Về Bạc Liêu nhớ ăn cá nâu nấu mẻ

Về Bạc Liêu nhớ ăn cá nâu nấu mẻ

Cùng Phượt – Mỗi lần đặt chân đến vùng đất Mũi, Cà Mau hoặc Gành Hào, Bạc Liêu tôi đều được thưởng thức nhiều món độc chiêu của miền duyên hải, nhưng không hiểu sao cứ nhớ hoài món cá nâu nấu mẻ.

Về du lịch Bạc Liêu nhớ ăn cá nâu nấu mẻ

Cá nâu làm sạch – Ảnh: Hoài Vũ

Cá nâu còn gọi là cá dĩa beo vì trên mình có nhiều hoa văn như da beo. Thân cá dẹp, hình hơi tròn, đầu nhỏ, ngắn, vảy phủ khắp thân.

Cá sống ở môi trường nước mặn lẫn nước ngọt và lợ. Cá nước ngọt nhỏ con, thịt dai, còn cá nước mặn thì to con hơn, thịt mềm, béo, dẻ và thơm ngon.

Loài cá này thích ăn rong, tảo trong thiên nhiên nên thịt cá ít tanh. Đặc biệt cá trống mình có nhiều hoa văn trông rất ấn tượng.

Với tôi, loại cá nầy ngon đến nỗi… ám ảnh, hễ nhìn thấy con cá có hoa văn thật đẹp đó là không sao cưỡng lại được.

Cá nâu có thể chế biến thành nhiều món ngon như chiên tươi hoặc muối chiên, kho hoặc gói lá chuối nướng chấm muối ớt chanh cũng khó có món nướng nào qua mặt nổi. Nhưng có một món nữa được xếp vào hàng “cao cấp”, đó là món cá nâu nấu mẻ.

Muốn làm món này, người ta chỉ chọn những con cá con tươi chưa ướp lạnh, vì cá ướp lạnh lâu ngày thịt sẽ bở, mất béo, không ngon.

Cá nâu tươi sống – Ảnh: Hoài Vũ

Các loại rau ăn kèm với lẩu (Ảnh – Hoài Vũ)

Cá để nấu mẻ thích hợp nhất là loại khoảng 300g/con, đem về cạo vảy, làm sạch, để cho ráo nước trước khi nấu.

Có nhiều cách nấu lẩu chua như nấu với bần, trái giác, me non, chanh, trái giấm, xoài… nhưng hình như cá nâu có duyên với cơm mẻ.

Chính nước cơm mẻ sẽ giúp thịt cá có màu trắng, thơm ngon, mềm nhưng không bở. Đặc biệt, nước súp có vị chua, cay, mặn, ngọt thanh tao, càng ăn càng thấy ghiền.

Cũng như các nồi lẩu khác, món này ngon hay không một phần nhờ tài nêm nếm của đầu bếp, nhất là cách sử dụng gia vị sao cho thơm ngon và kích thích được vị giác.

Lẩu chua cũng không thể thiếu ớt, sả và rau thơm. Sả giúp cá mất mùi tanh, ớt kích thích vị giác. Còn ngò gai, quế đất sẽ giúp nồi canh chua thăng hoa, mùi vị đậm đà, ăn đứt các món lẩu khác.

Cá nâu nấu mẻ (Ảnh – Hoài Vũ)

Cá nâu nấu mẻ có thể dùng trong bữa ăn chính, cũng có thể ăn kèm với bún và rau tươi như bông súng, bông so đũa, bông điên điển, bồn bồn… Ngon tuyệt!

Theo Hoài Vũ / Tuổi Trẻ

5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bạc Liêu

BẠC LIÊU

Vị trí Bạc Liêu trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh thuộc duyên hải vùng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam.

Thế mạnh du lịch của Bạc Liêu là du lịch sinh thái, du lịch biển với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như vườn chim, vườn nhãn… đồng thời với những di tích lịch sử – văn hoá như: tháp cổ Vĩnh Hưng, Nọc Nạng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ngôi nhà Công tử Bạc Liêu, hệ thống đình, chùa… Ngoài ra, sự hấp dẫn của địa phương này còn ở những nét độc đáo trong ẩm thực, trang phục, lễ hội, dân tộc Việt và một bộ phận dân cư người Khmer, người Hoa.

Bạn có biết: Tuy không còn thịnh nhưng đây vẫn là vùng sản xuất muối lớn nhất miền Tây.

  • Diện tích: 2.669 km²
  • Dân số: 907.236 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 291
  • Biển số xe: 94