Khám phá quần thể kiến trúc Văn Thánh Khổng Miếu

Khám phá quần thể kiến trúc Văn Thánh Khổng Miếu

Cùng Phượt – Văn Thánh Khổng Miếu là một quần thể kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật độc đáo, hội tụ đầy đủ những nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc nằm trên địa bàn Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.

Quần thể kiến trúc Văn Thánh Khổng Miếu từ trên cao (Ảnh – cungphuot.info)

Văn Thánh Khổng Miếu tọa lạc trên khu đất có diện tích 6.000 m², nằm trên đường Phan Bội Châu. Khu di tích với quần thể bao gồm: chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam Quan.

Khu di tích được xây dựng từ 1840 nhưng sau nhiều lần hư hỏng và xuống cấp đã được di chuyển và phục dựng lại vào năm 1970 (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng nho giáo, với quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm.

Cổng Tam Quan (Ảnh – cungphuot.info)

Cổng tam quan có 4 trụ được xây bằng gạch vồ, tô vẽ, cẩn sành sứ đế hình vuông, 2 trụ cao trên chóp trụ có hình hoa sen nở, hình dáng như 2 cái bút lông viết lên nền trời xanh, ngã bóng xuống hồ bán nguyệt liền kề như chạm vào nghiêng mực đầy, 2 trụ phụ có gắn hình con nghê cách điệu.

Hồ bán nguyệt (Ảnh – cungphuot.info)

Bước qua cổng là tới hồ bán nguyệt với cây cầu vồng được xây bằng đá, gạch có thành lan can với những ô đúc trang trí hình học được gắn liên tiếp với nhau khá công phu.

Khoảng sân đình tương đối rộng, là nơi tổ chức nhiều hoạt động lễ hội (Ảnh – cungphuot.info)

Sân đình là khoảng không gian thoáng đãng, là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, hội họp, thi họa, thi cờ làng, cờ người, dân ca, dân vũ giải trí…

Khu nhà cổ mới được phục dựng năm 2011 (Ảnh – cungphuot.info)

Tiếp đó là hai ngôi nhà cổ dân gian (phục dựng năm 2011) với kiến trúc nhà truyền thống 3 gian 2 chái, những đường nét chạm khắc gỗ, cấu kiện gỗ kiền kiền những hình dáng đắp nổi, mái lợp ngói âm dương phiên bản. Tất cả thể hiện khéo léo qua bàn tay của những nghệ nhân làng mộc ở Hội An.

2 dãy nhà cầu 2 bên sân (Ảnh – cungphuot.info)

Liền kề đó là 2 dãy nhà cầu lợp ngói âm dương (phục dựng năm 2011). Kiến trúc của 2 dãy nhà này không có tường rào che chắn, được chống đỡ bằng các trụ cột bằng gỗ kiền kiền, nhà cầu dùng để che nắng, mưa cho những chức sắc, người dân đến tế lễ vật vào miếu chính, cũng như xem hội dân gian…

Tháp chuông (Ảnh – cungphuot.info)

Phía trước điện chính là hai tháp nhỏ xây đối xứng nhau, tháp chuông (bên trái), tháp trống (bên phải), có hai tầng, mái tháp thiết kế đối sánh, lối lên xuống bố trí bậc tam cấp tạo thuận lợi cho người lên xuống khi đảm nhận đánh chuông, trống vào dịp tế lễ.

Tháp trống (Ảnh – cungphuot.info)

Trên nóc tháp trang trí hình chim phụng dâng hoa, ở thế bay, miệng ngậm búp sen, được cẩn sứ nhiều màu. Hình chim phụng được trang trí theo thuyết âm dương: chuông là âm nên biểu tượng chim mái, trống là dương biểu tượng chim trống. Phía dưới liền kề có cẩn hình chữ Thọ cách điệu 4 mái thượng, hạ được dựng lên bởi 4 trụ tròn, ở mỗi đầu đao của mỗi mái đều trang trí những dãi mây lá hóa rồng, được cẩn sành sứ xanh trắng xen kẽ.

Chính điện (Ảnh – cungphuot.info)

Chính điện được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái, trên mái trang trí hình nhị long tranh châu; bốn góc mái có gắn hình tượng những đám mây cách điệu. Hai bên bậc cấp vào chính điện và hàng cột trước chính điện đều được trang trí hình rồng, có cẩn mảnh sành và tô vẽ màu rực rỡ sắc sảo.

Bên trong chính điện (Ảnh – cungphuot.info)

Bên trong chính điện làm bằng gỗ mít, kết cấu theo lối kiến trúc cổ và được chạm khắc tinh xảo; gian chính giữa thờ đức Khổng Tử, còn lại thờ các vị tiên triết, tiền hiền, tiên Nho. Chính điện còn thường sử dụng vào việc huấn đạo, dạy học và hành lễ.

Các ban thờ bên trong chánh điện (Ảnh – cungphuot.info)

Đến với Văn Thánh Khổng Miếu du khách có thể chiêm ngưỡng những nét đẹp tinh tế qua những nét điêu khắc chạm trỗ tinh xảo trên các cấu kiện gỗ, kiến trúc mỹ thuật họa tiết xây dựng tượng hình mô tả độc đáo trang trí ở cổng ngõ, tháp chuông, tháp trống, chính điện, hậu điện…từ đó cho thấy được nét tài hoa của nền văn hóa phát triển của những nghệ nhân địa phương xưa. Đây là một điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan, cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc có dịp đến với thành phố Tam Kỳ.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 92 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Nam

QUẢNG NAM

Vị trí Quảng Nam trên bản đồ Việt Nam

Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là “Quảng Nôm”, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi của tỉnh có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Quảng Nam đứng thứ 6 về diện tích, thứ 19 về dân số trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mật độ dân số là 173 người/km² (đứng thứ 42/63) so với 277 người/km² của cả nước. Năm 2008, đây cũng là tỉnh đầu tiên của duyên hải Nam Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Tam Kỳ, Hội An).

Bạn có biết: Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

  • Diện tích: 10.438,4 km²
  • Dân số: 1.802.000 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 15 huyện
  • Mã điện thoại: 235