Đặc sản và các món ăn ngon ở Bạc Liêu

Đặc sản và các món ăn ngon ở Bạc Liêu (Cập nhật 08/2024)

Cùng Phượt – Với một tỉnh có vị trí địa lý và điều kiện sinh thái đặc thù, ẩm thực Bạc Liêu có nhiều điều kiện để phát triển thành một điểm để thu hút du khách. Đây cũng là nơi hội tụ, giao thoa của 3 dòng văn hóa Kinh – Hoa – Khmer mà mỗi dân tộc đều có các món ngon mang đậm tính truyền thống. Một số món ăn ngon ở Bạc Liêu tạo nên thương hiệu cho tỉnh như bún bò cay, bánh xèo, bánh tằm Ngan Dừa… Ngoài ra, do là tỉnh ven biển nên các loại thủy hải sản cũng luôn rất tươi ngon, có thể đáp ứng được sở thích của nhiều du khách.

Đến Bạc Liêu ngoài thăm thú cảnh đẹp, đừng quên thưởng thức các món ăn ngon nhé

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả treconnguoilon, jannshadrack, Thu Nguyên, hoang_anh_2404, matchamichi, leanhdung1990, Thua Nguyen Minh, Nguyễn Trung Kiên, Diễm Mi, Nguyễn Mơ, Nguyệt Nhi và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Bún bò cay

Bún bò cay dễ dàng tìm thấy vào buổi sáng ở Bạc Liêu (Ảnh – cungphuot.info)

Tô bún có màu vàng tươi, thịt bò gân, nạm được ướp với sa tế, ớt hấp chín giả mịn tạo cho món ăn có hương vị đặc biệt, vị cay nồng đặc trưng của tô bún là nhờ ớt sừng trâu chín đỏ hòa quyện cùng vị sả tạo ra, gia vị nêm nếm khi ăn là muối hột giã với ớt đỏ, có kèm lát chanh. Thịt bò chấm với muối ớt có chanh sẽ tạo hương vị ngon, lạ, đặc trưng.

Bún nước lèo

Bún nước lèo Bạc Liêu (Ảnh – treconnguoilon)

Đến vùng đất Bạc Liêu bạn sẽ thấy bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Chỉ cần bước chân tới quán, bạn đã nghe hương thơm ngào ngạt của mùi nước lèo, bí quyết tạo nên hương thơm hấp dẫn đó là những con mắm sặc trộn với thính nấu cho rã xương rồi lọc lấy nước, thêm nước dừa xiêm, sả cây đập dập. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đất để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, rau muốn bào, rau răm…

Bánh xèo

Quán bánh xèo A Mật rất nổi tiếng, bánh ngon nhưng to lắm đấy. Các bạn lần đầu đến Bạc Liêu chắc sẽ không khỏi giật mình (Ảnh – cungphuot.info)

Món này ở Bạc Liêu khá hấp dẫn bởi bột bánh xèo mềm, dẻo, quyện vào mà không dính. Nhân bánh được làm bằng thịt ba chỉ hoặc thịt vịt xiêm băm nhuyễn, tép bạc, củ sắn, giá, đậu xanh và hành tây. Do vị mặn của biển mà con tép Bạc Liêu có vị ngọt mặn ngất ngây vị giác. Bánh xèo được ăn kèm với rau sống trồng trên đất giồng giòn thơm, xà lách, cải xanh, húng quế, diếp cá…

Bánh tằm Ngan Dừa

Bánh tằm Ngan Dừa là món ăn khá nổi tiếng ở Bạc Liêu (Ảnh – jannshadrack)

Bánh được làm từ bột gạo khuấy chín, se thành sợi sau đó đem hấp, ăn cùng xíu mại, bì và thịt nạc luộc cắt sợi, dưa chuột thái nhỏ, rau sống… Nghề làm bánh tằm ở đây đã có từ rất lâu đời, có nhiều bí quyết tạo nên món bánh ngon như từ cách khéo léo se bánh cho tới cách nêm nếm làm cho hương vị thêm đậm đà, điều đó cũng tạo nên sự khác biệt của bánh tằm nơi đây mà không nơi nào có được.

Bánh củ cải

Ở Bạc Liêu, do quá trình giao thoa văn hóa giữa ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer đã tạo ra 3 loại bánh củ cải khác nhau nhưng đều hấp dẫn như nhau

Bánh củ cải tiều

Bánh củ cải tiều của người Hoa (Ảnh – Thu Nguyên)

Món bánh có nguồn gốc từ người Hoa, nguyên liệu được làm từ các loại đặc sản của Bạc Liêu như: bột mì trắng, tôm khô, lạp xưởng, đậu phộng, củ cải trắng. Tất cả các nguyên liệu này được xào chín, nêm nếm vừa ăn trộn cùng với bột mì, vo tròn và hấp cách thủy. Bánh củ cải tiều ăn kèm với nước mắm chua, rau thơm, giấp cá, húng lũi, quế và ít xà lách…

Bánh củ cải xếp

Bánh củ cải xếp (Ảnh – hoang_anh_2404)

Món bánh này do người Kinh chế biến. Nhân bánh được làm từ thịt nạc, tép đất, đậu xanh, củ cải trắng xắt sợi, nêm nếm gia vị vừa ăn, tất cả nguyên liệu này được xào chín. Sau khi bột được tráng mỏng, hấp chín, nhân bánh được cuộn vào bên trong và xếp lại theo hình nửa vòng tròn. Bánh được thưởng thức với nước mắm chua ngọt, một ít hành phi, rau thơm, dưa leo bằm sợi, giá…

Bánh củ cải xửng

Bánh củ cải xửng (Ảnh – matchamichi)

Có nguồn gốc từ người Khmer, nguyên liệu cũng từ bột gạo, tép đất, đậu xanh, củ cải trắng xắt sợi và nước cốt dừa. Chỉ cần trộn tất cả các nguyên liệu này cho vào một cái xửng, đậu xanh hột chín rải đều lên bề mặt bánh, hấp cách thủy cho đến khi bột bánh trong vắt, có mùi thơm ngậy là được.

Lẩu mắm

Đến Bạc Liêu, các bạn có thể thử món này ở Lẩu mắm Hồng Gấm (Ảnh – leanhdung1990)

Hầu hết khắp miền Tây đều có món ăn này, món ăn được làm từ mắm cá đồng, nấu cùng nước dừa. Các loại nguyên liệu ăn lẩu cũng vô cùng đa dạng từ các loại thủy hải sản, thịt ba chỉ, đậu hũ…các loại rau muống, rau cần, bắp chuối, bông bí, điên điển…

Đặc sản Bạc Liêu mua về làm quà

Thanh nhãn

Thanh nhãn Bạc Liêu (Ảnh – Thua Nguyen Minh)

Bạc Liêu có nhiều loại trái cây trong đó nổi tiếng nhất là Thanh Nhãn. Những trái Thanh Nhãn bóng tròn, bên trong là lớp thịt trắng dày, hạt nhỏ, ngọt lịm, giòn tan. Khi ăn du khách có thể vừa cảm nhận được vị ngọt dịu, vị thanh mát của trái Thanh Nhãn Bạc Liêu mà không nơi nào có được.

Mắm chua Vĩnh Hưng

Mắm chua không xương Vĩnh Hưng (Ảnh – Nguyễn Trung Kiên)

Cá để làm mắm chua chủ yếu là cá rô hoặc cá sặc đồng còn sống. Cá không cần lớn, chỉ khoảng chừng một đến hai ngón tay là được. Trải qua nhiều công đoạn tẩm ướp khá kỳ công những con mắm thơm ngon nức mũi, xương mềm tan. Khi ăn, gắp mắm chua ra dĩa, thêm vào một ít thịt heo ba chỉ luộc xắt mỏng và càng đặc sắc hơn khi ăn cùng với ổi xanh, khế chua, chuối chát, me xanh, khóm, dưa leo xắt mỏng, rau thơm, húng quế… Mắm chua khi ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn, cay cay, nồng nồng của riềng, của tỏi ớt, con mắm thì mềm từ thịt tới xương tan biến ngay trong miệng.

Khô cá

Khô cá lóc Bạc Liêu (Ảnh – Diễm Mi)

Nhiều loại đặc sản khô ở Bạc Liêu được chế biến từ cá như: khô cá sặc, cá lóc, khô cá lù đù, cá lưỡi trâu, cá đuối…mỗi loại khô mang một hương vị đặc trưng khác nhau. Đây cũng là thứ có thể mua về để làm quà cho gia đình và bạn bè sau mỗi chuyến đi.

Ba khía muối

Ba Khía muối (Ảnh – Nguyễn Mơ)

Đây là món ăn có nguồn gốc từ dân tộc Khmer. Ba khía có hình thù giống cua đồng, nhưng nhỏ hơn đôi chút và sống chủ yếu ở vùng nước mặn. Ba khía sau khi bắt xong, người dân sẽ xóc rửa cho sạch bùn đất rồi đổ vào lu, khạp có nước muối và đậy nắp kín lại. Từ khi muối cho đến lúc ăn được có thể 5-10 ngày. Chất lượng của ba khía phụ thuộc độ mặn của nước muối, bởi nếu nhạt quá thì ba khía sẽ hư nhưng mặn quá sẽ rụng càng, đen da, chát thịt… Đây là món mặn, được ăn kèm các món canh. Trước khi dùng, ba khía muối có thể được thêm một số gia vị như đường, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó

Rau năn bộp

Năn bộp là món ăn có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh miền Tây (Ảnh – Nguyệt Nhi)

Sở dĩ, có tên gọi như thế vì khi ta dùng tay vỗ nhẹ vào cọng năn sẽ phát ra tiếng kêu “bộp”. Năn bộp là loại rau sạch được mọi người ưa thích vì lạ miệng, giòn, có mùi thơm thoang thoảng đặc trưng. Năn bộp dùng để chế biến thành nhiều món ăn như: nhúng lẩu mắm, xào tép, nấu canh hoặc ăn sống chấm với nước cá để thưởng thức hương vị trọn vẹn của năn bộp Bạc Liêu.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Bạc Liêu
  • đặc sản Bạc Liêu làm quà
  • ăn gì khi du lịch Bạc Liêu
  • các quán ăn ngon ở Bạc Liêu
  • đến Bạc Liêu nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Bạc Liêu
  • ẩm thực Bạc Liêu
  • món ăn vặt Bạc Liêu
  • các món ăn vỉa hè ở Bạc Liêu
  • mua gì ở Bạc Liêu
  • Bạc Liêu có gì ngon

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 22 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bạc Liêu

BẠC LIÊU

Vị trí Bạc Liêu trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh thuộc duyên hải vùng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam.

Thế mạnh du lịch của Bạc Liêu là du lịch sinh thái, du lịch biển với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như vườn chim, vườn nhãn… đồng thời với những di tích lịch sử – văn hoá như: tháp cổ Vĩnh Hưng, Nọc Nạng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ngôi nhà Công tử Bạc Liêu, hệ thống đình, chùa… Ngoài ra, sự hấp dẫn của địa phương này còn ở những nét độc đáo trong ẩm thực, trang phục, lễ hội, dân tộc Việt và một bộ phận dân cư người Khmer, người Hoa.

Bạn có biết: Tuy không còn thịnh nhưng đây vẫn là vùng sản xuất muối lớn nhất miền Tây.

  • Diện tích: 2.669 km²
  • Dân số: 907.236 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 291
  • Biển số xe: 94