Cùng Phượt – Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc miền Trung (Bắc Trung Bộ) và là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong cả nước. Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quý giá, nằm trải rộng trên địa bàn các huyện miền núi, nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, núi đá vôi, hang, động, sông, hồ phong phú và đa dạng. Kết hợp cùng lợi thế về địa lý, giao thông cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc, du lịch Thanh Hoá sẽ là điểm đến rất hấp dẫn với du khách, đặc biệt là du khách đến từ miền Bắc.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả ngocsonctn, l.i.n.h.m.i.t, Trương Hồng Đức, Sang Huynh Cong, tieucuongduong, jinhanh28, kimmynguyenvn, Sơn Huỳnh, minh thanh, Huy Trường Nguyễn, michael8032, Khuong Nguyen Hoang, Rio Ne, tungdinh207, Xuan Hung Nguyen, Pham Thi Vuong, 三宅恵太郎, Định Nguyên Hữu, Hoang Loc, Kiện Lê, The Son Phan, Hungda, munchonchon, vananh_diet, Nguyễn Thùy Anh, foodythanhhoa, i.am.trang, mr_goahead, tamicecream, vananh2503, hoanglan_food, Ngọc Lê, hienduong307, phuongstore, Thần Phù Hải Khẩu, Quỳnh Mai, Toan An, Nguyen Huyen, hu.duong nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu chung về Thanh Hóa
Mục lục
- 1 Giới thiệu chung về Thanh Hóa
- 2 Nên đi du lịch Thanh Hóa thời gian nào?
- 3 Hướng dẫn đi tới Thanh Hóa
- 4 Lưu trú ở Thanh Hóa
- 5 Các địa điểm du lịch ở Thanh Hóa
- 5.1 Du lịch biển Thanh Hóa
- 5.2 Pù Luông
- 5.3 Khu di tích núi Hàm Rồng
- 5.4 Bỉm Sơn
- 5.5 Làng Đông Sơn
- 5.6 Thác Ma Hao
- 5.7 Mường Lát
- 5.8 Nga Sơn
- 5.9 Vườn Quốc Gia Bến En
- 5.10 Như Xuân
- 5.11 Hang Co Luồng
- 5.12 Khu di tích Lam Kinh
- 5.13 Động Vĩnh An (Động Tiên Sơn)
- 5.14 Thành Nhà Hồ
- 5.15 Suối cá thần Cẩm Thủy
- 5.16 Bãi cò Tiến Nông
- 5.17 Thác Voi
- 6 Ăn gì ở Thanh Hóa
- 7 Đặc sản Thanh Hóa làm quà
- 8 Lịch trình du lịch Thanh Hóa
Thành phố Thanh Hóa (Ảnh – cungphuot.info) |
Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam và là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc nhà nước, cũng là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ. Phía Tây Thanh Hóa giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với chiều dài đường biên giới 192 km chạy qua những vùng núi cao hiểm trở. Phía Bắc giáp tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Sơn La với chiều dài địa giới 175 km. Phía Nam giáp tỉnh Nghệ An với đường địa giới dài hơn 160km và phía Đông là biển Đông với đường bờ biển dài 102km.
Thanh Hóa là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện. Về hành chính, Thanh Hóa là tỉnh cực bắc Trung Bộ, tiếp giáp với Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Về địa chất, miền núi Thanh Hóa là sự nối dài của Tây Bắc Bộ trong khi đồng bằng Thanh Hóa là đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, ngoài ra một phần nhỏ (phía bắc huyện Nga Sơn) thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng. Về khí hậu, Thanh Hóa vừa có kiểu khí hậu của miền Bắc lại vừa mang những hình thái khí hậu của miền Trung.
Thanh Hóa là một trong những địa phương hiếm hoi có các điều kiện tự nhiên đa dạng, phù hợp với rất nhiều hình thức du lịch (Ảnh – cungphuot.info) |
Suốt chiều dài của lịch sử Tổ quốc, Thanh Hóa là một địa phương tương đối ổn định về mặt địa giới hành chính và có truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú và đa dạng. Qua quá trình phát triển, người xứ Thanh đã tạo cho mình sắc thái văn hóa riêng biệt, thể hiện qua một khối lượng di sản hết sức phong phú và đa dạng.
Vùng đất này cũng là địa bàn sinh sống của 7 tộc người anh em: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ Mú mà mỗi tộc người mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh lung linh đa sắc mầu của văn hóa xứ Thanh. Với vị trí địa lý đặc biệt, nơi hội tụ đầy đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển, nguồn tài nguyên phong phú bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản. Vùng đất này là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam.
Suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, … Cùng với những trang lịch sử oai hùng, Thanh Hóa có 1.535 di tích, trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh với các di tích nổi tiếng như Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích Bà Triệu, Lê Hoàn, thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Ba Đình, Hàm Rồng … càng khẳng định xứ Thanh là một vùng “Địa linh nhân kiệt”.
Nên đi du lịch Thanh Hóa thời gian nào?
Mùa hè là thời điểm hợp lý nhất để tới Thanh Hóa, lên rừng hay xuống biển đều thoải mái (Ảnh – l.i.n.h.m.i.t) |
Do sự chi phối của địa hình và những tương tác với các vùng lân cận mà Thanh Hoá có sự phân dị về khí hậu theo vùng, với 3 vùng khí hậu đặc trưng
- Vùng ven biển, nơi có các địa danh du lịch nổi tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa, Tĩnh Gia có nền nhiệt độ cao, mùa đông không quá lạnh, mùa hè nóng và có thể có bão. Với vùng này các bạn có thể đi du lịch tới đây vào các tháng từ 4-8, thời tiết nắng nóng sẽ rất phù hợp cho việc tắm biển. Cần chú ý một chút khoảng tháng 6-8 có thể có bão.
- Vùng trung du có nhiệt độ cao vừa phải, mùa đông tương đối lạnh, mùa hè nóng vừa phải. Vùng này thực ra cũng không có nhiều các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thanh Hóa lắm nên các bạn có thể đến vào khoảng thời gian nào cũng được, miễn phù hợp với kế hoạch cá nhân.
- Vùng đồi núi cao các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước. Vùng này giáp với vùng Tây Bắc nên cũng có khá nhiều điểm chung với khí hậu ở đây. Mùa đông thường khá lạnh, mùa hè mát mẻ nhưng dễ gặp mưa nhiều và lũ quét. Vùng này các bạn nào thích khám phá Tây Thanh Hóa, Pù Luông thì có thể đi vào khoảng tháng 4-6 hoặc tháng 9-11 do lúc này chưa mưa quá nhiều.
Hướng dẫn đi tới Thanh Hóa
Phương tiện cá nhân
Ô tô
Tuyến đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình giúp rút ngắn quãng thời gian di chuyển tới Thanh Hóa (Ảnh – cungphuot.info) |
Khoảng cách từ Hà Nội tới trung tâm Thanh Hóa vào khoảng 150km, trong đó khoảng 100km đầu là tuyến đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình nên tương đối dễ di chuyển. Các bạn đi ô tô chỉ mất khoảng 3 tiếng là tới được Tp Thanh Hóa. Tùy vào các địa điểm tiếp theo mà các bạn có thể lựa chọn các tuyến đường khác nhau để đi tiếp.
Xe máy
Với rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác nhau nên tùy vào lịch trình mà các bạn có thể chọn những tuyến đường phù hợp, xe máy khá cơ động nên việc đi lại cũng thuận lợi. Nếu muốn đến Sầm Sơn và các huyện ven biển, các bạn chỉ cần bám theo QL1A. Nếu muốn đến các địa điểm như Pù Luông hay Mường Lát các bạn có thể di chuyển theo hướng QL6 qua Mai Châu của Hòa Bình. Một số địa điểm lịch sử như Thành Nhà Hồ hay Cố đô Lam Kinh lại nằm sát phía đường Hồ Chi Minh nên các bạn nếu muốn đến đây thì lựa chọn đường này.
Phương tiện công cộng
Ô tô
Từ Hà Nội đến Thanh Hóa khoảng 150km, các tuyến xe đi Thanh Hóa chạy liên tục từ các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình tới hầu hết các địa điểm trong tỉnh. Các địa điểm du lịch nổi tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa đều có xe khách chạy đến tận nơi (trừ Hải Hòa chỉ đến gần đấy). Với riêng Pù Luông, hiện không có xe khách nào đến được vùng này, đa phần phải dùng phương tiện cá nhân hoặc đi xe đến Bá Thước rồi tìm xe ôm đi tiếp.
Xem thêm bài viết: Danh sách các nhà xe đi Thanh Hóa (Cập nhật 11/2024)
Tàu hỏa
Với duy nhất 1 ga có thể đón trả khách trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, việc đi tàu đến Thanh Hóa dù vẫn là một lựa chọn tốt nhưng chỉ phù hợp nếu những địa điểm du lịch các bạn lựa chọn nằm không quá xa ga Thanh Hóa. Việc đi lại bằng phương tiện tàu hỏa hiện nay đã thuận lợi hơn khá nhiều, có thể mua vé tàu online và thanh toán trực tiếp như vé máy bay, sử dụng luôn vé điện tử đó để lên tàu.
Máy bay
Hiện tại Thanh Hóa đang sử dụng cảng hàng không Thọ Xuân cho các chuyến bay đến và đi từ đây. Đường bay duy nhất đang khai thác ở sân bay này là Thanh Hóa – Sài Gòn với 9 chuyến mỗi ngày (6 của Vietjet, 2 của Jetstar và 1 của Vietnam Airrlines). Các bạn từ Sài Gòn muốn đến du lịch Thanh Hóa có thể lựa chọn phương án bay để giảm thời gian đi lại so với đi tàu.
Đi lại ở Thanh Hóa
Xe máy
Du lịch phát triển khá mạnh nhưng ở Thanh Hóa lại không phổ biến dịch vụ cho thuê xe máy. Có lẽ do đặc trưng của ngành du lịch nơi đây chủ yếu tập trung vào du lịch biển, phục vụ khách đến từ miền Bắc nên nhu cầu thuê xe gần như không có. Hiện chỉ có một vài điểm nhỏ lẻ trong Tp Thanh Hóa có cung cấp dịch vụ thuê xe máy, một người ở sân bay Thọ Xuân cũng làm dịch vụ này (để phục vụ các bạn bay từ Sài Gòn ra muốn đi Pù Luông)
Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Thanh Hóa (Cập nhật 11/2024)
Xe buýt
Do đặc thù tỉnh khá rộng nên mạng lưới các tuyến xe buýt ở Thanh Hóa cũng tương đối nhiều, các bạn có thể sử dụng các tuyến xe buýt này để di chuyển tới các huyện. Tất nhiên không phải tất cả mọi địa điểm đều thuận lợi nhưng cũng là một lựa chọn chấp nhận được nếu các bạn không có phương tiện di chuyển.
Taxi
Tại các địa điểm du lịch chính, taxi vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu với du khách phương xa. Taxi sẽ phù hợp cho các gia đình có người già và trẻ nhỏ hay các nhóm bạn đi khoảng 4-5 người.
Xe điện
Xe điện vốn là phương tiện chỉ sử dụng để phục vụ khách du lịch trong phạm vi một vùng địa lý nhỏ chứ không được phép lưu thông rộng rãi ngoài đường. Thanh Hóa hiện đang là một trong những địa phương có số lượng xe điện nhiều nhất cả nước. Xe điện được sử dụng phổ biến ở 2 địa điểm là Sầm Sơn và Hải Tiến để phục vụ khách di chuyển quanh khu vực này.
Lưu trú ở Thanh Hóa
Khách sạn
Đánh giá một cách khách quan, mặc dù Thanh Hóa phát triển du lịch đã khá lâu nhưng số lượng khách sạn nổi bật hẳn lên thì hầu như chưa có. Do đặc thù không thể khai thác du lịch quanh năm do yếu tố khí hậu nên có lẽ không có nhiều hệ thống khách sạn lớn được đầu tư xây dựng ở đây. Số lượng khách sạn 4-5 sao chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hệ thống khách sạn chỉ ở mức chấp nhận được với đầy đủ tiện nghi cơ bản, tuy nhiên giá phòng vào mùa cao điểm rất cao.
Một số khách sạn tốt ở Thành phố Thanh Hóa
Vinpearl Hotel Thanh Hóa
Địa chỉ: 27 Trần Phú, P. Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại:
0237 8936 888
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Đại Việt
Địa chỉ: 19 Phan Chu Trinh, P. Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại:
0237 3900888
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Trống Đồng
Địa chỉ: Lô 46-47 Lê Hoàn, P, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại:
094 523 50 67
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Long Anh
Địa chỉ: 05 Phố Cao Thắng, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại:
0237 3886868
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá
Địa chỉ: C1-D6, Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại:
0237 8868 999
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Xem thêm bài viết: Khách sạn tốt ở Thành phố Thanh Hóa (Cập nhật 11/2024)
Nhà nghỉ
Hình thức lưu trú phổ biến ở Thanh Hóa, đây là một hình thức lưu trú giá rẻ và phù hợp với những bạn không có yêu cầu quá cao trong việc tìm nơi ở. Nhà nghỉ thường được xây dựng và vận hành bởi tư nhân, với quy mô không quá lớn, số phòng thường chỉ từ 10-20 phòng đổ lại. Trừ những khu vực Sầm Sơn, Hải Tiến trong mùa cao điểm (giá phòng nhà nghỉ cũng luôn cao chót vót) thì đa phần nhà nghỉ chỉ có giá trung bình khoảng 200-300k cho một đêm lưu trú. Tùy vào địa danh bạn định đến khi du lịch Thanh Hóa, bạn có thể đặt phòng tương ứng tại địa điểm đó
Xem thêm bài viết: Danh sách nhà nghỉ ở Thanh Hóa (Cập nhật 11/2024)
Homestay
Homestay được phát triển chủ yếu ở vùng Tây Thanh Hóa, trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông của huyện Bá Thước. Khu vực này có lợi thế bởi phong cảnh núi rừng tươi đẹp, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng cao nên rất phù hợp để phát triển homestay.
Xem thêm bài viết: Homestay ở Thanh Hóa (Cập nhật 11/2024)
Các địa điểm du lịch ở Thanh Hóa
Du lịch biển Thanh Hóa
Sầm Sơn
Sầm Sơn là thành phố ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Thành phố Sầm Sơn là đô thị loại III và là địa điểm du lịch biển nổi tiếng tại Việt Nam. Sầm Sơn có bờ biển dài khoảng 9 km, từ cửa Hới (sông Mã) đến Vụng Tiên (Vụng Ngọc) với các bãi biển đẹp như bãi biển nội thị (A, B, C, D), bãi biển Quảng Cư, Bãi Vinh Sơn… Các bãi biển này đều có đặc điểm chung là rộng, bằng phẳng, độ dốc thoải, bãi cát trắng mịn, sóng biển vừa phải, nước biển ấm, trong xanh có nồng độ muối trên dưới 30%, ngoài ra còn có Canxidium và nhiều khoáng chất khác có tác dụng chữa bệnh…
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Sầm Sơn (Cập nhật 11/2024)
Hải Tiến
Hải Tiến là một trong 2 bãi biển khá đẹp và được Thanh Hóa đầu tư làm trọng điểm của du lịch biển trong tỉnh. Sức hấp dẫn đặc trưng của du lịch biển Hải Tiến chính là việc hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết với không gian thanh bình, êm ả nhưng không kém phần hiện đại của kiến trúc hạ tầng du lịch. Đến Hải Tiến, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, tránh xa những ồn ào, ngột ngạt của thành phố, đắm mình trong làn nước biển trong mát mà còn được tận hưởng nhiều dịch vụ tiện nghi, tham gia các hoạt động thú vị bên bờ biển, thưởng thức các loại hải sản tươi ngon vừa được ngư dân trong vùng đánh bắt từ biển khơi mang về.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch biển Hải Tiến (Cập nhật 11/2024)
Hải Hòa
Đây là bãi biển nằm ở phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, Hải Hòa được đánh giá là bãi biển đẹp, có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Cùng với Sầm Sơn – Hải Hòa đã được định hướng phát triển nhằm hoàn thiện chuỗi sản phẩm du lịch biển của Thanh Hóa với nét đặc trưng riêng. Khu du lịch biển Hải Hòa hiện tại vẫn chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng phục vụ du lịch nên chưa thu hút được nhiều khách như khu du lịch Sầm Sơn, tuy nhiên trong tương lai gần những hạng mục này sẽ sớm được hoàn thiện để biến Hải Hòa thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Thanh Hóa.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch biển Hải Hòa (Cập nhật 11/2024)
Pù Luông
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, Thanh Hóa có diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú. Với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, nơi đây là một trong những điểm du lịch Tây Bắc thu hút được rất nhiều bạn trẻ.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm đi phượt Pù Luông (Cập nhật 11/2024)
Khu di tích núi Hàm Rồng
Cầu Hàm Rồng
Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau.
Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị Việt Minh phá hủy năm 1946 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.
Hang Mắt Rồng (Động Long Quang)
Động Long Quang (còn gọi là hang Mắt Rồng) nằm ngay trên núi Rồng, sát bờ Bắc sông Mã. Đây là thắng cảnh đẹp của xứ Thanh, từ xa xưa đã là nơi du lãm, ngâm vịnh thơ ca của các bậc vua chúa, tao nhân mặc khách các triều đại như: Các vua nhà Lê, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh… Động nằm ở giữa, thông suốt hai bên núi đầu Rồng, đúng vị trí đôi mắt của Rồng. Cửa động mở ra hai phía Đông Bắc – Tây Nam, con mắt phải nhìn về hướng Tây Nam, xưa kia là Hạc Thành, nay là thành phố Thanh Hoá; con mắt trái nhìn về hướng Đông Bắc, một vùng đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh. Hiện nay, trên trần hang, vách đá còn lưu giữ các bia ma nhai đề thơ của vua Lê Thánh Tông (năm 1478), vua Lê Hiến Tông (năm 1501).
Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên đồi C4 của núi Hàm Rồng. Đây là một trong những điểm du lịch chính của Khu di tích Hàm Rồng. Thiền viện được khởi công xây dựng vào ngày 26/10/2010 với kinh phí do các tăng ni phật tử phát tâm hiến cúng. Cũng như hầu hết các Thiền viện trúc lâm khác, Trúc lâm Hàm Rồng với vị thế vô cùng đẹp là lưng tựa vào núi, mặt hướng thẳng ra sông Mã, không gian yên tĩnh, không khí trong lành, phong cảnh thì sơn thủy hữu tình.
Bỉm Sơn
Đèo Ba Dội
Đèo Ba Dội là tên Nôm của đèo Tam Điệp đi qua 3 đoạn đèo giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, đây là con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam. Đèo xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương, trong tiếng Việt cổ có nghĩa là ba đợt, ba lớp. Nó là một tổ hợp đèo trên núi Tam Điệp, một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng tây bắc – đông nam, có 3 ngọn.
Hồ Cánh Chim
Hồ Cánh Chim có diện tích 201.000m2 và 33.000m3 nước trữ lượng. Sở dĩ có tên là Cánh Chim vì đứng trên đèo Ba Dội nhìn xuống, hồ có dáng một con chim đang vút cánh bay cao. Hồ Cánh Chim là một danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia.
Động Cửa Buồng
Hệ thống động Cửa Buồng gồm 3 động: Động Cô Tiên, động Đào Nguyên và động Cửa Buồng, nằm giữa 2 núi Tượng Sơn và Điểu Sơn (núi hình con voi và núi hình con chim). Nhiều danh nhân đã từng tới đây và để lại dấu ấn của mình.
Trong dân gian còn lưu truyền về Nguyễn Huệ khi đưa đại binh ra Bắc đã cho tổ chức các cuộc nghị bàn kế sách giải phóng Thăng Long tại đây và cũng chính nơi đây Nguyễn Huệ đã được thần báo mộng phải tiến quân nhanh ra Bắc mới mong thắng trận. Khi trở về Phú Xuân, qua vùng đất này, Nguyễn Huệ đã có hai câu đối để cảm ơn thánh nhân, hiện nay hai câu đối đó vẫn còn lưu giữ tại đền Cây Vải hay còn gọi là đền Bà Giếng Tiên (thuộc Làng Nghĩa Môn, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn).
Làng Đông Sơn
Làng này nằm bên bờ nam sông Mã, nơi tiếp giáp của hai dòng sông Chu – sông Mã, trong địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Trên quốc lộ 1A hướng từ Bắc vào Nam đến cầu Hàm Rồng, ngay đầu thành phố Thanh Hóa rẽ phải khoảng 1000 m sẽ đến một làng cổ, đó làng Đông Sơn.
Làng Đông Sơn quần tụ dựa vào lưng núi Rồng (núi Đông Sơn). Phía trước làng là cánh đồng rộng, màu mỡ, xung quanh ba phía của làng là những núi đá nhỏ đồi đất thấp nằm xen kẽ lẫn nhau có hình dáng kỳ dị, dân gian cứ theo đó mà đặt tên cho từng quả đồi, ngọn núi: núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên… Dân gian cho rằng làng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng.
Thác Ma Hao
Thác Ma Hao nằm dưới chân núi Chí Linh, thuộc làng Năng Cát, Lang Chánh. Để đến với Ma Hao, du khách đi theo tuyến đường Hồ Chí Minh qua trung tâm thị trấn Ngọc Lặc, tới ngã tư gần km 541 rẽ trái vào quốc lộ 15A, đến trung tâm huyện Lang Chánh rẽ trái theo đường liên xã khoảng 10 km là đến thác Ma Hao.
Cho đến nay, thác Ma Hao vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp hay tác động vào. Cũng bởi vậy, nơi đây phù hợp với những ai thích phiêu lưu, ưa khám phá. Du khách có thể đến và tận hưởng cảm giác thư thái, dễ chịu của một chuyến đi trở về với thiên nhiên, hòa vào và tận hưởng sự trong lành khoáng đạt của thiên nhiên thơ dại.
Hiện nay, Thác Ma Hao được quy hoạch nằm trong cùng khu du lịch sinh thái Bản Năng Cát của huyện Lang Chánh. Đến với vùng đất này, các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống và văn hóa của người dân tộc Thái nơi đây.
Mường Lát
Đây là một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh lên tới 200 km. Mường Lát giáp Lào, có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Đây cũng là điểm kết thúc của cung Đường Tre – Suối Muống kéo dài từ Co Lương (Hòa Bình) chạy dọc sông Mã và kết thúc ở huyện vùng cao này. Mường Lát có cửa khẩu Tén Tằn với nước bạn Lào, ở đây có mốc biên giới mang số 281 nằm trong hệ thống các cột mốc biên giới Việt Nam – Lào.
Nga Sơn
Động Từ Thức
Động Từ Thức còn gọi là Động Bích Đào, là một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá được gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên. Động nằm trên dãy núi Tam Điệp, thuộc địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nằm cạnh đường quốc lộ 10, cách thị trấn Phát Diệm hơn 10 cây số về phía Tây Nam, trên sườn một ngọn núi đá nhỏ có thả dê của đồng bào địa phương, xung quanh là ruộng lúa nước.
Từ Thức người Tống Sơn, nay là Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá làm tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp gặp tình huống éo le. Thời gian sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Từ Thức đi qua núi và thấy một chiếc động, được bà chủ gả cho Giáng Hương, chính là người chàng đã cứu thuở nào. Sống với nhau được một năm, dù thuận hoà, êm ấm, Từ Thức chợt nhớ nhà, xin được về thăm. Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi đến quê, tất cả đều đổi thay, Từ Thức hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu nội của mình. Chàng đã đi quá lâu. Từ Thức muốn trở lại cõi tiên với vợ, nhưng chẳng còn dịp may … trước cửa động Từ Thức, dây leo chằng chịt đan kết thành những chiếc võng.
Đền thờ Mai An Tiêm
Thuộc xã Nga Phú huyện Nga Sơn. Cách huyện lỵ Nga Sơn 5 km về phía đông Bắc. Ngôi đền này chứa một huyền thoại được lưu truyền từ bao đời nay. Mai An Tiêm là người có công khai phá xây dựng đất Nga Sơn từ buổi bình minh của đất nước, dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật rất nổi tiếng ở Nga Sơn.
Căn cứ khởi nghĩa Ba Đình
Chiến khu Ba Đình thuộc xã Ba Đình, cách trung tâm huyện Nga Sơn 3 km về phía tây Bắc. Đây là di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia. Tại đây nghĩa quân Cần Vương và nhân dân ba làng Mậu, Thượng và Mỹ Khê (dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng) đã đánh bại nhiều đợt tấn công của Pháp. Địa danh Ba Đình này đã được đặt thành tên gọi của quảng trường Ba Đình tại Hà Nội.
Đền thờ Lê Thị Hoa
Lê Thị Hoa là một nữ tướng của Hai Bà Trưng, khởi nghĩa tại vùng Nga Sơn giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, quân xâm lược bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, Hai Bà Trưng xưng vương và thành lập hệ thống chính quyền độc lập, bà Lê Thị Hoa đã từ chối làm quan chỉ xin được trở lại Nga Sơn để tiếp tục tổ chức dân khai hoang, lập làng, lấn biển. Năm 43, Mã Viện đem đại binh sang đàn áp, bà đã mau chóng tập hợp lực lượng để chiến đấu chống quân thù một cách quyết liệt, nhưng sau thất bại, bà đã anh dũng hy sinh ngay trên đất Nga Sơn mà bà đã giàu công khai khẩn.
Vườn Quốc Gia Bến En
Thuộc huyện Như Thanh và huyện Như Xuân, nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 36 km về phía tây nam. Vườn Quốc Gia Bến En có nhiều loài sinh vật quý, với 1389 loài thực vật (lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương…), có 1004 loài động vật,66 loài thú (với 29 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng…
Như Xuân
Thác Đồng Quan
Dòng thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Mùn qua các lũng núi rồi tạo thành dòng chảy không ngừng. Mọi người khi tới đây chỉ cần bộ hành khoảng chừng 150 mét ngược theo dòng suối trong mát lạnh sẽ đến được với đỉnh thác nước, hai bên bờ suối là những cây gỗ lớn mang dáng vẻ cổ thụ và nhiều loai cây thảo dược quý hiếm mà bà con nơi đây luôn gìn giữ và bảo vệ.
Vùng nước rộng dưới chân thác trong suốt như pha lê, nhìn xuyên suốt tận đáy, du khách có thể trượt thác và nhảy xuống tắm mát thỏa thích bởi khu vực này nước không quá sâu. Nếu ai không muốn tắm, có thể ngồi nghỉ ngơi trên những phiến đá to bằng phẳng , nhẵn bóng do nước bào mòn và đón làn gió đem theo hơi nước bốc thổi lên từ dòng suối. Không khí thoáng đãng xen lẫn mùi hương nồng nàn của các loài hoa rừng, tạo nên vẻ thơ mộng và kỳ thú.
Thác Cổng Trời
Khu du lịch sinh thái thác Cổng Trời thuộc địa phận hai xã Hóa Quỳ và Xuân Quỳ, huyện Như Xuân, cách thị trấn Yên Cát khoảng 10 phút chạy ôtô. Nếu từ Hà Nội vào, bỏ qua phố huyện, từ đường Hồ Chí Minh rẽ trái khoảng 5km đường nhựa nhấp nhô đồi núi, du khách đã lạc vào chốn sơn thủy hữu tình với rừng nguyên sinh, thác nước trắng phau từ trên cao dội xuống giữa chốn đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ.
Thác Cổng Trời được hình thành từ những khe suối, dòng chảy lớn, nhỏ trên đỉnh núi Pù Mùn, có độ cao trên 1000m so với mực nước biển. Từ đỉnh núi, những dòng nước len lỏi qua những khe sâu, vách đá, những thảm thực vật rậm rì, rồi hòa vào nhau, ào ạt chảy chia thành ba dòng lớn, một đổ về xã Thanh Lâm tạo thành thác Thanh Lâm, một chảy về Hóa Quỳ tạo thành thác Đồng Quan. Dòng chính chảy về bản Chuối, xã Xuân Quỳ, tạo nên thác Cổng Trời hùng vĩ.
Đền Chín Gian
Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm (Đồi Tròn) cao 250m thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, cách thị trấn Yên Cát của huyện Như Xuân khoảng 38km. Nơi đây xung quanh là đồng ruộng, đồi núi và bản làng của đồng bào người Thái sinh sống. Ngôi đền theo truyền thuyết là nơi thờ Trời và ông Tổ người Thái.
Hang Co Luồng
Hang Co Luồng là một hệ thống hang động nằm trên núi Co Luồng, thuộc địa bàn bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Từ thị trấn Quan Hóa đi ngược về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 15 khoảng 3 km tới bản Khằm, từ đây đi bộ leo núi khoảng 500 m là tới cửa hang. Đường lên hang động này có độ dốc khá lớn vì hang nằm ở gần đỉnh núi cao, hai bên đường là đồi luồng, nương ngô của đồng bào dân tộc Thái.
Cửa hang nằm gần đỉnh một ngọn núi và quay về phía sông Mã. Cửa hang rất hẹp chỉ vừa đủ một người chui lọt, qua cửa hang là dốc dựng đứng sâu khoảng 10 mét, du khách chỉ có thể cúi đầu bò lùi để xuống hang. Hang động rộng hàng nghìn mét vuông, được cấu tạo thành ba tầng rõ rệt. Tầng một có nhiều nhũ đá đủ màu sắc, có những chiếc đàn đá độc đáo do thiên nhiên cấu tạo nên, có những nhũ đá có hình thù con rùa, hình hồ tắm của các nàng tiên. Tầng hai của hang động Co Luồng có độ sâu khoảng 25m, tầng ba có độ sâu khoảng 35 m so với cửa hang, tạo thành một hệ thống hang động khép kín, với tổng chiều dài khoảng hơn 600m. Để đi tham quan toàn bộ hệ thống hang động này phải mất khoảng 10 giờ đồng hồ.
Khu di tích Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhân vật tạo lập Lam Kinh là Lê Thái Tổ. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), vua Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất. Đồng thời nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.
Điện Lam Kinh
Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, xa là núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Mặt trước ngoài hoàng thành khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có xây 2 bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc, móng tường thành còn lại dày 1,08m, qua cổng thành khoảng 10m đến một con sông đào có tên là sông Ngọc. Sông này bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách Hoàng việt dư địa chí xưa kia, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp, trông rất đẹp. Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch, trên cầu có nhà, thành dáng “Thượng gia hạ kiều”.
Lăng vua Lê Thái Tổ
Lăng Lê Thái Tổ được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50 m. Vĩnh Lăng được chọn đặt một thế rất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và tiền án là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”. Đối diện lại có sông làm “bạch hổ”.
Bia Vĩnh Lăng
Bia Vĩnh Lăng được dựng cách lăng 300m đường chim bay ở Tây Nam thành điện Lam Kinh. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,97m; rộng1,94m; dày 0,27m; đặt trên lưng một con rùa lớn cũng được tạc từ đá trầm tích biển nguyên khối có chiều dài 3,46m; rộng 1,9m; cao 0,94m kể cả đế.
Đền thờ Lê Lợi
Khu đền thờ vua Lê Lợi thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách khu di tích Lam Kinh 150m về phía Nam. Đền do một số nhà hảo tâm đứng ra quyên góp vào những năm đầu của thế kỷ 20 để làm nơi thờ vua Lê Thái Tổ (Trong khi khu di tích Lam Kinh bị tàn phá chưa được trùng tu). Hiện khu đền thờ này đã được sát nhập vào quản lý cùng với khu di tích Lam Kinh.
Động Vĩnh An (Động Tiên Sơn)
Động Vĩnh An thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Động Vĩnh An bao gồm động nước và động núi, động nước được gọi là động Kim Sơn, muốn đi vào phải đi bằng thuyền; còn động núi được gọi là động Tiên Sơn, nằm ở lưng núi, để lên đến cửa động phải đi bộ lên rồi trèo tiếp bằng thang. Hai động này đều đã được chính quyền địa phương khai thác cho dịch vụ du lịch nhưng chưa phát triển được nhiều, chủ yếu khách tham quan vẫn là nhân dân trong vùng, ít có khách du lịch thập phương. Theo đánh giá của nhiều người thì động núi đẹp không thua gì động Phong Nha Kẻ Bàng.
Thành Nhà Hồ
Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Ngày 27 tháng 6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nhà cổ 200 năm tuổi
Công trình hơn 200 năm ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá cách cổng Tây Thành Nhà Hồ 200 m, là một trong sáu ngôi nhà cổ ở nước ta được tổ chức Di sản châu Á – Thái Bình Dương bảo tồn. Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1810, là của ông Phạm Ngọc Tùng đời thứ 7 dòng họ Phạm. Theo lời kể của ông Tùng, khi xây dựng ngôi nhà này, cụ Tổ ông làm chức quan hàng Bát phẩm của triều đình nhà Nguyễn. Cụ cho mời những thợ giỏi nhất của tỉnh Nam Hà cũ (nay thuộc tỉnh Hà Nam) và thợ làng mộc Đạt Tài (nay thuộc xã Hoằng Đạt – Hoằng Hóa – Thanh Hóa) về làm ngôi nhà này.
Giếng Ngự Dục
Giếng Vua hay còn gọi là giếng Ngự Dục, được phát hiện nằm ở góc đông – nam của đàn tế Nam Giao, khu vực Thành nhà Hồ.
Suối cá thần Cẩm Thủy
Suối Cá Cẩm Thủy là tên gọi của một dòng suối ở miền núi phía tây Thanh Hoá, nơi có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc, được đồng bào dân tộc Mường, Thái ở địa phương gìn giữ. Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg. Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng.
Bãi cò Tiến Nông
Bãi Cò được hình thành trên vùng đầm lầy của xã Tiến Nông (Triệu Sơn). Diện tích khoảng 3 ha. Nơi đây là nơi tập trung của rất nhiều loại cò, vạc, hay vịt trời, le le, cuốc, bìm bịp, bồ câu hoang… Chúng sinh sống và làm tổ trên các cây tre. Chúng thường đi kiếm ăn ở các cánh đồng gần đấy. Vào mùa làm tổ có hàng vạn cá thể về đây. Đây cũng là nơi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa có các cá thể Cò sinh sống. Hiện nay chính quyền huyện Triệu Sơn đang có kế hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái tại đây.
Thác Voi
Thác Voi nằm trên địa bàn xã Thành Vân, huyện Thạch Thành từ lâu đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách. Khung cảnh nơi đây như một bức tranh sơn thủy hữu tình của thiên nhiên ban tặng cho con người xứ Thanh.
Theo những cụ cao niên nơi đây kể rằng, xưa kia, Quang Trung Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, khi vượt dãy Tam Điệp đã tình cờ phát hiện ra một mó nước lớn giữa rừng, ông đã cho đàn voi chiến của mình xuống mó nước tắm, nghỉ ngơi. Sau khi tắm ở mó nước, đàn voi nhanh chóng hồi sức, chúng thích thú rống lên vang dội núi rừng. Mó nước không tên kể từ đó được gọi là Hốc Voi, về sau khi khu du lịch sinh thái được hình thành thì đổi thành thác Voi.
Ăn gì ở Thanh Hóa
Hải sản Thanh Hóa
Với đường bờ biển dài và nhiều bãi biển đẹp, du lịch biển là một thế mạnh vô cùng lớn của Thanh Hóa. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một trong những món ăn ngon ở Thanh Hóa các bạn nên thưởng thức chính là hải sản. Tại các điểm du lịch biển nổi tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa, Nghi Sơn… luôn có những tàu thuyền đánh bắt hải sản tươi sống đi về hàng ngày nên nguồn cung hải sản ở Thanh Hóa vô cùng dồi dào.
Nem chua
Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ, hạt tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng, gói bên ngoài bởi rất nhiều lớp lá chuối. Thịt nạc được chọn là loại thật nạc, ngon, tươi, không dính mỡ, không dính gân, trộn đều với bì luộc thái chỉ, gia vị. Không thể thiếu một chút ớt cho thêm đậm đà, tiêu để dậy mùi, một chút tỏi để khử trùng và một vài lá đinh lăng. Nem chua Thanh Hóa có hương vị rất khác lạ so với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó có vị chua, cay, ngọt, mặn và dậy mùi thơm.
Bánh cuốn thanh hóa
Đến Thanh Hóa bạn có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp mọi nơi. Người Thanh Hóa có bí quyết riêng để món bánh cuốn ngon không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác, mà ít nơi sánh kịp.
Nhân bánh gồm có tôm nõn, thịt ba chỉ băm nhỏ cộng với hành phi phủ phía ngoài bánh. Đặc biệt, nhân bánh cuốn xứ Thanh được làm từ tôm sông Mã, cho vị ngọt lừ, đậm đà. Bánh bày ra đĩa, nhẹ nhàng rắc phía trên những vẩy hành phi vàng ruộm, loáng thoáng ánh xanh mướt của cọng mùi ta.
Bánh cuốn Thanh Hóa thường ăn nóng nên nước chấm có thể được làm nguội. Nước mắm cốt nổi tiếng được ủ chượp từ cá vùng biển xứ Thanh pha lên, dậy mùi chanh, tiêu, ớt, sóng sánh sắc nâu sáng và vị đậm đà. Người thưởng thức có thể dùng kèm dăm miếng thịt băm nướng vàng thơm, hay miếng giò lụa gói nhỏ, đậm hương lá chuối.
Chả tôm
Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ với tôm bột tươi cùng một lượng gấc vừa đủ, thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay và nướng trên bếp than hoa. Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn.
Bánh khoái tép nồi gang
Bánh khoái có vẻ giống bánh xèo Nam bộ về cách chế biến nhưng nguyên liệu thì khác, mang nét đặc trưng của xứ Thanh, bao gồm rau cần, bắp cải, thì là thái sợi nhỏ và tép tươi. Bánh khoái chấm cùng nước mắm pha chua ngọt và sung ghém rất hợp vị.
Đôi khi người ta thay tép tươi bằng trứng gà để đổi vị. Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy món này ở các phố Trường Thi, Đào Duy Từ, Hàn Thuyên, chợ Vườn Hoa của Tp Thanh Hóa
Bánh ích
Không khác nhiều so với cách làm bánh ít, bánh nếp ở các nơi khác. Bánh ích có hình tròn, bên trong là nhân tôm thịt, ăn cùng mắm chế chua ngọt. Được bán nhiều ở các chợ Vườn Hoa, Tây Thành hoặc một vài quán vỉa hè trên phố Đinh Lễ, bánh ích luôn hấp dẫn người ăn và thường hết hàng sớm.
Bánh mỳ Nam Hà
Nếu có dịp tới thăm Thăm Hóa, du khách sẽ được nghe nhiều về bánh mỳ gia truyền Nam Hà ở phố Trường Thi. Tại đây có một chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ rất đông khách. Sở dĩ được yêu mến vậy bởi hương vị bánh Nam Hà không đổi trong suốt 20 năm qua. Bánh mỳ nóng giòn, nhân bánh đa dạng hấp dẫn. Ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay… Nguyên liệu nào cũng được chọn lựa và chế biến kỹ lưỡng, cùng với nước sốt gia truyền đặc trưng.
Bánh răng bừa
Đây là loại bánh có ở nhiều nơi với tên gọi bánh tẻ, bánh giò, bánh lá, còn người Thanh Hóa gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông. Chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh nhưng mang đậm hồn quê bình dị là thứ quà sáng yêu thích của nhiều người. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh gồm thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ đã xào qua. Khi mới luộc xong, chiếc bánh bốc khói nghi ngút, dậy mùi thơm của hành mỡ, ăn vào thấy mềm và rất vừa miệng. Còn khi để nguội, ăn sần sật cũng ngon không kém phần.
Bánh nhè
Bánh nhè gần giống bánh trôi nước, bánh ngào mật của Nghệ An. Vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo mịn, nhân đậu xanh và dừa bào sợi. Bánh nấu bằng đường mật mía và gừng, là thức quà chiều dân dã của người xứ Thanh. Món bánh đặc sản Thanh Hóa này được bán bởi những cô hàng rong trên đường du khách muốn thưởng thức cũng có thể tới chợ Vườn Hoa…
Gỏi cá nhệch Nga Sơn
Cá nhệch là một loại cá hung dữ, sống được cả ở vùng nước mặn và nước ngọt, bề ngoài trông khá giống con lươn. Cá sau khi bắt về được làm sạch nhớt rồi lọc thịt và xương riêng. Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá được rán giòn để cuộn cùng với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo.
Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món gỏi, các loại rau lá trên còn là vị thuốc để cân bằng tính hàn của cá nhệch. Ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.
Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
Dê ủ trấu Nga Sơn
Khi đến du lịch Nga Sơn, ngoài món gỏi nhệch nổi tiếng các bạn có thể đến Nga An, một vùng núi đá ở Nga Sơn để thưởng thức các món ăn từ dê. Độc đáo nhất phải kể dến món dê ủ trấu. Trước khi ủ trấu dê được cạo lông sạch sẽ, nhồi lá sả vào bụng. Phủ trấu lên toàn thân dê và đốt rơm để mồi lửa. Khi ủ trấu xong thì toàn bộ dê nó sẽ chín om, thịt vẫn còn màu hơi đỏ, da vàng rộm. Tạo ra món tái đúng nghĩa, tức là không chín hoàn toàn, thịt thái ra xoăn từng lọn. Đây có thể coi là bí quyết, là điểm độc đáo nhất của món Dê núi Nga An, bởi không phải nơi nào cũng có cách chế biến như cách làm của người dân nơi đây.
Vịt Cổ Lũng
Đây là món đặc sản nổi tiếng của vùng cao Bá Thước. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa.
Đặc sản Thanh Hóa làm quà
Bánh gai Tứ Trụ
Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen. Bánh gai được gói bằng lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Chiếc bánh gai đạt chuẩn phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.
Chè lam Phù Quảng
Chè Lam Phù Quảng là một đặc sản nổi tiếng của huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Món chè lam trước đây thường được người dân Phù Quảng làm vào dịp lễ tết để cúng tổ tiên và ăn mừng trong dịp năm mới. Hiện nay, đây là một sản phẩm nổi tiếng để du khách có thể mua về làm quà khi đến khu di tích Thành Nhà Hồ.
Mắm tép Hà Yên
Có nhiều vùng miền ở nước ta nổi tiếng với món mắm tép. Trong đó, mắm tép (Hà Yên, Hà Trung, Thanh Hóa) là loại mắm tép có màu sắc, mùi vị đặc biệt vì nó được làm nguyên chất từ loại tép riu chỉ có ở vùng nước nhiều rong, rêu mới có.
Nước mắm Ba Làng
Từ làng nghề nước mắm truyền thống Do Xuyên – Ba Làng nổi tiếng đất Thanh Hóa đã sản sinh ra một đặc sản vùng biển địa phương nổi tiếng khắp cả nước. Tận dụng nguồn nguyên liệu cá cơm đen tự nhiên được đánh bắt chủ yếu ở vùng biển Hải Thanh (Tĩnh Gia) nói riêng và vùng cửa Lạch Bạng nói chung kết hợp với bí quyết gia truyền của làng Do Xuyên – Ba Làng cùng kinh nghiệm được tích lũy lâu đời mà người dân nơi đây đã sản xuất ra loại nước mắm được nhiều người biết đến. Nước mắm Ba Làng có vị thơm ngon, có độ sóng sánh, màu vàng cánh gián, độ đạm cao, không còn vị tanh, khi nếm có vị ngòn ngọt trộn lẫn vị mặn đậm đà làm tê đầu lưỡi và đọng mãi trong cổ.
Lịch trình du lịch Thanh Hóa
Phượt Pù Luông 2 ngày
Ngày 1: Hà Nội – Mai Châu – Pù Luông
Từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL6 đi Hòa Bình lên Mai Châu, nếu thích các bạn có thể ở lại Mai Châu chơi 1 ngày rồi hôm sau tiếp tục hành trình. Nếu không ở lại Mai Châu, các bạn đi tiếp QL15 theo hướng đi ngã 3 Co Lương, đến đây sẽ đi dọc theo sông Mã 1 đoạn rồi rẽ vào QL15C, thẳng QL15C này các bạn đi trong lõi của khu bảo tồn Pù Luông
Từ Hà Nội đi Pù Luông theo đường này vào khoảng gần 200km, nên đi từ sớm để đến khoảng chiều sẽ vào tới Pù Luông là vừa.
Tối nghỉ ngơi tại Pù Luông, các bạn có thể lựa chọn một trong rất nhiều homestay ở Pù Luông.
Ngày 2: Khám phá Pù Luông
Sáng dậy sớm đi khám phá một vài địa điểm quanh Pù Luông như Hang Kho Mường, khám phá văn hóa người Thái.
Từ Kho Mường đi xuống Phố Đoàn, nếu đi đúng dịp chợ phiên thì ghé vào tham quan chợ rồi tiếp tục đi Thác Hiêu, đi các bản Son Bá Mười rồi đi thẳng sang Lũng Vân (Hòa Bình) ngắm mây. Từ Lũng Vân quay ra Quốc lộ 6 để về Hà Nội
Một lựa chọn khác cho ngày 2, các bạn bỏ qua Lũng Vân và quay lại đi suối cá thần Cẩm Lương, theo đường mòn Hồ Chí Minh về Hà Nội. Lịch trình này cũng đi qua Khu bảo tồn Cúc Phương nên nếu có thời gian có thể dành thêm 1 ngày ở lại chơi Cúc Phương trước khi về Hà Nội.
Sầm Sơn 2 ngày 1 đêm
Ngày 1: Hà Nội – Sầm Sơn
Đặt mua vé tàu online đi Thanh Hóa, chuyến tàu SE5 khởi hành từ ga Hà Nội lúc 9h và đến ga Thanh Hóa lúc 12h30. Nếu đi khoảng 4 người, các bạn có thể thuê một taxi từ đây đến thẳng Sầm Sơn (18km) với giá chắc chỉ quanh quanh 200k, chia đầu người ra thì khá rẻ. Nếu đi một mình, các bạn có thể lựa chọn đi xe buýt, có tuyến xe buýt chạy thẳng từ ga đến Sầm Sơn luôn.
14h nhận phòng khách sạn, cất đồ đạc rồi tranh thủ nghỉ ngơi. Tầm 3-4h chiều có thể ra tắm biển (nếu không ngại nắng nóng).
17h về khách sạn nghỉ ngơi, tắm rửa rồi loanh quanh thưởng thức hải sản, tìm các món ăn ngon ở Sầm Sơn để oánh chén.
Tối có thế đi dạo dọc bãi biển, uống cafe nước dừa, nước mía. Cũng có thể làm một chuyến xe điện đi ngắm cảnh.
Ngày 2: Sầm Sơn – Hà Nội
Sáng dậy sớm đi chợ hải sản ngoài biển, lên núi Trường Lệ tham quan các địa danh ở Sầm Sơn như Hòn Trống Mái, Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên… Xong xuôi có thể tiếp tục đi tắm biển.
Trưa trả phòng, ăn trưa rồi ra ga để về lại Hà Nội. Có 2 chuyến tàu có giờ khá phù hợp xuất phát từ ga Thanh Hóa lúc 11h56 (SE8) về đến Hà Nội lúc 15h30 và tàu SE6 xuất phát lúc 15h35 về đến Hà Nội lúc 19h12. Tùy thời gian và kế hoạch cá nhân mà các bạn có thể chọn chuyến tàu cho vừa.
Hải Hòa – Nghi Sơn – Bãi Đông 3 ngày
Ngày 1: Hà Nội – Hải Hòa
Từ Hà Nội các bạn xuất phát đi Thanh Hóa theo hướng đường cao tốc Ninh Bình. Hết đường cao tốc các bạn quay trở lại QL1A để tiếp tục di chuyển đến Thanh Hóa. Trên đường đi có thể thường thức một vài món ngon Thanh Hóa trên đường.
Từ Hà Nội đến Hải Hòa khoảng 200km, các bạn sẽ mất khoảng 5-6 tiếng để đến nơi. Xuất phát từ Hà Nội vào buổi sáng thì khoảng đầu giờ chiều đến Hải Hòa, vừa kịp thời gian nhận phòng khách sạn.
Chiều thoải mái chơi bời, tắm biển, thưởng thức hải sản. Tối nghỉ ngơi ở Hải Hòa
Ngày 2: Hải Hòa – Hải Thanh – Nghi Sơn
Sáng dậy ăn sáng xong rồi từ Hải Hòa tiếp tục đi biển Hải Thanh (cách đấy khoảng 6km), chỗ này không có nhiều dịch vụ nên các bạn chỉ lướt qua rồi đi thẳng đến Nghi Sơn.
Khu Du lịch Nghi Sơn bao gồm xã đảo Nghi Sơn và xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia phía Đông – Nam thành phố Thanh Hóa. Với địa thế hiểm yếu, nơi đây đã từng là căn cứ quân sự của các triều đại phong kiến và đặc biệt quan trọng dưới thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ.
Theo truyền thuyết và các chứng cứ lịch sử, cách đây hàng ngàn năm vùng đất này đã có dân cư sinh sống làm ăn rất trù phú. Hiện trên địa bàn này còn lưu giữ những kiến trúc đặc sắc như chùa Đót Tiên, đền thờ Quang Trung, đền Cửa Bạng, đền Thanh Xuyên, Nhà thờ Ba Làng, các nhà thờ họ … tất cả đều có niên đại từ 100-400 năm.
Trưa nhận phòng khách sạn ở Nghi Sơn, nghỉ ngơi rồi chiều ghé qua Bãi Đông. Đây là bãi biển còn khá hoang sơ và chưa được khai thác du lịch nhiều.
Chiều tắm biển, thăm thú xã đảo Nghi Sơn, tối nghỉ ngơi thưởng thức hải sản.
Ngày 3: Tĩnh Gia – Hà Nội
Ngày này các bạn nghỉ ngơi, chơi bời nhẹ nhàng rồi quay ngược về Hà Nội. Khoảng cách từ Nghi Sơn về Hà Nội khoảng 240km nên sẽ mất nguyên một ngày để di chuyển, các bạn căn giờ để không về Hà Nội quá muộn.
Hải Tiến – Sầm Sơn 3 ngày
Ngày 1: Hà Nội – Hải Tiến
Sáng cứ thong thả ăn sáng cafe xong rồi tầm 10h xuất phát đi là vừa. Khoảng 4 tiếng (cho thoải mái) là đến nơi, đúng giờ nhận phòng. Nhớ đặt khách sạn ở Hải Tiến trước nhé.
Chiều tắm biển Hải Tiến rồi về khách sạn nghỉ ngơi, tối loanh quanh bãi biển ăn và thưởng thức các loại hải sản nhé.
Ngày 2: Hải Tiến – Sầm Sơn
Sáng hôm sau có thể làm thêm một tăng tắm biển nữa trước khi khởi hành đi Sầm Sơn. Từ đây sang Sầm Sơn chỉ khoảng hơn 30km, đi khoảng 1 tiếng là tới thôi.
14h nhận phòng khách sạn, cất đồ đạc rồi tranh thủ nghỉ ngơi. Tầm 3-4h chiều có thể ra tắm biển (nếu không ngại nắng nóng).
17h về khách sạn nghỉ ngơi, tắm rửa rồi loanh quanh thưởng thức hải sản, tìm các món ăn ngon ở Sầm Sơn để oánh chén.
Tối có thế đi dạo dọc bãi biển, uống cafe nước dừa, nước mía. Cũng có thể làm một chuyến xe điện đi ngắm cảnh.
Ngày 3: Sầm Sơn – Hà Nội
Sáng dậy sớm đi chợ hải sản ngoài biển, lên núi Trường Lệ tham quan các địa danh Hòn Trống Mái, Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên… Xong xuôi có thể tiếp tục đi tắm biển.
Chiều trả phòng rồi về Hà Nội.
Tìm trên Google
- kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa 2024
- du lịch Thanh Hóa tháng 11
- tháng 11 Thanh Hóa có gì đẹp
- review Thanh Hóa
- hướng dẫn đi Thanh Hóa tự túc
- ăn gì ở Thanh Hóa
- phượt Thanh Hóa bằng xe máy
- Thanh Hóa ở đâu
- đường đi tới Thanh Hóa
- chơi gì ở Thanh Hóa
- đi Thanh Hóa mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Thanh Hóa
- homestay giá rẻ Thanh Hóa