Trăng lên trên chùa Som Rong

Trăng lên trên chùa Som Rong

Cùng Phượt – Chùa Som Rong, ngôi chùa Khmer với điểm nhấn tượng Phật nằm khổng lồ là điểm đến yêu thích của du khách và các nhiếp ảnh gia.

Bôtum Vong Sa Som Rong thường gọi là chùa Som Rong, ở số 367, đường Tôn Đức Thắng, Phường 5, TP Sóc Trăng. Chùa có từ khoảng năm 1785, ban đầu được dựng lên bằng tre, gỗ và lợp lá đơn sơ. Xung quanh có rất nhiều cây Som Rong tự sinh sôi, phát triển nên nhà chùa lấy tên của loài cây Som Rong có hoa gọi là Bôtum để đặt tên.

Sau đó, chùa được trùng tu nhiều lần và có kiến trúc như hiện nay, gồm Tượng Phật nằm, chánh điện (phải), Sala, tăng xá và bảo tháp phía xa.

Chánh điện là nơi thờ Phật chính, phần mái tiếp giáp với cột được trang trí hình tượng nữ thần Keynor và chim thần Krud. Hai bên lối vào chánh điện là hình tượng kỳ lân.

Đây là bộ ảnh“Trăng lên trên chùa Som Rong” do Phạm Huy Trung (TP HCM) thực hiện vào chiều tối ngày 30/10 (14/9 âm lịch). Anh chụp lúc mặt trời lặn, trong dịp đến Sóc Trăng dự hội đua ghe ngo, lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer.

Bức trên chụp góc Tượng Phật nằm đang nhìn về phía trăng lên, trên tòa nhà Sala và bảo tháp. Bảo tháp là một những nơi du khách thích tham quan nhất, có bốn hướng và bốn lối đi đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer. Trên tháp là tượng Phật Thích Ca đang ngồi thiền.

Trăng lên trên Sala, tòa nhà được khánh thành ngày 31/1/2017 mang đến vẻ trang nghiêm. Kiến trúc này vừa mang nét truyền thống chùa Khmer, vừa kết hợp nét hiện đại và cách phối màu đặc sắc, tạo điểm nhấn độc đáo cho chùa Som Rong.

Sala ngoài chức năng là giảng đường, nơi tiếp khách trong những ngày đại lễ truyền thống của dân tộc, còn là tăng xá dành cho sư sãi trong chùa. Trong Sala có bàn thờ Phật nhưng đơn giản hơn so với chánh điện. Du khách đến đây quan sát sẽ thấy trên các vách tường bên trong có những bức bích họa mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.

Điểm nhấn của ngôi chùa là Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ngoài trời có kích thước dài 63 m, cao 22,5 m và nặng 490 tấn, một trong những Tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Do được đặt trên bệ cao cùng với sự to lớn của tượng nên mọi người có thể nhìn thấy bức tượng này từ xa hàng trăm mét.

Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn được khởi công từ tháng 10/2017, đến nay đã xây dựng xong phần thô, tô trát và đang trong quá trình hoàn thiện phần sơn, trang trí.

Anh Trung cho biết, lần đầu đến chùa anh ấn tượng với Tượng Phật nằm có đường nét sắc sảo, minh chứng quá trình thi công công phu, mang tính nghệ thuật điêu khắc cao.

Tượng Phật nằm huyền ảo trong ánh hoàng hôn lúc gần 18h. Cũng giống như những ngôi chùa Khmer trên địa bàn Sóc Trăng, chùa Som Rong gắn liền với đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân, tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng.

“Ngày nào cũng có nhiều du khách đến đây tham quan, chụp ảnh. Tượng Phật nằm khi được hoàn thành sẽ tạo hình khối hài hòa, đẹp mắt với ngôi chùa, một điểm thờ tự, tín ngưỡng Phật giáo và du lịch tâm linh nổi tiếng Sóc Trăng, hấp dẫn du khách gần xa”, đại đức Lâm Bình Thanh, Phó Trụ trì chùa Som Rong cho biết.

Theo Huỳnh Phương/VnExpress

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 43 bình chọn và điểm trung bình là 4.6

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Sóc Trăng

SÓC TRĂNG

Vị trí Sóc Trăng trên bản đồ Việt Nam

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long cách Sài Gòn khoảng 231 km.

Sóc Trăng được nhiều du khách biết đến là xứ sở của các ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo, như: chùa Mahatúp (chùa Dơi), chùa Khleang, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét, chùa Bốn Mặt. Các di tích này đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách đến khám phá và trải nghiệm với 2 loại hình đặc trưng là loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng, khám khá kiến trúc nghệ thuật và loại hình du lịch về nguồn.

Bạn có biết: Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh’leang của tiếng Khmer mà ra có nghĩa là xứ có kho chứa bạc của nhà vua.

  • Diện tích: 3.311,87 km²
  • Dân số: 1.199.653 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 299
  • Biển số xe: 83