Ẩm thực và Các món ăn ngon ở Cao Bằng (Cập nhật 11/2024)
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 1 tháng 11 năm 2024Cùng Phượt – Cùng Phượt – Khi đi du lịch Cao Bằng, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món đặc sản của vùng cao như hạt dẻ Trùng Khánh vừa to, vừa thơm ngon; lê Đông Khê có vị ngọt thanh và là loại lê ngon nhất ở Cao Bằng; mận Bảo Lạc; thịt lợn quay; vịt quay; rượu rắn; rượu tắc kè; rượu ong; bánh cuốn trứng. Cao Bằng còn là vùng đất của những loài thảo dược quý có tác dụng chữa bệnh như chè đắng, chè dây, mật ong thơm ngon mang đậm hương hoa rừng và có giá trị dinh dưỡng cao. Đến Cao Bằng, các bạn cũng đừng quên thưởng thức món phở chua đặc trưng, món lẩu cá ở ngã ba sông…Tất cả sẽ góp phần làm phong phú hơn nghệ thuật ẩm thực của du khách trong cuộc hành trình đi tìm những khám phá mới trên mảnh đất vùng cao.
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả nt.t.thuyy, Khanh Ỉnn, Ngô Định, lanyingzz, Kim Dung, iam.hasam, im_pcz, La Thảo, Linh Pham, Lê Dương Thuỷ, tranhong09, Truong hien, quangthanh28, cancook_min, Hà Điệp, Hoàng Phượng, Thu Hà, Đàm Diệu, wenying, Thu Lanh Nguy, quynhngaton và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Các món bánh
Mục lục
Bánh cuốn
Bánh cuốn canh Cao Bằng (Ảnh – cungphuot.info) |
Bánh cuốn không là món ăn xa lạ với người miền Bắc nhưng người dân Cao Bằng có cách ‘thưởng’ bánh rất riêng, độc đáo so với tất cả các vùng miền khác. Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người Hà Nội, Hà Nam chấm bánh vào nước mắm gia giảm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.
Ngon và hấp dẫn hơn cả là bánh cuốn trứng, khi bánh đang trên khuôn, người tráng đập quả trứng gà vào giữa khuôn bánh rồi đậy vung lại, bánh chín cuộn bọc lấy lòng đỏ trứng gà, vuông vắn trên khuôn, dùng muôi lấy vào bát cho khách. Khi ăn, thực khách cảm nhận vị ngọt xương hầm hòa quyện với hương vị hành, vị thơm của thịt phi hành, vị dai của bánh trong nước dùng. Nhiều du khách phương xa lần đầu tiên ăn bánh cuốn với canh cảm thấy thật lạ lẫm nhưng khi thưởng thức ai cũng khen ngon bởi vị đậm đà, tinh tế khác xa so với nơi khác.
Bánh coóng phù
Cóong Phù Cao Bằng (Ảnh – Khanh Ỉnn) |
Coóng phù hay còn gọi là bánh trôi là loại bánh không thể thiếu được trong ngày đông chí của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Bánh được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ, nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau.
Bánh áp chao
Bánh Áp Chao ở Cao Bằng (Ảnh – Ngô Định) |
Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, được bày bán nhiều trong các quán nhỏ hoặc vỉa hè. Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Người Cao Bằng gọi đó là bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao. Vỏ bánh là hỗn hợp của gạo nếp, gạo tẻ và đỗ tương. Loại gạo được chọn là loại gạo mới thu hoạch, hạt mẩy, được trộn lẫn cùng nhau, ngâm kỹ trong khoảng nửa ngày cho gạo nở mềm mới đem xay thành bột. Người ta cũng chọn đỗ tương Quảng Uyên hạt vừa phải, lòng vàng trộn cùng bột gạo để tạo ra hỗn hợp bột đặc sánh, đảm bảo độ mềm dẻo và thơm ngon. Sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu, người làm lấy một lượng bột vừa đủ, nhồi nhân vịt vào giữa, ép bánh lại rồi thả từ từ vào chảo dầu sôi, chao qua lại tới khi bánh chín vàng rộm hai mặt, tỏa hương thơm quyến rũ, vớt ra để ráo mỡ là có thể đem ra dùng nóng.
Bánh cóoc mò cốm
Bánh cóoc mò (Ảnh – lanyingzz) |
Tên của bánh có nghĩa là “sừng bò” vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Bánh coóc mò cốm cũng được làm tương tự như bánh coóc mò thường, nhưng chỉ khác công đoạn phải làm cốm xong mới gói lại. Do được làm từ cốm vốn đã thơm ngon nên hương vị coóc mò cốm ngon hơn coóc mò chỉ làm bằng gạo nếp. Bánh có hương thơm đậm đà, vị ngọt, bùi, dẻo, có thể ăn no mà không thấy ngán.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến ở Cao Bằng (Ảnh – Kim Dung) |
Nếu đến Cao Bằng vào khoảng tháng 4, tháng 5, du khách được thưởng thức bánh trứng kiến – món bánh đặc sản của người dân nơi đây. Bánh trứng kiến được làm ra từ bột gạo nếp, trứng kiến, cùng lá non của cây vả.
Khẩu Sli
Khẩu sli là bánh đặc sản truyền thống đã có từ lâu và được nhiều người biết đến trên địa bàn xã Phù Ngọc (Hà Quảng). Bánh được làm từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương gồm gạo nếp, lạc, đường mật và sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với nhiều công đoạn cầu kỳ, như: đồ xôi, phơi, giã, sấy, sàng, rang…, bánh có mùi vị rất đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng.
Phở chua
Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được làm sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay béo tròn, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hương vị của lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột cắt mỏng. Tùy khẩu vị mỗi người mà có thể thêm gia vị như ớt, tiêu. Phở chua ăn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua của dấm, bùi của đậu phộng, khoai tầu và gan hòa với vị béo của thịt ba chỉ, thịt quay, mùi thơm của lá móc mật, dẻo dẻo của bánh phở và cay nồng của ớt. Tất cả các hương vị hòa quyện vào nhau đánh thức cảm quan của người dùng. Phở chua là món ăn nguội nên rất được chuộng vào những ngày thời tiết mát dịu.
Nằm khau
Nằm khau – món thịt ba chỉ hầm nhừ cách thủy, hay còn gọi “khau nhục”, “khâu nhục”, là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng Cao Bằng được dùng phổ biến trong dịp lễ, Tết, cưới hỏi… Nằm khau được chế biến cầu kỳ, tốn thời gian, phải có đầy đủ các loại gia vị cần thiết, dù thiếu một thứ gia vị cũng không thành món nằm khau thơm ngon, hấp dẫn. Bí quyết để làm món nằm khau là chọn nguyên liệu tươi, ngon, cho gia vị phù hợp và làm kỹ trong từng khâu chế biến, khi chín mới đạt độ chuẩn.
Vịt quay
Vịt quay 7 vị là đặc sản ở Cao Bằng. Được gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng đã dùng 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt. Sau khi quay xong thịt vịt được chặt nhỏ ra đĩa, da vàng màu mật, rộm cánh gián. Thịt ăn chắc và ngọt, mềm nhưng không bở, cũng không dai. Mỗi khi ăn người ta phải nhai thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt của mật ong với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt
Lợn sữa quay
Lợn sữa sau khi sơ chế xong dùng giấy bản thấm khô mình con lợn, (nếu rửa bằng nước thịt sẽ nhão, không săn, mất hết vị thơm ngon). Sau đó nhồi lá mác mật cùng các gia vị khác vào bụng con lợn rồi khâu lại, dùng cây tre xuyên từ mõm tới đuôi rồi quay trên bếp than hồng, vừa quay vừa dùng mật ong và các gia vị khác phết lên mình con lợn để cho giòn bì và khỏi nứt. Thịt quay ngon là thịt vừa chín tới, bì vàng rộm, giòn tan, mùi thơm quyến rũ. Nước dùng chấm thịt lợn quay được pha chế theo một công thức rất riêng biệt.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống từ lâu đời của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Xôi thường được làm vào các dịp lễ, tết bốn mùa trong năm và trong những dịp hiếu, hỷ. Nguyên liệu chính làm xôi là gạo nếp ngon, nếu chọn được gạo nếp Pì Pất, nếp Ong địa phương có hạt tròn, dẻo, thơm là chuẩn nhất. Ngoài màu trắng tự nhiên của gạo nếp thì các màu khác tạo nên sự hấp dẫn của món xôi ngũ sắc là do ngâm gạo với các loại lá, củ được trồng ngay trong vườn nhà.
Trám Cao Bằng
Khi tiết trời se lạnh của cuối thu, đầu đông là mùa trám đen ở Cao Bằng chín. Đây là lúc bà con các dân tộc Tày, Nùng lên rừng hái trám và mang về làm thức ăn. Trám có thể chế biến thành nhiều món ăn nhưng phổ biến nhất là món xôi trám. Xôi trám sau khi chế biến dậy màu hồng tím, ăn bùi, thơm và béo ngậy lâu nay đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong các mâm cỗ của người Cao Bằng.
Cá chiên sông Gâm
Cao Bằng còn một đặc sản thuộc loại nổi tiếng, đó là con cá chiên sông Gâm. Loại cá lăng màu đen này vốn được một ông chủ quán chả cá Lã Vọng đánh giá là ngon nhất để làm chả cá. Lòng cá được người sành ăn cho là thứ ngon nhất trên đời. Cá chiên có con đến vài chục kg, là loại khó bắt vì chuyên sống trong hang ngầm dưới sông. Người đi câu thường đóng cả lán trại thường xuyên để đợi cá, đến khi câu được con nào là có người đến tận chỗ mua.
Rau dạ hiến
Rau dạ hiến hay còn gọi là rau bồ khai, tiếng Tày – Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa bám trên các cây gỗ để đón ánh sáng mặt trời. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng rất hiếm nơi có. Quả thực đây là một món ăn rất ngon dường như chỉ có ở Cao Bằng. Món rau rừng này có hương vị rất lạ lùng, không giống bất kỳ một loại rau nào khác bởi hương vị đặc biệt quyến rũ khó quên.
Măng sặt
Sặt là loài cây thuộc họ tre, trúc nhưng thân cây thẳng và nhỏ hơn, mọc tự nhiên ở những khe suối trong khu rừng rậm thuộc khu vực thị trấn Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc và xã Thành Công..Măng sặt có thể làm món luộc, om, xào, nấu canh xương, nhưng hấp dẫn nhất là món măng cho vào than hồng để nướng. Vị ngọt, vị thơm của măng làm cho người thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Đặc sản Cao Bằng làm quà
Miến dong Phia Đén
Miến dong Phia Đén còn được gọi là miến dong Cao Bằng hay miến dong Nguyên Bình, vì miến được làm tại xóm Phía Đen, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Sợi miến to, không bóng như các loại miến thông thường. Nhưng lại mê hoặc thực khách bởi mùi thơm ngọt của miến dong nguyên chất. Miến dong Phia Đén được làm 100% từ củ dong riềng đỏ được trồng trên các sườn núi huyện Nguyên Bình theo phương thức truyền thống, phơi phên nứa, không sử dụng chất tẩy, chất tạo màu, bột nở hay các hóa chất khác. Khi nấu sợi miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát, dù nấu lại đến lần thứ 2 sợi miến vẫn dai, không bị dính, nát như các loại miến khác.
Bò gác bếp
Cao Bằng là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Có dịp đến vùng đất cao xa vời vợi, thưởng thức đặc sản nơi này, bạn đừng bỏ qua món thịt bò gác bếp. Bò ở Cao Bằng để cày bừa, kéo xe. Bò để thịt cũng nhiều. Trong đó, sấy khô là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt cho gia vị ngấm đều. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Nhờ điều kiện không khí mát lành cùng thổ nhưỡng trời ban nên cây hạt dẻ ở Trùng Khánh nhiều và ngon. Hạt dẻ Trùng Khánh thường nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, vỏ lụa rất mỏng, hạt màu vàng sẫm, bùi và thơm ngậy đặc biệt. Để chế biến các món ăn thường vỏ hạt dẻ rất cứng nên muốn nó chín cần phải luộc kỹ. Có người còn cẩn thận khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm tự nhiên. Từ đó người chế biến có thể ninh hạt dẻ với chân giò như một món hầm, có thể xay bột hạt dẻ làm nhân bánh, có thể hấp hạt dẻ để ăn như kiểu người ta hấp hạt mít…
Cốm Trùng Khánh
Cứ mỗi độ cuối tháng 7, đầu tháng 8 Âm lịch hằng năm, khi tiết trời chuyển sang thu, cũng là lúc người dân Trùng Khánh được thưởng thức hương vị của cốm, thứ quà bình dị mà thanh tao.
Bánh khảo Thông Huề
Nghề làm bánh khảo ở Thông Huề đã có từ bao đời nay và vẫn được người dân địa phương được gìn giữ đến tận bây giờ. Từ khâu chọn nguyên liệu, gạo nếp phải là những hạt to, mẩy, trắng ngà, đều và đầu tròn; lạc làm nhân phải là loại đỏ, hạt đã già và không bị sâu bệnh, đường kính được sử dụng cùng để bánh không chua khi bảo quản lâu. Bánh khảo Thông Huề mang hương vị đậm đà đặc trưng của mùi nếp, vị ngọt của đường, bùi thơm của lạc.
Tương Mẹc Cảng
Phố Thông Huề, ở Trùng Khánh bao đời nay vốn nổi tiếng với nghề làm tương lúa mì, người địa phương gọi là tương Mẹc Cảng, đây là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon tạo nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo đặc trưng của miền biên viễn Trùng Khánh. Tương Mẹc Cảng được chế biến hoàn toàn theo cách thủ công truyền thống với sự kết tinh từ những nguyên liệu của tự nhiên là lúa mì, ngải đắng. Món tương này được sử dụng như một loại nước chấm tuyệt vời cho các món luộc, như: thịt lợn luộc, thịt dê luộc, rau muống luộc. Ngoài ra còn dùng để kho thịt, làm gia vị nêm rất quan trọng trong món đặc sản Khau nhục.
Quýt Trà Lĩnh
Quýt Cao Bằng được trồng trong các khe núi, thung lũng, sườn đồi tại một số huyện như Trùng Khánh, Hòa An… Quýt Cao Bằng có màu sắc hấp dẫn, múi quả căng mọng, ít hạt, có vị ngọt đậm pha chút vị chua, hương vị rất đặc trưng không lẫn với quýt của bất cứ nơi nào. Cây quýt được trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng quýt trồng ở Trà Lĩnh nổi tiếng hơn cả bởi vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, quả quýt căng mọng, vàng ươm. Khi bóc vỏ dậy lên mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, múi quýt có vị ngọt đậm.
Nếp Pì Pất
Nếp Pì Pất tỏa mùi thơm từ khi còn là hạt thóc mới nặng sữa, đến gặt từ ruộng về. Thóc xát thành gạo, mùi thơm quyến rũ lan tỏa trong từng hạt trắng ngần. Nếp Pì Pất có chất lượng vượt trội so với một số loại lúa nếp cùng loại của tỉnh và một số tỉnh miền Bắc bởi gạo đều hạt, hàm lượng protein và một số axit amin cao, nấu lên thơm, dẻo, mềm nhưng không nát. Vì thế gạo nếp Pì Pất Trùng Khánh ngon nổi tiếng được người dân địa phương chế biến thành nhiều món như: cốm, bánh khảo, xôi, bánh gai, bánh trôi…
Thạch đen
Thạch đen là món ăn thân quen, bình dị, hương vị thanh mát, bổ dưỡng, được sử dụng nhiều trong dịp hè nóng nắng. Chiết xuất từ cây thạch đen (còn gọi là cây xương sáo hay lương phấn thảo) trồng nhiều ở huyện Thạch An, lá thạch đen có vị ngọt, mát, có tác dụng giải nhiệt
Lạp xưởng hun khói
Lạp xưởng là món ăn phổ biến tại các tỉnh Tây Bắc như: Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng… Với cùng hỗn hợp nguyên liệu nhưng cách nêm gia vị của bà con ở mỗi nơi lại tạo ra loại lạp xưởng có hương vị riêng, đặc trưng cho ẩm thực từng vùng. Nếu lạp xưởng ở một số nơi có màu sẫm, bề ngoài hơi săn, thì lạp xưởng Cao Bằng lại có vỏ ngoài màu đỏ hồng, mềm, căng, dậy vị béo ngậy.
Mận Bảo Lạc
Các vùng miền ở Cao Bằng đều trồng mận nhưng huyện Bảo Lạc là địa phương trồng được loại mận ngon nhất. Mận Bảo Lạc khi chín có màu đỏ (được người dân địa phương gọi là mận máu), vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt dịu. Không chua là đặc điểm riêng biệt của loại mật này.
Lê Đông Khê
Đông Khê là một địa danh gắn liền với một chiến thắng vang dội của quân và dân ta thời kháng chiến chống Pháp năm 1950 (Chiến dịch biên giới Đông Khê, Cao Bằng – 1950 ). Vùng đất này có điều kiện thời tiết vô cùng thích hợp cho một loại cây trồng cho quả ngọt mát, thơm ngon để trở thành đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Đó là quả lê. Đã từ lâu Lê Đông Khê nổi tiếng ngọt thơm được biết đến là đặc sản Cao Bằng lừng danh khắp chốn. Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.
Mác mật
Mác mật là một trong những loại quả đặc sản của Cao Bằng, thường chín rộ vào tháng 5 – 6 âm lịch. Người dân địa phương chế biến làm gia vị ăn kèm với các món rất thơm ngon, hấp dẫn, trong đó có một số món đặc trưng nổi tiếng không thể thiếu gia vị mác mật (lá tươi, quả khô) như: lợn quay, vịt quay, chân giò hầm, cá hấp mác mật, cá rán sốt mác mật..
Măng ớt
Những miếng măng trắng lẫn với những quả ớt đỏ cay xè lưỡi, thêm mùi thơm nồng của quả mác mật tạo nên hương vị riêng biệt không thể lẫn với bất cứ món gia vị nào. Măng ớt có thể ăn kèm với nhiều món khác nhau, nó làm giảm vị ngấy, béo đối với món xào, rán, tăng thêm phần ngon miệng cho các món luộc, tạo vị cay nóng cho nồi lẩu mùa đông…
Tìm trên Google:
- các món ăn ngon ở Cao Bằng
- đặc sản Cao Bằng làm quà
- ăn gì khi du lịch Cao Bằng
- các quán ăn ngon ở Cao Bằng
- đến Cao Bằng nên ăn gì
- địa điểm ăn uống Cao Bằng
- ẩm thực Cao Bằng
- món ăn vặt Cao Bằng
- các món ăn vỉa hè ở Cao Bằng
- mua gì ở Cao Bằng
- Cao Bằng có gì ngon