Nhiều cổ vật trong ngôi nhà Công Tử Bạc Liêu
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 1 tháng 11 năm 2024Cùng Phượt – Nhà Công tử Bạc Liêu được xây bằng các vật liệu chuyển từ Pháp về, bên trong vẫn lưu giữ nhiều cổ vật giá trị.
Nhà Công tử Bạc Liêu (tên thật là Trần Trinh Huy) ở số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây, được xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 thì hoàn thành. Đến nay, công trình tròn 100 năm tuổi nhưng vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và là điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Bạc Liêu.
Người dân địa phương thường gọi đây là “nhà Lớn”, do kỹ sư người Pháp thiết kế. Hầu hết vật liệu xây dựng được mang từ Paris về. Trải qua 100 năm nhưng nước sơn, nét vẽ vẫn còn nguyên vẹn.
Phần nhà bếp của căn nhà được cải tạo thành quầy bán vé cho khách quan. Trong nhà còn trưng bày nhiều đồ vật gắn liền với giai thoại của “Hắc công tử”.
Đây là chiếc ôtô được ông Trần Trinh Trạch mua năm 1930 tại Sài Gòn để đón con trai là Công tử Bạc Liêu đi du học Pháp trở về.
Hầu hết đồ vật trong nhà Công tử Bạc Liêu được bảo tồn nguyên vẹn. Nhiều đồ dùng như máy nghe nhạc, điện thoại bàn thậm chí vẫn còn hoạt động.
Trong nhà Công tử Bạc Liêu còn có giường nóng và giường lạnh. Giường lạnh làm từ gỗ sưa, khảm đá cẩm thạch được dùng vào mùa hè. Giường nóng làm từ gỗ giáng hương, có khả năng giữ ấm cho cơ thể được ông Trần Trinh Huy dùng vào mùa mưa.
Tất cả đồ vật trong nhà đều được trang trí hoa văn, chạm trổ tinh tế.
Nhà Công tử Bạc Liêu có hai tầng và một sân thượng. Cầu thang lên tầng hai được làm bằng đá cẩm thạch, chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn 9 bậc tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng trước đây là nơi cha của Công tử Bạc Liêu dùng để phơi tiền.
Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch và bà Phan Thị Muồi, con gái bá hộ Phan Văn Bì, người có đất ruộng nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu thời đó.
Hầu hết con của Công tử Bạc Liêu sinh sống ở nước ngoài. Riêng ông Trần Trinh Đức, 72 tuổi, con trai của ông Trần Trinh Huy hiện sống cách nhà của cha mình 3 km. Hàng ngày ông Đức đến đây, ngồi ký sách và giao lưu với du khách về cuộc đời của cha mình.