Địa đạo Kỳ Anh, huyền thoại trong lòng đất Quảng Nam

Địa đạo Kỳ Anh, huyền thoại trong lòng đất Quảng Nam

Cùng Phượt – Khu Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh thuộc xã Tam Thăng, cách trung tâm TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) 7 km về hướng đông bắc. Đây là địa đạo lớn thứ ba trong cả nước, sau địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) và địa đạo Củ Chi (Sài Gòn).

Đình làng Thạch Tân (Ảnh – cungphuot.info)

Để bắt đầu khám phá địa đạo, du khách thường sẽ bắt đầu từ đình làng Thạch Tân. Bề ngoài ngôi đình thờ thần Đại Càn quốc gia Nam Hải, thờ các chư vị tiền hiền và hàng trăm liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng… nhưng bên trong ngôi đình còn rất nhiều kỳ tích và đặc biệt là hơn là hệ thống địa đạo nằm ngay phía dưới ngôi đình.

Địa đạo Kỳ Anh là một trong ba hệ thống địa đạo lớn của cả nước (Ảnh – cungphuot.info)

Địa đạo Kỳ Anh được bắt đầu đào từ tháng 5 – 1965, đến năm 1967 thì hoàn thành. Địa đạo có tổng chiều dài 32 km, chiều rộng hầm từ 0,5 – 0,8 m, chiều cao từ 0,8 – 1 m.

Hệ thống địa đạo Kỳ Anh kéo dài 32km, trải dài trên một vùng rộng lớn (Ảnh – cungphuot.info)

Địa đạo quanh co uốn khúc, có hình dạng bàn cờ, có nhiều ngõ ngách, chạy ven theo các lùm cây, trải khắp các thôn trong xã. Trong lòng địa đạo có nhiều đoạn rất hẹp nhằm đề phòng địch có thể phát hiện, dùng hơi cay, lựu đạn ném vào.

Cửa hầm cứu thương, nằm ngay dưới đình làng (Ảnh – cungphuot.info)

Địa đạo là mạng lưới gồm nhiều đường hầm: hầm cứu thương, hầm chỉ huy, hầm tác chiến, hầm chứa lương thực, theo dạng bàn cờ, quanh co, uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các bờ tre, mương nước, bụi rậm, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã, trong đó qui mô và sử dụng địa đạo có hiệu quả nhất là ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình.

Địa đạo có chiều cao tương đối thấp, khi di chuyển thường phải khom người xuống (Ảnh – cungphuot.info)

Khác với các địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc, địa đạo Kỳ Anh được đào ở vùng cát. Do đó, việc đào và bảo vệ địa đạo rất khó khăn, vất vả. Địa đạo được đào bằng các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng… với sự tham gia của nhiều lực lượng như bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ.

Cửa hầm nằm ngay dưới cây rơm (Ảnh – cungphuot.info)

Phần lớn các miệng hầm nằm trong đình làng, nhà dân, chuồng bò, cây rơm, bụi tre, giếng nước, gốc cây… và đều được ngụy trang cẩn thận.

Các cửa hầm được mở ra ở rất nhiều vị trí khiến cho việc di chuyển cũng như lẩn tránh tương đối bí mật (Ảnh – cungphuot.info)

Quanh làng nhân dân trồng tre dày đặt kết hợp thành một trận địa chông mìn trong khu vực chiến đấu và một hệ thống kênh mương dẫn nước quanh làng, tạo thành trận địa làng chiến đấu khá kín cho việc ẩn nấp và đánh địch của quân dân Kỳ Anh.

Cây rõi cổ thụ, nơi được sử dụng như một đài quan sát của quân dân địa phương trong suốt thời kỳ chiến tranh (Ảnh – cungphuot.info)

Nơi đây còn có cây rõi cổ thụ gần 300 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Điều kỳ lạ là giữa vùng cát trắng mênh mông bị cày ủi của phi pháo, của xe tăng, của bom napan, nhưng cây rõi vẫn đứng hiên ngang, sừng sững giữa trời. Thời chiến tranh ác liệt, du kích và dân trong làng dùng cây rõi như đài quan sát. Họ thường leo lên ngọn cây, theo dõi các hoạt động của địch để báo cho du kích ẩn náu xuống địa đạo hoặc tìm cách đối phó với tình hình.

Khung cảnh làng quê thanh bình của vùng đất địa đạo ngày nay (Ảnh – cungphuot.info)

Đến với địa đạo Kỳ Anh, du khách còn được hoà mình vào khung cảnh làng quê còn thanh bình với những hàng tre xanh ngắt, đường làng quanh co, người dân hiền hậu chất phác.

Nghề làm chiếu thủ công của người dân địa phương (Ảnh – cungphuot.info)

Bên cạnh đó, bạn có cơ hội biết thêm về nghề dệt chiếu thủ công, đan lát truyền thống của người dân địa phương.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 92 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Nam

QUẢNG NAM

Vị trí Quảng Nam trên bản đồ Việt Nam

Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là “Quảng Nôm”, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi của tỉnh có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Quảng Nam đứng thứ 6 về diện tích, thứ 19 về dân số trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mật độ dân số là 173 người/km² (đứng thứ 42/63) so với 277 người/km² của cả nước. Năm 2008, đây cũng là tỉnh đầu tiên của duyên hải Nam Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Tam Kỳ, Hội An).

Bạn có biết: Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

  • Diện tích: 10.438,4 km²
  • Dân số: 1.802.000 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 15 huyện
  • Mã điện thoại: 235