Giới thiệu về Quần thể di tích Cố đô Huế

Giới thiệu về Quần thể di tích Cố đô Huế (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể kiến trúc cố đô Huế là những di tích lịch sử – văn hóa do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Quần thể này có nhiều công trình nằm rải rác cả trong và ngoài kinh thành Huế.

Hoàng Thành chỉ là một phần trong Quần thể di tích Cố đô Huế (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Bùi Thụy Đào Nguyên, Su Nguyen, Ross Campbell, Kenichi Yoshida, Konstantinas Kulikovas, Độc Hành Nhân, Đức Đinh, dinhthanh xuan, Phạm Hùng Dũng, Võ Văn Hoàng, Vu Tuan Anh, Sandeep Parekh, Dominique D, Hanh M. Nguyen, hong lien nhan, miahkdtt, Wesley Bullock, Dirk V100, Thích Hô Hấp, redmarsonearth, Hoang Nguyen, Marie Diaz nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Kinh Thành Huế

Toàn cảnh Kinh thành Huế (Ảnh – cungphuot.info)

Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Vòng thành có chu vi gần 10 km, cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch.

Hệ thống sông đào bao quanh Kinh thành Huế (Ảnh – cungphuot.info)

Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km.

Kỳ đài

Cột cờ Huế nhìn thẳng ra sông Hương (Ảnh – cungphuot.info)

Hay còn gọi là Cột Cờ, nằm chính giữa mặt nam của kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ Đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, Kỳ Ðài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840.

Quốc Tử Giám

Quốc Tử Giám thời Nguyễn (Ảnh – Bùi Thụy Đào Nguyên)

Năm 1803 vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay).

Cửu vị thần công

Các khẩu súng thần công trong kinh thành Huế (Ảnh – cungphuot.info)

Là tên gọi 9 khẩu thần công thời nhà Nguyễn được các nghệ nhân Huế đúc năm Gia Long thứ hai (1803). Chín khẩu thần công này được đánh giá là lớn nhất của Việt Nam, và là một trong những tác phẩm nghệ thuật bằng đồng có giá trị cao. Cửu vị thần công xưa được đặt dưới chân Hoàng Thành, trước cửa Ngọ Môn của kinh thành Huế. Đến năm 1917 đời vua Khải Định, các cỗ súng này được chuyển ra vị trí Kỳ đài như ngày nay.

Hoàng Thành Huế

Hoàng thành Huế là vòng thành thứ hai (Ảnh – cungphuot.info)

Là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế, nơi ở của vua và Hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình. Ngoài ra Hoàng thành Huế còn là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn.

Ngọ Môn

Ngọ Môn (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế. Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ. Hướng này, theo quan niệm của địa lý phong thủy phương Đông là hướng Nam.

Ngọ Môn nhìn từ bên trong (Ảnh – cungphuot.info)

Hướng của Ngọ Môn cũng như toàn bộ Kinh thành Huế trên thực tế là hướng càn – tốn (tây bắc – đông nam) nhưng vẫn được xem là hướng Ngọ (hướng nam).

Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa (Ảnh – cungphuot.info)

Điện Thái Hòa là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Trong chế độ phong kiến cung điện này được coi là trung tâm của đất nước, biểu trưng của quyền lực triều Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình

Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là vòng trong cùng của Kinh thành, hiện nhiều di tích đã bị phá hủy (Ảnh – cungphuot.info)

Là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Tử Cấm thành nguyên gọi là Cung Thành, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi tên thành Tử Cấm Thành. Hiện nay hầu hết các công trình trong Tử Cấm thành đều đã xuống cấp do thời gian hoặc bị phá hủy trong chiến tranh.

Đại Cung Môn

Đại Cung môn là cửa chính vào Tử Cấm Thành, có 5 gian (không chái) được làm năm 1833 thời Minh Mạng, gồm 3 cửa. Cửa ở gian chính giữa chỉ dành cho vua. Mặt sau hai bên có hai hành lang nối với Tả Vu, Hữu Vu.

Tả Vu Hữu Vu

Tả Vu và Hữu Vu là một trong những công trình còn tồn tại trong Tử Cấm Thành (Ảnh – cungphuot.info)

Tả vu và Hữu vu là hai công trình phối thuộc của Điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành của Kinh thành Huế. Tả vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu vu là toà nhà dành cho các quan võ; đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc. Tả vu và Hữu vu đều được xây dựng vào đầu thế kỷ 19.

Điện Cần Chánh

Điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành (Huế), được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Điện là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn, hiện nay đã trở thành phế tích do bị phá huỷ từ năm 1947.

Điện Càn Thành

Điện Càn Thành là nơi ở chính thức của vua, trước năm 1811 có tên là điện Trung Hòa. Công trình này đã trở thành phế tích sau khi bị thiêu rụi vào năm 1947.

Điện Kiến Trung

Điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây vào năm 1921-1923, theo đó nơi này thoạt tiên là nơi vua làm việc, sau được tân trang để làm nơi vua sinh hoạt với gia đình. Điện Kiến Trung bị phá hủy năm 1946 trong thời kỳ chiến tranh.

Thái Bình Lâu

Thái Bình Lâu (Ảnh – Su Nguyen)

Thái Bình Lâu được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành, là nơi để nhà vua có thể nghĩ nghơi lúc rảnh rỗi, cũng là chỗ để nhà vua đọc sách, viết văn, làm thơ, thư giãn.

Nhật Thành Lâu

Nhật Thành Lâu (Ảnh – Ross Campbell)

Nhật Thành lâu Nhật Thành Lâu là kiến trúc lầu hai tầng nằm ở phía đông điện Càn Thành, phía nam Thái Bình lâu. Trước đây là vị trí của điện Minh Thận. Theo một số tác giả , ngôi lầu nầy là Phật điện của vua trong Tử Cấm Thành. Lối lên lầu cũng được làm hành lang che. Nhật Thành lâu bị tàn phá trong các năm 1947 và 1968, chỉ còn lại nền lầu. Năm 2018, lầu đã được phục dựng lại trên nền cũ.

Duyệt Thị Đường

Nhà hát Duyệt Thị Đường (Ảnh – Kenichi Yoshida)

Đây là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần xem biểu diễn các vở tuồng. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch.

Hiển Lâm Các

Hiển Lâm Các (Ảnh – cungphuot.info)

Hiển Lâm Các được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.

Cửu Đỉnh

Cửu Đỉnh (Ảnh – Konstantinas Kulikovas)

Đây là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu, phía tây nam Hoàng thành Huế. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một vị hoàng đế của triều Nguyễn, chúng có trọng lượng khác nhau và hình chạm khắc bên ngoài đỉnh cũng khác nhau.

Thế Tổ Miếu

Hiển Lâm Các và các công trình liền kề (Ảnh – cungphuot.info)

Thế Tổ miếu thường gọi là Thế miếu nằm ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này.

Hưng Tổ Miếu

Hưng Tổ Miếu còn gọi là Hưng Miếu, là ngôi miếu thờ cha mẹ vua Gia Long – ông Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn) và bà Nguyễn Thị Hoàn, vị trí ở tây nam Hoàng thành, nằm phía sau Thế Miếu và cách Thế Miếu chừng 50 mét về phía Bắc. Miếu là một ngôi nhà kép chừng 400m2 mái được lợp bằng ngói âm dương men vàng, nền cao 0,68 m bó bằng đá Thanh.

Điện Phụng Tiên

Điện Phụng Tiên là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng thành được vua Gia Long và vua Minh Mạng xây dựng dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này tuy cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế.

Cung Diên Thọ

Thọ Chỉ Môn, cửa chính dẫn vào Cung Diên Thọ (Ảnh – cungphuot.info)

Cung Diên Thọ là một hệ thống kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Huế, nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn.

Cung Diên Thọ (Ảnh – Độc Hành Nhân)

Nằm ở phía tây Tử Cấm Thành, phía bắc điện Phụng Tiên và phía nam cung Trường Sanh, cung Diên Thọ được coi là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất còn lại tại Cố đô Huế.

Cung Trường Sanh

Cung Trường Sanh (Ảnh – Đức Đinh)

Cung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh, còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh, được xây dựng phía Tây Bắc Hoàng thành Huế với vai trò ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau cung được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu.

Thái Tổ Miếu

Thái Tổ Miếu và Triệu Tổ Miếu (Ảnh – cungphuot.info)

Thái Tổ Miếu còn gọi là Thái Miếu, là miếu thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long 3 (1804) ở góc đông nam trong Hoàng thành, đối xứng với Thế Tổ Miếu ở phía tây nam.

Triệu Tổ Miếu

Triệu Tổ miếu hay là Triệu miếu, được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Miếu này nằm ở phía bắc của Thái Miếu trong hoàng thành Huế, là miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Triệu Miếu là một trong số ít công trình trong Hoàng thành còn tồn tại sau chiến tranh. Nhưng sau 200 năm tồn tại, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng và được tu bổ lại năm 2016.

Lầu Tứ Phương Vô Sự

Lầu Tứ Phương Vô Sự (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là công trình kiến trúc hai tầng, nằm trên đài Bắc Khuyết. Lầu Tứ Phương Vô Sự được xây dựng và khánh thành năm 1923 để chuẩn bị cho lễ mừng thọ “Tứ tuần đại khánh tiết” của vua Khải Định vào năm 1924. Sau đó, lầu Tứ Phương Vô Sự trở thành nơi cho nhà vua và hoàng gia hóng mát, cũng là nơi học tập hàng ngày của các vị hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối triều Nguyễn.

Điện Long An

Bên trong bảo tàng cổ vật cung đình Huế (Ảnh – dinhthanh xuan)

Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh. Hiện nay, nơi đây trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, là nơi trưng bày cổ vật cung đình Huế.

Đình Phú Xuân

Đình Phú Xuân của làng Phú Xuân xưa, nằm bên trong Kinh thành Huế. Lúc đầu, đình được xây dựng ở bên bờ sông Hương gần Ngọ Môn nhưng sau khi vua Gia Long cho xây dựng Kinh thành Huế, thì dời về vị trí hiện nay.

Hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm nằm trong Kinh thành, ngay phía sau Hoàng thành (Ảnh – cungphuot.info)

Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm. Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…

Tàng Thư Lâu

Tàng Thư Lâu (Ảnh – Phạm Hùng Dũng)

Tàng thư lâu là được xây dựng năm 1825 trên hồ Học Hải trong kinh thành Huế, dùng làm nơi lưu các công văn cũ của cơ quan và lục bộ triều đình nhà Nguyễn. Đây có thể coi là một Tàng Kinh Các của Việt Nam dưới triều Nguyễn lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập. Có thể nói Tàng thư lâu rất quan trọng trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng lúc bấy giờ.

Viện Cơ Mật – Tam Tòa

Là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ Tam Phẩm trở lên, là Đại học sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ Hiển và Cần Chánh. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi kinh đô thất thủ năm 1885 phải dời đi đến nhà của bộ Lễ, rồi bộ Binh, và cuối cùng là về chùa Giác Hoàng cùng với toà Giám Sát (của người Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi là Tam Tòa. Hiện nay Tam Tòa nằm ở địa chỉ 23 Tống Duy Tân, thuộc phường Đông Ba, ở góc Đông – Nam bên trong kinh thành Huế, hiện là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Đàn Xã Tắc

Đàn Xã Tắc hiện giờ đã biến mất hoàn toàn (Ảnh – Độc Hành Nhân)

Đàn Xã Tắc là một công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế, đây là nơi tế thần đất và thần lúa của triều Nguyễn ở kinh đô Huế. Sau khi đàn Xã Tắc được xây dựng xong, triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng việc cúng tế ở đàn này. Ý nghĩa của việc tế lễ đàn Xã Tắc cũng quan trọng không kém việc tế ở đàn Nam Giao và cùng được xếp ở bậc đại tự (trong ba bậc đại tự, trung tự và quần tự). Từ sau 1975, Đàn hoàn toàn biến mất và chỉ còn sót lại chỉ còn tấm biển “Thái Xã Chi Thần”.

Phu Văn Lâu

Phu Văn Lâu (Ảnh – cungphuot.info)

Phu Văn lâu (hay còn gọi là lầu Phu Văn) là một tòa lầu nằm trên trục chính của Hoàng thành Huế. Từ Kỳ đài nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt của Kinh thành Huế. Một trong hai công trình ấy là Phu Văn lâu (phu: trưng bày, văn: văn thư, lâu: lầu) – Cái lầu trưng bày văn thư của triều đình. Phu Văn lâu được xây dựng vào năm thi 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.

Nghênh Lương Đình

Nghênh Lương Đình bên bờ sông Hương (Ảnh – cungphuot.info)

Nghênh (Nghinh) Lương Đình hay Nghênh Lương Tạ là một công trình nằm trên trục dọc từ Kỳ đài ra đến Phu Văn Lâu được xây dựng dưới triều vua Tự Đức thứ 5 (1852), dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát.

Tòa Thương Bạc

Tiểu Đình Thương Bạc (Ảnh – cungphuot.info)

Năm Tự Đức 28 (1875), do không muốn đón tiếp các sứ giả ngoại quốc trong khu vực Kinh Thành nên vua Tự Đức cho làm Thương Bạc Viện tại vị trí mới, bên ngoài cửa Thượng Tứ (cửa Đông Nam), bao gồm nhiều công trình để tiếp đón các sứ thần và là nơi làm việc hàng ngày của các quan lo việc ngoại giao, đồng thời cũng để tiện việc đối phó với các đại diện của tòa Khâm sứ Pháp.

Cung An Định

Cung An Định (Ảnh – Võ Văn Hoàng)

Cung An Định tọa lạc bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát, nay tại số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế. Đây là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua, sau này được Bảo Đại thừa kế và từng sống ở đây sau khi thoái vị.

Trấn Bình Đài

Trấn Bình Đài (Ảnh – Vu Tuan Anh)

Trấn Bình đài nằm ở vị trí Đông Bắc kinh thành Huế bên ngoài cửa Trấn Bình được xây dựng năm Gia Long thứ 4 (1805), lúc đầu gọi là đài Thái Bình, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đổi thành Trấn Bình đài, dân gian gọi là đồn Mang Cá. Đây là cái pháo đài thứ 25 của Kinh thành Huế, một thành phụ của Kinh thành, cách thành chính chỉ một đoạn hào chung.

Văn Miếu Huế

Văn Thánh Huế (Ảnh – Sandeep Parekh)

Dưới triều nhà Nguyễn, Văn Miếu của cả triều đại và cũng là của toàn quốc được chính thức xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Văn Miếu Huế hay Văn Thánh Huế là cách gọi tắt của Văn Thánh Miếu được xây dựng tại Huế.

Võ Miếu Huế

Võ Miếu hay Võ Thánh miếu tại Huế được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Ất Mùi (1835) thời Minh Mạng tại làng An Ninh thuộc huyện Hương Trà, phía bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Đây là nơi thờ phụng và ghi danh những danh tướng Việt Nam, những tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ dưới triều Nguyễn, đây còn là nơi thờ một số danh tướng Trung Quốc.

Đàn Nam Giao

Đàn Nam Giao (Ảnh – Dominique D)

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đây là đàn Nam Giao duy nhất còn hiện hữu (dù trong tình trạng không còn nguyên vẹn) ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế.

Hổ Quyền

Hổ Quyền (Ảnh – Hanh M. Nguyen)

Đây một chuồng nuôi hổ và là một đấu trường độc đáo nơi tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân.

Điện Voi Ré

Điện Voi Ré (Ảnh – hong lien nhan)

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây, cách Hổ Quyền khoảng 400 m, trên địa phận thôn Trường Đá thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế. Điện Voi Ré là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn.

Điện Hòn chén

Điện Hòn Chén (Ảnh – miahkdtt)

Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.

Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây.

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hay còn có tên gọi là chùa Linh Mụ (Ảnh – cungphuot.info)

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5 km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Tháp Phước Duyên (Ảnh – cungphuot.info)

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”.

Hệ thống Lăng tẩm ở Huế

Lăng Gia Long

Lăng Gia Long (Ảnh – Wesley Bullock)

Lăng Gia Long còn gọi là Thiên Thọ Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Lăng thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng (Ảnh – Dirk V100)

Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng do vua Thiệu Trị cho xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 để chôn cất vua cha Minh Mạng. Lăng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km.

Lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị (Ảnh – Thích Hô Hấp)

Lăng Thiệu Trị còn gọi là Xương Lăng nằm ở địa phận thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy. Được vua Tự Đức cho xây dựng vào năm 1847 để chôn cất vua cha Thiệu Trị. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng. Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức là một công trình rất đẹp của triều Nguyễn (Ảnh – cungphuot.info)

Lăng Tự Đức được chính vua Tự Đức cho xây dựng khi còn tại vị, là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.

Lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh (Ảnh – redmarsonearth)

Lăng Ðồng Khánh còn gọi là Tư Lăng tọa lạc giữa một vùng quê thuộc làng Cư Sĩ, xã Dương Xuân ngày trước (nay là thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Nguyên trước đây là Ðiện Truy Tư được vua Đồng Khánh xây dựng để thờ cha mình là Kiên Thái Vương. Khi Ðồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời. Vua Thành Thái (1889-1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm quy củ cho vua tiền nhiệm, đành lấy điện Truy Tư đổi làm Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh.

Lăng Dục Đức

Lăng Dục Đức (Ảnh – Hoang Nguyen)

Lăng Dục Ðức tên chữ An Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, xưa thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố chưa đầy 2 km; là nơi an táng của 3 vua nhà Nguyễn: Dục Ðức, Thành Thái và Duy Tân. Dục Đức lên ngôi năm 1883 được 3 ngày thì bị phế truất và mất, sau này con ông là vua Thành Thái (lên ngôi năm 1889) cho xây lăng để thờ cha đặt tên là An Lăng. Năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn tại địa điểm hiện nay trong khu vực An Lăng và được thờ ở ngôi điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng Thành Thái.

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định (Ảnh – Marie Diaz)

Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế là lăng mộ của vua Khải Định, vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1920 ngay sau khi Khải Định lên ngôi. Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi sự pha trộn kiến trúc Đông Tây Kim Cổ lạ thường, với các tác phẩm nghệ thuật ghép tranh sành sứ độc đáo.

Trấn Hải Thành

Trấn Hải Thành (Thành trấn giữ mặt biển) là một thành lũy dùng để bảo vệ kinh đô triều Nguyễn được xây dựng ở cửa ngỏ Phía Đông kinh thành Huế, cách đó 10 km đường sông và 13 km đường bộ. Cửa biển này người ta gọi là yêu Hải Môn – hay Cửa Eo (Cửa Lấp). Năm 1813, Gia Long cho xây dựng Trấn Hải Đài và đổi tên Cửa Eo thành Cửa Thuận An. Đến năm 1834, vua Minh Mạng cho đổi tên Trấn Hải đài ra Trấn Hải thành.

Tìm trên Google:

  • giới thiệu về cố đô Huế
  • quần thể di tích cố đô Huế có bao nhiêu điểm
  • các địa điểm trong Hoàng Thành Huế
  • Kinh thành Huế rộng bao nhiêu
  • tháng 4 cố đô Huế có mở cửa
  • giá vé tham quan Hoàng Thành Huế tháng 4

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 76 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Thừa Thiên Huế

THỪA THIÊN HUẾ

Vị trí Thừa Thiên Huế trên bản đồ Việt Nam

Thừa Thiên – Huế là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam cách thủ đô Hà Nội 660 km về phía Bắc, cách Thành phố Đà Nẵng 101 km về phía Đông Nam, cách Nha Trang 612 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.050 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A. Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc – Nam, trục hành lang Đông – Tây nối Thái Lan – Lào – Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hoá lớn và đặc sắc của Việt Nam. Thừa Thiên Huế có 5 di sản văn hoá thế giới là:

  • Quần thể di tích Cố đô Huế.
  • Nhã nhạc cung đình Huế.
  • Mộc bản triều Nguyễn.
  • Châu bản triều Nguyễn.
  • Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Bạn có biết: Huế từng là thủ đô của Việt Nam từ năm 1802, sau khi vua Gia Long lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho nhà Nguyễn – vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

  • Diện tích: 4.947,11 km²
  • Dân số: 1.153.800 người
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã, 6 huyện
  • Mã điện thoại: 234
  • Biển số xe: 75