Các món ăn ngon ở An Giang

Các món ăn ngon ở An Giang (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Mảnh đất An Giang nổi tiếng bởi những di tích văn hóa lịch sử hào hùng, cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Nơi đây còn hấp dẫn bởi những món ngon dân dã, mộc mạc, độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương. Sự giao thoa của nhiều nền văn hóa đã giúp cho An Giang có một nền ẩm thực đa dạng, với nhiều các món ăn ngon và thú vị như: gà đốt, bún cá, bánh xèo, tung lò mò… Mỗi món ăn đều mang hương vị, bản sắc riêng, tạo cảm giác khó quên cho mỗi du khách khi tới đây.

các món ăn ngon ở an giang

Ngoài cảnh đẹp, An Giang còn có rất nhiều món ăn ngon và hấp dẫn (Ảnh – baoanh93)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả baoanh93, nhannep111, bonnuna, tracydinh103, quiho13, candykun107, Phương Nam, taixeloc, alinguyen16, vuttha2108, wildhorse_saigon, Ruby Pham, Hân Ngọc, Đạt Ngô nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Cơm tấm Long Xuyên

cơm tấm ở Long Xuyên
Món cơm tấm ở Long Xuyên được cắt nhỏ – nhannep111)

Cơm tấm là một trong những món ăn phổ biến ở Long Xuyên. Không cuốn hút bởi những miếng thịt nướng bản to như nhiều địa phương khác, đĩa cơm tấm ở đây đặc biệt ấn tượng nhờ những miếng thịt và trứng kho cắt nhỏ, hạt tấm nhuyễn, bì, dưa chua ngọt ăn kèm nước mắm pha sệt.

Bún cá Long Xuyên

Bún cá ở Long Xuyên
Bún cá ở Long Xuyên (Ảnh – bonnuna)

Món bún có điểm đặc biệt là nấu từ cá lóc đồng, thịt thơm, dai, ngọt và ít xương. Thịt cá được xào với sả và nghệ vàng, thơm, đậm vị. Nước dùng ninh từ xương cho vị ngọt tự nhiên. Ăn bún cá Long Xuyên nhất định phải có giá, rau nhút, rau muống, bông điên điển và hoa chuối thái sợi.

Lẩu cá linh

lẩu cá linh
Lẩu cá linh bông điên điển (Ảnh – tracydinh103)

Món lẩu cá linh bông điên điển được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng ở miền Tây vào mùa nước nổi. Bông điên điển là loài hoa đặc trưng của miền Tây sông nước. Khi loài hoa này kết hợp với lẩu cá linh mang đến hương vị giòn ngọt, thơm ngon, vừa béo lại vừa bùi.

Gỏi sầu đâu

Gỏi sầu đâu

Gỏi sầu đâu (Ảnh – quiho13)

Cây sầu đâu mọc nhiều ở các vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên.. Gỏi sầu đâu được biết đến là món ăn của người Campuchia, dùng như một món rau trong bữa cơm hàng ngày. Món ăn này du nhập vào Việt Nam thông qua các gia đình người Khmer sinh sống ven biên giới Việt Nam. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước. Dưa leo, thơm (dứa) và xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu khô cá lóc hoặc khô cá sặc. Khô cá nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.

Bún mắm

bún mắm ở trong chợ Châu Đốc

Các bạn có thể tìm thấy nhiều hàng bún mắm ở trong chợ Châu Đốc (Ảnh – cungphuot.info)

Bún mắm gây ấn tượng bởi nước lèo có màu nâu bắt mắt của mắm nhưng lại trong và thơm ngọt vị cá. Không chỉ riêng Châu Đốc mà nhiều nơi ở miền Tây, du khách vẫn có thể tìm ăn món này. Món ăn có gốc từ Campuchia, rồi được biến tấu theo cách nấu của người Việt. Thay vì dùng mắm bò hóc (prohok), bún mắm ở miền Tây nấu bằng cá linh, ăn kèm với thịt heo quay và trứng vịt lộn. Nhiều tô bún mắm còn có thêm tôm, chả cá, thịt heo làm phong phú hương vị. Rau muống chẻ ngọn, bắp chuối, giá đỗ và rau diếp cá là các loại thường dùng chung.

Bò bảy món

bò bảy món châu đốc

Món bò bảy món ở khu vực núi Sam (Ảnh – candykun107)

Bò bảy món là thịt bò dọn thành bảy món khác nhau trên mâm, tương truyền có xuất phát ở trong Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Lối nấu thịt bò này sau thịnh hành tại một số tiệm ăn ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây.

Cua đá núi Cấm

Món cua đá nướng trên núi Cấm

Món cua đá nướng trên núi Cấm (Ảnh – Phương Nam)

Trên núi Cấm có loài cua đá rất hiếm. Gọi là cua đá vì chúng đào hang sống dưới các hốc đá hay các khe đá theo đường nước suối. Từ khi du lịch phát triển, du khách tới đây được người quen thết đãi món cua đá nhiều nên món này ngày càng thu hút được nhiều người muốn thưởng thức. Với cua lớn, người dân sẽ chế biến làm món nướng, cua nhỏ thì chế biến nấu canh chua với củ đủng đỉnh.

Bánh xèo núi Cấm

bánh xèo núi cấm

Món bánh xèo ăn với các loại rau rừng ở núi Cấm (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh xèo ở đây được ăn kèm với hàng chục loài rau được cư dân xứ núi hái từ những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn trên núi, du khách sẽ được tận hưởng loại đặc sản đặc biệt, gồm rất nhiều vị của các loại rau khác nhau như càng cua, cải trời, kim thất, đinh lăng, mã đề, lá lốt, hồng ngọc, cát lồi, sung, sộp, bứa, lá xoài non, ngành ngạnh, đọt vừng, cóc rừng….

Gà đốt Ô Thum

gà đốt hồ ô thum

Món gà đốt ở hồ Ô Thum (Ảnh – taixeloc)

Điều tạo nên vị ngon của món gà đốt không chỉ nằm ở nguyên liệu mà nằm ở bí quyết chế biến riêng của mỗi quán, ngoài các loại gia vị thường thấy như muối, sả, ớt, tỏi thì lá chúc như một loại gia vị đặc biệt không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được của món ăn. Con gà sau đốt chín, da chuyển sang màu vàng hấp dẫn, các nguyên liệu thấm đều vào thịt gà, món ăn vừa giữ được vị ngọt tự nhiên, vừa hòa quyện mùi thơm đặc trưng của lá chúc và sả. Gắp từng miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt chanh hoặc nước mắm làm từ lá chúc, ăn kèm tỏi nướng khiến thực khách phải vấn vương, và không đâu có thể tạo nên một hương vị đặc trưng đến vậy.

Bò cạp Bảy Núi

Bò cạp bắt về cho vào thau vài ngày cho sạch bụng, để nguyên con rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Trong chốc lát, bò cạp chín, bốc mùi thơm đến sốt ruột. Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò; chấm chút muối tiêu chanh.

Chuột quay lu

Chuột quay lu

Chuột quay lu (Ảnh – alinguyen16)

Tới Trà Sư, có một món mà nếu bạn nào không ngại có thể thưởng thức thử đó là món chuột đồng nướng muối ớt hay chuột đồng quay lu hay chuột đồng gác bếp. Chuột được chế biến rất cẩn thận ướp gia vị vừa ăn rồi nướng lên vàng ươm, thơm ngon tuyệt hảo, khi ăn cái vị béo mềm tan ra trong miệng, không thể cưỡng lại được.

Xôi phồng Chợ Mới

xôi phồng chợ mới

Xôi phồng thường ăn cùng với gà nướng (Ảnh – vuttha2108)

Chợ Mới ở nơi đầu nguồn con sông Hậu, được phù sa bồi đắp quanh năm nên hạt lúa nếp bản địa chất lượng cao, hạt tròn, vị ngon. Nếp kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy, tưới nước ngọt đã sản sinh ra món xôi dẻo thơm. Bằng bàn tay khéo léo của con gái xứ cù lao, đậu và nếp được hấp chín như nấu xôi truyền thống, rồi dùng chày quết nhuyễn, cho thêm chút dầu ăn vào để chống dính và tạo độ bóng. Xôi phồng Chợ Mới sau khi quết, thường được quấn tròn để tiện bảo quản. Khi dùng, thực khách chỉ cần cắt từng khoanh vừa ăn, chiên phồng. Có thể thưởng thức xôi phồng riêng hoặc ăn kèm với món gà thả vườn luộc hay đem quay, chấm với tương ớt, xì dầu

Cà na đập

Cà na đập

Cà na đập (Ảnh – cungphuot.info)

Món ăn được đặt tên theo cách chế biến. Quả cà na tươi, sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát thì đem dầm đường, chờ khoảng vài tiếng đồng hồ là có thể sử dụng. Món này phải khéo léo sao cho quả cà na bị đập không quá nát, vẫn giữ màu xanh tươi sau khi chà xát, vắt nước nhưng hương vị còn nguyên, ăn vẫn giòn. Cà na đập ăn chung với muối ớt, vừa ngọt, vừa giòn rất ngon.

Thốt nốt

thốt nốt châu đốc

Đừng bỏ lỡ những món ngon từ thốt nốt (Ảnh – cungphuot.info)

Một trong những loài cây được người An Giang nâng niu nhất là cây thốt nốt, loại cây mang lại trái ngọt quả thơm cho đời sống người dân bớt nhọc nhằn. Nước, thạch, bánh bò… làm từ thốt nốt là những thức quà giản dị nhưng mang đậm dấu ấn vùng sông nước An Giang.

Đặc sản An Giang làm quà

Tung lò mò
Tung lò mò

Tung lò mò được bày bán ở Làng Chăm (Ảnh – wildhorse_saigon)

Tung lò mò chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang, do người Chăm không ăn thịt lợn nên họ chế biến nhiều món ăn từ thịt bò. Dần dần, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở An Giang.

Mắm Châu Đốc
mắm ba khía châu đốc

Châu Đốc được coi là thủ phủ các loại mắm miền Tây (Ảnh – cungphuot.info)

Mắm Châu Đốc có bán khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở chợ Châu Đốc. Hình thù mắm cũng vô cùng đa dạng. Vì tùy từng loại cá, cách thức chế biến mà người ta có thể xé nhỏ, để nguyên con, lóc lấy phi lê hoặc để cả xương. Một vài loại mắm dễ ăn mà bạn có thể mua tại chợ là mắm linh, mắm sặt, mắm lóc, mắm trèn, mắm rô, mắm chốt… Những loại này ăn sống hay dùng chưng, nấu mắm (mắm kho, bún, lẩu) đều rất ngon.

Mật ong Trà Sư
mật ong trà sư

Các bạn có thể mua mật ong Trà Sư về làm quà cho gia đình và bạn bè (Ảnh – Ruby Pham)

Mật ong rừng Trà Sư có vị ngọt êm dịu, hơi chát chát cổ họng và hậu chua nhè nhẹ, giúp bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng. Từng giọt mật là sự kết hợp tuyệt vời giữa tinh chất hoa tràm, dịch ngọt từ lá, chồi cây, và các men tiêu hóa được tiết ra từ dạ dày của ong.

Rượu thốt nốt
rượu thốt nốt

Rượu thốt nốt An Giang (Ảnh – Hân Ngọc)

Rượu Thốt nốt là loại rượu đặc biệt thơm ngon, mang đậm mùi vị tự nhiên, đặc trưng của nước Thốt nốt vùng Tây Nam Bộ. Nước được thu hoạch từ các cây Thốt Nốt trên 20 năm tuổi và được lên men với giống nấm men thuần chủng. Tạo nên một loại rượu có hương vị mộc mạc, dân dãm đậm đà và thơm ngon đặc trưng của vùng.

Các loại khô
các loại khô ở an giang

Các loại khô có thể dễ dàng tìm thấy trong các chợ ở An Giang (Ảnh – Đạt Ngô)

An Giang có nhiều làng làm sản phẩm khô cùng tồn tại và phát triển. Trải qua thời gian, sản phẩm của làng khô đã trở thành thương hiệu như: Khô cá lóc Thoại Sơn, khô cá lóc Chợ Mới, khô cá sặc bổi Vĩnh Xương, Khánh An…

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở An Giang
  • đặc sản An Giang làm quà
  • ăn gì khi du lịch An Giang
  • các quán ăn ngon ở An Giang
  • đến An Giang nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống An Giang
  • ẩm thực An Giang
  • món ăn vặt An Giang
  • các món ăn vỉa hè ở An Giang
  • mua gì ở An Giang
  • An Giang có gì ngon

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 9 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở An Giang

AN GIANG

Vị trí An Giang trên bản đồ Việt Nam

An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có dân số đông nhất ở vùng này.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km, giáp 2 tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), có nhiều di tích lịch sử – văn hóa và vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, với 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa). Từ đó, tạo ra những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, làm tiền đề phát triển đa dạng các loại hình du lịch (tâm linh, sinh thái, cộng đồng…

Bạn có biết: An Giang được người Khmer gọi là Moăt Chruk (មាត់ជ្រូក), nghĩa là xứ Miệng Heo.

  • Diện tích: 3.536,83 km²
  • Dân số: 1.909.507 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 296
  • Biển số xe: 67