Cùng Phượt – Sinh sống quần tụ bên triền sông Thao, sông Lô hiền hòa, cư dân Phú Thọ từ bao đời đã làm nên những vốn ẩm thực đậm đà, chỉ có ở vùng quê trung du này. Điều đặc biệt là các món ăn ngon ở Phú Thọ được tạo bởi từ chính bàn tay của người nông dân chân chất mà mộc mạc nghĩa tình. Ẩm thực vùng Đất Tổ Phú Thọ khá phong phú. Sự phong phú ấy được hiện rõ ở sự đa dạng của các món ăn, ở tính chất vùng miền, mỗi vùng quê trong tỉnh lại có những món ăn đặc trưng mang đậm đà bản sắc. Khi tìm hiểu về ẩm thực Phú Thọ, người ta thấy có ba loại rất đặc thù là món ăn gắn liền với lễ hội, văn hóa tâm linh, món ăn là đặc sản của vùng và món ăn thường ngày của người dân.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả MC Tuấn Phi, thutrang142017, Hung Ho Bao Pham, Bui Ha Thanh, Ha Duc, Làng Sỏi, Hong Lieu Chu, Trần Thùy Linh, Hương Thu, Hải Vũ, Du Già, Nguyen Van Huong, Ngô Thành Đạo, Quang Minh, Hằng Quắt, Bếp Quê, Kiều Anh Trần, Bùi Công Tuấn, Nguyễn Hải Yến, Lương Thị Hải Yến, Hoa Hoa, Ha Nguyễn, Khánh Huyền, Anh Tuyet Do nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Ẩm thực người Mường Phú Thọ
Mục lục
- 1 Ẩm thực người Mường Phú Thọ
- 2 Bánh tai Phú Thọ
- 3 Xôi nếp Gà Gáy
- 4 Cuốn cão làng Sỏi
- 5 Nhộng tằm lá sắn
- 6 Thịt chua Thanh Sơn
- 7 Rêu đá Tân Sơn
- 8 Gà chín cựa
- 9 Vịt lam Xuân Sơn
- 10 Cá thính chua
- 11 Măng sặt Ấm Hạ
- 12 Cá nheo đồng Hạ Hòa
- 13 Các món ăn từ cọ
- 14 Bánh làng Dòng
- 15 Bánh sắn
- 16 Đặc sản Phú Thọ mua về làm quà
Cơm lam người Mường
Cơm lam là món dễ tìm thấy ở nhiều tỉnh phía Bắc (Ảnh – thutrang142017) |
Ẩm thực là một nét đẹp văn hóa, là sản phẩm đặc trưng do bàn tay và khối óc của con người tạo ra. Với người Mường ở Thanh Sơn, họ đã biết cách chung sống cùng thiên nhiên, những món ăn đơn giản, dân dã nhưng luôn hài hòa và gắn liền với thiên nhiên cũng như bản tính hiền lành và đôn hậu của con người xứ Mường. Cho đến nay, những giá trị văn hóa đó vẫn được đồng bào bảo tồn và phát huy. Một trong số các món ăn điển hình phải kể đến là cơm lam.
Để làm ra được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, người Mường thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn đồ đựng là một ống nứa thon dài khoảng 20- 30cm, không to, không nhỏ, không quá dày cũng không quá mỏng. Vì nếu quá dày nướng sẽ rất lâu, lúc bóc sẽ rất tốn công, còn nếu quá mỏng sẽ dễ bị cháy. Điều đặc biệt nứa phải là cây còn non, bà con lấy luôn nước có ở trong từng đốt ống nứa để nướng cơm, người Mường cho rằng đó là thứ tinh hoa của đất trời còn vương lại. Ống nứa tươi xanh giúp lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi hương tự nhiên.
Tiếp theo là đến việc chọn gạo, đồng bào chọn loại nếp nương thơm, dẻo của vùng cao. Gạo trước khi được đem đi “lam” sẽ được ngâm khoảng 2- 3 tiếng, sau đó vo sạch, rắc ít muối và trộn đều rồi đổ vào ống nứa đã có sẵn nước. Khi gạo đổ vào, không nén chặt mà để cách miệng ống 5cm để khi gạo chín nở ra sẽ vừa khít miệng ống. Nếu thấy ống nứa có ít nước, có thể thêm nước xăm xắp mặt gạo. Nước này người Mường thường lấy nước trên những khe đồi, khe suối nhằm tạo nên vị ngọt mát. Sau đó, đem nút miệng ống lại bằng lá dong hoặc lá chuối. Đốt lửa dựng các ống quanh bếp, có thể nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm khoảng một giờ, khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằn mạnh ống xuống đất để gạo dồn xuống phía dưới cho hạt cơm săn chắc. Nước cạn, đặt ống nằm ngang và nướng xoay đều. Dùng ngón tay nhấn, thấy cơm mềm và có mùi thơm bốc lên là cơm đã chín. Lấy dao róc bỏ phần vỏ cháy bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn bóc lớp vỏ còn lại sẽ để lộ ra lớp cơm vẫn được bao bọc bởi phần vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa khiến cơm lam có một màu sắc thuần hậu.
Bánh trứng kiến người Mường
Trứng kiến là món ăn ngon, nhưng có thể gây dị ứng cho một số người (Ảnh – Hung Ho Bao Pham) |
Nếu như đối với những người dân tộc Kinh, vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm thường tổ chức “Tết hàn thực” hay còn gọi Tết bánh trôi – bánh chay thì người Mường lại tổ chức ăn “Tết thanh minh” với món đặc sản là bánh trứng kiến.
Theo quan niệm của người Mường, mỗi năm chỉ làm loại bánh này đúng một đợt vào lúc mặt trời đỏ nhất trong năm và cũng chỉ trong tháng ấy mới có loại trứng kiến mang hương vị khác lạ nhất so với các loại kiến làm tổ trên cây khác. Người Mường cho rằng thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch mặt trời sẽ đỏ rực nhất, đó là lúc những tổ kiến đen trên ngọn cây luồng, cây keo, cây nứa,… trong rừng có nhiều trứng nhất, theo kinh nghiệm của đồng bào, mặt trời càng đỏ thì trứng càng to nhanh, trứng ngon nhất khi nó to nhất thì bằng hạt gạo nương và có màu trắng hồng béo ngậy.
Để làm món bánh trứng kiến, người Mường vào rừng tìm cây nứa, cây luồng có những tổ kiến to, có nhiều trứng. Người thì chặt tổ trên cây cho rơi xuống, người thì cho tổ vào mẹt đập nhẹ cho rơi trứng ra, người thì vừa kéo mẹt đi vừa bẻ cành lá cho vào để lừa kiến bò đi chỗ khác, sau đó sàng sẩy cho sạch vỏ tổ, còn lại những quả trứng kiến chắc, mẩy. Trứng kiến sau đó được rửa sạch, phơi khô.
Những gia vị cho món bánh trứng kiến thêm thơm, ngon gồm có: Lóng chuối (nõn chuối rừng), rau đáu (rau răng cưa), rau dổi, lá kiệu cùng gạo tẻ đã được ngâm qua nước. Tất cả những nguyên liệu này được chộn lẫn với nhau, cho vào cối giã nhỏ, thêm gia vị (mắm, muối, mì chính) vừa đủ sau đó được nặn thành viên to gần bằng nắm tay, tán dẹt, cho trứng kiến vào giữa và dùng lá sung mật gói lại rồi cho vào nồi hấp hoặc đồ chín. Khi bánh đã chín, mang ra xếp vào rổ để nguội là có thể thưởng thức mà không cần chấm thêm bất kỳ gia vị nào.
Bắp chuối lam sườn
Bắp chuối lam sườn là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Hoa chuối rừng có trên khắp các các dãy núi, cánh rừng ở Yên Lập. Khi đi rừng người Mường thường hái bắp chuối mang về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Để làm món bắp chuối lam sườn, bắp chuối sẽ được thái mỏng, ngâm với dấm, sau đó vớt ra để ráo nước và với các trộn gia vị: muối, tiêu, lá thơm và thịt sườn băm (trước kia là thịt thú rừng băm nhỏ) cho vào ống nứa và lam đều tay (như lam cơm) trên lửa nhỏ hoặc than hồng. Khi lam chín món ăn có mùi thơm đặc trưng của hoa chuối rừng vị ngọt của thịt sườn, có thể ăn cùng cơm nóng hay làm dùng đồ nhắm rượu đều rất tuyệt.
Măng chua nấu thịt gà
Thịt gà nấu măng chua là món ăn khá phổ biến trong cộng đồng người Mường (Ảnh – Bui Ha Thanh) |
Văn hóa ẩm thực của người Mường hình thành từ những món đơn giản dân dã, in đậm hương vị núi rừng, sông suối như thịt, cá, măng, rau rừng… Trong số đó, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới gà nấu măng chua. Trong tiết trời lạnh của mùa đông rất thích hợp để thưởng thức món măng chua nấu gà với mùi vị chua dịu nhẹ và thịt gà mềm mượt. Món măng chua nấu gà từ lâu đã nổi tiếng. Với đồng bào Mường để thưởng thức món măng chua nấu thịt gà ngon thì không thể thiếu các loại rau ăn kèm như lá đu đủ, cải nương … ăn kèm thịt gà với các loại rau này sẽ tạo nên hương vị đặc sắc vị đắng lá đu đủ kết hợp với cay của rau cải nương cùng hương vị thơm ngon của măng chua nấu thịt gà sẽ tốt cho sức khỏe.
Thịt nộm nâu Thanh Sơn
Người Mường ở Thanh Sơn vốn sinh sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, gần những con sông, con suối nhỏ, chính từ sự che chở của thiên nhiên mà trong nếp nhà sàn của đồng bào luôn tồn tại nguồn thức ăn được chế biến từ nguyên liệu sẵn có nơi núi rừng. Bên cạnh sở thích ăn thức ăn có vị chua như: củ kiệu muối, quả cà muối chua, rau cải muối dưa, rau sắn muối dưa cá; vị đắng như: măng đắng; lá, hoa, quả đu đủ; rau đốm… thì đồng bào còn ưa dùng một loại củ rất đặc biệt có vị chát, đó là củ nâu.
Món thịt nộm nâu được xem như món ăn “lạ” và đặc trưng của đồng bào Mường trên mảnh đất này. Để chế biến nên món thịt nộm nâu, tùy vào số lượng người ăn mà bà con chuẩn bị nguyên liệu vừa đủ. Đồng bào chọn thịt lợn loại lợn rừng nuôi thả rông, làm món nộm nâu thích hợp nhất là thịt nạc mông kèm theo một chút thịt ba chỉ. Củ nâu có hai loại: nâu vàng và nâu đỏ, nhưng làm món thịt nộm nâu đồng bào chọn loại nâu già màu đỏ thẫm, vì nâu đỏ món ăn sẽ ngon hơn, màu sắc sẽ hấp dẫn hơn.
Rau rừng đồ
Nhắc đến ẩm thực của người Mường, thực khách thường nghĩ ngay đến những món ăn đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối như: món cá suối, thịt lợn rừng, măng chua… nhưng có lẽ ít ai đã được thưởng thức món rau rừng đồ. Với đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao Thanh Sơn, từ những loại rau rừng bình dị, gần gũi trong vườn nhà, trên vách núi, đồng bào đã chế biến nên món rau rừng hết sức độc đáo, hấp dẫn mang đặc trưng riêng mà chỉ người Mường mới có.
Rau đồ đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của quả cà rừng, của hoa đu đủ đực và màu nâu nhạt của hoa chuối rừng. Đồng thời, phải giữ được vị chát, đắng đặc trưng của rau ngải cứu, lá đu đủ. Rau đồ có thể xem như một món ăn rất truyền thống của người Mường, đồng bào đi làm nương về cũng có thể hái rau rồi làm món ăn này. Điều đặc biệt hơn, trong các loại rau rừng đồng bào đem đồ cũng là một trong những vị thuốc vì những loại rau rừng có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể…. Chỉ từ những sản vật của núi rừng mà người Mường Thanh Sơn đã chế biến thành những món ăn cực kỳ hấp dẫn mang hương vị đặc biệt.
Bánh tai Phú Thọ
Bánh tai Phú Thọ hôm nay có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ. Bánh tai có hình thù giống cái tai, là thứ bánh gạo tẻ, nhân thịt lợn, dễ làm bởi quy trình không mấy phức tạp, dụng cụ không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng làm được.
Bánh tai Phú Thọ chủ yếu là thứ ăn sáng. Ra chợ phường (như chợ phường Hùng Vương hiện nay) định ăn bánh tai, ta phải tìm đến bà hàng không quán, bánh đựng trong thúng ủ kín. Ngon nhất là ăn tại chỗ, kiểu dân dã. Bánh tai vừa lấy ra còn hơi nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm tay không, từ từ ăn mới thấm hết cái đặc điểm và mùi vị của bánh: cảm giác dẻo mát, giòn, bùi, ngọt, béo, thơm hòa quyện trong từng miếng.
Xôi nếp Gà Gáy
Gà gáy là tên một giống lúa nếp quý hiếm, là đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Lập có từ rất lâu đời. Loại nếp này là giống lúa dài ngày, được trồng trên những ruộng bậc thang, hạt dài, mẩy, lúa chưa chín nhưng chỉ đi qua cánh đồng lúa người ta đã được đắm mình trong hương lúa non ngào ngạt đến mê người. Khi nấu, cơm thơm, dẻo, mùi vị ngon đặc trưng.
Để có một nồi xôi nếp Gà gáy ngon thì gạo phải được đãi sạch, không cần ngâm nước lâu nhưng xôi vẫn dẻo, mềm, thơm. Cho gạo vào trõ, lấy cám gạo tẩm ít nước vào rồi chát kín trõ xôi không cho nó phì hơi ra ngoài. Cứ thế đun khoảng 2 tiếng thì nhấc ra. Xôi nếp “gà gáy” mà ăn với muối vừng do bà con dân bản trồng trên nương thì ngon tuyệt vời. Mùi muối vừng thơm nức cùng với hương thơm ngon ngọt, nồng nàn của xôi, tất cả hòa quyện vào nhau tọa nên mọt món ăn rất đỗi gần gũi, mộc mạc mà khó quên. Xôi nếp Gà gáy được dùng để đãi khách quý, nấu rượu trong những ngày lễ lớn, quan trọng.
Cuốn cão làng Sỏi
Không biết món cuốn cão ở làng Sỏi (Thạch Sơn, Lâm Thao) có từ bao giờ, ai là người đầu tiên sáng tạo nên món ăn đặc biệt ấy. Xưa kia người dân nơi đây gọi con tôm càng là con cão, cách gọi tên này ngày nay vẫn còn không ít người trong làng sử dụng. Món ăn là sự tổng hợp của nguyên liệu, nhiều màu sắc với màu đỏ của tôm, màu xanh của rau thơm, củ kiệu, màu trắng của thịt ba chỉ luộc và bún, giò lụa, màu vàng của trứng rán… Những con tôm được lựa chọn to chừng ngón tay út, đều nhau được rang lên phải đạt độ giòn và ngả màu hơi đỏ. Củ kiệu để cả lá, nhặt bỏ rễ và đem luộc chín. Trứng rán, thịt lợn ba chỉ luộc, giò lụa và bún, tất cả được thái thành miếng nhỏ dài để dễ xếp và dễ cuốn với kiệu. Để có một miếng cuốn cão ngon vừa miệng, người ta xếp các loại thực phẩm đã thái sẵn mỗi loại một miếng cùng một ít rau mùi sau đó dùng lá của củ kiệu cuốn lại.
Nhộng tằm lá sắn
Việc trồng sắn, vừa lấy củ, vừa tận dụng lá để nuôi tằm đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê …Nuôi tằm ở xã Đồng Lương vừa bán được kén, vừa bán được nhộng để làm thức ăn.
Thịt chua Thanh Sơn
Vùng đất cổ Thanh Sơn (Phú Thọ) được nhắc đến với văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú mà chỉ mới nghe tên các món ăn mà ai nấy cũng đã xốn xang: “Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua”. Nhắc tới món thịt chua Thanh Sơn bạn sẽ nghĩ ngay đến mùi vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hoà quyện với vị chua chua của vị thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây vô cùng dễ ăn giúp thay đổi khẩu vị, có thể dùng làm mồi trong các bữa nhậu rất đặc sắc và thơm ngon.
Nguyên liệu để chế biến món thịt chua gồm: thịt lợn mán, thính ngô, thính đỗ, các loại gia vị như: muối, đường, tỏi, ớt,… Quy trình làm thịt chua với rất nhiều công đoạn: thui cho lợn vàng đều, quay cho thịt lợn gần chín tới, những vùng thịt ngon nhất của con lợn như: thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn sẽ được đem thái lát mỏng, ướp một chút muối gia vị, trộn đều với thính ngô, đỗ sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt. Công đoạn tiếp theo là chuẩn bị những chiếc thau to rửa sạch, để khô, lót lá ổi, lá sung xuống dưới rồi cho thịt đã được ướp thính vào, đậy lớp lá ổi lên trên bề mặt và đậy chặt lại. Sau 5 – 7 ngày khi ăn miếng thịt khô, tơi, chua, ngọt, thơm ngậy vừa miệng là có thể dùng được. Người ta thường ăn thịt kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm,… chấm kèm với tương ớt sẽ cảm nhận được hết hương vị vô cùng độc đáo, mới lạ mà món ăn đem lại.
Rêu đá Tân Sơn
Muốn ăn rêu sạch, non phải chọn nơi nước suối chảy xiết, có nhiều tảng đá to (nơi rêu bám vào để phát triển). Rêu được “bắt” thành từng dây dài, tùy từng khúc suối sâu hay nông mà có màu xanh lục hay xanh non. Rêu được bỏ vào rổ, giặt qua nước suối nhằm loại bỏ cát hoặc chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, có mặt bằng phẳng rồi dùng một khúc gỗ to để đập. Sơ chế rêu cũng đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn vì phải giặt và đập rêu tới vài lần mới sạch. Cả một rổ rêu đá lúc này chỉ còn đủ dùng trong một bữa. Màu rêu đá xanh đậm, sờ vào mềm và mát như lụa.
Rêu đã làm sạch được tẩm ướp gia vị. Đó là tỏi thái mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều, dùng lá dong gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối vì đó là lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Bên bếp lửa bập bùng, họ vừa nấu cơm, vừa vùi rêu vào than hồng. Lớp lá dong bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng. Rêu giờ đây giống như món tảo biển có vị ngầy ngậy, mềm mềm, ngon mà không ngấy.
Gà chín cựa
Đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ du khách không chỉ ấn tượng bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được tận mắt ngắm nhìn giống “gà chín cựa” hay còn gọi gà nhiều cựa. Tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, nhưng giống gà này vẫn được người Dao Tiền tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn nuôi dưỡng và phát triển, chúng được sùng kính gọi là “Gà Chúa”.
Những chú gà nhiều cựa ở đây sống trong môi trường tự nhiên, đôi khi kết bạn gà rừng, có lẽ vì thế mà thịt gà nhiều cựa rất ngon và rắn chắc. Món gà đặc sản này khi người dân thiết đãi khách gà thường mang hấp lá chanh hoặc ướp mật ong rừng và một số loại lá cây gia vị tẩm ướp rồi nướng trong bếp than đỏ, khi thưởng thức mang lại cho chúng ta một hương vị thơm ngon tuyệt hảo đặc trưng của núi rừng.
Vịt lam Xuân Sơn
Món ăn đặc biệt này cũng giống như lam cơm, lam cá, là cách bà con người Mường nấu các món ăn trong những ống tre để trên than, lửa. Nó có vị ngon đặc trưng bởi sự hòa lẫn các loại gia vị Tây Bắc trong ống tre, và quan trọng là không bị bay mất mùi thơm, vị ngon của món ăn. Món vịt nhồi lam ở đây hơn thế, không chỉ thơm ngon mà lại thanh thanh, thơm ngậy nhưng không ngán và không hôi mùi vịt. Nếu đã ghé VQG Xuân Sơn Phú Thọ nhất định phải thưởng thức món ăn này nhé.
Cá thính chua
Phú Thọ là vùng đất có nhiều sông suối, ao hồ nên từ lâu cá đã trở thành một món ăn quen thuộc của mảnh đất này. Ngoài các cách chế biến thông thường như cá kho tương, kho trám, cá rán, nấu canh chua…người dân nơi đây còn tinh tế chế biến ra một món ăn độc đáo là cá thính. Cách chế biến này không những tạo nên một món ăn có hương vị độc đáo mà còn giúp bảo quản cá mỗi khi người dân đánh bắt được nhiều. Với phương thức gia truyền truyền từ đời nay sang đời khác, cá thính đã trở thành một món đặc sản của mảnh đất trung du không biết tự bao giờ.
Để làm được một mẻ cá thơm ngon phải đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế của người làm ra nó. Khi cá được bắt về, người ta mổ cá, để nguyên vẩy, làm sạch phía bụng cá và thái vừa miếng, sắt đôi cho miếng cá mỏng để dễ ngấm gia vị. Sau đó, dùng thính đã xay mịn trộn vào cá đã ướp muối và xếp cá vào chum hoặc vại. Cuối cùng, úp ngược lọ xuống một cái chậu đựng nước muối sao cho “vung” mo cau không chạm vào nước. Để khoảng 3 tuần có thể mang ra ăn được. Muốn cá thính thơm ngon hơn, người ta cho thêm vài lá ổi vào cùng. Sau một thời gian, lấy cá ra cạo sạch thính cũ và cho thính mới vào. Miếng cá phải khô, chặt thịt, thơm dậy mùi thính và lá ổi mới đạt yêu cầu. Cá thính để càng lâu càng ngon hơn.
Cá ướp thính thường chỉ rán hoặc nướng. Nhưng món cá nướng luôn được chuộng hơn cả bởi nó có mùi thơm đặc trưng của thính quyện vào mùi than, mùi khói. Cách nướng cá cũng thật đặc biệt. Không nướng cá trực tiếp trên than hồng, mỗi miếng cá được cặp vào một thanh tre tươi. Từng cặp cá đem cắm xung quanh bếp lửa than hồng. Lửa than tỏa ra, cá chín dần dần bằng hơi nóng tỏa ngang, thỉnh thoảng lại xoay đảo qua, đảo lại cho hai mặt cá chín đều. Cá nướng như vậy không bao giờ bị cháy. Mùi thơm của thính đỗ tương, gạo nếp, cộng với mùi cá chín vàng bay ra thật quyến rũ.
Măng sặt Ấm Hạ
Măng rừng có ở nhiều nơi nhưng măng Sặt là giống măng rừng không phải vùng nào cũng có. Từ lâu rồi, măng Sặt mọc nhiều trên núi Buộm, dãy núi cao nhất ở Ấm Hạ. Loại măng này có đặc điểm thân nhỏ bằng đầu ngón tay cái, dong dỏng cao, lá nhỏ, sinh sản nhanh.
Cá nheo đồng Hạ Hòa
Cá nheo là loài cá da trơn sống ở ao hồ, sông ngòi vùng trung du Hạ Hòa. Rất hiếm khi người đồng quê nơi đây bắt được những chú cá quanh năm sống lẩn dưới bùn nước sâu này để chế biến món ăn. Cá nheo đồng được người dân miền trung du Hạ Hòa chế biến thành những món ăn đậm đà dư vị. Vì đây là loại cá da trơn nên khó lòng chế nheo thành món luộc, món hấp hay nấu canh. Người sành ăn từ lâu đã biết chế nheo thành hai món khá hấp dẫn là nheo nướng và nheo om trái chuối xanh.
Các món ăn từ cọ
Xôi cọ
Vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch là mùa cọ chín, người dân ở huyện Phú Thọ lại lựa những quả cọ nếp để làm xôi. Món ăn này từ lâu đã trở nên thân thuộc và người dân nơi đây đi đâu cũng nhớ về.
Để làm xôi cọ, người ta thường chọn các quả cọ nếp có vị béo và ngậy. Cọ tẻ cũng có thể làm được xôi nhưng thường không ngậy và dẻo. Quả cọ được rửa sạch và xóc cho tróc vỏ, bớt vị chát rồi cho vào nồi nước đun cho đến khi chín, gọi là ỏm cọ. Sau đó cọ được tách ra lấy phần thịt màu vàng để nấu xôi.
Gạo nếp dùng để nấu cũng phải được chọn kỹ càng thì xôi mới dẻo, thơm, hạt bóng mẩy. Gạo được ngâm nước qua đêm sau đó vo sạch, cho thịt cọ vào bóp nhuyễn, thêm một chút muối thêm phần đậm đà.
Cơm nắm lá cọ
Phù Ninh là vùng quê nổi tiếng với cây cọ. Đời sống người dân nơi đây bao đời gắn với cây cọ. Bên cạnh nón lá cọ, mành cọ, ở đây còn có một đặc sản là cơm nắm lá cọ.
Để có nắm cơm lá cọ, phải tìm những lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng. Tàu lá cọ nhỏ bằng miệng nón, còn phớt xanh hoặc chưa xòe hết. Mang lá cọ cắt bớt tua lá xung quanh, lau rửa sạch, để cho ráo nước. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, tùy khẩu phần ăn cho một hay nhiều người mà chia thành nắm to, nắm nhỏ. Sau đó cho vào tàu cọ, túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt. Cơm nắm lá cọ thường được người dân Phù Ninh mang theo khi đi làm đồng, đi buôn bán hay đi học xa trong những tháng ngày còn khó khăn.
Cọ ỏm
Cứ đến cữ tháng 9 cây cọ bắt đầu ra hoa và đến vài ba tháng sau thì cho quả. Quả cọ non thì chưa om được, phải đợi đến khi quả cọ già, da chuyển màu xanh sậm. Quả cọ rửa qua, cho vào nồi lưng lưng nước, đặt lên bếp, đun nhỏ lửa. Cái giống cọ không ưa to lửa, bởi nếu ai nóng ruột đun lửa to cho chóng chỉ có làm hỏng món cọ om mà thôi, bởi khi ấy cọ rất chát, lửa càng to thì cọ càng chát. Vậy nên khi đun nhỏ lửa, vị chát của cọ được “thôi” ra, cho đến khi thấy quả cọ mềm là được. Cọ om ăn bùi, ngậy không kém trám om. Cầu kỳ hơn, cọ om đem kho cá, nêm gia vị ăn cũng rất lạ.
Bánh làng Dòng
Làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) nức danh khắp vùng trung du đất Tổ với nghề làm bánh truyền thống đã tồn tại hàng mấy trăm năm, vẫn đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Các loại bánh của làng Dòng vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, luôn được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích.
Bánh chưng được gói từ gạo nếp cái hoa vàng, dẻo thơm đậm đà hương vị; bánh nẳng được làm cầu kỳ từ gạo nếp với nước cốt các loại lá thơm, mầu đỏ đậm, có độ trong và dẻo, chấm với mật mía đem lại cho du khách cảm giác mát giọng, ngọt ngào; bánh gai dẻo mềm hương vị của lá gai, bùi béo của mứt sen trần, của lạc rang, của cùi dừa; bánh đúc giòn, đậm đà vị tương quê, thêm lạc rang bùi ngậy thơm nồng; bánh giày mịn màng, dẻo thơm, ngọt dịu…
Bánh sắn
Đây là loại bánh dân dã đã để lại khá nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc cho du khách thập phương mỗi khi ghé thăm quê hương Phú Thọ. Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người.
Để làm ra những chiếc bánh ngon, trước tiên phải chọn được nguyên liệu tốt đó là loại sắn nếp củ trắng, thân mập có nhiều bột, vị ngọt thơm, khi luộc sắn bở tung trắng xốp. Cách làm loại bánh này khá đơn giản: Sắn bóc vỏ, rửa sạch, lọc bỏ xơ dùng bàn mài sắn thành bột đánh nhuyễn. Vắt lấy bã còn nước để lắng gạn lấy tinh bột rồi nhào bã cùng tinh bột cho mịn nhuyễn, nắn thành từng chiếc bánh nhỏ xinh. Nhân bánh gồm: Thịt mỡ, hành tươi, đỗ xanh bỏ vỏ nấu chín. Phi hành mỡ thơm cùng đỗ xanh, thịt mỡ nêm gia vị cho vừa để làm nhân bánh. Bột sắn nặn thành những chiếc bánh xinh xinh hình tròn hoặc khum dẹt, dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc bánh để khi xôi bánh không bị dính vào nhau. Lần lượt xếp bánh vào nồi đồ xôi. Đun nồi xôi nhỏ vừa để bánh chín đều. Sau 40 phút bánh sẽ lên mùi thơm ngậy của sắn nếp và nhân đậu thịt. Khi bóc chiếc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân.
Đặc sản Phú Thọ mua về làm quà
Tương Dục Mỹ
Mùi thơm hấp dẫn, vị đậm ngọt, béo ngậy và màu vàng sánh của tương Dục Mỹ khiến cho những ai từng thưởng thức sẽ không quên được hương vị tương quê đặc biệt nơi đây
Những nguyên liệu để tạo nên tương Dục Mỹ là gạo nếp, đậu tương, muối và nước. Tuy quy trình làm tương nơi đây không có gì khác so với quy trình làm tương truyền thống: phơi mốc, ủ mốc, lên men…nhưng có lẽ chính do nguồn nước ngọt được lấy từ độ sâu hàng trăm mét dưới lớp đá ong dày đã tạo nên mùi vị đặc biệt cho loại tương này.
Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng là giống bưởi đặc sản nổi tiếng tại Phú Thọ và khắp miền Bắc. Loại trái cây đặc biệt này được trồng tại vùng đất Đoan Hùng, xưa còn gọi là “bưởi Phủ Đoan”, là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, nặng chưa đầy 1 kg, khi quả chín màu vàng sáng, tép nhỏ, vỏ héo, mềm, đặc trưng mọng nước, ngọt và mát. Món ẩm thực đất Tổ này còn quý ở chỗ có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, ngay cả khi vỏ đã héo khô, khi bổ ra ăn vẫn ngọt, thơm mát, vẫn giữ nguyên hương vị.
Tại Đoan Hùng hiện nay vẫn còn giữ được hai giống bưởi quý đó là: bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Cách đây khoảng 300 năm bưởi Bằng Luân được trồng nhiều nhất ở hai xã Bằng Luân và xã Quế Lâm của huyện Đoan Hùng. Bưởi Chí Đám rất ưa đất phù sa, loại này có nguồn gốc từ việc gây giống cây bưởi của nhà lão nông có tên là ông Sửu cách đây trên 200 năm, nên bưởi còn có tên gọi là bưởi Sửu.
Hồng Gia Thanh
Hồng Gia Thanh có nguồn gốc ở Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được dân di thực về trồng tại các vườn hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh ít nhất từ 50 – 70 năm trở lại đây, có những cây đã gần 70 tuổi. Hiện trên địa bàn huyện Phù Ninh đang có khoảng 50ha diện tích trồng Hồng mang lại thu nhập cho người dân.
Đặc điểm của Hồng Gia Thanh là quả không có hạt, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, khi chín quả có màu vàng nhạt, ăn vị giòn, ngọt. hồng ngâm còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, là một món quà hấp dẫn cho những người con xa quê và du khách thập phương ghé thăm Phú Thọ được thưởng thức đặc sản vùng Đất Tổ.
Chè Phú Thọ
Mỗi vùng đất với điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nên đã đem lại cho sản phẩm chè Phú Thọ nhiều hương vị đặc trưng riêng. Đến nay, sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết tới.
Tìm trên Google:
- các món ăn ngon ở Phú Thọ
- đặc sản Phú Thọ làm quà
- ăn gì khi du lịch Phú Thọ
- các quán ăn ngon ở Phú Thọ
- đến Phú Thọ nên ăn gì
- địa điểm ăn uống Phú Thọ
- ẩm thực Phú Thọ