Kinh nghiệm du lịch Hữu Lũng

Kinh nghiệm du lịch Hữu Lũng, Lạng Sơn (Cập nhật 11/2024)

Cùng Phượt – Hữu Lũng là một huyện trung du, miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Đây là nơi giao thoa văn hóa giữa vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ, có phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ. Hữu Lũng không chỉ có điều kiện về phát triển kinh tế xã hội do nằm gần các trục giao thông chính mà còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Hiện nay, các sản phẩm du lịch Hữu Lũng được xây dựng và tập trung chủ yếu vào các hình thái du lịch cộng đồng, sinh thái… kết hợp cùng các hoạt động dã ngoại, thể thao mạo hiểm.

Hữu Lũng là một địa điểm du lịch chỉ mới nổi ở Lạng Sơn trong vài năm qua (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Duc Anh, Nguyễn Hồng Thu Trang, Nguyễn An, Tuan Linh Doan, Nga Hằng, xiu.things, Chu Văn Minh, Marianne Smallwood, Thinh Ku, Dinh Tuan, Anh Triệu, Thắng Nguyễn Xuân, Xuan Hung Nguyen, Liêm Phạm Từ và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Hữu Lũng

Một góc Hữu Lũng nhìn từ trên cao (Ảnh – Duc Anh)

Hữu Lũng là huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 80 km, thuộc dải đất nối liền vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc bộ nước ta. Phần lớn diện tích ở vùng núi đá có độ cao từ 450 – 500m, vùng núi đất có độ cao trên dưới 100 m so với mặt nước biển. Nhìn chung, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi đá và các dãy núi đất. Nằm xen kẽ giữa các dãy núi là những thung lũng nhỏ, hẹp. Địa hình tương đối bằng phẳng và là vùng đất canh tác, sản xuất nông nghiệp của cư dân trên địa bàn.

Ngoài đặc điểm tự nhiên của vùng miền núi phía Bắc có khí hậu ôn hòa, Hữu Lũng còn sở hữu nét đẹp tự nhiên của núi, rừng, thảo nguyên… Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá, rất phù hợp để khai thác các các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, giải trí thể thao mạo hiểm, khám phá và du lịch nghỉ dưỡng núi. Hữu Lũng còn có hệ thống hang động núi đá vôi kỳ vĩ, rừng đặc dụng Hữu Liên; trong đó có 2 khu rừng nguyên sinh, với 776 loài thực vật, trên 30 loài trong số đó được xếp vào sách đỏ; có 409 loài động vật quý hiếm.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có các loại hình văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn, thu hút sự chú ý của du khách như: hát pá xoan của dân tộc Dao, hát nhà tơ (hát cửa đình), hát then của dân tộc Tày – Nùng, diễn Chèo cổ, trang phục dân tộc Dao… Hữu Lũng có 7 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao, Cao Lan và Sán Chỉ sinh sống tại 26 xã, thị trấn, mỗi dân tộc có những nét văn hóa bản sắc riêng.

Đi Hữu Lũng vào mùa nào?

Hầu như mùa nào Hữu Lũng cũng có những vẻ đẹp riêng (Ảnh – Nguyễn Hồng Thu Trang)

Với khí hậu trong lành, mát mẻ, các bạn có thể sắp xếp đến Hữu Lũng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm dựa theo các kế hoạch cá nhân của mình. Tuy nhiên, các bạn có thể lưu ý một chút là Hữu Lũng có hai thời điểm trong năm khá hay ho

  • Mùa mưa từ khoảng tháng 7 đến tháng 10, vùng đất Đồng Lâm sẽ ngập chìm trong nước. Lúc này thảm cỏ xanh mà các bạn thường thấy sẽ không còn, thay vào đó là một không gian vô cùng kì vỹ của màu nước xanh. Việc tham quan, khám phá sẽ cần sử dụng thuyền.
  • Từ khoảng tháng 12-3 năm sau là mùa nước cạn, lúc này phù hợp cho các hoạt động cắm trại, vui chơi trải nghiệm ngoài trời.
  • Nếu thích đằm mình trong làn nước mát lạnh của sông suối hay cho trẻ nghịch nước trên thác, các bạn nên đi vào thời điểm mùa hè cho thoải mái.

Hướng dẫn đi tới Hữu Lũng

Do những địa điểm hấp dẫn ở Hữu Lũng đều nằm khá xa trung tâm thị trấn cũng như tuyến đường quốc lộ chính nên việc tới đây du lịch các bạn nên sử dụng xe cá nhân. Sử dụng các phương tiện công cộng tương đối bất tiện và mất nhiều thời gian trong quá trình di chuyển.

Xe máy

Nếu đi bằng xe máy, các bạn cứ bám theo tuyến QL 1A (Ảnh – Nguyễn An)

Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km, các bạn sử dụng xe máy có thể chạy bám theo tuyến QL1A. Qua hết địa phận Bắc Giang là tới Hữu Lũng. Các bạn lưu ý nếu đi trên tuyến đường này, có một đoạn xe máy sẽ đi cùng ô tô trên đoạn cao tốc do không có đường gom nên sẽ hơi nguy hiểm khi ô tô thường đi với tốc độ khá cao.

Ô tô

Sử dụng ô tô cá nhân đi theo tuyến cao tốc Lạng Sơn, chỉ mất khoảng hơn 2h di chuyển để tới Hữu Lũng (Ảnh – Tuan Linh Doan)

Với phương tiện ô tô cá nhân, chặng đường đi sẽ đơn giản hơn do có thể chạy hoàn toàn trên cao tốc. Các bạn chỉ cần theo tuyến đường Hà Nội – Lạng Sơn, tới trạm thu phí Hồ Sơn trên TL242 (từ Bắc Giang qua địa phận Lạng Sơn thì trạm này là trạm đầu tiên) thoát ra khỏi cao tốc rồi chạy tiếp trên tuyến QL1A.

Lưu trú ở Hữu Lũng

Homestay

Hữu Lũng hiện giờ cũng có khá nhiều homestay phục vụ du khách (Ảnh – Nga Hằng)

Từ một vùng đất yên bình, lặng lẽ trong nhiều năm, giờ đây Hữu Lũng được biết đến như một điểm đến hấp dẫn của du lịch Lạng Sơn. Đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu du lịch của du khách, thời gian qua, huyện Hữu Lũng đã tích cực làm mới các sản phẩm du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân xây dựng và phát triển homestay để phục vụ du khách. Các bạn đến đây sẽ được trải nghiệm ngủ trong những căn nhà sàn truyền thống, sinh hoạt và ăn uống cùng người dân địa phương.

Ngủ lều

Nếu có đầy đủ đồ nghề, các bạn có thể lựa chọn ngủ lều qua đêm (Ảnh – cungphuot.info)

Với nhiều thảo nguyên rộng rãi, khí hậu trong lành mát mẻ, Hữu Lũng còn được mệnh danh là “thiên đường camping” của giới yêu thích cắm trại miền Bắc. Có rất nhiều thung lũng đẹp, nằm sát bên hồ nước hay suối để các bạn lựa chọn làm nơi dựng lều. Chỉ cần có đầy đủ dụng cụ cắm trại, các bạn có thể lựa chọn phương án ngủ qua đêm trong lều khi đến Hữu Lũng.

Địa điểm du lịch Hữu Lũng

Các hoạt động thú vị

Cắm trại

Hữu Lũng có rất nhiều địa điểm đẹp để tổ chức cắm trại cùng gia đình và bạn bè (Ảnh – cungphuot.info)

Với rất nhiều thung lũng bằng phẳng và mặt cỏ xanh rì, đến Hữu Lũng vào mùa khô các bạn nhất định phải trải nghiệm hoạt động cắm trại dã ngoại. Nếu có đầy đủ đồ, các bạn có thể dễ dàng thực hiện một buổi camping đơn giản, nếu không có đồ các bạn có thể đặt dịch vụ ở những đơn vị cung cấp dịch vụ ngay ở Hữu Lũng, họ sẽ lo toàn bộ.

Leo núi

Leo núi mạo hiểm ở Hữu Lũng (Ảnh – xiu.things)

Tương tự như hình thức leo núi ở Cát Bà, hoạt động leo núi thể thao mạo hiểm đã bước đầu phát triển ở xã Yên Thịnh, Hữu Lũng từ khoảng năm 2012 với hai hình thức leo dẫn đường và leo với dây neo sẵn. Hiện nay ở Yên Thịnh 5 điểm leo chính, 3 điểm leo phụ với khoảng hơn 110 đường leo ở nhiều cấp độ khác nhau. Tại mỗi khu vực có thiết kế bản đồ leo núi do các chuyên gia nghiên cứu và phát triển, bản thông tin cơ bản các đường leo

Chèo thuyền

Chèo kayak trên hồ Nong Dùng (Ảnh – cungphuot.info)

Với vô vàn những hồ nước, con suối nhỏ chạy bao quanh, không quá khó để tìm một nơi để các bạn chèo kayak hay ván SUP nếu như các bạn có sẵn đồ. Nếu không, các bạn có thể đến hồ Nong Dùng, nơi đây có cung cấp đầy đủ dịch vụ chèo kayak hoặc ngồi bè ngắm cảnh hồ.

Hái hồng

Mùa hồng chín ở Hữu Lũng (Ảnh – cungphuot.info)

Vào mùa hồng chín (khoảng tháng 10-11) các bạn có thể ghé thăm các vườn hồng ở quanh xã Hữu Liên và Yên Thịnh. Ngoài việc được trực tiếp hái và thưởng thức những trái hồng chín cây, các bạn còn có những bức ảnh rất đẹp khi những cây hồng rụng hết lá, chỉ còn quả.

Yên Thịnh

Cánh đồng lúa Yên Thịnh

Cánh đồng Yên Thịnh mùa lúa chín (Ảnh – Chu Văn Minh)

Yên Thịnh sở hữu cánh đồng rộng, bằng phẳng đẹp như tranh vẽ và là một trong những địa điểm ngắm lúa chín tuyệt đẹp của xứ Lạng. Vào những ngày mùa, cánh đồng hiện lên như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đầy màu sắc của lúa chín, mạ non, nước đổ…So với nhiều cánh đồng khác của Lạng Sơn, các thửa ruộng nơi đây đa phần mang hình chữ nhật vuông góc, trông khá đồng đều, nằm sát nhau nằm trải dài xen giữa những dãy núi đá vôi.

Núi đá vôi Yên Thịnh

Núi đá vôi Yên Thịnh (Ảnh – Marianne Smallwood)

Núi đá Yên Thịnh được đánh giá rất độc đáo từ kết cấu vật chất, địa hình các đường leo đến cảnh quan thiên nhiên, có khả năng khai thác loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Hiện nay, khu vực này có 8 điểm leo núi với khoảng 120 đường leo được đặt tên riêng theo các các cấp độ từ dễ đến khó.

Thác Khe Dầu

Thác Khe Dầu (Ảnh – Thinh Ku)

Hay còn có tên gọi là Sa Dầu, nước của thác được bắt nguồn từ hồ Mỏ Ảng theo các khe núi đá vôi chảy xuống. Sườn thác được bao phủ bởi lớp rêu và địa y tạo màu xanh cho nước, vào mùa hè thác chảy tung bọt trắng xóa, tiếng nước chảy cùng thảm thực vật xanh ngát xung quanh tạo nên khung cảnh đẹp mắt hấp dẫn khách du lịch tham quan, vãn cảnh.

Hữu Liên

Cây Phu Thê

Cây Phu Thê là tên do một nhiếp ảnh gia địa phương đặt cho địa điểm trong tour của mình (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một cặp cây vối xoắn lại với nhau, nằm trong một khu rừng nhỏ ở phía cuối đường vào đập Bắc Mỏ. Chỗ này có khung cảnh thơ mộng, hữu tình với một căn nhà sàn nhỏ, một chiếc xích đu nhìn ra hồ. Đây là điểm du lịch cá nhân, các bạn không thể tự đến mà chỉ có thể vào thông qua tour du lịch của người dân địa phương.

Hồ Nong Dùng

Hồ Nong Dùng (Ảnh – cungphuot.info)

Hồ nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 243 từ Yên Thịnh sang Hữu Liên, hồ nằm giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp, nước trong xanh, mát lành, phù hợp cho các hoạt động vui chơi, dã ngoại. Vài năm trở lại đây, người dân địa phương đã đưa dịch vụ bơi thuyền Kayak và chèo thuyền ngắm cảnh vào phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.

Thảo nguyên Đồng Lâm

Toàn cảnh thảo nguyên Đồng Lâm (Ảnh – Dinh Tuan)

Thảo nguyên Đồng Lâm từ lâu đã là điểm đến thu hút du khách của Xứ Lạng nhờ phong cảnh thiên nhiên còn đậm nét hoang sơ, sơn thủy hữu tình. Phong cảnh nơi đây thay đổi theo từng mùa trong năm, mỗi mùa lại có những nét quyến rũ, thu hút riêng, cũng như phù hợp với những hoạt động vui chơi khám phá khác nhau.

Làng du lịch Hữu Liên

Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên (Ảnh – Anh Triệu)

Làng du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên được bao bọc xung quanh là núi đá vôi, ở giữa là rừng núi đất thấp và những thung lũng đồng ruộng. Với tiềm năng về văn hóa lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh độc đáo, nơi đây trở thành điểm tham quan lý tưởng dành cho những ai yêu thích du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch khám phá.

Đền Quan Giám Sát

Đền Quan Giám Sát (Ảnh – Thắng Nguyễn Xuân)

Đây là nơi thờ quan lớn đệ nhị, hay còn gọi là Quan Giám Sát, Quan Giám Sát đệ nhị, Quan trấn giữ miền Sơn Lâm. Quan Lớn Đệ Nhị là Quan đứng thứ 2 trong Ngũ Vị Tôn Ông, là con trai thứ 2 của vua Bát Hải Động Đình.

Ngài Quan Giám Sát có 2 đền thờ chính , một là đền Quan Giám ở trên huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (là nơi quan trấn giữ miền Sơn Lâm được tổ chức lễ hội vào dịp ngày 11 tháng 11 âm lịch hàng năm đây được coi là ngày hạ phàm của quan. Thứ hai là Đền Quan Giám Sát Phố Cát ở Thanh Hóa, cả 2 đều được tổ chức lễ hội vào ngày 10, 11 tháng 11 âm lịch

Đền Bắc Lệ

Đền Bắc Lệ (Ảnh – Xuan Hung Nguyen)

Đền Bắc Lệ là một quần thể di tích nằm trên một quả đồi giữa khu Nam của Thôn Bắc Lệ, thuộc xã Tân Thành. Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác thời gian ra đời của một ngôi đền, song căn cứ vào hai văn bia còn (1919 và 1932) đền Bắc Lệ từ đầu thế kỷ XX đến nay đã trải qua 5 lần tu sửa tôn tạo. Cũng giống như bất kỳ một đền thờ Mẫu nào đền Bắc Lệ thờ Công Đồng, Tứ Phủ, thờ tất cả các vị Chư Linh ở bốn miền Vũ Trụ, thế nhưng ở đây đặc biệt coi trọng các vị thần linh gắn liền với địa phương như Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Bé, Cô Bé… những vị thần cung cấp ban phát của cải vô biên nơi núi rừng cho con người, và trở thành biểu tượng của sự sống vĩnh hằng. Chầu Bé theo quan niệm của người dân ở đây, vốn là người có thật quê quán ở Bắc Lệ. Tại đây Chầu Bé có thể thay mặt Mẫu để thực hiện các ý đồ sáng tạo của các Mẫu

Ăn gì khi tới Hữu Lũng

Lợn quay

Thịt lợn quay giòn bì Lạng Sơn (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bàn ở Lạng Sơn và không chỉ ngon mà còn chế biến cầu kì và mang hương vị riêng của xứ Lạng. Cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Cá suối

Cá suối chiên giòn (Ảnh – cungphuot.info)

Cá suối chỉ to cỡ 2-3 ngón tay, nhiều xương nên người dân vùng núi chỉ chiên giòn để ăn cả xương lẫn thịt chứ không nấu riêu hay kho, hấp… Những con cá được chiên trong chảo mỡ, ngả sắc vàng ươm, tỏa hương thơm ngây ngất. Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt, có thể nhai luôn cả phần xương cá giòn tan.

Nem nướng

Nem nướng Hữu Lũng (Ảnh – cungphuot.info)

Trước đây, sản phẩm này chỉ được làm vào dịp tết hoặc khi gia đình có cỗ. Giờ đây, với hương vị đặc trưng riêng có, nem nướng Hữu Lũng đã trở thành món ăn đặc sản cho du khách khi đến đây. Nem nướng được làm từ các nguyên liệu gồm: thịt lợn, bì lợn, muối tinh, thính, bột ngọt… và được gói bằng nhiều lớp lá chuối. Sau khi gói được khoảng 2 đến 3 ngày thì nem bắt đầu lên men, có vị hơi chua, đó là lúc nem có thể ăn. Món nem được nướng trên than, khi ăn dùng kèm với lá ổi, đinh lăng, sung và ớt.

Ốc núi

Ốc núi ở Hữu Lũng (Ảnh – Liêm Phạm Từ)

Ốc núi là loại ốc khá hiếm, sống ở trong các hang đá tại những dãy núi cao, người ta chỉ có thể bắt ốc núi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Ốc núi thường được tìm thấy ở vùng núi của các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng nhưng đặc biệt có nhiều ở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Ốc núi thường có vỏ vừa phải, thịt dày, giòn, giai giai với vị thơm đặc trưng.

Rau dớn

Rau dớn là món dễ thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh – cungphuot.info)

Rau dớn thuộc họ dương xỉ, còn có tên gọi khác như: dớn rừng, rau dớn rừng, thái quyết…ở vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân không xa lạ với loại rau rừng này. Rau dớn được chế biến thành nhiều món ăn như, là món rau rất đỗi bình dị nhưng đậm đà hương vị của núi rừng.

Bánh giò bầu

Bánh giò bầu ở Hữu Lũng (Ảnh – cungphuot.info)

Là món bánh truyền thống của người dân xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng từ xa xưa, bánh giò bầu không chỉ gây ấn tượng ngay từ tên gọi mà còn có nét đặc trưng thu hút nhiều du khách muốn được thưởng thức và trải nghiệm quy trình làm bánh. Thời gian qua, bánh giò bầu đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên.

Đặc sản Hữu Lũng mua về làm quà

Na Hữu Lũng

Na Lạng Sơn quả to, ăn rất thơm và ngọt (Ảnh – cungphuot.info)

Loại cây ăn quả này được trồng tại các khu vực núi đá của huyện Chi Lăng và Hữu Lũng từ những năm thập niên 80 thế kỷ trước. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.

Măng Bát Độ

Măng các bạn có thể thưởng thức trong các bữa ăn hàng ngày hoặc mua măng khô về làm quà (Ảnh – cungphuot.info)

Là loại măng rất dễ trồng, phù hợp với điều kiện, khí hậu địa hình vùng cao, khi thu hoạch, măng tre Bát Độ có củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre bình thường. Hữu Lũng là huyện trồng măng Bát Độ lớn nhất ở Lạng Sơn, với diện tích trên 165 ha.

Lạp sườn

Lạp sườn được người dân địa phương làm để bán cho du khách mang về làm quà (Ảnh – cungphuot.info)

Lạp sườn là một trong những món ăn ngon, đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn. Món ăn này không chỉ thân thuộc với người dân trên địa bàn tỉnh mà còn được khách du lịch ưa chuộng mua về làm quà.

Lịch trình du lịch Hữu Lũng

Chỉ cần 2 ngày cuối tuần, các bạn có thể đủ thời gian để khám phá Hữu Lũng (Ảnh – cungphuot.info)

Lịch trình khám phá Hữu Lũng này phù hợp cho các bạn sử dụng phương tiện cá nhân, khám phá vùng đất sơn thủy hữu tình này trong 2 ngày cuối tuần.

Ngày 1: Khám phá Hữu Lũng

Sáng khởi hành từ Hà Nội, do quãng đường không quá xa nên các bạn cứ thoải mái, khoảng 9h xuất phát là vừa.

Trưa lên đến nơi, nhận phòng tại homestay, nghỉ ngơi ăn trưa. Với các bạn thích cắm trại vui chơi trong ngày thì di chuyển thẳng ra bãi cắm trại ở Đồng Lâm (Hữu Liên) hoặc một vài bãi cắm trại ở Yên Thịnh. Đồ ăn có thể đặt nhờ homestay chuẩn bị trước, các bạn chỉ cần ghé qua lấy rồi mang ra bãi để nướng.

Nếu cắm trại gần suối các bạn có thể cho trẻ em trải nghiệm các hoạt động tắm suối, lội nước… hay thả diều, cười ngựa trên những bãi cỏ rộng mênh mông.

Tối nếu ngủ homestay thì chiều các bạn dọn đồ rồi về homestay ngủ, nếu ngủ qua đêm ngoài lều thì cần có đủ đồ nhé. Có thể buổi tối trời sẽ lạnh hơn.

Ngày 2: Hữu Lũng – Hà Nội

Sáng dậy ăn sáng rồi ghé hồ Nong Dùng chèo thuyền kayak, ở đây có đầy đủ dịch vụ cho thuê thuyền, cung cấp áo phao cho cả người lớn, trẻ em nên các bạn cứ thoải mái ghé.

Chèo thuyền chán các bạn có thể ghé thảo nguyên Đồng Lâm, đập Bắc Mỏ, làng du lịch Hữu Liên…. tùy mùa mà có thể ghé thăm vườn hồng, vườn mận….

Trưa quay lại homestay ăn uống, nghỉ ngơi và dọn dẹp đồ đạc. Chiều khởi hành về lại Hà Nội.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Hữu Lũng 2024
  • du lịch Hữu Lũng tháng 11
  • tháng 11 Hữu Lũng có gì đẹp
  • review Hữu Lũng
  • hướng dẫn đi Hữu Lũng tự túc
  • ăn gì ở Hữu Lũng
  • phượt Hữu Lũng bằng xe máy
  • Hữu Lũng ở đâu
  • đường đi tới Hữu Lũng
  • chơi gì ở Hữu Lũng
  • đi Hữu Lũng mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Hữu Lũng
  • homestay giá rẻ Hữu Lũng

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 49 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào