Đến Sóc Trăng khám phá Chùa Đất Sét

Đến Sóc Trăng khám phá Chùa Đất Sét

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 8 tháng 11 năm 2024

Cùng Phượt – Nếu có dịp ghé thăm Bửu Sơn Tự tên chính thức của chùa Đất Sét, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều bất ngờ, thú vị với nét độc đáo về đời sống văn hóa, tinh thần, sinh hoạt tôn giáo. Đặc biệt, sẽ choáng ngợp với một công trình sáng tạo nghệ thuật điêu luyện của cả một đời người.

Bửu Sơn Tự hay còn được gọi với tên quen thuộc là chùa Đất Sét tọa lạc tại Khóm 1, Phường 5 (TP. Sóc Trăng), cách trung tâm TP. Sóc Trăng hơn 2 cây số, trên tuyến đường từ Sóc Trăng đi Đại Ngãi. Chùa đã có từ lâu lắm, với bốn đời gia tộc họ Ngô phát tâm tu tại gia.

Ngôi chùa thực sự được nhiều người biết đến dưới sự chăm sóc, gầy dựng của ông Ngô Kim Tòng (sinh năm Kỷ Dậu 1909), bởi ông đã tự tay tạc các bức tượng phật, linh thú, lư hương hoàn toàn bằng đất sét. Nơi đây được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011.

Bước vào ngôi chùa, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên với hơn 1.800 bức tượng được tạo dáng bởi óc tưởng tượng phong phú, kỳ diệu của ông Ngô Kim Tòng. Từ những bức tượng phật đầy linh thiêng đến tượng linh thú oai phong lẫm liệt và những chiếc lư hương nhang khói nghi ngút.

Tiếp theo, du khách sẽ thấy ở cửa hông chính điện là một con long mã được tạo dáng bởi óc tưởng tượng phong phú, kỳ diệu. Chiếc đầu rồng một sừng ngẩng cao với thân ngựa lực lưỡng cao trên 2m. Bờm và đuôi ngựa được thay bằng vẩy rồng và đuôi rồng.

Chếch sâu phía trong 2m, sát vách, hai bên là đôi thanh sư bạch hổ to như hổ thật chồm về phía trước, ngoảnh đầu nhìn quý khách, đang canh giữ hòn núi vàng, hòn núi bạc tượng trưng cho tài nguyên của đất nước. Đôi kim lân kế bên cũng đang ngẩng cao đầu trước bệ thờ giữa điện, ngậm trái châu, chân gác lên quả cầu.

Các cảnh tượng phật, muông thú được bày trí theo cảnh tích xưa, phần lớn rút ra từ kinh sách nhà phật… Toàn bộ những tượng, vật đều làm từ chất liệu đất sét và bột nhang đắp lên khung lưới làm sẵn, giữ cho khỏi nứt.

Đặc biệt là ba đôi đèn cầy, trong đó có 2 cặp mà mỗi cây được đổ, đắp đến 200kg sáp, phía ngoài khảm thêm chữ và hình rồng vàng lúc ẩn, lúc hiện uốn lượn theo thân đèn. Cặp còn lại mỗi cây 100kg được đốt lên thường xuyên trong những ngày cúng kiếng, lễ tết mà vẫn chưa cháy hết dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.

Hàng ngày, chùa mở cửa đón khách tham quan từ 6 giờ đến 17 giờ. Trung bình mỗi tháng đón khoảng 500 khách đến tham quan, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, có khách ngoài nước, những ngày lễ lớn có đến hàng ngàn khách tham quan.

Ông Ngô Kim Quang – Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích Bửu Sơn Tự chia sẻ: “Tôi là cháu kêu ông Ngô Kim Tòng bằng bác. Hàng ngày, khi khách tham quan có nhu cầu chúng tôi đều thuyết trình rất rõ ràng và rành mạch lịch sử của ngôi chùa và họ tỏ ra rất thích thú. Chúng tôi luôn tâm niệm con cháu đời sau luôn noi theo các bậc tiền bối trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của ngôi chùa để ngôi chùa ngày càng được nhiều người biết đến, cũng góp phần thu hút du khách và giới thiệu về du lịch của tỉnh nhà”.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 43 bình chọn và điểm trung bình là 4.6

Chưa có đánh giá nào