Lễ cưới người Phù Lá ở Mường Khương, Lào Cai

Lễ cưới người Phù Lá ở Mường Khương, Lào Cai

Cùng Phượt – Qua những bức ảnh của tác giả Thành Thế Vinh các bạn sẽ được tìm hiểu về lễ cưới của người Phù Lá ở Tả Gia Khâu, Mường Khương, Lào Cai.

Biển mây Mường Khương (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Đám cưới người Phù Lá diễn ra trong 3 ngày:

  • Ngày thứ 1 là nghi thức nộp lễ vật theo tục lệ cổ truyền nhà trai sẽ mang 110kg thịt lợn, 100 lít rượu, 40 kg gạo, 40 kg đậu tương, 7 bộ quần áo, 2 dây truyền bạc, 2 chỉ vàng cùng một số vật dụng khác để thực hiện nghi thức.
  • Ngày thứ 2: đám cưới được tổ chức tại nhà gái, đoàn đón dâu của nhà trai gồm 9 người, trong đó có 2 ông bà mối, 2 người thợ kèn, cùng em trai chú rể và “những người bạn” sẽ dắt ngựa đi đón dâu. Đoàn nhà trai sẽ ngủ lại nhà gái để trao đổi, tâm sự..những người thổi kèn Pí Lè truyền thống đi theo sẽ tấu lên những làn điệu lúc vui tưng bừng, lúc buồn da diết như biểu đạt tâm trạng của cô dâu trước khi về nhà chồng.
  • Ngày thứ 3: Sáng sớm gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một mâm cỗ mời đoàn nhà trai ăn uống rồi làm thủ tục xin dâu. Đến giờ “vàng” bà mối sẽ dắt cô dâu ra chào bố mẹ, ông bà cùng toàn thể gia đình. Sau đó anh trai sẽ cõng cô dâu lên yên ngựa để em trai chú rể dắt ngựa đón chị dâu về nhà. Dọc đường về nhà chồng đội kèn luôn phải đi trước để dẫn đầu đoàn rước dâu với vai trò xua đi mọi sự cản trở trên đường để cô dâu về nhà chồng trong sự may mắn, bình an và còn thể hiện sự uy nghi của nhà trai trong lễ đại hỷ của gia đình.

Ảnh – Thành Thế Vinh

Nhà trai chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái gồm rượu thịt, đậu tương, gạo. Trong đó có 110kg thịt lợn để nhà gái làm cỗ mời anh em họ hàng trong bản tới dự tiệc cưới

Lợn được cạo sạch lông rồi khiêng trên đòn gỗ mang sang làm lễ vật cho nhà gái (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ảnh – Thành Thế Vinh

Đoàn nhà trai có 6 người đại diện, người khiêng lợn, người bê rượu, người vác gạo vác đậu xếp thành đội hình hiên ngang sang nhà gái…Theo truyền thống của người Phù Lá khi nhà trai mang đồ lễ tới thì phía bên nhà gái sẽ té nước với mong muốn hai vợ chồng hạnh phúc, mưa thuận gió hòa

Một khung cảnh rộn ràng, ấn tượng …đoàn 6 người nhà trai ai cũng bị hắt ướt đẫm …..(Ảnh – Thành Thế Vinh)

Phía gian bếp ông bà nội cô dâu cũng chuẩn bị quần áo mũ mão chỉnh tề để đón tiếp nhà trai (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Đoàn nhà trai mang lễ vật tới trước sự đón tiếp của gia đình nhà gái (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Thiếu nữ Phù Lá (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Chú ruột cô dâu hoan hỉ với cống vật của nhà trai (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ảnh – Thành Thế Vinh

Sau khi đoàn nhà trai mang lễ vật tới rồi ra về, những người phụ nữ bên nhà gái sẽ chuẩn bị bếp núc làm đậu và nấu cỗ chuẩn bị cho buổi sáng hôm sau

Phụ nữ Phù Lá (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Phụ nữ vừa việc làm, họ vừa nấu ăn và chăm sóc con cái. Những người dân ở bản Pạc Tà rất thân thiện và mộc mạc (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ảnh – Thành Thế Vinh

Ngày thứ 2, đám cưới tổ chức tại nhà gái, đoàn đón dâu của nhà trai với hai ông bà mối sẽ mang lễ vật trong đó có vàng, dây truyền bạc, đôi hài, chăn bông, mũ và chiếc ô đen đến để hôm sau đón dâu cô dâu sẽ dùng chiếc ô mới che mặt trên đường về nhà chồng

Té nước lần 2, đây là phong tục nên hiếm có chuyện được ….bỏ qua (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Những người thổi kèn đi đầu và cũng hứng đủ nước từ gia đình họ hàng nhà gái (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ông bà mối đại diện cho nhà trai sẽ bước vào đầu tiên để bàn giao lễ vật cho gia đình nhà gái (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Lễ vật rất gồm nhiều thứ, từ 2 chỉ vàng, 4 triệu tiền giấy, dây chuyền bạc, mũ truyền thống, quần áo, chăn chiếu… (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Sự kiện thu hút rất đông từ họ hàng đến hàng xóm nhà cô dâu tới xem giây phút bàn giao lễ vật (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Chú họ cô dâu ở nhà kế bên đang đại diện cho bên nhà gái “kiểm định chất lượng” (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ảnh – Thành Thế Vinh

Sau khi bàn giao xong toàn bộ lễ vật, đoàn nhà trai sẽ được gia đình nhà gái mời cơm phía bên trong nhà, còn ở ngoài lễ cưới tổ chức bên nhà gái đã được gia đình chuẩn bị xong xuôi để mời gia đình, họ hàng và những người ở trong bản. trong hình là chiếc Mo gỗ rất độc đáo của người Phù Lá mỗi một Mo là đủ một mâm cỗ, có chiếc Mo này đồ đạc bên trong sẽ không bị rơi dớt khi đi trên địa hình đồi núi.

Sau khi sắp đầy thức ăn vào chiếc mo gỗ thì những người phụ nữ Phù Lá sẽ bưng lên phía nhà trên để mời khách (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Các phù dâu đều đã sẵn sàng lên đường đưa cô dâu về nhà chồng (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Cô dâu 18 tuổi đã xuất hiện để trang điểm sau đó sẽ đứng cùng bà mối, anh trai chào bố mẹ, gia đình (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Cô dâu đeo vải đỏ, đeo gương trước ngực và sau lưng để phản chiếu ma quỷ, xua đuổi tà ma để đoàn đưa đón dâu gặp nhiều may mắn (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Anh trai cô dâu sẽ bế lên ngựa sau đó trùm ô đen suốt dọc đường đi (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ảnh – Thành Thế Vinh

Đoàn người đưa cô dâu về nhà chồng (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Mẹ cô dâu ngấn lệ khi con gái về nhà chồng, bà cũng như bao người mẹ khác gửi gắm những nỗi niềm chôn dấu qua cảm xúc này (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ảnh – Thành Thế Vinh

Khi đoàn đón dâu về đến nhà chồng thầy cúng sẽ thắp hương làm lễ cúng thần rừng, thần thổ địa là cô dâu Lồ Dìn Khoảng giờ đã là người nhà họ Giàng.

Một người nhà chú rể sẽ cắt tiết con gà rồi vẩy ra bốn góc xung quanh rồi ném con gà ra đường đi (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Trước khi chính thức bước vào nhà chồng, ông mối sẽ lấy yên ngựa xuống để trước cửa để cô dâu bước qua. (Ảnh – Thành Thế Vinh)

Ảnh – Thành Thế Vinh

Chú rể chờ cô dâu ở gian chính nhà thầy cúng sẽ dẫn cô dâu chú rể cùng phù dâu phù rể bước vào lễ tổ tiên và vái ra ngoài cửa rồi thực hiện xem ai vào buồng cưới trước. Nếu vợ vào trước vợ sẽ làm chủ, chồng vào trước sẽ làm chủ gia đình.

Và rất nhanh sau khi động tác lễ kết thúc cô dâu Lồ Dìn Khoảng đã nhảy rất nhanh vào phòng cưới trước..và theo như phong tục của người Phù Lá thì cô ý sẽ là người làm chủ gia đình.

Ảnh – Thành Thế Vinh

Sau khi vào buồng cưới chú rể sẽ tháo khăn đỏ cùng gương trước sau cho cô dâu trước sự hân hoan của mọi người.
Chúc chú rể Giàng Sín Phà và cô dâu Lồ Dìn Khoảng sẽ bên nhau hạnh phúc.

Nguồn : Facebook tác giả Thành Thế Vinh
Link bài viết gốc tại đây

5/5 - (4 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Lào Cai

LÀO CAI

Vị trí Lào Cai trên bản đồ Việt Nam

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Với 25 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa, về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa. Việc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cùng phối hợp tiến hành khai thác Du lịch về cội nguồn chính là phát huy thế mạnh này và đã thu hút được dự quan tâm của du khách.

Bạn có biết: Đỉnh núi Fansipan thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, Lào Cai có độ cao 3143m là đỉnh núi cao nhất Việt Nam.

  • Diện tích: 6.383,9 km²
  • Dân số: 656.900 người
  • Vùng: Tây Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố 1 thị xã 7 huyện
  • Mã điện thoại: 214
  • Biển số xe: 24