Các món ngon tại Sapa

Các món ngon tại Sapa (Cập nhật 12/2024) | Đặc sản Sa Pa làm quà

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 16 tháng 11 năm 2024

Cùng Phượt – Sapa không những nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp mà còn có vô vàn những món ăn ngon thu hút du khách khi tới đây. Sự hấp dẫn của Sapa không chỉ được tạo nên từ cảnh quan, khí hậu, con người mà còn được tạo nên từ ẩm thực. Ẩm thực Sapa thực sự rất đặt biệt, nó tạo nên nét đặc trưng riêng có của vùng đất nơi đây. Cùng Phượt sẽ giới thiệu với các bạn các món ăn ngon tại Sapa cùng những đặc sản Sapa có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè nhé.

Ẩm thực là một trong các yếu tố khiến du lịch Sa Pa hấp dẫn (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Thanh Thanh Thúy, Đỗ Thị Mai Hương, Ngoc Tram Nguyen phan_hungg, hoanghoathon, Minh Tan, Diệp Chi, Trang Anh Đoàn và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Đồ nướng Sa Pa

Thưởng thức đồ nướng trong cái lạnh của Sa Pa luôn mang lại một cảm giác rất lạ (Ảnh – cungphuot.info)

Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của du khách trong những ngày du lịch dài ngày tại đây, thì đồ nướng Sa Pa đang trở thành một “thương hiệu” rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác. Nhiều khách du lịch nói rằng “Nếu đến Sa Pa mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Sa Pa”. Không phải chỉ ở Sa Pa mới có các món đồ nướng, thế nhưng có lẽ do sự ưu đãi của khí hậu trong trẻo mát lành và thơ mộng của đất trời tự nhiên, đồ nướng Sa Pa luôn mang đến cho người thưởng thức một hương vị hết sức riêng biệt, không có bất cứ ở một địa phương nào. Dường như ở nơi đất trời và núi rừng đều vời vợi cao này, mỗi món đồ nướng dẫu dân dã, bình thường cũng thẩm thấu được tinh hoa của đất trời, khiến người thưởng thức phải trầm trồ, xuýt xoa về hương vị thơm ngọt ngon, thơm bùi riêng biệt của từng món.

Thịt bò cuốn rau cải Mèo

Thịt bò cuốn cải mèo (Ảnh – cungphuot.info)

Thịt bò được thái lát mỏng, tẩm ướp với gia vị rồi cuộn với rau cải mèo ở bên trong, tất cả thành 1 xiên rồi nướng trên than hồng. Vị ngọt của thịt bò và vị ngăm ngăm đắng của rau cải mèo pha trộn với một chút vị cay từ tương ớt sẽ khiến các bạn khó mà dứt ra được.

Cơm lam nướng

Cơm lam là món ăn phổ biến mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở vùng cao, về nguyên tắc thì cơm được nướng từ khi gạo còn sống nhưng thực tế hiện nay đa phần cơm lam đã được nấu chín trước bằng nồi, chỉ được cho vào ống để nướng lại cho nóng. Món này chấm với muối vừng để ăn kèm với các loại đồ nướng cho đỡ ngán.

Thịt lợn tẩm gia vị nướng

Thịt được xâu thành từng xiên hoặc để cả miếng to để nướng, khi ăn sẽ thái nhỏ ra (Ảnh – cungphuot.info)

Thịt lợn có thể thái nhỏ rồi xiên thành các xiên hoặc để nguyên cả miếng ba chỉ, tất cả được tẩm ướp trước, sau khi khách lựa chọn thì mới mang đi nướng.

Chân gà, cánh gà nướng

Chân, cánh gà nướng (Ảnh – cungphuot.info)

Chân, cánh gà được tẩm uớp sẵn các loại gia vị hay mật ong rồi nướng trực tiếp trên than hồng. Dưới cái không khí se lạnh của Sa Pa bạn sẽ dễ dàng đánh bay một vài chiếc cánh hay dăm chục chiếc chân gà nướng.

Trứng nướng

Quả trứng, một loại thực phẩm đơn giản có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, ở cái tiết trời man mát se lạnh của Sa Pa, quả trứng nướng cũng mang lại cảm giác ngọt, đậm đà hơn nhiều so với ăn trứng ở dưới xuôi.

Cá suối nướng

Ăn cá suối Mường HOa chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.

Dạ dày nướng

Ảnh – cungphuot.info

Một đĩa dạ dày, phèo nướng giòn cùng chén rượu cay nồng là đủ để xua cái lạnh tê tái và đắm chìm trong không gian yên bình, tĩnh lặng của phố núi lúc về đêm.

Các loại nấm nướng

Đậu nướng (Ảnh – cungphuot.info)

Rau, đậu và các loại nấm tương tự thịt cũng được xiên thành từng xiên, nướng trên than hoa để ăn kèm với các món thịt nướng.

Cải mầm đá

Rau cải mầm đá (Ảnh – Thanh Thanh Thúy)

Món cải mầm đá không được bán nhiều tại thị trấn sương mù này vì loại hiếm, mọc trên đỉnh núi đá cao và chỉ phát triển vào mùa lạnh. Vào cuối năm, khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 dương lịch là mùa cải mầm đá, món ngon không phải ai cũng biết nhưng đã một lần thưởng thức sẽ muốn ăn thêm và mua về.

Cách chế biến cải mầm đá phổ biến nhất là luộc, nhưng thực ra chỉ cần nhúng sơ qua là các ngồng cải đã có thể ăn được. Cải mầm đá có thể chấm với nước mắm trứng hoặc với vừng lạc. Đây là cách chế biến quen thuộc của những người thích thưởng thức hương vị thuần khiết nhất của món cải.

Nhưng xào cải mầm đá mới được nhiều người ưa chuộng, nhất là xào với thịt trâu. Khi luộc, vị ngọt của cải tiết ra nước, nhưng khi xào, vị ngọt ấy ngấm ngược vào thịt trâu. Khi xào chỉ cần tuân thủ theo lối ăn “sần sật, giòn giòn chín tới” của cải mầm đá là đã có một món ăn thật tuyệt. Vì vậy, khi xào lửa phải vừa, tay đảo nhanh, liên tục. Cải mầm đá đặc biệt xào với mỡ lợn ngon hơn hẳn với dầu ăn. Miếng cải xanh non bóng mỡ, ăn không ngấy ngán mà ngọt lịm, càng ăn càng thích thú.

Mèn mén Sa Pa

Mèn mén (bột ngô) được bán ở Sa Pa (Ảnh – Đỗ Thị Mai Hương)

Sau vụ thu hoạch ngô được phân loại, phơi khô cả vỏ đưa lên gác xép, xếp thành hàng, để dùng dần. Ngô được tẽ ra, quạt sạch rồi say nhỏ bằng cối đá. Xay ngô đòi hỏi sự công phu và tốn thời gian. Khi xay phải có hai người, một người kéo tràng, một người đứng bỏ hạt. Ngô xay ra đảm bảo nhỏ hơn hạt tấm, đều để dễ đồ. Khi đồ cho bột ngô vào chõ, rắc đều một chút nước đậy kín, đặt lên chảo nước rồi đun chờ có mùi thơm toả ra là cơm chín. Cẩn thận hơn, người ta làm đồ hai lượt. Lượt thứ nhất chưa chín hẳn. Đổ ra xảo, đánh tơi, chờ nguội bớt, rồi rẩy chút nước, cho lại vào chõ đồ lượt thứ hai. Cơm bột ngô háp người ta quen gọi là mèn mén.

Gà đen Sa Pa

Gà đen nướng (Ảnh – Ngoc Tram Nguyen)

Gà đen là một giống gà quý hiếm, đặc điểm nổi bật của giống gà này là thịt, xương có màu đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt săn chắc, thơm ngon. Thịt gà đen, xương đen, không những có tác dụng tăng cường sinh lực mà còn có hương vị và có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa bệnh tim mạch. Gà đen khi ăn thịt thơm ngọt là đặc sản nổi tiếng của Sa Pa.

Cá hồi

Lẩu cá hồi Sa Pa (Ảnh – phan_hungg)

Dù được nuôi ở nhiều nơi nhưng đến nay trại nuôi cá hồi Sapa vẫn là đơn vị thành công nhất. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã có dịp khám phá, tìm hiểu về quy trình nuôi cá hồi, được tận mắt ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội ngay dưới chân Thác Bạc. Sự có mặt của những chú cá hồi vân giữa núi rừng Tây Bắc khiến cho sản phẩm du lịch Sapa trở nên hấp dẫn hơn, đa dạng hơn. Trại nuôi cá ngay dưới chân Thác Bạc là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm nhất, bởi nơi đây gần điểm du lịch và nằm ngay dưới chân Phan Xi Păng nên rất tiện dừng chân.

Ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, những chú cá hồi vân có xuất xứ từ Châu Âu, Châu Mỹ được chăm sóc rất “chu đáo” trong những cái ao nhân tạo. Đặc điểm sinh tồn của cá hồi vân là sống trong môi trường “nước động”, nhiệt độ thấp dưới 15 độ nên toàn bộ nước trong các ao đều được dẫn bởi 1.000m đường ống từ Thác Bạc về trại cá.

Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi đang là món ăn sang trọng của du khách khi đến với Sapa. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, cá hồi Sapa có thớ săn, không có mỡ, chất lượng không thua kém cá hồi nhập khẩu, rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như: gỏi, lẩu, cháo, cá hồi nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột…

Thắng cố

Thắng cố là món ăn nổi tiếng của người dân vùng cao (Ảnh – hoanghoathon)

Thắng cố là món ăn truyền thống của dân tộc Mông ở vùng Bắc Hà, Mường Khương. Tuy nhiên theo năm tháng món ăn này được hầu hết các tộc người bắt trước và biến tấu đi nhiều. Tuy nhiên nó vẫn mang hương vị và nguyên liệu đặc trưng là nôi tạng, xương của ngựa, bò, lợn. Thắng cố được nấu kèm với rất nhiều những loại thảo dược thường tại các buổi chợ phiên thì người ta nấu thắng cố trong một cái nồi lớn cho hàng chục người ăn, ninh nhừ trong vài giờ đồng hồ, khi ăn thì múc ra những tô nhỏ. Ăn thắng cố nhâm nhi cùng ly rượu ngô, rượu táo mèo chắc chắn sẽ mang lại cho du khách một trải nghiệm thú vị khó quên.

Lợn bản

Hay còn được gọi lợn cắp nách, lợn được thả rông từ lúc mới đẻ khoảng một năm mới nặng chừng 20kg, người dân có thể dắt lợn hay cắp nách đem ra chợ bán nên mới có cái tên như vậy. Dưới bàn tay khéo léo của đầu bếp thịt lớn cắp nách được đem hấp, quay, nướng… món nào cũng ngon khó cưỡng. Thớ thịt dầy, ròn ngọt, vị đậm đà, đặc biệt là không ngấy chút nào. Ở Sa Pa, có nhiều nhà hàng phục vụ món này, nếu đi đông các bạn có thể đặt làm nguyên một con nhỏ, nếu không trong thực đơn các nhà hàng cũng luôn sẵn có phục vụ các khách lẻ.

Một số đặc sản Sa Pa mua về làm quà

Một số loại đặc sản Sa Pa (Ảnh – cungphuot.info)

Là một thị trấn vùng cao, khí hậu mát mẻ nên ở Sa Pa có nhiều loại đặc sản ngon mà khi du lịch Sa Pa các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Lê tai nung Sa Pa

Lê tai nung có nguồn gốc từ Đài Loan, trong quá trình trồng tại một số nơi của tỉnh Lào Cai, cây Lê Tai nung tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như huyện Bắc Hà, Sa Pa. Lê Tai nung ra hoa muộn hơn đào và mận, nên có thể tránh được thời điểm rét đậm trong mùa đông, thời gian thu hoạch vào tháng 6, tháng 7 (sau mùa thu hoạch đào và mận). Loại lê này có vị ngọt mát vỏ mỏng nhiều nước.

Cần chú ý phân biệt hàng Trung Quốc khi mua một số đặc sản Sa Pa về làm quà (Ảnh – cungphuot.info)

Đào Sa Pa

Sa Pa vốn nổi tiếng là vùng trồng đào ăn quả nổi tiếng, giống đào ở đây chủ yếu là giống Pháp (giống đào ta gốc hầu như không còn do bị chặt mang về xuôi để chơi) được đưa về trồng tại địa phương. Đào Sa Pa quả nhỏ, ăn giòn và có vị chua.

Mận hậu Sa Pa

Những cây mận này được trồng trên 20 năm tại Ô Quy Hồ,  là loài cây gắn bó với đời sống của người dân Sa Pa, trở thành loại quả đặc sản nhiều người muốn thưởng thức. Khác với loài quả khác, khi chín, mận hậu Sa Pa vẫn giữ màu xanh, nhưng căng mọng, ăn dóc hạt, ngọt ngon đầu lưỡi.

Cải mèo Sa Pa

Đến Sa Pa dễ dàng bắt gặp cải mèo ở trong khắp các nhà hàng, quán ăn (Ảnh – cungphuot.info)

Cây cải Mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn. Rau cải Mèo loại nhỏ, lá có lông ăn ngon hơn. Trước đây, đồng bào chỉ quen trồng cải Mèo để ăn chứ không bán nên chẳng chú trọng gì. Thường thì người dân địa phương không trồng thành hàng, thành luống mà chỉ quãi hạt ra ven nương, đồi để mọc tự nhiên, cây cứ thế lớn lên, xanh tốt.

Rau cải Mèo của Sa Pa được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.

Su su

Su su bán tại chợ Sa Pa (Ảnh – Minh Tan)

Do được trồng ở độ cao 1.500 mét, với màu mỡ đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao, nên đã tạo cho Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Rau Su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.

Có một đặc điểm khác biệt so với Su su trồng ở các địa phương khác, là rau Su su Sa Pa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, có những gốc Su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm. Sau mỗi một mùa thu hoạch từ tháng 4 – 11 hàng năm, người dân lại cắt bỏ các dây Su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Tuy nhiên, với những năm thời tiết rét đậm đầu năm kéo dài, lại có tuyết rơi nên mùa thu hoạch Su su ở Sa Pa sẽ muộn hơn so với những năm bình thường.

Nấm hương rừng

Nấm hương rừng Sa Pa (Ảnh – Diệp Chi)

Sapa không chỉ là vùng đất nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực tinh tế và độc đáo. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho vô số các đặc sản của núi rừng vô cùng thơm ngon, trong đó không thể không kể đến nấm hương Sapa. Nấm hương Sapa về hình thức cũng giống như các loại nấm hương khác nhưng ăn sựt sựt đã miệng, mùi thơm tự nhiên thích hợp cho các món xào hoặc lẩu vẫn có mùi thơm của nấm mà không át đi các vị thơm của các thực phẩm đi kèm.

Rượu táo mèo Sapa

Táo mèo là một loại quả nổi tiếng vùng Tây Bắc, có thể dùng ngâm rượu (Ảnh – Trang Anh Đoàn)

Quả táo mèo hay người dân vùng cao còn gọi là quả sơn tra vốn từ lâu đã nổi tiếng với du khách Tây Bắc. Nếu nói đến táo mèo người ta sẽ nhớ nhiều đến Trạm Tấu hay Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, tuy nhiên, nếu nhắc tới rượu táo mèo thì có lẽ phải nghĩ ngay tới Sapa.

Để làm rượu chua chát, từng quả táo mèo được rửa sạch, trải qua những bước ngâm khác nhau tùy từng gia đình. Có nhà cẩn thận bổ đôi quả sơn tra, ngâm muối cho bớt nhựa quả, nhưng cũng có nhà lại để nguyên quả đảo qua đường cho nhựa ra nhiều rồi cho vào bình thủy tinh hoặc hũ ngâm rượu. Qua 6 đến 8 tháng rượu mới đạt đủ độ và cho ra một loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng.

Tìm trên Google :

  • các món ăn ngon ở Sa Pa
  • đặc sản Sa Pa làm quà
  • ăn gì khi du lịch Sa Pa
  • các quán ăn ngon ở Sa Pa
  • đến Sa Pa nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Sa Pa
  • ẩm thực Sa Pa

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 24 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào