Kinh nghiệm du lịch Khánh Hòa

Kinh nghiệm du lịch Khánh Hòa (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt –  Khánh Hòa là một tỉnh ở vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ , có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh… với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26⁰C, có hơn 300 ngày nắng trong năm, và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác. Với những lợi thế đó Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Các sản phẩm du lịch Khánh Hòa rất phong phú  như du lịch sinh thái biển đảo, du lịch tham quan – vãn cảnh, du lịch văn hóa …

Khánh Hòa là một địa phương có du lịch rất phát triển (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Trần Quốc Hùng, maarykov, ptrang.nguyen, pophuongg, marcelline____, hh197_, nikki.rija, gemphelan89, myhuyenhalo, kimphuong_158, nataliviter, phuongtra_n, vietchelsea8, didymae, _cam.tu__, j_b_i_o, bum_skiy, alexey_kargapolov, hheo00, nguyen_thu1011, nhidomai, v.i.d.a.k.a, german.galkin, vietnam.lt, misscolline, ludmila_iv_, Coi Pi nang, loto2011, Vũ Thị Lĩnh, duyen_minnie, kisimpham, meillee_, yingmeowm, stv.da227, nga.june, daovudnu, vanpinky, taytruong2212, soueats, builengoctran, hoainguyen2508, tholovesfood, quangthanh28, Luu M Tu, quangducpve, shawolmeu và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Khánh Hòa

Mục lục

Về mặt hành chính, Quần đảo Trường Sa của Việt Nam trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (Ảnh – Trần Quốc Hùng)

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, giáp với tỉnh Phú Yên về hướng Bắc, tỉnh Đắk Lắk về hướng Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng về hướng Tây Nam, tỉnh Ninh Thuận về hướng Nam và Biển Đông về hướng Đông; có mũi Hòn Ðôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, là điểm cực Ðông trên đất liền của nước ta.

Diện tích tự nhiên của Khánh Hòa, cả trên đất liền và hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197 km2. Bờ biển dài 385 km với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, nhiều đảo và vùng biển rộng lớn. Ðặc biệt, Khánh Hòa có Trường Sa là huyện đảo, nơi có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng trọng yếu. Khánh Hòa hiện nay bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Nha Trang và Cam Ranh), 1 thị xã (Ninh Hòa) và 6 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa) với tổng diện tích 5217,6 km².

Khánh Hòa có bờ biển dài và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh… với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26⁰C, có hơn 300 ngày nắng trong năm và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt tài nguyên biển có nhiều loại hải sản quý hiếm có thể khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu với khối lượng lớn, có yến sào, là nguồn nguyên liệu đặc biệt để xuất khẩu và bào chế các sản phẩm bổ dưỡng quý hiếm cho con người.

Ðiều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã đem đến cho tỉnh Khánh Hòa một tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Nha Trang – Khánh Hòa hiện được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch – dịch vụ lớn của cả nước. Tháng 5-2003, vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên chính thức của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.

Nên du lịch Khánh Hòa vào thời gian nào?

Với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, từ biển đảo đến núi rưng, hãy đến Khánh Hòa vào mùa khô để có trải nghiệm tốt nhất (Ảnh – maarykov)

Khí hậu Khánh Hòa có những nét biến dạng độc đáo với các đặc điểm riêng biệt. So với các tỉnh, thành phía Bắc từ Đèo Cả trở ra và phía Nam từ Ghềnh Đá Bạc trở vào, khí hậu ở Khánh Hòa tương đối ôn hòa hơn do mang tính chất của khí hậu đại dương. Thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Từ tháng 1 đến tháng 8, có thể coi là mùa khô, thời tiết thay đổi dần. Những tháng đầu mùa, trời mát, nhiệt độ từ 17-25 °C, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 trời nóng nực, nhiệt độ có thể lên tới 34 °C (ở Nha Trang) và 37-38 °C (ở Cam Ranh). Mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 dương lịch, tập trung vào 2 tháng 10 và tháng 11.

  • Thời điểm thích hợp để du lịch Khánh Hòa là tháng 4-5 hàng năm, lúc này biển êm và thời tiết vẫn còn chút mát mẻ. Tuy nhiên trong khoảng từ tháng 6-9 ngoài việc có hơi nắng nóng một chút thì không có vấn đề gì phải lo lắng nếu đến Khánh Hòa dịp này.
  • Các tháng cuối năm, nếu không phải dịp mưa bão các bạn vẫn có thể đến Khánh Hòa tham quan du lịch.
  • Lễ hội tháp Bà Ponagar ở Nha Trang diễn ra vào khoảng gần cuối tháng 3 âm lịch hàng năm.

Hướng dẫn đi tới Khánh Hòa

Phương tiện công cộng

Xe khách
Hệ thống các tuyến đường bộ của Khánh Hòa kết nối khá tốt với các địa phương lân cận (Ảnh – ptrang.nguyen)

Khánh Hòa có hệ thống cơ sở hạ tầng về tương đối phát triển, nằm trên các trục giao thông quan trọng ven biển của Việt Nam như: Quốc lộ 1A chạy dọc ven biển từ Đèo Cả đến Ghềnh Đá Bạc nối liền với các tỉnh phía Bắc và phía Nam; quốc lộ 26 nối Ninh Hòa với Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên; đường 723 (Nha Trang đi Đà Lạt) và dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua Khánh Hòa. Hiện từ Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày đều có các tuyến xe chất lượng cao đi tới các thành phố huyện trong tỉnh Khánh Hòa.

Xem thêm bài viết : Xe khách chất lượng cao đi Khánh Hòa (Cập nhật 4/2024)

Tàu hoả
Muốn tới đây bằng đường sắt, các bạn có thể mua vé những chuyến tàu tới Nha Trang (Ảnh – cungphuot.info)

Là một trong những nhà ga lớn của tuyến đường sắt Bắc Nam, ga Nha Trang là địa điểm dừng chân và trung chuyển với hầu hết du khách muốn đi tàu tới Khánh Hòa.

Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7 và SE9 khởi hành từ Hà Nội và dừng lại ở Nha Trang với thời gian di chuyển từ 24-28 tiếng. Chuyến tàu phù hợp nhất đến Nha Trang vào ban ngày để các bạn có thể bắt đầu hành trình đi chơi luôn là SE5 (khởi hành từ Hà Nội lúc 8h50 và đến Nha Trang lúc 10h44 hôm sau) và SE7 (khởi hành từ Hà Nội lúc 6h00 và đến Nha Trang lúc 8h24 hôm sau)

Từ Sài Gòn, hàng ngày có các chuyến tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE22, SQN2, SNT2 khởi hành từ ga Sài Gòn và dừng lại ở ga Nha Trang với thời gian di chuyển khoảng 6-9 tiếng. Các chuyến tàu phù hợp nhất là SE6 khởi hành từ Sài Gòn lúc 8h45 và tới Nha Trang lúc 15h58, SE8 khởi hành từ Sài Gòn lúc 6h00 và tới Nha Trang lúc 13h21.

Trong trường hợp các bạn muốn đi thẳng tới nơi gần nhất để chinh phục Cực Đông, các bạn có thể bỏ qua ga Nha Trang để tới ga Giã của huyện Vạn Ninh. Từ Hà Nội hàng ngày có tàu SE9 khởi hành từ Hà Nội lúc 14h30 và đến ga Giã lúc 16h39 ngày hôm sau. Từ Sài Gòn sẽ có tàu SE22 khởi hành từ Sài Gòn lúc 11h50 và đến ga Giã lúc 21h19, tàu SQN2 khởi hành từ Sài Gòn lúc 21h25 và đến ga Giã lúc 7h53.

Máy bay

Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến bay thẳng tới Cam Ranh của Vietjet, VietnamAirlines và Bamboo, giá vé khứ hồi dao động trong khoảng từ 2000-3000k với thời gian bay khoảng 2 tiếng. Từ Sài Gòn thời gian bay sẽ ngắn hơn (khoảng 1h) và giá vé cũng chỉ dao động quanh mức 1000k. Các bạn có thể di chuyển từ sân bay Cam Ranh về trung tâm Nha Trang bằng xe buýt hoặc taxi.

Phương tiện cá nhân

Từ Sài Gòn, nếu đi bằng phương tiện cá nhân, các bạn sẽ được đi qua cung đường biển đẹp nhất Việt Nam nối giữa Ninh Thuận – Khánh Hòa (Ảnh – pophuongg)

Với những bạn từ Sài Gòn hoặc các địa phương lân cận, có thể sử dụng phương tiện cá nhân để tới Khánh Hòa. Quãng đường không dài nên việc di chuyển tương đối thuận lợi, có thể chạy dọc một loạt các địa điểm đẹp từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Cam Ranh rồi kết thúc hành trình ở Nha Trang. Nếu có điều kiện thời gian, các bạn có thể tiếp tục chạy lên Đà Lạt hoặc các tỉnh Tây Nguyên trước khi quay lại Sài Gòn. Từ Hà Nội, do quãng đường tương đối xa nên chỉ phù hợp nếu các bạn có kế hoạch xuyên Việt.

Đi lại ở Khánh Hòa

Thuê xe máy

Muốn đến được những địa điểm hoang sơ, xa trung tâm, các bạn có lẽ cần 1 chiếc xe máy để di chuyển (Ảnh – marcelline____)

Đây là phương tiện di chuyển nhỏ gọn, cơ động nhưng lại chỉ phù hợp với các nhóm bạn trẻ. Các bạn có thể lựa chọn thuê xe máy ở Nha Trang hoặc thuê xe máy ở Cam Ranh tùy theo lịch trình riêng của các bạn. Nếu định đi Bình Ba, Bình Hưng thì thuê xe ở Cam Ranh gần hơn. Nếu định đi Điệp Sơn, Đại Lãnh, Cực Đông thì thuê xe ở Nha Trang sẽ thuận đường hơn.

Xem thêm bài viết: Địa điểm thuê xe máy ở Khánh Hòa (Cập nhật 4/2024)

Taxi

Đây là phương tiện phù hợp đối với đoàn đông hoặc có người già trẻ nhỏ, các bạn có thể thỏa thuận giá trực tiếp với lái xe để thiết kế những chuyến đi bao toàn bộ xe với giá rẻ hơn so với tính theo đồng hồ.

Một số hãng taxi hoạt động ở Khánh Hòa

  • Mai Linh: 0258 38383838
  • Vinasun: 0258 38272727
  • Sun Taxi: 0258 3898989
Xe buýt

Với phương tiện xe buýt, các bạn có thể di chuyển tới một số huyện xa trung tâm thành phố (Ảnh – cungphuot.info)

Khánh Hòa hiện có 8 tuyến xe buýt công cộng chủ yếu hoạt động ở Nha Trang, ngoài ra còn có một số tuyến buýt liên huyện để nối giữa Nha Trang và các địa điểm khác trong tỉnh. Các bạn có thể sử dụng xe buýt trên một số chặng để tiết kiệm chi phí.

Lưu trú ở Khánh Hòa

Resort

Đến Khánh Hòa, nếu muốn nghỉ dưỡng sang chảnh, các bạn tha hồ lựa chọn trong vô vàn những resort cao cấp ở đây (Ảnh – cungphuot.info)

Do đã phát triển du lịch từ sớm nên số lượng resort và khách sạn 5 sao ở Khánh Hòa tương đối nhiều, được xây dựng tập trung chủ yếu ở Nha Trang và khu phía Bắc bán đảo Cam Ranh. Những resort này với giá thành cao nhưng cơ sở vật chất lại được đầu tư rất xịn để phục vụ nhóm du khách thích nghỉ ngơi, an dưỡng với tiêu chuẩn cao.

Xem thêm bài viết: Top các khách sạn tốt ở Nha Trang (Cập nhật 4/2024)

Khách sạn/Nhà nghỉ

Tổng số lượng khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lên tới hàng trăm cơ sở với số lượng vài chục nghìn phòng. Với nguồn cung đa dạng như vậy, các bạn đến du lịch Khánh Hòa hoàn toàn có thể tìm cho mình một nơi lưu trú phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Khánh Hòa (Cập nhật 4/2024)

Homestay

Vài năm trở lại đây, ở Khánh Hòa các cơ sở lưu trú bình dân dưới dạng homestay mọc lên khắp nơi. Loại hình lưu trú này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ. Điểm chung của các homestay là giá cả phải chăng, được thiết kế với nhiều điểm nhấn phù hợp cho giới trẻ thích chụp ảnh. Với những vùng mà du lịch chỉ mới chớm phát triển như Bình Hưng hay Bình Ba, các homestay ở đây luôn mang đúng nghĩa của nó khi mà các bạn được ở cùng với người dân địa phương để vừa du lịch vừa tìm hiểu về văn hóa.

Xem thêm bài viết: Homestay ở Khánh Hòa (Cập nhật 4/2024)

Các điểm du lịch Khánh Hòa

Nha Trang

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của Khánh Hòa. Đây là địa điểm thu hút được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Khánh Hòa.

Xem thêm bài viết: Các địa điểm du lịch ở Nha Trang (Cập nhật 4/2024)

Hòn Nội Đảo Yến

Bãi tắm đôi chung 1 bờ cát ở Hòn Nội – Đảo Yến (Ảnh – hh197_)

Đảo Yến thuộc vịnh Nha Trang, cách đất liền khoảng 25 km với bãi tắm đôi vô cùng nổi tiếng, rất thu hút với cảnh đẹp tuyệt vời như thiên đường. Để đi được đảo Yến, các bạn tới cảng Cầu Đá, Nha Trang, mua vé tàu ra Đảo. Vì đây là đảo thuộc quản lý du lịch của công ty Yến sào Khánh Hòa, các bạn không thể đi tự túc mà phải mua vé. Du khách chỉ được tham quan trong ngày, với giá 350k một người, bao gồm ăn sáng, nước yến, bánh ngọt, cơm trưa và trái cây nhẹ buổi chiều.

Viện hải dương học

Viện hải dương học là địa điểm tham quan rất lý thú khi đến Nha Trang (Ảnh – nikki.rija)

Viện hải dương học là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á. Đến thăm Viện, du khách sẽ được tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính.

Tháp bà Ponagar

Cụm Tháp Chăm nằm ngay trong lòng thành phố Nha Trang (Ảnh – cungphuot.info)

Yang Po Inư Nagar (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po Nagar) là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi “Tháp Po Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Umar, vợ của Shiva.

Suối khoáng Tháp Bà

Sau khi đến thăm Tháp Bà Ponagar, các bạn có thể ghé khu suối khoáng ngay gần đó (Ảnh – gemphelan89)

Cách trung tâm Nha Trang khoảng 4km, nằm ngay sau lưng Tháp Bà Ponagar, đây là một địa điểm mà du khách có thể lựa chọn để sử dụng các dịch vụ tắm khoáng bùn

Hòn Chồng Hòn Vợ

Hòn Chồng (Ảnh – myhuyenhalo)

Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi La San, có thể được tạo nên do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn.

Đi giữa bãi đá còn nhiều tảng đá chồng chất kỳ lạ như cảnh hai hòn đá dựng đứng, giữa có chẹt một hòn đá lớn như cái cổng qua một cụm đá khác. Cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển – được đặt một cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng – đó là Hòn Vợ, cụm đá này ít được du khách để ý hơn.

Nhà thờ núi Nha Trang

Nhà thờ Núi Nha Trang (Ảnh – kimphuong_158)

Nhà thờ Núi (tên chính thức là: Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua) là một nhà thờ Công giáo ở thành phố Nha Trang. Nhà thờ này còn có nhiều tên gọi bình dân như: Nhà thờ Nha Trang (vì trước đây nó thuộc họ đạo Nha Trang); Nhà thờ Ðá (vì nó được xây bằng đá); Nhà thờ Ngã Sáu (vì nó tọa lạc gần một xòng xoay giao thông); nhưng phổ biến hơn cả là tên gọi Nhà thờ Núi (vì nó được xây trên một núi nhỏ).

Đảo Robinson

Đảo Robinson ở Nha Trang (Ảnh – nataliviter)

Nằm cách Bến tàu du lịch Cầu Đá khoảng 10km, Đảo Robinson (gần làng chài Bích Đầm) là điểm đến thú vị dành cho du khách ưa thích biển đảo. 15 phút đi cano, du khách đã có mặt ở Đảo Robinson, hòa mình trong làn nước biển xanh ngắt của vịnh Nha Trang.

Cam Ranh

Cam Ranh là vùng đất có khá nhiều lợi thế do đây là một vùng đất có điều kiện tự nhiên đa dạng với địa hình đất bằng, rừng, biển – vịnh, khí hậu tương đối ôn hòa, có nguồn bùn khoáng, nước khoáng nóng dồi dào là điều kiện tốt cho du lịch nghỉ dưỡng.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Cam Ranh (Cập nhật 4/2024)

Bình Ba

Bình Ba hay còn gọi là đảo tôm hùm (Ảnh – phuongtra_n)

Đảo Bình Ba là một hòn đảo đẹp nằm cách đất liền khoảng 20km, nằm trong khu vực Vịnh Cam Ranh thuộc xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (Cách Nha Trang 60km, cách sân bay 15 km). Đảo được ví với cái tên gọi thân thuộc là Đảo Tôm Hùm, bởi nơi đây nổi tiếng với những con Tôm Hùm to và ngon. Biển ở đây cũng không ồn ào, xô bồ và đô thị hóa như các khu vực lân cận: Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu…nó vẫn còn nét đẹp hoang sơ mà đất trời đã tạo hóa với 2 bãi: Bãi Nồm cát trắng và Bãi Chướng đầy san hô lộng lẫy. Với khoảng 5000 dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm hùm và đánh bắt thủy hải sản.

Bình Hưng

So với Bình Ba, Bình Hưng nhỏ và dường như yên bình hơn (Ảnh – cungphuot.info)

Bình Hưng trước kia là một hòn đảo khá biệt lập, hầu như chỉ có cư dân địa phương đi về giữa đảo và đất liền. Kể từ khi con đường tới Bãi Kinh được hoàn thành, một vài du khách tới thăm đảo rồi những review về những bãi biển tuyệt đẹp cứ thế xuất hiện và được lan truyền. Dần dần số lượng du khách tới đảo tăng, các dịch vụ phụ trợ đi kèm được người dân phát triển đã giúp du lịch Bình Hưng hiện tại trở thành một trong các điểm phải đến của Cam Ranh.

Bình Tiên

Bãi biển Bình Tiên hiện nay đã được quy hoạch để xây dựng khu nghỉ dưỡng (Ảnh – cungphuot.info)

Bãi biển Bình Tiên nằm ngay trên cung đường biển đi vào Bãi Kinh để sang Bình Hưng. Bờ cát ở Bình Tiên dài, thoải và trắng mịn, rất thích hợp để bơi lội, thư giãn, ngâm mình dưới làn nước trong xanh. Buổi tối, bạn có thể mang theo lều để cắm trại ngay trên bờ cát, nằm ngắm sao trời, nghe tiếng biển và hàng cây phi lao rì rào bên tai và tổ chức tiệc BBQ bên bờ biển.

Bình Lập

Bình Lập được ví như một tiểu Maldives của Việt Nam (Ảnh – cungphuot.info)

Bình Lập là cái tên mới được nhắc gần đây với tần suất khá nhiều và còn được ví von như một thiên đường Maldives thu nhỏ của Việt Nam. Khác với Bình Ba hay Bình Hưng phải đón tàu thuỷ cập bến, đến với Bình Lập bạn chỉ cần chạy xe máy hoặc thuê ô tô ra đến tận nơi để du lịch và tham quan. Bãi tắm vẫn còn giữ được nét hoang sơ của thiên nhiên vì chưa nhiều khách du lịch biết đến. Đi tận cùng con đường dẫn đến Bình Lập sẽ là làng Tàu Bể – nơi người dân chài tập trung sinh sống đông nhất khu này.

Bãi Dài

Bãi Dài ở Cam Ranh (Ảnh – vietchelsea8)

Nằm cách trung tâm Tp Nha Trang chừng 20km, biển Bãi Dài nằm dưới chân đèo Cù Hin mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ. Với chiều dài khoảng 1km, biển Bãi Dài là một trong những bãi tắm đẹp của xứ Trầm Hương. Biển có bờ cát trắng mịn, độ dốc vừa phải, nước biển trong xanh và rất sạch. Đứng trên đèo Cù Hin nhìn xuống, biển Bãi Dài vẽ nên một đường cong đầy sức cuốn hút.

Chùa Từ Vân

Chùa Ốc Từ Vân (Ảnh – didymae)

Chùa Từ Vân nằm ngay trung tâm của thành phố Cam Ranh, chùa còn có tên gọi khác được nhiều người biết đến đó là chùa San Hô, hay là chùa Ốc. Chùa được xây dựng trong khoảng từ năm 1968 – 1995 trải qua 5 đời trụ trì. Lúc đầu chùa chỉ là một ngôi chùa nhỏ, xung quanh là một vùng đất trống trải và hoang vu. Bằng đôi bàn tay tài hoa, sự cần cù, siêng năng và óc sáng tạo của các nhà sư đã biến những vỏ sò, ốc, điệp, và những san hô thành những nét hoa văn uyển chuyển, độc đáo, hòa quyện với thiên nhiên trong  một không gian cổ kính rêu phong.

Các công trình trong chùa được đặt bằng những cái tên mang đậm triết lý nhà Phật như: đường xuống địa ngục, đường lên thiên đàng, Ao Sen, Cầu Lục độ, đường đi Bát chánh đạo, thuyền Bát nhã ( thuyền trí Tuệ ) Tiểu Long Vương dài 100m, Đại Long Vương dài 500m, Thủy Long Cung ,Động San hô, Bản Đồ Việt Nam, tất cả nằm trong Bát nhã Hoa Viên. Đặc biệt là Tháp Bảo Tích ( còn gọi là Chùa Ốc) và vườn Thượng Uyển.

Đầm Thủy Triều

Hoàng hôn trên đầm Thủy Triều (Ảnh – _cam.tu__)

Đầm Thủy Triều với cảnh quan nên thơ non nước hữu tình sẽ là một địa điểm vãn cảnh hết sức thú vị khi đến với Cam Ranh. Đầm nằm ngay gần sân bay Cam Ranh, khu vực Bãi Dài. Các bạn có thể thuê xe máy chạy dọc đường ven đầm để vãn cạnh hoặc thuê cano chạy trên đầm lúc hoàng hôn để tận hưởng cảm giác yên bình ở nơi đây. Nếu đi bằng canô bạn cũng có thể ghé thăm vườn đước trong đầm.

Ninh Hòa

Bãi biển Dốc Lết

Bãi biển Dốc Lết (Ảnh – cungphuot.info)

Bãi biển Dốc Lết thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 50 km. Bờ biển vẫn còn mang nét nguyên sơ, tĩnh lặn, trải dài gần 10km, uốn lượn hình cánh cung, nhẹ nhàng, thanh thoát. Cảnh biển Dốc Lết hấp dẫn bởi làn nước trong xanh, quanh năm sóng hiền hòa, êm dịu. Đặc biệt, thềm cát thoai thoải, trải dài rất lý tưởng cho du khách tắm biển, vui đùa vẫy vùng thỏa thích, hay tham gia các môn thể thao dưới nước như môtô nước, dù bay… Dọc theo bãi biển Dốc Lết, những hàng dương, hàng dừa tỏa bóng, đung đưa theo gió tạo nên khung cảnh nên thơ, làm say lòng người.

Suối Ba Hồ

Nhiều du khách Việt Nam chưa biết đến Ba Hồ nhưng nơi đây lại thu hút được rất nhiều khách nước ngoài (Ảnh – j_b_i_o)

Đây là một con suối bắt nguồn từ đỉnh Hòn Son, cao trên 600m, chảy giữa hai triền núi đá xuống cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích rồi đổ ra đầm Nha Phu. Suối mang tên Ba Hồ vì phía đầu nguồn, trên đường vượt núi, băng rừng để xuống với biển, có ba lần suối mở lòng ra ngay trên lưng núi, tạo liên tiếp ba cái hồ với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mỗi hồ mỗi khác khiến từ xưa con suối đã được du khách gần xa biết đến cùng với những huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn gắn với nó.

Khu du lịch sinh thái Suối Hoa Lan

Bãi biển trên đảo Hoa Lan (Ảnh – bum_skiy)

Khu du lịch Suối Hoa Lan nằm trên bán đảo Hòn Hèo, cách trung tâm thành phố Nha Trang 30km về phía Đông Bắc. Núi Hòn Hèo cao trên 700m so với mực nước biển, ngọn thác cao nhất ở đây cao trên 350m, mỗi thác có một dáng hình, một vẻ đẹp khác nhau. Nhờ ưu thế về mặt địa hình, KDL Suối Hoa Lan đã thu hút được rất nhiều du khách, đăc biệt là các bạn trẻ và các du khách nước ngoài đến với KDL. Là một KDL sinh thái nên điều đầu tiên cảm nhận được khi đến với nơi đây là cảm giác được hoà mình vào thiên nhiên, với không khí trong lành của rừng, của thác nước nơi đây. Tên của Khu du lịch được đặt theo tên của dòng suối chảy qua, dòng suối như 1 sợi tơ nối liền bán đảo Hòn Hèo với đầm Nha Phu.

Ninh Tây

Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê cùng nét văn hóa bao đời vẫn còn được người dân nơi đây lưu giữ chính là tiềm năng của loại hình du lịch cộng đồng ở xã Ninh Tây. Tại đây, du khách sẽ đi tham quan không gian văn hóa, lịch sử của dân tộc Ê Đê từ trang phục đến lễ hội và cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Bữa tối sẽ thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào Ê Đê, xem biểu diễn cồng chiêng và giao lưu văn nghệ với nam thanh nữ tú trong làng.

Ninh Vân

Xã đảo Ninh Vân, Ninh Hòa (Ảnh – alexey_kargapolov)

Nằm cách trung tâm thị xã Ninh Hòa chừng 40km về hướng Đông, xã đảo Ninh Vân ẩn trong mình vẻ bình yên, giản dị. Ninh Vân nằm ở một vùng bán đảo, nhưng từ xưa người dân vẫn quen gọi là “xã đảo”. Trước năm 2009, muốn đến Ninh Vân chỉ có đi bằng đường biển. Từ năm 2009, tuyến đường bộ băng qua dãy Hòn Hèo được đầu tư xây dựng đã mở ra cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Trên tuyến đường đèo quanh co uốn lượn đến Ninh Vân, du khách có dịp ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp. Một bên là núi rừng xanh thẳm, một bên là bờ biển sóng vỗ dạt dào, thỉnh thoảng xuất hiện những bãi cát trắng phau hay những ghềnh đá có hình thù lạ mắt.

Vạn Ninh

Điệp Sơn

Sau trận bão, hiện chỉ còn 1 con đường dưới biển ở Điệp Sơn (Ảnh – hheo00)

Điệp Sơn nổi tiếng nhất bởi con đường giữa biển, nối giữa 2 đảo bằng cát trắng, xuất hiện và biến mất tùy theo thủy triều. Khoảng đầu năm con đường sẽ hiện ra vào buổi sáng và ngập vào buổi đêm, mỗi khi đổi gió con đường sẽ biến mất vào ban trưa. Thời mới được phát hiện ra, do không được quản lý cẩn thận và do ý thức của cộng đồng còn kém, Điệp Sơn ngập tràn trong rác do lượng khách đổ về quá nhiều. Sau này, một đơn vị được cấp phép làm du lịch tại đảo đã đứng ra dọn dẹp, trả lại vẻ đẹp gần như vẫn còn hoang sơ cho hòn đảo này.

Hòn Ông

Hòn Ông hiện có khu resort khá đẹp của một cặp vợ chồng người Pháp xây dựng, tất cả đều được bảo tồn và tương đối thân thiện với môi trường (Ảnh – nguyen_thu1011)

Hòn Ông thuộc vùng vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh là nơi sẽ tạo cho du khách cảm giác thư giãn, thanh bình. Biển ở Hòn Ông trong xanh và phẳng lặng, không có sóng. Bãi cát trắng tinh khôi cùng những hàng dừa che bóng tạo cảm giác êm ả, thanh bình.

Cực Đông

Mũi Đôi ở Khánh Hòa được xác định là điểm Cực Đông trên đất liền của Tổ Quốc (Ảnh – nhidomai)

Mũi Đôi – Hòn Đầu nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hoà. Người ta gọi là Mũi Đôi là vì tại một vị trí có hai doi đá cùng nhô ra biển Đông. Đây là điểm Cực Đông trên đất liền của Tổ Quốc, nơi đón những tia nắng mặt trời đầu tiên.

Suối Hóc Chim

Suối Hóc Chim thuộc xã Vạn Phú, tại đây, khung cảnh khá đẹp, dòng suối lại mát lạnh tha hồ ngâm mình hay tổ chức các hoạt động dã ngoại.

Diên Khánh

Thành cổ Diên Khánh

Thành cổ Diên Khánh (Ảnh – v.i.d.a.k.a)

Thành Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang 10 km về phía Tây, bên phải quốc lộ 1. Năm 1793, sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.

Diện tích khoảng 36.000 m², là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 – thế kỷ 1818 ở Tây Âu. Tường thành hình lục giác nhưng không đều nhau, có chu vi 2.693 m đắp bằng đất, cao khoảng 3,5 m. Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia thành nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên. Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành. Bên ngoài thành có hào nước sâu từ 3 đến 5 m, rộng từ 20 đến 30 m bao quanh. Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Ðông – Tây – Tiền (phía Nam) – Hậu (phía Bắc). Đi từ hướng quốc lộ 1 có một con đường độc đạo nối của Đông và cửa Tây của thành. Con đường chạy vòng bên ngoài thành nối quốc lộ 1 và của Tây có tên là Mã Xá. Đối diện và cách cửa Tây khoảng 200 m, là Nhà thờ Hà Dừa. Nhà thờ Hà Dừa được cho là do các nhà truyền đạo xây và những năm 1800 và Gác chuông được xây thêm vào năm 1917 bởi người Pháp.

Chùa Suối Đổ

Chùa Suối Đổ (Ảnh – german.galkin)

Tọa lạc ở phía tây dãy núi Hoàng Ngưu, thuộc địa phận xã Diên Toàn nằm cách Thành phố Nha Trang hơn 15km, chùa Suối Đổ nằm ở lưng chừng núi, nên muốn lên chùa, du khách phải trải qua hơn trăm bậc xi măng khá cheo leo. Hàng năm, vào các ngày mùng 8, 18, 28 tháng Giêng Âm lịch (ngày vía Bà), người dân và du khách thập phương lại nô nức tới chùa Suối Đổ làm lễ cầu bình an, may mắn.

Khu sinh thái Nhân Tâm

Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm cách  Nha Trang 32km về hướng Tây, thuộc xã Diên Xuân trải dài trên diện tích 15ha. Hiện tại, đây là khu du lịch duy nhất tại Khánh Hòa có vườn cây ăn trái (bưởi, mít, chôm chôm, xoài…), rừng tre, rừng cây dó bầu. Ngoài ra, nơi đây còn có các hạng mục công trình khác như: cầu treo dài 91m bắc qua sông Chò, đồi tâm linh với hai gian nhà “Thành Nhân” và “Thành Tâm”. Bên cạnh đó còn có khu vực thờ các vị Phật và tượng 12 con giáp được điêu khắc hoàn toàn bằng gỗ rất tinh xảo.

Suối Tiên

Suối Tiên ở Diên Khánh (Ảnh – vietnam.lt)

Cách Nha Trang khoảng 17km, từ lâu Suối Tiên đã là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng của huyện Diên Khánh. Địa danh này cũng gắn liền với một số hoạt động của bác sĩ Yersin. Tại đây có trường trung học cơ sở mang tên ông và ngôi chùa nhỏ thờ nhà thám hiểm đáng kính. Suối Tiên chảy về đồng bằng huyện Diên Khánh bị một dãy đá thiên nhiên nằm chắn ngang tạo thành một đập đá hùng vĩ và rất đẹp. Từ đây, dòng suối rẽ thành hai nhánh, một nhánh về hướng bắc, tưới nước cho ruộng đồng. Một nhánh về hướng đông, gặp dòng sông Cái và đổ ra biển.

Khánh Vĩnh

Đèo Khánh Lê

Đèo Khánh Lê (Ảnh – misscolline)

Đây là con đèo nổi tiếng bởi nằm trên tuyến đường nối Nha Trang và Đà Lạt. Đèo còn có nhiều tên gọi khác như đèo Omega, đèo Hòn Giao. Đây không chỉ là cung đường rút ngắn thay cho lộ trình qua thành phố Phan Rang và đèo Ngoạn Mục, mà còn được coi là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam nối liền cao nguyên hoa và phố biển mộng mơ.

Thác Yang Bay

Thác Yang Bay (Ảnh – ludmila_iv_)

Từ trung tâm  Nha Trang đi khoảng 45km về phía tây, công viên du lịch Yang Bay hiện ra như là một thung lũng trải rộng hơn 570ha, nằm ở độ cao khoảng 100m so với mực nước biển, được bao bọc bởi núi rừng nguyên sinh. Xuyên suốt toàn khu vực là dòng sông Cầu bắt nguồn chính từ thác Yang Bay và hai thác nhỏ Yang Khang và Ho Cho. Yang Bay theo cách gọi của người dân tộc Raglai có nghĩa là “thác trời”, đây là thác chính của công viên với chiều dài 2.000m và độ cao 80m gồm rất nhiều hồ lớn nhỏ.

Thác Bầu

Thác Bầu – Suối Mấu (Ảnh – Coi Pi nang)

Thác Bầu nằm ở địa phận thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng từ nhiều năm nay được các bạn trẻ đặt cho biệt danh “đệ nhất thác ở Khánh Hòa”. Quả thật, vẻ đẹp của dòng thác nằm ở đầu nguồn suối Mấu chinh phục các bạn trẻ bởi nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ hiếm có cùng những trải nghiệm, thử thách khá độc đáo trên suốt chặng đường đi.

Khánh Sơn

Thác Tà Gụ

Thác Tà Gụ (Ảnh – loto2011)

Thác Tà Gụ thuộc xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn.  Từ Cam Ranh rẽ theo Tỉnh lộ 9, đi trên ngọn đèo Khánh Sơn rất lãng mạn khoảng 40km là tới. Thác Tà Gụ trước đây có tên là thác Ngà Voi, sau thành tên Tà Gụ bởi nước thác chảy vào con suối cùng tên

Cam Lâm

Khu du lịch Tàu Ngầm

Dài 70 m, rộng 10 m, mô hình tàu ngầm Kilo  được làm bằng bê tông và đặt trên vùng núi huyện Cam Lâm. Trên boong tàu có khoảng không gian thoáng với bề rộng gần 8 m. Du khách có thể lên đây ngắm khung cảnh xung quanh, chụp ảnh lưu niệm.

Vườn xoài Cam Lâm

Xoài Úc Cam Lâm đỏ tròn như những trái đào tiên (Ảnh – cungphuot.info)

Vào thăm vườn xoài Úc và vườn xoài tây để trải nghiệm nghề xoài lâu đời tại Thủ phủ xoài miền Trung Việt Nam. Tại đây, các bạn sẽ được xem cách bà con nông dân miền biển trồng xoài trên vùng đất cát đầy gió đầy nắng này. Khách thăm vườn sẽ được tận tay hái xoài để thưởng thức xoài, bánh xoài và món xoài mắm đường đặc sản…

Suối Đá Giăng

Suối Đá Giăng, Cam Lâm (Ảnh – Vũ Thị Lĩnh)

Suối Đá Giăng lâu nay vẫn được người dân địa phương và khách du lịch tìm đến để tận hưởng bầu không khí trong lành và hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Ngoài tận hưởng cảnh quan, khí hậu, du khách còn có thể tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ trên những tảng đá lớn hoặc dưới tán cây rừng.

Các món ăn ngon ở Khánh Hòa

Ẩm thực ở Khánh Hòa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biển, với nguyên liệu chủ yếu được chế biến từ hải sản. Đồng thời cư dân Khánh Hòa xưa chủ yếu di cư vào từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi nên phong cách ẩm thực cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tỉnh trên. Cùng điểm qua một số món ăn ngon và đặc sản của Khánh Hòa nào các bạn.

Hải sản Khánh Hòa

Đến Khánh Hòa đừng quên thưởng thức các loại hải sản (Ảnh – duyen_minnie)

Là một trong những vựa hải sản nổi tiếng của miền Trung, các loại hải sản ở Khánh Hòa luôn đa dạng, tươi ngon, rất xứng đáng để thử các bạn nhé. Đến bất cứ vùng đất nào ven biển Khánh Hòa, các bạn đều có thể đặt người dân mua và chế biến giùm.

Bánh canh Nha Trang

Bánh canh Nha Trang (Ảnh – kisimpham)

Bánh canh là món đặc sản rất nổi tiếng ở Nha Trang mà hầu như du khách nào đến đây cũng phải một lần thưởng thức. Cái ngon của tô bánh canh nơi đây không chỉ ở thứ nước lèo ngọt ngọt, chua chua mà nhiều người “mê mệt” còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương.

Bún chả cá Nha Trang 

Bún chả cá, đặc sản Nha Trang (Ảnh – meillee_)

Một tô bún chả cá luôn có hai loại chả là chả cá chiên và chả cá hấp để làm phong phú thêm khẩu vị. Chả cá được dùng là chả cá thu để có độ dai và ngọt. Chả cá hấp còn được tráng một lớp lòng đỏ trứng gà trên bề mặt. Nước lèo của bún chả cá được nấu bằng cá cờ hoặc xương cá thu. Chất cá này làm cho vị nước lèo thanh ngọt, mát.

Bún sứa 

Bún sứa Nha Trang (Ảnh – yingmeowm)

Tương tự với bún cá nhưng được làm từ sứa, tôm, cua, thịt ba chỉ, chả cá hấp hoặc chả cá viên có điểm thêm mùi thơm của đậu phụng rang, rau ghém… Người ta thường dùng sứa chân để chế biến món bún sứa. Chả cá chế biến từ cá thu, một phần phần viên thành viên tròn nhỏ rán vàng, một phần ém vào khuôn, thoa lòng đỏ trứng lên trên, hấp chín và thái nhỏ. Nước dùng được chế biến từ mắm ruốc và nạc cá thu.

Bánh căn

Bánh căn Nha Trang (Ảnh – stv.da227)

Bánh căn ở Khánh Hòa có bề ngoài như bánh khọt Vũng Tàu, nhưng bột là bột gạo và đặc hơn, được đúc trong khuôn đất, không kèm theo dầu mỡ nên bánh có phần đáy cháy cạnh, vàng giòn. Các bạn có thể thường thức các loại bánh căn nhân hải sản ở Bình Ba hay Nha Trang.

Cơm gà xé Nha Trang

Cơm gà xé Nha Trang (Ảnh – nga.june)

Cơm gà Nha Trang là cơm gà xé, ăn với rau răm, dưa leo, đồ chua, nước mắm gừng và sốt vàng ươm, béo ngậy.

Bò nướng Lạc Cảnh

Bò nướng Lạc Cảnh (Ảnh – daovudnu)

Bò nướng trực tiếp trên than hoa theo hình thức nướng lụi, khách tự đặt bò lên vỉ nướng, chờ khoảng 15 phút là thịt tới độ chín, có thể thưởng thức. Trong 15 phút ấy, ai ai cũng háo hức, thị giác dán chặt vào lò than hừng hực lửa, tiếng mỡ cháy xèo xèo cùng hương thơm ngây ngất xực tỏa khắp nơi. Bò chín tới vừa ngọt vừa mềm, màu đỏ au như ướp ớt mà không quá cay, chỉ chấm cùng thứ nước chấm cực kì giản đơn là muối chanh ớt đã đủ đậm đà, lại thơm lựng.

Tôm hùm Bình Ba

Tôm hùm, đặc sản của Bình Ba và Bình Hưng (Ảnh – vanpinky)

Bình Ba còn nổi tiếng với hải sản đặc biệt là tôm hùm, bởi thế được gọi là đảo tôm hùm cũng là điều dễ hiểu. Trong đảo có khá nhiều hộ gia đình nuôi tôm hùm, những bè tôm nằm lặng lẽ trên biển nhưng luôn đượm nét bình yên hiếm thấy. Tôm hùm ở đây rất ngon và to, có con to bằng cả bắp chân người. Món ăn chế biến từ tôm hùm đơn giản và ngon nhất là nướng, thịt tôm rất ngọt và dai. Với những con tôm to, huyết tôm được trích ra hòa rượu uống có mùi vị rất đặc biệt. Khi dùng xong còn lại vỏ tôm cũng rất hữu dụng, có thể giữ lại làm vật trang trí rất sống động và vui mắt. Ngoài món tôm nướng còn có món cháo tôm hùm rất đặc biệt, sẽ khiến bạn nhớ thật lâu hương vị đậm đà của nó.

Gỏi cá mai

Gỏi cá mai ở Bình Ba (Ảnh – taytruong2212)

Ở Khánh Hòa, gỏi cá mai là món ăn thường được nhiều người lựa chọn để chiêu đãi khách. Cá mai to cỡ ngón tay cái, mình trơn, dẹp, có vẻ hơi giống cá cơm nhưng không vảy, sọc dọc, thịt ngọt và rất ít tanh. Loại cá này hầu như chỉ dùng để chế biến độc một món nổi tiếng là bóp gỏi.

Gỏi cá mai thường tốn thời gian ở khâu chế biến nếu muốn đảm bảo chất lượng và hợp vệ sinh. Cá được chọn phải thật tươi, mới bắt từ biển về. Mất công nhất là khâu rút xương, thực hiện trên từng con cá và lấy giấy thấm thật ráo thì món gỏi mới ngon.

Nem Ninh Hòa

Nem nướng Ninh Hòa ăn kèm với bánh tráng và các loại rau, món này nước chấm rất quan trọng (Ảnh – soueats)

Là tên gọi chung cho thứ nem chua và nem nướng của Ninh Hòa. Nguyên liệu chính làm nem Ninh Hòa là thịt nạc ròng ở hai bắp đùi heo đất đỏ (một loại heo đặc trưng của địa phương). Bên ngoài nem chua được gói thêm lớp lá chuối hột hoặc chuối mốc, cột bằng lạt giang, kết từng chiếc lại thành xâu nem chua, ăn kèm với tép tỏi để có hương vị đặc biệt và độ dai, giòn. Ngoài nem chua, còn có nem nướng cũng được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn và mỡ xắt hạt lựu cùng một số gia vị, viên lại rồi nướng trên than hồng. Nem nướng được cuốn bằng bánh tráng mặn chiên vàng kèm nhiều loại rau, dùng với nước chấm hỗn hợp đặc trưng

Bánh ướt Diên Khánh

Bánh ướt Nha Trang (Ảnh – builengoctran)

Còn gọi là bánh ướt Thành là một đặc sản của Diên Khánh. Những quán bánh ướt thường được bày theo kiểu nhà quê: quán ngay trước nhà, có lò tráng bánh đắp bằng đất và đặt những bộ bàn ghế rất sơ sài. Chiếc bánh khi tráng ra bày rất mỏng trên đĩa để đổ nhân là ruốc tôm, hành mỡ, còn nước chấm là mắm nêm, mắm nước. Ngày xưa, bánh ướt Diên Khánh có đủ bộ “tam sên” là hành mỡ, đậu xanh, ruốc tôm. Nay người ta giản lược đi chỉ còn hai thứ: nếu có đậu xanh thì không có ruốc tôm và ngược lại. Cái ngon của quán bánh ướt nhà quê là nước chấm, đặc biệt là mắm ruột. Việc pha chế mắm cũng đơn giản nhưng mỗi quán có mỗi cách làm và nêm nếm riêng.

Lẩu mực Đại Lãnh

Đến Đại Lãnh nhớ thưởng thức lẩu mực (Ảnh – hoainguyen2508)

Lẩu mực là món ăn khá phổ biến ở Đại Lãnh, mực ở đây nhiều loại, nhưng khi chế biến Lẩu mực thì các nhà hàng dùng loại mực có kích cở vừa, mực lá hoặc mực ống. Mực luôn tươi và có sẳn, nên khi chế biến thì hương vị của Lẩu mực luôn có vi ngon nguyên chất không lẩn lộn đâu cả. Chế biến khá đơn giản nhưng Lẩu mực ở đây mang nét đặc trưng của địa phương này là nấu ngọt. Không chỉ mực mà còn với các loại cá như cá thu, hồng, cá phèn, cá bè… chấm với nước mắm nguyên chất dầm thêm vài trái ớt xiêm xanh nồng.

Đặc sản Khánh Hòa mua về làm quà

Mực một nắng

Mực một nắng được phơi ở Bình Ba (Ảnh – tholovesfood)

Mực một nắng sơ chế rất đơn giản, chỉ là mực tươi rửa sạch bằng nước muối rồi phơi đúng một nắng, vô bao hút chân không, cất trong ngăn đá, khi ăn thì lấy ra nướng. Mực một nắng dễ dàng tìm thấy ở Khánh Hòa, nhất là những vùng đảo như Bình Ba hay Bình Hưng.

Yến sào

Tổ Yến, một loại đặc sản mà nhiều du khách tới Nha Trang mua về làm quà (Ảnh – quangthanh28)

Yến sào, hay tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Ở Việt Nam, các địa phương có yến sào tự nhiên là một số hòn đảo của một số tỉnh thành Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa…Nha Trang cũng là nơi du khách có thể thưởng thức món yến sào thường xuyên tại các nhà hàng sang trọng.

Khô nai Diên Khánh

Khô nai Diên Khánh (Ảnh – Luu M Tu)

Ngày xưa, thị trấn Diên Khánh bao gồm cả huyện miền núi Khánh Vĩnh là một nơi có số lượng nai nhiều nhất trong cả tỉnh. Ngày trước, nai còn nhiều, người dân thường hay đặt bẫy đánh bắt. Thịt nai tươi sống được ướp nướng, xào… dư thừa thì đem phơi khô để dành. Dần dà, món nai khô trở thành đặc sản mà ai đến Diên Khánh đều muốn được thưởng thức.

Bánh tráng xoài

Một tấm bánh tráng xoài khổng lồ ở Cam Lâm (Ảnh – quangducpve)

Bánh tráng xoài là một món ăn đặc sản khá nổi tiếng của huyện Cam Lâm và một số địa phương lân cận của tỉnh Khánh Hòa. Bánh được làm chủ yếu từ trái xoài chín và mạch nha.

Xoài chín được gọt vỏ, sau đó cho vào máy xay thành dạng lỏng nhưng không quá nát. Dung dịch này được nấu trên bếp than trong khoảng 2 đến 3 giờ tùy theo thời tiết và chất lượng xoài nguyên liệu. Đây cũng là khâu quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm cũng như bí quyết của mỗi người thợ. Sau đó người làm bánh thực hiện công đoạn tráng bánh thành từng lớp mỏng trên bề mặt nilon được lót sẵn trên một khuôn thép, cách mặt đất 100–120 cm. Bánh sau khi tráng được phơi dưới ánh nắng tự nhiên. Bánh xoài sau 1 ngày trên khung kim loại sẽ khô đều, vàng óng. Bánh được thu gom và đưa vào khu vực đóng gói.

Một số lịch trình du lịch Khánh Hòa

Khánh Hòa là một địa phương có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn (Ảnh – shawolmeu)

Bình Hưng – Bình Ba 3 ngày 2 đêm

Lịch trình này xuất phát từ Sài Gòn, sử dụng phương tiện là xe khách giường nằm. Với các phương tiện hay địa điểm xuất phát khác, các bạn chú ý tính toán lại mốc thời gian cho phù hợp.

Ngày 0: Sài Gòn – Cam Ranh

Đêm xuất phát từ Sài Gòn, bắt xe giường nằm đi Cam Ranh. Buổi sáng sớm sẽ có mặt ở Cam Ranh. Nghỉ ngơi ăn sáng rồi chuẩn bị hành lý để đi ra Bình Ba

Ngày 1: Cam Ranh – Bình Ba

Sau khi đến nơi, lên tàu khởi hành đi Bình Ba từ cảng Ba Ngòi, khoảng 45 phút sẽ tới được đảo. Trên đường đi tàu sẽ xuyên qua vịnh Cam Ranh, các lồng bè nuôi hải sản trên biển… Tới nơi, nhận phòng khách sạn rồi cất đồ đi chơi.

Dạo chơi một vòng quanh đảo ghé thăm đình làng Bình Ba, tham quan cuộc sống người dân trên đảo. Trưa có thể đặt hải sản tại nơi lưu trú hoặc tại các nhà bè trên đảo luôn.

Chiều tiếp tục dạo chơi tắm biển, chụp ảnh check-in với những Bãi Nồm, Bãi Chướng, Bãi Nhà Cũ, Bãi Sa Huỳnh…

Tối nghỉ ngơi, đặt tiệc nướng BBQ, hát hò giao lưu

Ngày 2: Bình Ba – Bình Hưng

Từ Bình Ba có thể liên hệ người dân thuê thuyền đi trực tiếp sang Bình Hưng, nếu không bắt buộc sẽ phải quay lại bờ rồi di chuyển đường bộ sang Bãi Kinh để tiếp tục tới Bình Hưng.

Tới Bình Hưng, có thể tự túc ghé thăm một số địa điểm trên đảo như hải đăng Hòn Chút, khu An Hill… Với một số địa điểm, phải thuê tàu của người dân địa phương mới có thể đến. Toàn bộ ngày 2 này tập trung khám phá Bình Hưng

Tối ngủ trên đảo Bình Hưng

Ngày 3: Bình Hưng – Bãi Kinh – Sài Gòn

Từ Bình Hưng, đi thuyền trở lại Bãi Kinh rồi thuê taxi ra lại ngã 3 Mỹ Thanh để bắt xe về lại Sài Gòn. Nếu còn thời gian, các bạn có thể tiếp tục khám phá Bình Lập, Bình Tiên để trọn vẹn hành trình khám phá Tứ Bình.

Nha Trang – Điệp Sơn – Cực Đông

Ngày 1: Cam Ranh – Điệp Sơn

Tùy giờ bay mà các bạn có mặt ở sân bay Cam Ranh sớm hay muộn. Nếu sớm các bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để khám phá Cam Ranh, nếu không các bạn giảm bớt thời gian đi để di chuyển tới Vạn Giã. Thời gian đi từ Cam Ranh tới cảng Vạn Giã cũng phải gần 3 tiếng. Lên tàu ra đảo Điệp Sơn, tối ngủ ngoài đảo 1 đêm nhé.

Ngày 2: Khám phá Điệp Sơn – Đầm Môn – Bãi Rạng

Ngày này các bạn tranh thủ khám phá Điệp Sơn, thực ra cũng không có gì nhiều, chủ yếu là chụp ảnh thôi. Sắp xếp thời gian quay lại bờ thật sớm, từ đây chạy thẳng tới Đầm Môn để kịp giờ đi.

Bắt đầu hành trình từ Đầm Môn, các bạn qua nhà chú Hai Châu nghỉ ngơi rồi tiếp tục đi ra Bãi Rạng dựng lều cắm trại.

Tối ngủ Bãi Rạng, đốt lửa nướng BBQ rồi ngắm sao ha.

Ngày 3: Chinh phục Cực Đông – Nha Trang

Sáng lại dậy sớm từ Bãi Rạng đi tiếp ra Mũi Đôi, gần thôi nhưng đi sớm thì sẽ kịp đón bình minh nơi vùng cực.

Tùy vào mức độ ham chơi, các bạn ở đây đến bao giờ thì ở. Xong xuôi thì thu xếp rồi quay trở lại Đầm Môn để lấy xe. Nghỉ ngơi ăn trưa xong rồi thì lại lên xe quay lại Nha Trang

Ngày 4++: Chơi bời Nha Trang

Quay lại Nha Trang, tùy vào thời gian rảnh rỗi của mình mà các bạn có thể sắp xếp ở lại đây theo số lượng ngày mong muốn. Chí ít nếu muốn khám phá hết Nha Trang, các bạn cần sắp xếp khoảng 2 ngày ở đây. Nếu muốn đi thêm nhóm đảo Tứ Bình, thời gian sẽ kéo dài hơn nhé.

Bình Hưng – Bình Ba – Nha Trang

Ngày 1: Cam Ranh – Bình Ba

Sau khi đến nơi, lên tàu khởi hành đi Bình Ba từ cảng Ba Ngòi, khoảng 45 phút sẽ tới được đảo. Trên đường đi tàu sẽ xuyên qua vịnh Cam Ranh, các lồng bè nuôi hải sản trên biển… Tới nơi, nhận phòng khách sạn rồi cất đồ đi chơi.

Dạo chơi một vòng quanh đảo ghé thăm đình làng Bình Ba, tham quan cuộc sống người dân trên đảo. Trưa có thể đặt hải sản tại nơi lưu trú hoặc tại các nhà bè trên đảo luôn.

Chiều tiếp tục dạo chơi tắm biển, chụp ảnh check-in với những Bãi Nồm, Bãi Chướng, Bãi Nhà Cũ, Bãi Sa Huỳnh…

Tối nghỉ ngơi, đặt tiệc nướng BBQ, hát hò giao lưu

Ngày 2: Bình Ba – Bình Hưng

Từ Bình Ba có thể liên hệ người dân thuê thuyền đi trực tiếp sang Bình Hưng, nếu không bắt buộc sẽ phải quay lại bờ rồi di chuyển đường bộ sang Bãi Kinh để tiếp tục tới Bình Hưng.

Tới Bình Hưng, có thể tự túc ghé thăm một số địa điểm trên đảo như hải đăng Hòn Chút, khu An Hill… Với một số địa điểm, phải thuê tàu của người dân địa phương mới có thể đến. Toàn bộ ngày 2 này tập trung khám phá Bình Hưng

Tối ngủ trên đảo Bình Hưng

Ngày 3: Khám phá Vinpearl Nha Trang

Sáng ngày thứ 3, các bạn từ đảo Bình Hưng đi tàu lại Bãi Kinh rồi từ đây thuê xe về trung tâm thành phố Nha Trang. Ngày này các bạn có thể dành nguyên ngày để chơi ở Vinpearl.

Tối ngủ ở Nha Trang

Ngày 4: Khám phá Nha Trang

Ngày tiếp theo, các bạn có thể đặt một số tour ngắn tham quan các đảo trong Vịnh Nha Trang. Tham quan một số địa điểm ngay trong thành phố như Tháp Bà, Viện Hải Dương Học, chùa cổ Long Sơn, nhà thờ núi, đến chợ Đầm mua các đặc sản Nha Trang về làm quà.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Khánh Hòa 2024
  • du lịch Khánh Hòa tháng 4
  • tháng 4 Khánh Hòa có gì đẹp
  • review Khánh Hòa
  • hướng dẫn đi Khánh Hòa tự túc
  • ăn gì ở Khánh Hòa
  • phượt Khánh Hòa bằng xe máy
  • Khánh Hòa ở đâu
  • đường đi tới Khánh Hòa
  • chơi gì ở Khánh Hòa
  • đi Khánh Hòa mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Khánh Hòa
  • homestay giá rẻ Khánh Hòa

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 15 bình chọn và điểm trung bình là 4.6

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Khánh Hòa

KHÁNH HÒA

Vị trí Khánh Hòa trên bản đồ Việt Nam

Vị trí Khánh Hòa trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, giáp với tỉnh Phú Yên về phía Bắc, tỉnh Đắk Lắk về phía Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng về phía Tây Nam, tỉnh Ninh Thuận về phía Nam, và Biển Đông về phía Đông.

Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh…, với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26⁰C, có hơn 300 ngày nắng trong năm, và nhiều di tích lịch sử văn hóa khác. Với những lợi thế đó tỉnh đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.

Bạn có biết: Quần đảo Trường Sa của Việt Nam thuộc tỉnh Khánh Hòa, một phần của Quần đảo này hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

  • Diện tích: 5.217,7 km²
  • Dân số : 1.270.000 người
  • Vùng:  Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện
  • Mã điện thoại: 258
  • Biển số xe: 79