Các món ăn ngon ở Thanh Hóa

Các món ăn ngon ở Thanh Hóa (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Vùng đất Thanh Hóa với diện tích lớn cùng nhiều điều kiện tự nhiên hoàn hảo để phát triển du lịch. Đến với mảnh đất xứ Thanh, các bạn có thể thưởng thức vô cùng nhiều loại sản vật tự nhiên nơi đây. Các món ăn ngon ở Thanh Hóa rất đa dạng, trải dài theo sự biến đổi của vùng địa lý trong tỉnh. Từ món nem chua nổi tiếng khắp cả nước đến vô vàn các loại hải sản tươi ngon tại những bãi biển vùng Hải Tiến, Sầm Sơn.  Đi xa hơn về phía các huyện vùng cao, những món ăn mang đậm hương vị của người Thái sẽ vô cùng hấp dẫn du khách đến với Pù Luông. Cuối cùng, đến Thanh Hóa du lịch các bạn có thể mua nước mắm Ba Làng, bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phú Quảng… để mua về làm quà cho người thân và gia đình.

Thanh Hóa là một địa phương có rất nhiều món ăn ngon và lạ (Ảnh – thuy.lala.1)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả thuy.lala.1vananh_diet, Nguyễn Thùy Anh, foodythanhhoa, i.am.trang, mr_goahead, tamicecream, vananh2503, hoanglan_food, Ngọc Lê, hienduong307, phuongstore, Thần Phù Hải Khẩu, Quỳnh Mai, Toan An, Nguyen Huyen nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Hải sản Thanh Hóa

Du lịch biển Thanh Hóa các bạn đừng quên thưởng thức các loại hải sản tươi ngon nhé (Ảnh – vananh_diet)

Với đường bờ biển dài và nhiều bãi biển đẹp, du lịch biển là một thế mạnh vô cùng lớn của Thanh Hóa. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một trong những món ăn ngon ở Thanh Hóa các bạn nên thưởng thức chính là hải sản. Tại các điểm du lịch biển nổi tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa, Nghi Sơn… luôn có những tàu thuyền đánh bắt hải sản tươi sống đi về hàng ngày nên nguồn cung hải sản ở Thanh Hóa vô cùng dồi dào.

Nem chua

Nem chua là món ăn rất nổi tiếng của Thanh Hóa (Ảnh – Nguyễn Thùy Anh)

Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ, hạt tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng, gói bên ngoài bởi rất nhiều lớp lá chuối. Thịt nạc được chọn là loại thật nạc, ngon, tươi, không dính mỡ, không dính gân, trộn đều với bì luộc thái chỉ, gia vị. Không thể thiếu một chút ớt cho thêm đậm đà, tiêu để dậy mùi, một chút tỏi để khử trùng và một vài lá đinh lăng. Nem chua Thanh Hóa có hương vị rất khác lạ so với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó có vị chua, cay, ngọt, mặn và dậy mùi thơm.

Bánh cuốn thanh hóa

Bánh cuốn ở Thanh Hóa thường dùng nhân tôm thịt, miếng bánh dày, nước chấm ngọt, ăn rất thích (Ảnh – foodythanhhoa)

Đến Thanh Hóa bạn có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp mọi nơi. Người Thanh Hóa có bí quyết riêng để món bánh cuốn ngon không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác, mà ít nơi sánh kịp.

Nhân bánh gồm có tôm nõn, thịt ba chỉ băm nhỏ cộng với hành phi phủ phía ngoài bánh. Đặc biệt, nhân bánh cuốn xứ Thanh được làm từ tôm sông Mã, cho vị ngọt lừ, đậm đà. Bánh bày ra đĩa, nhẹ nhàng rắc phía trên những vẩy hành phi vàng ruộm, loáng thoáng ánh xanh mướt của cọng mùi ta.

Bánh cuốn Thanh Hóa thường ăn nóng nên nước chấm có thể được làm nguội. Nước mắm cốt nổi tiếng được ủ chượp từ cá vùng biển xứ Thanh pha lên, dậy mùi chanh, tiêu, ớt, sóng sánh sắc nâu sáng và vị đậm đà. Người thưởng thức có thể dùng kèm dăm miếng thịt băm nướng vàng thơm, hay miếng giò lụa gói nhỏ, đậm hương lá chuối.

Chả tôm

Chả tôm được kẹp que tre, nướng trên than hồng (Ảnh – i.am.trang)

Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ với tôm bột tươi cùng một lượng gấc vừa đủ, thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay và nướng trên bếp than hoa. Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn.

Bánh khoái tép nồi gang

Quá trình làm bánh khoái tép (Ảnh – mr_goahead)

Bánh khoái có vẻ giống bánh xèo Nam bộ về cách chế biến nhưng nguyên liệu thì khác, mang nét đặc trưng của xứ Thanh, bao gồm rau cần, bắp cải, thì là thái sợi nhỏ và tép tươi. Bánh khoái chấm cùng nước mắm pha chua ngọt và sung ghém rất hợp vị.

Đôi khi người ta thay tép bằng trứng (Ảnh – tamicecream)

Đôi khi người ta thay tép tươi bằng trứng gà để đổi vị. Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy món này ở các phố Trường Thi, Đào Duy Từ, Hàn Thuyên, chợ Vườn Hoa của Tp Thanh Hóa

Bánh ích

Bánh ích Thanh Hóa (Ảnh – vananh2503)

Không khác nhiều so với cách làm bánh ít, bánh nếp ở các nơi khác. Bánh ích có hình tròn, bên trong là nhân tôm thịt, ăn cùng mắm chế chua ngọt. Được bán nhiều ở các chợ Vườn Hoa, Tây Thành hoặc một vài quán vỉa hè trên phố Đinh Lễ, bánh ích luôn hấp dẫn người ăn và thường hết hàng sớm.

Bánh mỳ Nam Hà

Bánh mỳ Nam Hà khá nổi tiếng ở Tp Thanh Hóa (Ảnh – hoanglan_food)

Nếu có dịp tới thăm Thăm Hóa, du khách sẽ được nghe nhiều về bánh mỳ gia truyền Nam Hà ở phố Trường Thi. Tại đây có một chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ rất đông khách. Sở dĩ được yêu mến vậy bởi hương vị bánh Nam Hà không đổi trong suốt 20 năm qua. Bánh mỳ nóng giòn, nhân bánh đa dạng hấp dẫn. Ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay… Nguyên liệu nào cũng được chọn lựa và chế biến kỹ lưỡng, cùng với nước sốt gia truyền đặc trưng.

Bánh răng bừa

Một loại bánh quen thuộc ở miền Bắc nhưng ở Thanh Hóa được gọi với cái tên bánh răng bừa (Ảnh – Ngọc Lê)

Đây là loại bánh có ở nhiều nơi với tên gọi bánh tẻ, bánh giò, bánh lá, còn người Thanh Hóa gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông. Chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh nhưng mang đậm hồn quê bình dị là thứ quà sáng yêu thích của nhiều người. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh gồm thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ đã xào qua. Khi mới luộc xong, chiếc bánh bốc khói nghi ngút, dậy mùi thơm của hành mỡ, ăn vào thấy mềm và rất vừa miệng. Còn khi để nguội, ăn sần sật cũng ngon không kém phần.

Bánh nhè

Bánh nhè làm giống như bánh trôi, chỉ khác là được nấu bằng mật mía (Ảnh – hienduong307)

Bánh nhè gần giống bánh trôi nước, bánh ngào mật của Nghệ An. Vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo mịn, nhân đậu xanh và dừa bào sợi. Bánh nấu bằng đường mật mía và gừng, là thức quà chiều dân dã của người xứ Thanh. Món bánh đặc sản Thanh Hóa này được bán bởi những cô hàng rong trên đường du khách muốn thưởng thức cũng có thể tới chợ Vườn Hoa…

Gỏi cá nhệch Nga Sơn

Gỏi cá nhệch Nga Sơn (Ảnh – phuongstore)

Cá nhệch là một loại cá hung dữ, sống được cả ở vùng nước mặn và nước ngọt, bề ngoài trông khá giống con lươn. Cá sau khi bắt về được làm sạch nhớt rồi lọc thịt và xương riêng. Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá được rán giòn để cuộn cùng với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo.

Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món gỏi, các loại rau lá trên còn là vị thuốc để cân bằng tính hàn của cá nhệch. Ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.

Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.

Dê ủ trấu Nga Sơn

Món dê ủ trấu Nga Sơn nổi tiếng nhất là ở Nga An (Ảnh – Thần Phù Hải Khẩu)

Khi đến du lịch Nga Sơn, ngoài món gỏi nhệch nổi tiếng các bạn có thể đến Nga An, một vùng núi đá ở Nga Sơn để thưởng thức các món ăn từ dê. Độc đáo nhất phải kể dến món dê ủ trấu. Trước khi ủ trấu dê được cạo lông sạch sẽ, nhồi lá sả vào bụng. Phủ trấu lên toàn thân dê và đốt rơm để mồi lửa. Khi ủ trấu xong thì toàn bộ dê nó sẽ chín om, thịt vẫn còn màu hơi đỏ, da vàng rộm. Tạo ra món tái đúng nghĩa, tức là không chín hoàn toàn, thịt thái ra xoăn từng lọn. Đây có thể coi là bí quyết, là điểm độc đáo nhất của món Dê núi Nga An, bởi không phải nơi nào cũng có cách chế biến như cách làm của người dân nơi đây.

Vịt Cổ Lũng

Đặc sản Pù Luông, vịt Cổ Lũng (Ảnh – Quỳnh Mai)

Đây là món đặc sản nổi tiếng của vùng cao Bá Thước. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa. Các bạn khi du lịch Pù Luông nhớ đừng bỏ qua món ăn này.

Đặc sản Thanh Hóa làm quà

Bánh gai Tứ Trụ

Ít người biết Thanh Hóa cũng có đặc sản bánh gai (Ảnh – Toan An)

Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen. Bánh gai được gói bằng lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Chiếc bánh gai đạt chuẩn phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.

Chè lam Phù Quảng

Chè Lam Phù Quảng là một đặc sản nổi tiếng của huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Món chè lam trước đây thường được người dân Phù Quảng làm vào dịp lễ tết để cúng tổ tiên và ăn mừng trong dịp năm mới. Hiện nay, đây là một sản phẩm nổi tiếng để du khách có thể mua về làm quà khi đến khu di tích Thành Nhà Hồ.

Mắm tép Hà Yên

Có nhiều vùng miền ở nước ta nổi tiếng với món mắm tép. Trong đó, mắm tép (Hà Yên, Hà Trung, Thanh Hóa) là loại mắm tép có màu sắc, mùi vị đặc biệt vì nó được làm nguyên chất từ loại tép riu chỉ có ở vùng nước nhiều rong, rêu mới có.

Nước mắm Ba Làng

Nước mắm Ba Làng khá nổi tiếng ở Thanh Hóa (Ảnh – Nguyen Huyen)

Từ làng nghề nước mắm truyền thống Do Xuyên – Ba Làng nổi tiếng đất Thanh Hóa đã sản sinh ra một đặc sản vùng biển địa phương nổi tiếng khắp cả nước. Tận dụng nguồn nguyên liệu cá cơm đen tự nhiên được đánh bắt chủ yếu ở vùng biển Hải Thanh (Tĩnh Gia) nói riêng và vùng cửa Lạch Bạng nói chung kết hợp với bí quyết gia truyền của làng Do Xuyên – Ba Làng cùng kinh nghiệm được tích lũy lâu đời mà người dân nơi đây đã sản xuất ra loại nước mắm được nhiều người biết đến. Nước mắm Ba Làng có vị thơm ngon, có độ sóng sánh, màu vàng cánh gián, độ đạm cao, không còn vị tanh, khi nếm có vị ngòn ngọt trộn lẫn vị mặn đậm đà làm tê đầu lưỡi và đọng mãi trong cổ.

Tìm trên Google

  • các món ăn ngon ở Thanh Hóa
  • đặc sản Thanh Hóa làm quà
  • ăn gì khi du lịch Thanh Hóa
  • các quán ăn ngon ở Thanh Hóa
  • đến Thanh Hóa nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Thanh Hóa
  • ẩm thực Thanh Hóa
  • món ăn vặt Thanh Hóa
  • các món ăn vỉa hè ở Thanh Hóa
  • mua gì ở Thanh Hóa
  • Thanh Hóa có gì ngon
4.2/5 - (6 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Thanh Hóa

THANH HÓA

Vị trí Thanh Hóa trên bản đồ Việt Nam

Là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc nhà nước. Đây là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện (hành chính, khí hậu, địa chất, ngôn ngữ). Năm 2017,  là tỉnh đầu tiên của Bắc Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Thanh Hóa, Sầm Sơn.

Bạn có biết: Thanh Hóa là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ. Các di chỉ khảo cổ cho thấy nền văn hóa xuất hiện đầu tiên tại đây là văn hóa Đa Bút.

  • Diện tích: 11.120,6 km²
  • Dân số: 3.640.128 người
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện
  • Mã điện thoại: 0237
  • Biển số xe: 36