Thị trấn Tam Đảo lúc nửa đêm

Thị trấn Tam Đảo lúc nửa đêm

Cùng Phượt – Thị trấn Tam Đảo lúc nửa đêm đẹp mờ ảo trong làn mây mù nhưng vẫn khiến du khách thất vọng vì “đi mãi không tìm nổi hàng phở, cháo ăn đêm”.

0h, từng đợt mây tràn vào thung lũng trên dãy Tam Đảo nhấn chìm thị trấn trong màn sương mù. Không gian chỉ còn đường nét của những cây thông và hàng quán đã đóng cửa, ẩn hiện trên nền đầy màu sắc tạo nên từ ánh sáng đèn led quảng cáo của các khách sạn.

Những tiếng hát vọng ra từ các quán karaoke thưa dần rồi tắt hẳn, cả thị trấn tĩnh lặng. Âm thanh thỉnh thoảng mới xuất hiện là tiếng động cơ xe của những du khách vừa tới trung tâm thị trấn, bằng cả xe máy và ôtô.

Anh Mai Trung Kiên, du khách đến từ Hà Nội nhận xét, Tam Đảo về đêm hiện lên với vẻ đẹp khác hẳn. “Không uổng công tôi ra đường giờ này”, anh Kiên nói.

Những ô cửa mái vòm trong khuôn viên nhà thờ đá, một trong những địa điểm được check-in nhiều nhất ở Tam Đảo.

Nhóm khách đến từ Thái Nguyên ngắm nhìn nhà thờ trong màn đêm. Chị Nguyễn Thanh Thảo (giữa) nói: “Nhóm tranh thủ đi chơi đêm vì phải về ngay sáng mai. Chúng tôi mới ra đường được 15 phút, nếu tìm thấy hàng quán sẽ ngồi lại lâu hơn, còn không sẽ về lại chỗ nghỉ luôn”.

Nhóm khách quay về khách sạn sau khi “đi mãi không thể tìm được hàng phở, cháo ăn đêm”. Chị Vũ Thị Tuyết, một thành viên trong nhóm thất vọng nói: “Chúng tôi không tìm thấy dịch vụ về đêm tại đây. Từ 23h các quán cà phê đã không nhận khách. Trước khi tôi đến đây, bạn bè cũng nói rằng Tam Đảo về đêm buồn lắm vì không có gì chơi”.

Tam Đảo có diện tích 2,1 km2, đang đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi tháng. Tuy nhiên, điểm bán hàng duy nhất còn sáng đèn là dãy quán đồ nướng vỉa hè đối diện chợ Tam Đảo.

Một chủ quán cho biết: “Ngày thường đến 12 rưỡi đêm là bán cố, thường cuối tuần khách mới đông”. Bên cạnh đó, các món ăn tại đây được du khách đánh giá là chưa tạo được dấu ấn riêng, có thể tìm thấy khắp miền Bắc như cơm lam, cá viên xiên, bò cuốn nấm kim châm.

Bà Đàm Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc cho biết: “Sản phẩm du lịch của địa phương còn đơn điệu, chưa chất lượng. Các dịch vụ phụ trợ còn hạn chế nên chưa hấp dẫn du khách, bên cạnh đó, chúng tôi cũng thiếu đội ngũ lao động du lịch chuyên nghiệp”.

Trang trí Giáng sinh trong sân khách sạn 4 sao Venus, một trong những dự án được chính quyền địa phương hy vọng có thể thu hút nhiều hơn khách lưu trú qua đêm.

Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian lưu trú trung bình của khách ở Tam Đảo là 0,5 – 2 ngày. Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đánh giá, Tam Đảo gặp phải bất lợi vì ở quá gần Hà Nội, có thể đi về trong ngày nên thời gian lưu trú ngắn.

Ông Dương Quang Ứng, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Vĩnh Phúc cho biết, thế mạnh của Tam Đảo là các loại hình du lịch ngắn ngày như nghỉ dưỡng cuối tuần, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, khen thưởng) và địa phương vẫn đang tìm cách thu hút khách ở lại lâu hơn.

Theo Kiều Dương/VnExpress

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 47 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Vĩnh Phúc

VĨNH PHÚC

Vị trí Vĩnh Phúc trên bản đồ Việt Nam

Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam.  Vĩnh Phúc có nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú như khu danh thắng Tây Thiên với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (là một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam cùng với Yên TửĐà Lạt), khu nghỉ mát Tam Đảo, tháp Bình Sơn, đền Gia Loan – chùa Biện Sơn,… là nơi để phát triển các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát,… Ngoài ra còn có trên 500 di tích lịch sử, văn hoá với 170 di tích được xếp hạng, trong đó 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Bạn có biết: Vĩnh Phúc là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng.

  • Diện tích: 1.235,2 km²
  • Dân số: 1.154.154 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 7 huyện
  • Vùng: Đồng Bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 211
  • Biển số xe: 88