Lăng Tự Đức, công trình kiến trúc đẹp triều Nguyễn

Lăng Tự Đức, công trình kiến trúc đẹp triều Nguyễn

Cùng Phượt – Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức (1848-1883) đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của con người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn.

Cổng chính vào lăng (Ảnh – cungphuot.info)

Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình. Nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.

Hồ Lưu Khiêm (Ảnh – cungphuot.info)

Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.

Chí Khiêm Đường (Ảnh – cungphuot.info)

Qua cửa Vụ Khiêm, phía bên tay trái là Chí Khiêm Đường (至謙堂) nơi thờ các bà vợ vua.

Xung Khiêm Tạ (Ảnh – cungphuot.info)

Dũ Khiêm Tạ (Ảnh – cungphuot.info)

Tiếp theo sẽ đến khu vực hồ Lưu Khiêm. Trên hồ có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, đây là hai công trình kiến trúc hiếm hoi có hình thức nhà tạ được xây dựng trên mặt nước còn được bảo tồn ở Cố đô Huế ngày nay. Xung Khiêm Tạ là nơi nhà vua chọn để đọc sách, uống trà, ngâm thơ.. Dũ Khiêm Tạ là bến thuyền của nhà vua.

Khiêm Cung Môn (Ảnh – cungphuot.info)

Trước mặt hồ Lưu Khiêm là Khiêm Cung Môn, đây là nơi cần phải đi qua để có thể tới được điện Hòa Khiêm.

Điện Hòa Khiêm, chính tẩm thờ vua Tự Đức (Ảnh – cungphuot.info)

Điện Hòa Khiêm vốn là nơi làm việc của vua nhưng sau này được dùng để thờ phụng vua và hoàng hậu. Trong điện hiện còn lưu trữ nhiều cổ vật xưa của triều Nguyễn.

Điện Lương Khiêm, nơi thờ Thái hậu Từ Dụ (Ảnh – cungphuot.info)

Sau điện Hòa Khiêm đến điện Lương Khiêm, trước là chỗ nghỉ của vua và sau này trở thành nơi thờ mẹ vua, bà Từ Dũ.

Minh Khiêm Đường (Ảnh – cungphuot.info)

Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường, nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát, đây được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm viện và Y Khiêm viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm viện, Dung Khiêm viện và vườn nuôi nai của vua.

Hai hàng tượng quan văn võ (Ảnh – Didier Omnes)

Ra khỏi khu vực tẩm điện, men theo con đường quanh co sẽ dẫn sang khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi Đình.

Khiêm Lăng (Ảnh – Bùi Thụy Đào Nguyên)

Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.

Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn. Đây là một trong những địa điểm mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến với cố đô Huế mộng mơ.

5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Thừa Thiên Huế

THỪA THIÊN HUẾ

Vị trí Thừa Thiên Huế trên bản đồ Việt Nam

Thừa Thiên – Huế là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam cách thủ đô Hà Nội 660 km về phía Bắc, cách Thành phố Đà Nẵng 101 km về phía Đông Nam, cách Nha Trang 612 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.050 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A. Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc – Nam, trục hành lang Đông – Tây nối Thái Lan – Lào – Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hoá lớn và đặc sắc của Việt Nam. Thừa Thiên Huế có 5 di sản văn hoá thế giới là:

  • Quần thể di tích Cố đô Huế.
  • Nhã nhạc cung đình Huế.
  • Mộc bản triều Nguyễn.
  • Châu bản triều Nguyễn.
  • Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Bạn có biết: Huế từng là thủ đô của Việt Nam từ năm 1802, sau khi vua Gia Long lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho nhà Nguyễn – vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

  • Diện tích: 4.947,11 km²
  • Dân số: 1.153.800 người
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã, 6 huyện
  • Mã điện thoại: 234
  • Biển số xe: 75