không kém phần cầu kỳ. Sẽ đặc biệt thú vị nếu như ta ăn chè đỗ đãi với xôi vò – loại xôi có thêm đỗ xanh nấu chín, giã nhỏ, nắm thành từng nắm rồi dùng dao thái tơi. Hai thứ đó được ăn lẫn cùng với nhau vừa ngon mát, lại vừa mang tính chất tráng miệng. Chính bởi điều này nên trên bất cứ mâm cỗ cưới hoặc ngày Tết nào của người dân nơi đây cũng đều có 2 đĩa: chè đỗ đãi và xôi vò.

Ngoài ra, người Bắc Giang vẫn còn có thói quen thưởng thức chè đỗ đãi với uống trà sen – một thứ đặc sản khác của vùng đất này vào buổi sớm. Ngoài tác dụng lót dạ, cái vị ngòn ngọt, bùi bùi của chè hòa lẫn với hương thơm thoang thoảng của sen còn làm cho đầu óc, tinh thần ta thoải mái hơn. Đó cũng là cái thú, cái nét rất riêng trong việc thưởng thức chè đỗ đãi.

Bánh coóc mò

Bánh coóc mò (Ảnh – Mù Tạt)

Bánh coóc mò thường được dân tộc Tày, nhất là ở huyện vùng cao Sơn Động ưa thích trong ngày Tết Nguyên đán. Xưa, bánh được gọi là bánh sừng bò, vì có các góc nhọn trông giống sừng của con bò; nay gọi chệch là bánh coóc mò.

Bánh gio Hiệp Hòa

Bánh gio Hiệp Hòa, Bắc Giang (Ảnh – Lê Thu Uyên)

Các loại vỏ, cây, quả, lá để làm bánh, tất cả đều có ở vườn nhà và quanh vùng, đồi bãi, ruộng đồng. Các loại thuốc nam ấy đốt thành gio để kỹ vào bao dùng quanh năm. Mỗi khi gói bánh mới lấy gio pha trộn vào nước giếng để trong vại sành, đổ nước vôi trong vào vại cho cặn gio lắng xuống đáy vại. Gạo gói bánh là loại gạo nếp cái, ngon nhất là nếp cái hoa vàng. Gạo vo sạch, đãi sạn, dùng nước gio để ngâm. Ngâm gạo là cả một quy trình và kinh nghiệm. Gạo có màu trắng đục, đổ vào ngâm phải thay nước gio ba lần trong khoảng 9-10 tiếng đồng hồ, cứ 3 giờ thay một lần nước, như thế mới đủ độ thẩm thấu nước gio vào hạt gạo, sao cho màu hạt gạo chuyển từ trắng đục sang màu vàng nhạt có ánh hơi xanh, lấy tay trà xát, hạt gạo nhuyễn thành bột mới đạt yêu cầu. Chả hiểu nước bánh gio và gạo kỵ với mỡ và muối thế nào nhưng khi ngâm gạo, tất cả các đồ dùng như giá, xoong, chậu,… đều không được dính mỡ và muối, nếu có mỡ và muối dù bánh có luộc kỹ, đun lâu hạt gạo vẫn chơ chơ không thể nhuyễn. Lá gói bánh gio thường là lá dong, lá tươi sẽ nhanh chuyển màu và có mùi nếu để lâu, nên người ta dùng lá dong phơi khô, khi gói ngâm nước cho mềm, mỗi lá gói một bánh dài khoảng 20 phân, to hơn ngón chân cái. Luộc bánh bằng củi là tốt nhất, khi luộc nồi bánh phải ngập nước, nếu nước cạn lại đổ them nước, đun sôi khoản 20 phút bắc ra khỏi bếp ngâm đến khi nước nguội thì vớt bánh. Để bánh có màu đẹp, khi luộc cho ít măng khô hay quả dành dành thì bánh sẽ trong và màu vàng óng. Bánh gio vừa mềm, vừa dẻo, gấp như gấp lạt mà không gãy, cầm một đầu lẳng đi lẳng lại cứ dẻo quẹo, nên dân gian còn gọi bánh gio là bánh “lẳng”.

Cua Da

Hàng năm vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch trên đoạn sông Thương gần Lục Đầu Giang chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng như: Đồng Việt, Đồng Phúc, Thắng Cương xuất hiện một loại cua mà dân trong vùng quen gọi là “cua Da” hay “cua Ra”. Đây là loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông này.

Cua Da (Ảnh – Hải Phương)

Kích cỡ và trọng lượng của cua to gần bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống loài cua đồng, nhưng chân dài, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng và mang một số đặc điểm khác biệt với cua đồng. Đó là hai càng của giống cua này có hai lớp lông như rêu bám vào; yếm cua cũng có lớp diềm rêu điệu đà. Chính cái lớp lông rêu này đã khiến nhiều người băn khoăn về tên gọi của loài cua này là: “cua Da hay là cua Gia?”. Có người nói rằng phải gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng chín cua ra, tháng ba cua vào”. Có người lại nói phải gọi là “cua da” vì loài cua này có một lớp da trên càng. Có người lại bảo phải gọi là “cua gia”, vì đơn giản tên gọi ấy nghe có vẻ hay hơn, hợp lý hơn.

Đặc sản cua Da có thể được chế biến thành nhiều món như: Cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên, cua giã nấu canh… Nhưng ăn cua Da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia. Khi cua vẫn còn sống, đem rửa sạch bằng nước, xếp vào nồi, rắc thêm chút bột canh, bỏ thêm xả, gừng, rót bia xâm xấp mình cua, đặt lên bếp, để lửa thật nhỏ, đun liu riu cho đến khi bia sôi lăn tăn thì bật lửa to cho sôi bồng lên là bắc ra.

Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, khi ăn không cần dùng đến kẹp như cua hay ghẹ biển. Ăn cua Da chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.

Mỳ Chũ

Mỳ gạo Chũ (Ảnh – Thái Anh)

Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, Nam Dương (Lục Ngạn), đây là một làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời. Nguyên liệu để làm ra mỳ Chũ là một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo – Bao thai hồng, hơn nữa lại được trồng trên vùng đất đồi Chũ, những cây lúa chắt chiu dinh dưỡng, hình thành bông từ mảnh đất đồi sỏi đá. Có lẽ chính vì vậy mỳ nơi đây mang một hương vị không thể nào lẫn được so với các nơi khác. Từng sợi mỳ mang cho bạn cảm giác dẻo dai, đậm đà, ngọt bùi nơi đầu lưỡi.

Rượu Làng Vân

Rượu làng Vân (Ảnh – Trang Sumo)

Rượu Làng Vân là danh tửu của xứ Kinh Bắc. Rượu Làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà,Việt Yên, Bắc Giang với men rượu bí truyền của làng Vân.

Trước kia, rượu Làng Vân là lễ vật để dâng lên vua chúa và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình. Cổng đầu làng Vân Xá có 2 câu đối:

“Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công như nguyệt rạng trời Nam”

Trong đó “Vân hương mỹ tửu” là 4 mỹ tự do vua Lê Hy Tông sắc phong cho sản vật lừng danh này vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703).

Bánh vắt vai

Bánh vắt vai được làm từ gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng, có vị thơm ngon, ngọt bùi là món ăn dân dã của người Cao Lan ở Bắc Giang. Bánh hấp dẫn bằng chính cái tên lạ và hình thức của nó. Tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào. Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan nên ngay từ nhỏ, các thiếu nữ đã được bà, mẹ truyền dạy cách làm.

Thoạt nhìn, nguyên liệu làm món này giống như bánh chưng, bánh tét gồm gạo nếp, đậu xanh. Ngoài ra còn có lá chuối, đường và đặc biệt không thể thiếu rau ngải cứu. Chính thứ rau này mang đến mùi vị khác lạ và đặc biệt cho bánh.

Không phải gạo nếp nào cũng làm được bánh ngon mà phải là nếp Phì Điền nổi tiếng ở huyện Lục Ngạn. Nhờ chất đất và khí hậu đặc trưng, nếp cái hoa vàng Phì Điền có vị dẻo, hương thơm.

Bánh vắt vai (Ảnh – Thu Ket Ket)

Gạo nếp được xay nhỏ bằng cối đá. Ngải cứu luộc cùng với nước vôi cho bớt vị chát và đắng rồi xay nhỏ, trộn cùng với bột gạo nếp. Sau đó, người làm nặn thành những viên bột, nhân gồm đậu xanh được xào qua với đường.

Để bánh ngon và dậy vị thơm, phải chọn lá chuối tươi, non mỡ màng rồi nướng qua trên bếp lửa, sau đó đem gói. Bánh được đặt ở hai bên đầu lá chuối, để có thể gập vào được và vắt lên vai. Bánh cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là được, mùi thơm của ngái cứu lan tỏa. Trong những dịp lễ, Tết, người Cao Lan vắt vai đi biếu họ hàng nội ngoại ở xa.

Bánh vắt vai có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ. Đến Lục Ngạn vào mùa tháng 3 âm lịch hay dịp gần Tết, bạn sẽ dễ dàng tìm mua bánh trong các chợ quê.

Bánh hút Lục Ngạn

Rau cải cay rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước, nhào bột gạo nếp với nước lá cải cay sau đó nặn bánh (nặn tròn như bánh trôi), thả bánh vào chảo dầu ăn chiên tới khi vàng đều vớt bánh ra, nhanh tay thả vào nồi mật mía (nồi mật đun nhỏ lửa). Viên bột sẽ tự hút mật căng tròn bên trong. Vớt bánh ra và lăn qua một lớp bột gạo nếp.

Bánh đúc Đồng Quan

Bánh đúc là món ăn dân dã có ở khắp vùng quê Việt Nam. Bánh đúc thuần túy rất giản dị được nấu từ bột gạo pha với nước vôi trong. Tuy nhiên, mỗi vùng có một cách chế biến khác nhau, cho hương vị khác nhau và cách thưởng thức cũng khác nhau. Trong số đó thì bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo, vừa mát.

Theo người dân làng Đồng Quan, để có bánh đúc ngon thì quan trọng nhất vẫn là khâu nấu và quấy bánh. Chuẩn bị một cái nồi đã được tráng mỡ, đổ bột vào, bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay nếu không sẽ bị vón cục ngay. Lửa nấu phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không khê. Tùy theo kinh nghiệm và cảm nhận của nười nấu sẽ biết khi nào nồi bánh gần được thì đậy vung, tắt lửa, để om trên bếp một lúc rồi cho lạc rang, dừa xát mỏng vào. Lại quấy tiếp tới lúc bột quánh dẻo, các nguyên liệu hòa đều, lấy đũa cả đánh lên thả xuống thấy róc đũa là được. Bánh đúc chín đổ ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào bát sẽ được bánh nhỏ, xâu lạt được.

Tương La

Tương La đang được ủ (Ảnh – FB Nông Nghiệp Sạch)

Tương là món ăn dân dã của người dân Việt Nam, nước chấm không thể thiếu khi ăn bánh đúc, bánh tẻ, chấm rau muống, cà muối, thịt luộc… Tương còn dùng làm gia vị nấu một số món ăn khác. Từ xa xưa nhà nhà, người người ở các vùng quê đã biết làm tương ăn dần. Thế nhưng, người sành ăn thì chỉ chọn những loại tương nổi tiếng của một số vùng miền trong cả nước như tương Bần (Yên Nhân – Hưng Yên), tương Cự Đà (Thanh Oai – Hà Tây), tương Nam Đàn (Nghệ An)… Nhiều người cho rằng tương La ngon và có thể so sánh được với các loại tương trên là do được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước trong mát nhưng những người làm tương nơi đây cho biết tương ngon hay không phần nhiều do nguyên liệu và kỹ thuật của người sản xuất. Nguyên liệu làm tương La không thể thay thế được chính là gạo nếp cái hoa vàng và đậu tương hạt nhỏ giống cúc hoa vàng (đắt gấp 2-3 lần đậu tương thường). Gạo nếp chọn lựa kỹ bằng cách giần sàng sao cho không còn hạt gãy. Ngâm, đãi rồi nấu thành xôi, xong xới ra nong, nia cho lên men, lên mốc tự nhiên. Sau khi mốc lên đều có màu hoa cau là được. Đỗ tương loại bỏ hạt lép, hạt hỏng rửa sạch, rang chín vừa, để nguội rồi xay ra (không quá nhỏ), cho vào chum ngâm với nước trong khoảng thời gian thích hợp cho mềm (khi được nước đỗ tỏa mùi thơm ngào ngạt). Tiếp đó là công đoạn ngả tương (trộn mốc với nước tương đã ngâm, thêm muối cho vừa), đánh đều, phơi nắng, rồi để vào nơi thoáng mát bảo quản. Để tương ngấu, ăn ngon phải mất tối thiểu một tháng.

Chè Bát Tiên Sơn Động

Từ trước đến nay, người dân Việt Nam đã quen với cái tên chè Thái Nguyên, chè Shan tuyết Suối Giàng. Mấy ai biết rằng, trên đất Sơn Động, Bắc Giang cũng có một loại chè thơm ngon không kém, có tên là Bát Tiên.

Chè Bát Tiên có nguồn gốc từ Đài Loan được nhập nội và trồng thành công ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên sau thời gian kiến thiết của cây, sản phẩm trè Bát Tiên Thanh Sơn đã có mặt trên thị trường và ngày càng nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng mùi thơm hoa nhài, chỉ cần uống một lần là nhớ mãi.

Bún Đa Mai

Bún Đa Mai chính là sản phẩm “bún” được làm ở phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Bún có sợi dẻo, ăn mát, bổ, để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính, đó là: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá). Bún vẩy ốc và bún con ba thường chỉ được chế biến khi dân làng có hội hè, hoặc có người đặt riêng. Bún rối và bún lá thì là những sản phẩm luôn luôn được chế biến và tiêu thụ hàng ngày.

Gà đồi Yên Thế

Gà đồi Yên Thế (Ảnh – Anh Le)

Giống gà Yên Thế có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt gà có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Do được sinh trưởng trong môi trường đồi núi tự nhiên nên gà Yên Thế có vị thịt ngọt, đậm.

Mật ong rừng Yên Thế

Mật ong hoa rừng Yên Thế được chiết xuất từ những tổ ong nuôi trong rừng. Với vị ngọt tinh khiết, mang mùi đặc trưng của hoa rừng. Mật ong hoa rừng Yên Thế sánh, sạch, thơm tinh khiết. Sản phẩm chiết xuất tự nhiên, không pha tạp chất hay hóa chất bảo quản.

Chè xanh Yên Thế

Là huyện có địa hình đồi núi thấp, điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp nên cây chè được trồng trên đất Yên Thế sinh trưởng mạnh, nước chè thơm và ngon.

Gạo nếp Phì Điền

Gạo nếp Phì Điền (Ảnh – Ốc Quyên)

Trong những năm gần đây, thương hiệu nếp cái hoa vàng của xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Gạo nếp Phì Điền có đặc điểm hạt to đều, trắng, ăn dẻo và thơm ngon hơn loại gạo nếp hiện đang có trên thị trường.

Cam Bố Hạ

Ảnh – FB Cam Bố Hạ

Cam Bố Hạ là loại cam sành thường được làm quà tặng, quà biếu vào đúng dịp gần Tết Nguyên đán. Cam có vị ngọt, thơm và rất mọng nước. Loại cam này được trồng rất nhiều ở Bắc Giang, đến tháng Mười hai âm lịch hằng năm rất nhiều người, nhiều thương nhân, lái buôn đã đổ về khắp chợ Bố Hạ để thu mua loại cam này.

Lịch trình đi phượt Bắc Giang

Cùng Phượt gợi ý một số lịch trình tới những điểm du lịch hấp dẫn ở Bắc Giang, với các điểm du lịch khác các bạn có thể dùng Google Maps xem vị trí và tự lập cho mình một lịch trình riêng phù hợp.

Hà Nội – Đồng Cao – Khuôn Thần – Hà Nội

Lịch trình này đi trong 2 ngày 1 đêm, các bạn cần mang theo lều để cắm trại tại Đồng Cao. Hôm sau, trên đường về ghé qua hồ Khuôn Thần.

Ngày 1: Hà Nội – Đồng Cao

Trưa thứ 7 khởi hành từ Hà Nội đi Đồng Cao. Trước khi đi nhớ chuẩn bị đầy đủ lều bạt, các dụng cụ du lịch, thức ăn có thể chuẩn bị trước từ nhà hoặc mua trên đường.

Từ Hà Nội đến Đồng Cao khoảng 5 tiếng, các bạn căn giờ để có mặt trên đấy trước 5h chiều, mua củi và dựng lều trại sớm bởi mặt trời sẽ lặn rất nhanh.

Tối ngủ ở Đồng Cao, nếu nhóm đông có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể bên đống lửa.

Ngày 2: Đồng Cao – Hồ Khuôn Thần – Hà Nội

Sáng dậy sớm săn ảnh bình minh ở Đồng Cao. Thu dọn lều trại, dọn sạch khu vực đã sinh hoạt và mang theo toàn bộ rác thải.

Xuống núi và đi về Hà Nội, trên đường đi ghé qua hồ Khuôn Thần. Đây là một khu du lịch nhỏ, các bạn có thể mua thức ăn và thuê thuyền đi quanh hồ, sau đó ghé nghỉ và ăn trưa trên một đảo nào đó.

Khởi hành về Hà Nội

Hà Nội – Tây Yên Tử – Am Ngọa Vân – Chùa Hồ Thiên – Hà Nội

Lịch trình này đi trong 2 ngày cuối tuần, đa phần là leo núi (trekking). Tối đầu tiên ngủ ở Am Ngọa Vân (trên đỉnh Tây Yên Tử), các bạn có thể mang theo lều để dựng ngủ nhờ ở sân chùa.

Ngày 1: Hà Nội – Tây Yên Tử – Am Ngọa Vân

Khởi hành thật sớm từ Hà Nội, nên khởi hành vào lúc khoảng 5h sáng để có thời gian leo. Từ Hà Nội đi về phía Chí Linh theo QL 18, đến hồ Bến Châu sẽ có đường leo lên Tây Yên Tử

Gửi xe ở dưới hồ rồi thuê thuyền chở qua đường mòn để leo, chặng dài nên khoảng chiều tối sẽ lên tới am Ngọa Vân. Dựng lều và ngủ tại đó

Ngày 2: Am Ngọa Vân – Chùa Hồ Thiên – Hà Nội

Từ Am Ngọa Vân đi sang chùa Hồ Thiên rồi xuống chân núi. Lấy xe và trở về Hà Nội kết thúc hành trình.

Hà Nội – Chùa Bổ Đà – Chùa Vĩnh Nghiêm – Suối Mỡ – Hà Nội

Đây là lịch trình ngắn đi trong 1 ngày qua 2 ngôi chùa nổi tiếng của Bắc Giang là Chùa Bổ Đà, một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc lâm Tam tổ; tiếp đến là chùa Vĩnh Nghiêm – nơi phát tích Tam tổ phái thiền Trúc lâm của Phật giáo Việt Nam. Tổng lịch trình 1 chiều vào khoảng 120km nên hoàn toàn có thể đi được trong ngày.

Lịch trình chi tiết như sau:

Sáng xuất phát sớm từ Hà Nội đi theo hướng đường 1 cũ, qua đường Ngô Gia Tự thẳng qua Từ Sơn, Tp Bắc Ninh rồi qua cầu Đáp Cầu của Tp Bắc Ninh, đi thẳng đến chợ Nếnh thì rẽ trái vào rồi hỏi đường đi chùa Bổ Đà.

Sau khi thăm quan chùa Bổ Đà xong thì quay ngược lại QL1A rồi đi sang huyện Yên Dũng thăm chùa Vĩnh Nghiêm. Từ đây các bạn di chuyển tiếp sang khu du lịch Suối Mỡ, nếu đi sớm các bạn có thể kịp qua đến đây vào đúng giờ buổi trưa, tổ chức ăn uống nghỉ ngơi ở đây khá hợp lý. Chiều khám phá Suối Mỡ rồi quay ngược về Hà Nội

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Bắc Giang 2024
  • du lịch Bắc Giang tháng 10
  • tháng 10 Bắc Giang có gì đẹp
  • review Bắc Giang
  • hướng dẫn đi Bắc Giang tự túc
  • ăn gì ở Bắc Giang
  • phượt Bắc Giang bằng xe máy
  • Bắc Giang ở đâu
  • đường đi tới Bắc Giang
  • chơi gì ở Bắc Giang
  • đi Bắc Giang mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Bắc Giang
  • homestay giá rẻ Bắc Giang

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 18 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bắc Giang

BẮC GIANG

Vị trí Bắc Giang trên bản đồ Việt Nam

Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía bắc với châu thổ sông Hồng ở phía nam. Bắc Giang là sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ (Bắc Ninh) và văn hóa Tày Nùng (Lạng Sơn). Những người dân tộc Thái, dân tộc Dao… vẫn có nét riêng trong sinh hoạt nhưng họ học tiếng Kinh, mặc quần áo người Kinh. Người dân Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với 23 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ ở Bắc Ninh. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.

Bạn có biết: Vườn đồi Lục Ngạn có thế mạnh về cây an quả và là nơi tập trung trồng vải thiều lớn nhất cả nước.

  • Diện tích: 3.849,7 km²
  • Dân số: 1.657.600 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố và 9 huyện
  • Mã điện thoại: 204
  • Biển số xe: 98, 13