Các món ăn ngon ở Đắk Nông

Các món ăn ngon ở Đắk Nông (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt- Đắk Nông,  nơi hội tụ của hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa riêng bởi vậy các món ăn ngon ở Đắk Nông tương đối đa dạng. Với các dân tộc M’Nong, Mạ, Ê Đê các món ăn được chế biến khá đơn giản, chủ yếu là luộc, nướng hoặc nấu canh. Điều dễ nhận thấy là các món đều có sự kết hợp giữa các nguyên liệu với nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng. Ngoài ra còn có đồng bào các dân tộc phía Bắc vào Đắk Nông lập nghiệp, sinh sống và mang theo những món ăn đặc sản của dân tộc mình, tạo nên sự phong phú của ẩm thực trên vùng đất mới.

Mâm cơm truyền thống của người Ê đê ở Đắk Nông (Ảnh – H’Mai)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả H’Mai, mcvietthao, Mỹ Hằng, Điểu Sríp Castro, long.ha.saigonese, Dung Vo, Phát Lê, H’Mai, Son Nalee, Thylong Ha, leancoffee1217, Hoang Quỳnh Oanh‎, Thúy Vân Nguyễn, thuytien.nguyen07, nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Cá lăng sông Serepok

Lẩu cá lăng sông Serepok ở Buôn Ma Thuột (Ảnh – mcvietthao)

Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Ăn lẩu cá Lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng. Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.

Muối kiến vàng

Muối kiến vàng ở Đắk Nông (Ảnh – Mỹ Hằng, )

Muối kiến vàng là một trong những món ăn ưa thích được đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê sử dụng trong bữa ăn thường ngày. Cách chế biến cũng khá đơn giản với nguyên liệu chính là kiến vàng (một loại kiến sống bám từng tổ trên cây). Sau khi bắt kiến về để cả tổ ngâm vào nước nóng hoặc bỏ vào chảo rang cho kiến chết, vớt kiến ra để ráo rồi rang chung với muối hạt và ớt xiêm. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà cho ớt, muối nhiều hay ít. Khi muối khô và kiến đã chín thơm thì đổ vào cối giã cho đều, bỏ vào hộp dùng trong nhiều ngày…

Canh thụt

Món canh thụt nấu trong ống (Ảnh – Điểu Sríp Castro)

Món canh thụt gồm có những nguyên liệu: lá bép, đọt mây, cà đắng, cá suối hoặc thịt và các gia vị kèm theo như mắm, ớt, muối, bột ngọt và đường… Trước khi nấu bà con chặt một ống lồ ô có lóng dài, gọt đẽo phần đầu ống cho khéo, sao cho nấu canh thụt nước không bị chảy ra ngoài. Việc chọn ống lồ ô là một bí quyết, nếu chọn cây già quá sẽ bị nứt, hoặc cây non thì canh sẽ không ngon… sau khi chế biến những nguyên liệu trên, bà con cho tất cả vào ống lồ ô và dựng ống nghiên trên đống lửa. Trong lúc nấu, một mặt vừa quay tròn ống cho thật đều lửa và dùng một chiếc đũa để thụt cho các thành phần của món canh nhuyễn và đều với nhau, động tác thụt ống còn khiến cho hơi thoát ra ngoài. Món canh có ngon hay không phụ thuộc nhiều vào hai việc trên. Có lẽ chính động tác này mà món canh có tên gọi như vậy. Thường thì ống canh thụt chỉ dài độ nửa mét trở lại. Trong các dịp lễ hội cần nhiều thì bà con nấu làm nhiều ống. Thời gian để canh chín thời gian khoảng từ 60 – 90 phút. Sau khi canh chín bà con cho ra bát hoặc lá chuối cũng được vì món canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, khi ăn món canh này có rất nhiều vị đắng, cay, bùi, béo…

Gỏi cà đắng cá khô

Gỏi cà đắng cá cơm khô (Ảnh – long.ha.saigonese)

Nhiều người nói đùa, rằng đặc sản của người Tây Nguyên thường là “hương biển giữa rừng” cũng đúng. Gỏi là biến tấu giữa cà đắng đặc sản vùng núi rừng Tây Nguyên với khô cá cơm của biển và chỉ có lên núi.

Khâu nhục

Món khau nhục (Ảnh – Dung Vo)

Khâu nhục là món ăn truyền thống của dân tộc và luôn có mặt trong các mâm cỗ của gia đình, dòng họ của người Hoa ở Đắk Ru (Đắk R’lấp). Các bạn nếu thường đi đến một số tỉnh vùng Đông Bắc như Cao Bằng hay Lạng Sơn chắc sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy món ăn này.

Bánh cuốn Tày

Bánh cuốn ở Cư Jút, Đắk Nông (Ảnh – Phát Lê)

Tại Đắk Nông, đồng bào Tày sinh sống ở hầu hết các huyện, thị xã, nhưng định cư nhiều nhất là ở Cư Jút và Krông Nô. Đồng bào Tày có nhiều món ăn ngon, chế biến cầu kỳ, song phổ biến nhất là món bánh cuốn. Trước đây, món bánh cuốn chủ yếu được các gia đình tự chế biến để thưởng thức trong những ngày nông nhàn hay những lúc mưa gió không thể lên nương, rẫy.

Bánh giầy

Bánh giầy trên mâm cúng thần linh sau một vụ mùa của người Tày (Ảnh – H’Mai)

Bánh giầy là món ăn dân gian được làm bằng xôi giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có nhân bên trong. Loại bánh này thường được người Tày làm vào dịp lễ, tết, cúng mừng vụ lúa mới, lễ cưới hoặc là lúc có khách quý tới chơi nhà…

Pẻng Tải

Pẻng Tải hay còn gọi là bánh gai của người Nùng (Ảnh – Son Nalee)

Đây là một món ăn truyền thống của người Nùng, các loại “pẻng tải” đều được gói bằng lá chuối phơi khô, hấp trong khoảng 30 phút là chín. Sau khi hấp chín, người ta lấy tăm tre xâu bánh thành từng đôi, treo lên sào nứa nơi góc nhà thoáng mát, để được 3 – 5 ngày không hỏng mốc, ôi thiu. Bánh có vị ngọt thanh của đường, sự dẻo thơm của nếp và ngọt bùi của nhân đậu.

Thịt gác bếp

Phụ nữ Dao ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) dùng thịt hun khói chế biến thành các món ăn hằng ngày (Ảnh – H’Mai)

Món thịt khô không chỉ là một trong những cách bảo quản thịt hữu hiệu mà trở thành đặc sản ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số. Món ăn phần nào nói lên được phong tục và đời sống sinh hoạt thường ngày của các dân tộc. Với cách “xông khói” trên gác bếp đã làm cho những miếng thịt thơm ngon lạ lùng.N gày nay, thịt khô gác bếp trở thành món ăn đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc và cả du khách.

Cá bống Hồ Tây Đắk Mil

Hồ Tây có loại cá bống cơm sinh sôi nảy nở nhanh. Loại cá này thịt rất thơm, ngon, nổi tiếng nhất là món kho tộ. Cá được ướp kỹ gia vị, để một thời gian khoảng 30 đến 40 phút rồi cho vào nồi đất đun đến vừa cạn nước, gia vị quyện dính khiến con cá có màu hổ phách là được. Nhiều nhà hàng, quán cơm ở thị trấn Đắk Mil đều không thể không có món đặc trưng này.

Canh chua kiến vàng

Món canh chua đặc biệt của người Ê đê (Ảnh – H’Mai)

Từ lâu, người Ê đê nơi đây dùng kiến vàng chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng rất độc đáo, ngon miệng. Trong đó phải kể đến món canh chua kiến vàng, được xem là món ăn truyền thống, đặc sản của người Ê đê. Để làm được món canh này phải có các nguyên liệu chính gồm kiến vàng, các loại tôm, cá, cua sông, hoa “djam tang”, ngò gai, nén, gia vị. Người thưởng thức món canh chua kiến vàng nấu hoa “djam tang” sẽ có được ấn tượng khó phai. Vị chua đặc biệt của kiến vàng kích thích vị giác của người nếm. Vị béo ngậy của trứng kiến khiến món ăn càng trở nên lạ miệng, hấp dẫn. Mùi thơm của món ăn đưa hơi cùng vị ngon ngọt từ các nguyên liệu sạch dưới lòng sông Sêrêpốk càng trở nên thú vị.

Quả núc nác

Gỏi núc nác là món ăn yêu thích của đồng bào (Ảnh – Mỹ Hằng)

Các món ăn làm từ quả núc nác không phải ai cũng ăn được, vì nó có vị hơi đắng và hăng. Những ngọn non được luộc chấm cùng nước cốt chanh, hay quả núc nác có thể chế biến làm món xào, luộc, nấu canh nhưng ngon nhất vẫn là món gỏi. Để có món ăn ngon chế biến từ núc nác, đồng bào thường chọn hái những quả non độ “bánh tẻ”, chưa già, có màu xanh nhạt.

Cơm lam người Mạ

Các bạn có thể thưởng thức cơm lam khi đến các khu du lịch nổi tiếng ở Đắk Nông (Ảnh – Thylong Ha)

Từ xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Mạ nói riêng có tập quán du canh du cư, sinh sống trên nương rẫy nên thường tận dụng, sáng tạo những nguyên liệu và dụng cụ thô sơ từ rừng để chế biến thức ăn. Cơm lam cũng xuất phát từ đó.

Gạo được cho vào ống lồ ô, tre, dùng nước ở con suối, vách đá chảy ra nấu thành cơm ngay tại rừng. Cách làm cơm này vô cùng đặc sắc vì gạo được nấu trong ống cây bịt kín, giữ nguyên mùi hương và không mất đi chất dinh dưỡng. Đối với người Mạ ở Đắk Nông, cơm lam là món ăn phổ biến và không thể thiếu trong các dịp lễ, hội.

Đặc sản Đắk Nông mua về làm quà

Cà phê Đắk Nông

Cà phê không chỉ là đặc sản Đắk Nông mà còn của khắp vùng Tây Nguyên (Ảnh – leancoffee1217)

Không chỉ Đắk Nông mà có lẽ cà phê là đặc sản của toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên do đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu. Cà phê của vùng đất này luôn thơm ngon và là một trong những sản phẩm không thể thiếu khi du khách muốn mua về làm quà.

Bơ sáp Đắk Nông

Bơ sáp được trồng rất nhiều ở Đắk Nông (Ảnh – Hoang Quỳnh Oanh‎)

Ở Việt Nam ,bơ được trồng ở nhiều nơi trong cả nước nhưng nổi tiếng nhất vẩn là bơ sáp Tây Nguyên. Có thể Bơ ở đây phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng đất đỏ bazan nên Bơ Tây Nguyên sớm trở thành món đặc sản vùng miền của vùng đất Cao Nguyên này. Hiện bơ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng các loại trái cây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Hạt mắc ca

Hạt mắc ca sấy (Ảnh – Thúy Vân Nguyễn)

Là một loại hạt du nhập vào Việt Nam và được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, hạt mắc ca mang nhiều giá trị dinh dưỡng và thường được người dân mua về sử dụng trong những dịp Tết. Ở Đắk Nông, sản phẩm mắc ca nổi tiếng nhất được trồng ở Tuy Đức.

Rượu cần

Rượu cần là thứ thường gặp trong các lễ hội ở Tây Nguyên (Ảnh – thuytien.nguyen07)

Rượu cần là sự đúc kết tri thức, kế thừa và tiếp nối bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ của đồng bào thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê ở Tây Nguyên trong đó có Đắk Nông. Nguyên liệu chính làm cái rượu có thể dùng ngô, sắn, gạo nếp, gạo tẻ, hạt bo bo… nhưng ngon nhất vẫn là gạo nếp, thường được dùng trong những dịp đặc biệt. Men để ủ rượu phải được làm từ vỏ và lá cây rừng… Phương pháp làm rượu đơn giản, gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng rồi phơi; giã nhỏ men rượu rắc lên trên nia cơm, sau đó trộn thêm một lần trấu nữa rồi đổ vào ché trấu ủ, dùng lá cây rừng hoặc lá chuối khô ủ kín…

Nấm mối rừng

Nấm mối rừng (Ảnh – Mỹ Hằng)

Ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, khi mùa mưa đến cũng là lúc nhiều người dân lại hăm hở lên nương rẫy tìm nấm mối về ăn và bán. Nấm mối có vị ngọt, khi chế biến thành món ăn thì thân nấm vừa giòn vừa dai, mũ nấm rất mềm.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Đắk Nông
  • đặc sản Đắk Nông làm quà
  • ăn gì khi du lịch Đắk Nông
  • các quán ăn ngon ở Đắk Nông
  • đến Đắk Nông nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Đắk Nông
  • ẩm thực Đắk Nông
  • món ăn vặt Đắk Nông
  • các món ăn vỉa hè ở Đắk Nông
  • mua gì ở Đắk Nông
  • Đắk Nông có gì ngon

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 24 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Đắk Nông

ĐẮK NÔNG

Vị trí Đắk Nông trên bản đồ Việt Nam

Đắk Nông là một tỉnh mới thành lập, được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, với khí hậu ôn hòa và giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng 40 dân tộc anh em, du lịch Đắk Nông có nhiều tiềm năng là lợi thế trong việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với các giá trị văn hóa lâu đời của cộng đồng.

Bạn có biết: Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, với độ cao trung bình từ 600 mét đến 700 mét so với mặt nước biển, cao nhất là ở Tà Đùng với độ cao lên đến 1.982 mét.

  • Diện tích: 6.509,29 km²
  • Dân số: 622.168 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 7 huyện
  • Vùng: Tây Nguyên
  • Mã điện thoại: 0261
  • Biển số xe: 48