Các địa điểm du lịch ở Thanh Hóa

Các địa điểm du lịch ở Thanh Hóa (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Thanh Hóa là một tỉnh cuối cùng ở phía Bắc miền Trung, với diện tích rộng trải dài trên nhiều địa hình, Thanh Hóa có thể ví như một phiên bản thu nhỏ của Việt Nam. Các địa điểm du lịch ở Thanh Hóa cũng rất đa dạng với đầy đủ các hình thức từ du lịch biển cho đến du lịch sinh thái. Vùng cao Thanh Hóa giáp với Tây Bắc nên cảnh quan và văn hóa giữa 2 vùng này cũng khá tương đồng nhau. Ngoài Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa thì hiện nay một địa điểm du lịch khác ở Thanh Hóa rất được yêu thích chính là Pù Luông. Đây là một bản vùng cao, nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Mùa lúa chín ở Pù Luông (Ảnh – hi.sunshine.annie)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác hi.sunshine.annie, jinhanh28, kimmynguyenvn, Sơn Huỳnh, minh thanh, Huy Trường Nguyễn, michael8032, Khuong Nguyen Hoang, Rio Ne, tungdinh207, Xuan Hung Nguyen, Pham Thi Vuong, 三宅恵太郎, Định Nguyên Hữu, Hoang Loc, Kiện Lê, The Son Phan, Hungda, munchonchon giả nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Du lịch biển Thanh Hóa

Sầm Sơn

Trước đây Sầm Sơn nổi tiếng là một trong những nơi “chặt chém” nhất ở miền Bắc. Vài năm gần đây, tình hình có vẻ được cải thiện hơn (Ảnh – jinhanh28)

Sầm Sơn là thành phố ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Thành phố Sầm Sơn là đô thị loại III và là địa điểm du lịch biển nổi tiếng tại Việt Nam. Sầm Sơn có bờ biển dài khoảng 9 km, từ cửa Hới (sông Mã) đến Vụng Tiên (Vụng Ngọc) với các bãi biển đẹp như bãi biển nội thị (A, B, C, D), bãi biển Quảng Cư, Bãi Vinh Sơn… Các bãi biển này đều có đặc điểm chung là rộng, bằng phẳng, độ dốc thoải, bãi cát trắng mịn, sóng biển vừa phải, nước biển ấm, trong xanh có nồng độ muối trên dưới 30%, ngoài ra còn có Canxidium và nhiều khoáng chất khác có tác dụng chữa bệnh…

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Sầm Sơn (Cập nhật 4/2024)

Bên cạnh các bãi biển trên, Sầm Sơn còn có núi Trường Lệ cao 76 mét nằm sát biển, được coi như là hòn ngọc của Sầm Sơn. Các vách đá dốc đứng về phía biển đã tạo nên sự hùng vĩ của núi Trường Lệ và rất thích hợp cho loại hình du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm. Mặt khác ở đây có những bãi cỏ rộng, những sườn thoải và các đồi được cấu tạo từ đá granit cổ sinh hay đá biến chất dạng bát úp (điển hình là khối hoa cương Độc Cước) phù hợp cho du lịch cắm trại và các hoạt động vui chơi giải trí khác. Trên núi Trường Lệ còn có các di tích như đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành… rất có giá trị du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Đặc biệt hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ là cảnh quan tự nhiên độc đáo của Sầm Sơn cũng như của cả nước, rất hấp dẫn khách du lịch.

Ngoài ra, cảnh quan tự nhiên dọc hai bờ sông Mã, sông Đơ cũng là điều kiện lý tưởng để Sầm Sơn phát triển các tuyến du lịch sinh thái trên sông, biển. Xuất phát từ Cửa Hới ở phía Bắc, du khách có thể đi thuyền đến Hòn Mê và xa hơn về phía Nam, hoặc ngược dòng sông Mã đi thăm các di tích Hàm Rồng, Lam Sơn, di tích triều vua Lê và các di tích, danh thắng khác trong tỉnh. Đặc biệt sông Đơ chảy dọc Sầm Sơn (từ Sông Mã ở phía Bắc đến cống Trường Lệ ở phía Nam) có cảnh quan tự nhiên khá hấp dẫn với các đầm sen ở phía Nam đền An Dương Vương là nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng của Sầm Sơn để phát triển du lịch sinh thái.

Hải Tiến

Hải Tiến hấp dẫn du khách bởi vẻ yên bình hoang sơ (Ảnh – kimmynguyenvn)

Hải Tiến là một trong 2 bãi biển khá đẹp và được Thanh Hóa đầu tư làm trọng điểm của du lịch biển trong tỉnh. Sức hấp dẫn đặc trưng của du lịch biển Hải Tiến chính là việc hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết với không gian thanh bình, êm ả nhưng không kém phần hiện đại của kiến trúc hạ tầng du lịch. Đến Hải Tiến, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, tránh xa những ồn ào, ngột ngạt của thành phố, đắm mình trong làn nước biển trong mát mà còn được tận hưởng nhiều dịch vụ tiện nghi, tham gia các hoạt động thú vị bên bờ biển, thưởng thức các loại hải sản tươi ngon vừa được ngư dân trong vùng đánh bắt từ biển khơi mang về.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch biển Hải Tiến (Cập nhật 4/2024)

Hải Hòa

Bãi biển Hải Hòa (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là bãi biển nằm ở phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, Hải Hòa được đánh giá là bãi biển đẹp, có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Cùng với Sầm Sơn – Hải Hòa đã được định hướng phát triển nhằm hoàn thiện chuỗi sản phẩm du lịch biển của Thanh Hóa với nét đặc trưng riêng. Khu du lịch biển Hải Hòa hiện tại vẫn chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng phục vụ du lịch nên chưa thu hút được nhiều khách như khu du lịch Sầm Sơn, tuy nhiên trong tương lai gần những hạng mục này sẽ sớm được hoàn thiện để biến Hải Hòa thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Thanh Hóa.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch biển Hải Hòa (Cập nhật 4/2024)

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Thanh Hóa

KHÁCH SẠN ⭑⭑⭑⭑⭑ Vinpearl Hotel Thanh Hóa
Địa chỉ: 27 Trần Phú, P. Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại: 0237 8936 888
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Đại Việt
Địa chỉ: 19 Phan Chu Trinh, P. Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại: 0237 3900888
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Trống Đồng
Địa chỉ: Lô 46-47 Lê Hoàn, P, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại: 094 523 50 67
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Long Anh
Địa chỉ: 05 Phố Cao Thắng, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại: 0237 3886868
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá
Địa chỉ: C1-D6, Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại: 0237 8868 999
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Pù Luông

Mùa lúa chín ở Pù Luông (Ảnh – Sơn Huỳnh)

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, Thanh Hóa có diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú. Với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, nơi đây là một trong những điểm du lịch Tây Bắc thu hút được rất nhiều bạn trẻ.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm đi phượt Pù Luông (Cập nhật 4/2024)

Khu di tích núi Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng (Ảnh – minh thanh)

Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau.

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị Việt Minh phá hủy năm 1946 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.

Hang Mắt Rồng (Động Long Quang)

Bên trong động Long Quang (Ảnh – Huy Trường Nguyễn)

Động Long Quang (còn gọi là hang Mắt Rồng) nằm ngay trên núi Rồng, sát bờ Bắc sông Mã. Đây là thắng cảnh đẹp của xứ Thanh, từ xa xưa đã là nơi du lãm, ngâm vịnh thơ ca của các bậc vua chúa, tao nhân mặc khách các triều đại như: Các vua nhà Lê, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh… Động nằm ở giữa, thông suốt hai bên núi đầu Rồng, đúng vị trí đôi mắt của Rồng. Cửa động mở ra hai phía Đông Bắc – Tây Nam, con mắt phải nhìn về hướng Tây Nam, xưa kia là Hạc Thành, nay là thành phố Thanh Hoá; con mắt trái nhìn về hướng Đông Bắc, một vùng đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh. Hiện nay, trên trần hang, vách đá còn lưu giữ các bia ma nhai đề thơ của vua Lê Thánh Tông (năm 1478), vua Lê Hiến Tông (năm 1501).

Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng

Như bao Thiền viện Trúc lâm khác, Hàm Rồng với phong cảnh sơn thủy hữu tình cùng không gian tĩnh lặng luôn là một địa điểm rất thú vị để đến tham quan (Ảnh – michael8032)

Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên đồi C4 của núi Hàm Rồng. Đây là một trong những điểm du lịch chính của Khu di tích Hàm Rồng. Thiền viện được khởi công xây dựng vào ngày 26/10/2010 với kinh phí do các tăng ni phật tử phát tâm hiến cúng. Cũng như hầu hết các Thiền viện trúc lâm khác, Trúc lâm Hàm Rồng với vị thế vô cùng đẹp là lưng tựa vào núi, mặt hướng thẳng ra sông Mã, không gian yên tĩnh, không khí trong lành, phong cảnh thì sơn thủy hữu tình.

Bỉm Sơn

Đèo Ba Dội

Đèo Ba Dội là tên Nôm của đèo Tam Điệp đi qua 3 đoạn đèo giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, đây là con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam. Đèo xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương, trong tiếng Việt cổ có nghĩa là ba đợt, ba lớp. Nó là một tổ hợp đèo trên núi Tam Điệp, một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng tây bắc – đông nam, có 3 ngọn.

Hồ Cánh Chim

Hồ Cánh Chim (Ảnh – Khuong Nguyen Hoang)

Hồ Cánh Chim có diện tích 201.000m2 và 33.000m3 nước trữ lượng. Sở dĩ có tên là Cánh Chim vì đứng trên đèo Ba Dội nhìn xuống, hồ có dáng một con chim đang vút cánh bay cao. Hồ Cánh Chim là một danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia.

Động Cửa Buồng

Đường vào di tích lịch sử Động Cửa Buồng (Ảnh – Rio Ne)

Hệ thống động Cửa Buồng gồm 3 động: Động Cô Tiên, động Đào Nguyên và động Cửa Buồng, nằm giữa 2 núi Tượng Sơn và Điểu Sơn (núi hình con voi và núi hình con chim). Nhiều danh nhân đã từng tới đây và để lại dấu ấn của mình.

Trong dân gian còn lưu truyền về Nguyễn Huệ khi đưa đại binh ra Bắc đã cho tổ chức các cuộc nghị bàn kế sách giải phóng Thăng Long tại đây và cũng chính nơi đây Nguyễn Huệ đã được thần báo mộng phải tiến quân nhanh ra Bắc mới mong thắng trận. Khi trở về Phú Xuân, qua vùng đất này, Nguyễn Huệ đã có hai câu đối để cảm ơn thánh nhân, hiện nay hai câu đối đó vẫn còn lưu giữ tại đền Cây Vải hay còn gọi là đền Bà Giếng Tiên (thuộc Làng Nghĩa Môn, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn).

Làng Đông Sơn

Làng này nằm bên bờ nam sông Mã, nơi tiếp giáp của hai dòng sông Chu – sông Mã, trong địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Trên quốc lộ 1A hướng từ Bắc vào Nam đến cầu Hàm Rồng, ngay đầu thành phố Thanh Hóa rẽ phải khoảng 1000 m sẽ đến một làng cổ, đó làng Đông Sơn.

Làng Đông Sơn quần tụ dựa vào lưng núi Rồng (núi Đông Sơn). Phía trước làng là cánh đồng rộng, màu mỡ, xung quanh ba phía của làng là những núi đá nhỏ đồi đất thấp nằm xen kẽ lẫn nhau có hình dáng kỳ dị, dân gian cứ theo đó mà đặt tên cho từng quả đồi, ngọn núi: núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên… Dân gian cho rằng làng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng.

Thác Ma Hao

Thác Ma Hao (Ảnh – tungdinh207)

Thác Ma Hao nằm dưới chân núi Chí Linh, thuộc làng Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, cách khu di tích lịch sử Lam Kinh 45 km về phía Tây Bắc. Để đến với Ma Hao, du khách đi theo tuyến đường Hồ Chí Minh qua trung tâm thị trấn Ngọc Lặc, tới ngã tư gần km 541 rẽ trái vào quốc lộ 15A, đến trung tâm huyện Lang Chánh rẽ trái theo đường liên xã khoảng 10 km là đến thác Ma Hao.

Cho đến nay, thác Ma Hao vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp hay tác động vào. Cũng bởi vậy, nơi đây phù hợp với những ai thích phiêu lưu, ưa khám phá. Du khách có thể đến và tận hưởng cảm giác thư thái, dễ chịu của một chuyến đi trở về với thiên nhiên, hòa vào và tận hưởng sự trong lành khoáng đạt của thiên nhiên thơ dại.

Hiện nay, Thác Ma Hao được quy hoạch nằm trong cùng khu du lịch sinh thái Bản Năng Cát của huyện Lang Chánh. Đến với vùng đất này, các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống và văn hóa của người dân tộc Thái nơi đây.

Mường Lát

Mường Lát đẹp không kém các địa điểm nổi tiếng khác ở Tây Bắc (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh lên tới 200 km. Mường Lát giáp Lào, có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Đây cũng là điểm kết thúc của cung Đường Tre – Suối Muống kéo dài từ Co Lương (Hòa Bình) chạy dọc sông Mã và kết thúc ở huyện vùng cao này. Mường Lát có cửa khẩu Tén Tằn với nước bạn Lào, ở đây có mốc biên giới mang số 281 (thông tin chia sẻ thêm cho các bạn thích trek mốc).

Nga Sơn

Động Từ Thức

Bên trong Động Từ Thức (Ảnh – Xuan Hung Nguyen)

Động Từ Thức còn gọi là Động Bích Đào, là một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá được gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên. Động nằm trên dãy núi Tam Điệp, thuộc địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nằm cạnh đường quốc lộ 10, cách thị trấn Phát Diệm hơn 10 cây số về phía Tây Nam, trên sườn một ngọn núi đá nhỏ có thả dê của đồng bào địa phương, xung quanh là ruộng lúa nước.

Từ Thức người Tống Sơn, nay là Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá làm tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp gặp tình huống éo le. Thời gian sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Từ Thức đi qua núi và thấy một chiếc động, được bà chủ gả cho Giáng Hương, chính là người chàng đã cứu thuở nào. Sống với nhau được một năm, dù thuận hoà, êm ấm, Từ Thức chợt nhớ nhà, xin được về thăm. Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi đến quê, tất cả đều đổi thay, Từ Thức hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu nội của mình. Chàng đã đi quá lâu. Từ Thức muốn trở lại cõi tiên với vợ, nhưng chẳng còn dịp may … trước cửa động Từ Thức, dây leo chằng chịt đan kết thành những chiếc võng.

Đền thờ Mai An Tiêm

Đền thờ Mai An Tiêm ở huyện Nga Sơn (Ảnh – Pham Thi Vuong)

Thuộc xã Nga Phú huyện Nga Sơn. Cách huyện lỵ Nga Sơn 5 km về phía đông Bắc. Ngôi đền này chứa một huyền thoại được lưu truyền từ bao đời nay. Mai An Tiêm là người có công khai phá xây dựng đất Nga Sơn từ buổi bình minh của đất nước, dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật rất nổi tiếng ở Nga Sơn.

Căn cứ khởi nghĩa Ba Đình

Di tích lịch sử chiến khu Ba Đình (Ảnh – 三宅恵太郎)

Chiến khu Ba Đình thuộc xã Ba Đình, cách trung tâm huyện Nga Sơn 3 km về phía tây Bắc. Đây là di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia. Tại đây nghĩa quân Cần Vương và nhân dân ba làng Mậu, Thượng và Mỹ Khê (dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng) đã đánh bại nhiều đợt tấn công của Pháp. Địa danh Ba Đình này đã được đặt thành tên gọi của quảng trường Ba Đình tại Hà Nội.

Đền thờ Lê Thị Hoa

Lê Thị Hoa là một nữ tướng của Hai Bà Trưng, khởi nghĩa tại vùng Nga Sơn giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, quân xâm lược bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, Hai Bà Trưng xưng vương và thành lập hệ thống chính quyền độc lập, bà Lê Thị Hoa đã từ chối làm quan chỉ xin được trở lại Nga Sơn để tiếp tục tổ chức dân khai hoang, lập làng, lấn biển. Năm 43, Mã Viện đem đại binh sang đàn áp, bà đã mau chóng tập hợp lực lượng để chiến đấu chống quân thù một cách quyết liệt, nhưng sau thất bại, bà đã anh dũng hy sinh ngay trên đất Nga Sơn mà bà đã giàu công khai khẩn.

Vườn Quốc Gia Bến En

Đường Hồ Chí Minh đoạn chạy ngang qua Vườn Quốc gia Bến En (Ảnh – cungphuot.info)

Thuộc huyện Như Thanh và huyện Như Xuân, nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 36 km về phía tây nam. Vườn Quốc Gia Bến En có nhiều loài sinh vật quý, với 1389 loài thực vật (lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương…), có 1004 loài động vật,66 loài thú (với 29 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng…

Như Xuân

Thác Đồng Quan

Thác Đồng Quan (Ảnh – Định Nguyên Hữu)

Dòng thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Mùn qua các lũng núi rồi tạo thành dòng chảy không ngừng. Mọi người khi tới đây chỉ cần bộ hành khoảng chừng 150 mét ngược theo dòng suối trong mát lạnh sẽ đến được với đỉnh thác nước, hai bên bờ suối là những cây gỗ lớn mang dáng vẻ cổ thụ và nhiều loai cây thảo dược quý hiếm mà bà con nơi đây luôn gìn giữ và bảo vệ.

Vùng nước rộng dưới chân thác trong suốt như pha lê, nhìn xuyên suốt tận đáy, du khách có thể trượt thác và nhảy xuống tắm mát thỏa thích bởi khu vực này nước không quá sâu. Nếu ai không muốn tắm, có thể ngồi nghỉ ngơi trên những phiến đá to bằng phẳng , nhẵn bóng do nước bào mòn và đón làn gió đem theo hơi nước bốc thổi lên từ dòng suối. Không khí thoáng đãng xen lẫn mùi hương nồng nàn của các loài hoa rừng, tạo nên vẻ thơ mộng và kỳ thú.

Thác Cổng Trời

Thác Cổng Trời (Ảnh – Hoang Loc)

Khu du lịch sinh thái thác Cổng Trời thuộc địa phận hai xã Hóa Quỳ và Xuân Quỳ, huyện Như Xuân, cách thị trấn Yên Cát khoảng 10 phút chạy ôtô. Nếu từ Hà Nội vào, bỏ qua phố huyện, từ đường Hồ Chí Minh rẽ trái khoảng 5km đường nhựa nhấp nhô đồi núi, du khách đã lạc vào chốn sơn thủy hữu tình với rừng nguyên sinh, thác nước trắng phau từ trên cao dội xuống giữa chốn đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ.

Thác Cổng Trời được hình thành từ những khe suối, dòng chảy lớn, nhỏ trên đỉnh núi Pù Mùn, có độ cao trên 1000m so với mực nước biển. Từ đỉnh núi, những dòng nước len lỏi qua những khe sâu, vách đá, những thảm thực vật rậm rì, rồi hòa vào nhau, ào ạt chảy chia thành ba dòng lớn, một đổ về xã Thanh Lâm tạo thành thác Thanh Lâm, một chảy về Hóa Quỳ tạo thành thác Đồng Quan. Dòng chính chảy về bản Chuối, xã Xuân Quỳ, tạo nên thác Cổng Trời hùng vĩ.

Đền Chín Gian

Đền chín gian (Ảnh – Kiện Lê)

Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm (Đồi Tròn) cao 250m thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, cách thị trấn Yên Cát của huyện Như Xuân khoảng 38km. Nơi đây xung quanh là đồng ruộng, đồi núi và bản làng của đồng bào người Thái sinh sống. Ngôi đền theo truyền thuyết là nơi thờ Trời và ông Tổ người Thái.

Hang Co Luồng

Hang Co Luồng là một hệ thống hang động nằm trên núi Co Luồng, thuộc địa bàn bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Từ thị trấn Quan Hóa đi ngược về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 15 khoảng 3 km tới bản Khằm, từ đây đi bộ leo núi khoảng 500 m là tới cửa hang. Đường lên hang động này có độ dốc khá lớn vì hang nằm ở gần đỉnh núi cao, hai bên đường là đồi luồng, nương ngô của đồng bào dân tộc Thái.

Cửa hang nằm gần đỉnh một ngọn núi và quay về phía sông Mã. Cửa hang rất hẹp chỉ vừa đủ một người chui lọt, qua cửa hang là dốc dựng đứng sâu khoảng 10 mét, du khách chỉ có thể cúi đầu bò lùi để xuống hang. Hang động rộng hàng nghìn mét vuông, được cấu tạo thành ba tầng rõ rệt. Tầng một có nhiều nhũ đá đủ màu sắc, có những chiếc đàn đá độc đáo do thiên nhiên cấu tạo nên, có những nhũ đá có hình thù con rùa, hình hồ tắm của các nàng tiên. Tầng hai của hang động Co Luồng có độ sâu khoảng 25m, tầng ba có độ sâu khoảng 35 m so với cửa hang, tạo thành một hệ thống hang động khép kín, với tổng chiều dài khoảng hơn 600m. Để đi tham quan toàn bộ hệ thống hang động này phải mất khoảng 10 giờ đồng hồ.

Khu di tích Lam Kinh

Khu di tích Lam Kinh nhìn từ trên cao (Ảnh – cungphuot.info)

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhân vật tạo lập Lam Kinh là Lê Thái Tổ. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), vua Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất. Đồng thời nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.

Điện Lam Kinh

Điện Lam Kinh (Ảnh – cungphuot.info)

Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, xa là núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Mặt trước ngoài hoàng thành khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có xây 2 bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc, móng tường thành còn lại dày 1,08m, qua cổng thành khoảng 10m đến một con sông đào có tên là sông Ngọc. Sông này bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách Hoàng việt dư địa chí xưa kia, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp, trông rất đẹp. Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch, trên cầu có nhà, thành dáng “Thượng gia hạ kiều”.

Lăng vua Lê Thái Tổ

Toàn cảnh khu lăng vua Lê Thái Tổ (Ảnh – cungphuot.info)

Lăng Lê Thái Tổ được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50 m. Vĩnh Lăng được chọn đặt một thế rất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và tiền án là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”. Đối diện lại có sông làm “bạch hổ”.

Bia Vĩnh Lăng

Bia Vĩnh Lăng (Ảnh – cungphuot.info)

Bia Vĩnh Lăng được dựng cách lăng 300m đường chim bay ở Tây Nam thành điện Lam Kinh. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,97m; rộng1,94m; dày 0,27m; đặt trên lưng một con rùa lớn cũng được tạc từ đá trầm tích biển nguyên khối có chiều dài 3,46m; rộng 1,9m; cao 0,94m kể cả đế.

Đền thờ Lê Lợi

Đền thờ Lê Lợi (Ảnh – cungphuot.info)

Khu đền thờ vua Lê Lợi thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách khu di tích Lam Kinh 150m về phía Nam. Đền do một số nhà hảo tâm đứng ra quyên góp vào những năm đầu của thế kỷ 20 để làm nơi thờ vua Lê Thái Tổ (Trong khi khu di tích Lam Kinh bị tàn phá chưa được trùng tu). Hiện khu đền thờ này đã được sát nhập vào quản lý cùng với khu di tích Lam Kinh.

Động Vĩnh An (Động Tiên Sơn)

Sơ đồ các điểm trong động Tiên Sơn (Ảnh – The Son Phan)

Động Vĩnh An thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Động Vĩnh An bao gồm động nước và động núi, động nước được gọi là động Kim Sơn, muốn đi vào phải đi bằng thuyền; còn động núi được gọi là động Tiên Sơn, nằm ở lưng núi, để lên đến cửa động phải đi bộ lên rồi trèo tiếp bằng thang. Hai động này đều đã được chính quyền địa phương khai thác cho dịch vụ du lịch nhưng chưa phát triển được nhiều, chủ yếu khách tham quan vẫn là nhân dân trong vùng, ít có khách du lịch thập phương. Theo đánh giá của nhiều người thì động núi đẹp không thua gì động Phong Nha Kẻ Bàng.

Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ (Ảnh – cungphuot.info)

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Ngày 27 tháng 6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Nhà cổ 200 năm tuổi

Công trình hơn 200 năm ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá cách cổng Tây Thành Nhà Hồ 200 m, là một trong sáu ngôi nhà cổ ở nước ta được tổ chức Di sản châu Á – Thái Bình Dương bảo tồn. Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1810, là của ông Phạm Ngọc Tùng đời thứ 7 dòng họ Phạm. Theo lời kể của ông Tùng, khi xây dựng ngôi nhà này, cụ Tổ ông làm chức quan hàng Bát phẩm của triều đình nhà Nguyễn. Cụ cho mời những thợ giỏi nhất của tỉnh Nam Hà cũ (nay thuộc tỉnh Hà Nam) và thợ làng mộc Đạt Tài (nay thuộc xã Hoằng Đạt – Hoằng Hóa – Thanh Hóa) về làm ngôi nhà này.

Giếng Ngự Dục

Giếng Vua hay còn gọi là giếng Ngự Dục, được phát hiện nằm ở góc đông – nam của đàn tế Nam Giao, khu vực Thành nhà Hồ.

Suối cá thần Cẩm Thủy

Suối cá thần Cẩm Thủy (Ảnh – cungphuot.info)

Suối Cá Cẩm Thủy là tên gọi của một dòng suối ở miền núi phía tây Thanh Hoá, nơi có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc, được đồng bào dân tộc Mường, Thái ở địa phương gìn giữ. Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg. Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng.

Bãi cò Tiến Nông

Lượng cò ở Tiến Nông hiện đang bị sụt giảm cá nhiều (Ảnh – Ảnh – Hungda)

Bãi Cò được hình thành trên vùng đầm lầy của xã Tiến Nông (Triệu Sơn). Diện tích khoảng 3 ha. Nơi đây là nơi tập trung của rất nhiều loại cò, vạc, hay vịt trời, le le, cuốc, bìm bịp, bồ câu hoang… Chúng sinh sống và làm tổ trên các cây tre. Chúng thường đi kiếm ăn ở các cánh đồng gần đấy. Vào mùa làm tổ có hàng vạn cá thể về đây. Đây cũng là nơi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa có các cá thể Cò sinh sống. Hiện nay chính quyền huyện Triệu Sơn đang có kế hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái tại đây.

Thác Voi

Khu du lịch sinh thái Thác Voi (Ảnh – munchonchon)

Thác Voi nằm trên địa bàn xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa từ lâu đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách. Khung cảnh nơi đây như một bức tranh sơn thủy hữu tình của thiên nhiên ban tặng cho con người xứ Thanh.

Theo những cụ cao niên nơi đây kể rằng, xưa kia, Quang Trung Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, khi vượt dãy Tam Điệp đã tình cờ phát hiện ra một mó nước lớn giữa rừng, ông đã cho đàn voi chiến của mình xuống mó nước tắm, nghỉ ngơi. Sau khi tắm ở mó nước, đàn voi nhanh chóng hồi sức, chúng thích thú rống lên vang dội núi rừng. Mó nước không tên kể từ đó được gọi là Hốc Voi, về sau khi khu du lịch sinh thái được hình thành thì đổi thành thác Voi.

Tìm trên Google

  • các địa điểm du lịch ở Thanh Hóa
  • tháng 4 Thanh Hóa có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến Thanh Hóa
  • phượt Thanh Hóa có gì
  • cảnh đẹp Thanh Hóa
  • địa điểm check-in Thanh Hóa
  • danh lam thắng cảnh Thanh Hóa
  • địa điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa
  • đến Thanh Hóa nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Thanh Hóa

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 36 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Thanh Hóa

THANH HÓA

Vị trí Thanh Hóa trên bản đồ Việt Nam

Là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc nhà nước. Đây là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện (hành chính, khí hậu, địa chất, ngôn ngữ). Năm 2017,  là tỉnh đầu tiên của Bắc Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Thanh Hóa, Sầm Sơn.

Bạn có biết: Thanh Hóa là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ. Các di chỉ khảo cổ cho thấy nền văn hóa xuất hiện đầu tiên tại đây là văn hóa Đa Bút.

  • Diện tích: 11.120,6 km²
  • Dân số: 3.640.128 người
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện
  • Mã điện thoại: 0237
  • Biển số xe: 36