Cùng Phượt – Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer, tỉnh An Giang là một trong những hoạt động văn hóa nổi bật ở miền Tây Nam Bộ.
Hằng năm, hội đua bò Bảy Núi thường được tổ chức trong dịp lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của dân tộc Khmer Nam bộ, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân làm nông nghiệp lúa nước.
Theo đó, vào ngày lễ Dolta, đồng bào dân tộc Khmer thường mang thức ăn dâng lên các nhà sư để cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất được siêu thoát. Trong các ngày lễ này, thanh niên trai tráng trong phum sóc sẽ mang những đôi bò đến để cày ruộng giúp nhà chùa, khi cày xong các chủ bò chọn những đôi bò bắt cặp với nhau để tranh tài kéo bừa trên những thửa ruộng vừa cày xong. Dần dần tục lệ này đã trở thành một môn thể thao truyền thống thu hút đông đảo du khách đến tham quan và xem các cặp bò tranh tài.
Để chuẩn bị cho trận đua bò, người ta chọn một khu ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, chiều ngang 100m có nước xăm xắp, được “trục” xới nhiều lần cho có độ trơn, xung quanh có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò.
Trong khi đua, nếu đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua thì sẽ bị loại và đôi bò sau chạy lên giàn bừa của đôi bò trước sẽ thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa cũng bị coi như đã thua cuộc.
Mỗi dịp diễn ra hội đua bò Bảy Núi, du khách và các tay săn ảnh ở khắp mọi nơi đều kéo về hòng săn được những khoảnh khắc đẹp của cuộc đua. Chỗ xem đua bò cũng không cần cầu kỳ như xem bóng đá, đua ngựa hay một số môn thể thao khác, chỉ cần đứng ở vị trí hơi cao so với mặt sân đua hay leo lên bờ bao là đủ.
Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng, tiếng vỗ tay, reo hò, sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt. Làm cho các phum, sóc sôi nổi trong dịp lễ hơn.
Theo quan niệm của người Khmer, đôi bò thắng giải sẽ mang đến cho cả phum sóc nhiều niềm vui, may mắn về một vụ mùa bội thu. Sau khi thắng cuộc, người dân Khmer không giết, cũng không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc.
Trong những năm gần đây, tỉnh An Giang chú trọng xây dựng, quảng bá hình ảnh lễ hội đua bò Bảy Núi, xây dựng thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, một đặc trưng văn hóa, để giới thiệu về đất và người cho du khách khi đến An Giang.