Cùng Phượt – Lớn gấp 5 lần so với một nhà rông thông thường, nhà thờ Pleichuet có kiến trúc kiểu nhà rông được xây dựng vào năm 2005 ở Gia Lai.
Nhà thờ Pleichuet nằm trên đường Trương Định, phường Thắng Lợi, trung tâm thành phố Pleiku. Mang dáng dấp nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhà thờ không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan du khách nên ghé thăm khi có dịp đến đại ngàn Gia Lai.
Nhà thờ thuộc Giáo hạt Pleiku (tỉnh Gia Lai), còn có tên gọi khác là Trung tâm truyền giáo Pleichuet, do các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế trông coi.
Nhà thờ được xây dựng theo mô hình nhà rông của người Jrai. Với người Tây Nguyên, nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa cộng đồng, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống.
Chi tiết luôn gắn bó với nhà rông là cây nêu với nhiều họa tiết đặt ở phía trước sân chính giữa của nhà thờ.
Nhà thờ lớn gấp 5 lần so với nhà rông thông thường. Công trình có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cây cột to. Chóp mái của nhà thờ đâm thẳng lên trời như hình mũi tên.
Sàn nhà thờ cách mặt đất gần 2 m với trụ đỡ làm từ các cây gỗ lớn, chắc chắn.
Công trình tôn giáo này thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc. Quanh nhà thờ là mảng sân rộng có nhiều cây cối.
Bên ngoài nhà thờ Pleichuet được sơn phết nhiều màu.
Không gian bên trong nhà thờ không có ghế ngồi, bàn quỳ, chỉ là một sàn rộng lát gỗ. Ban thờ được đặt ở vị trí trang trọng với bức tượng Chúa Cứu Thế trên thánh giá, được khắc bằng gỗ.
Ở phía trước tượng Chúa có nhiều chi tiết trang trí mang tính biểu tượng, nổi bật là hình ảnh một cây nêu thu nhỏ.
Bao quanh khuôn viên là hàng rào bằng đá vững chắc.
Nằm cạnh nhà thờ là tu viện của các cha. Nơi này luôn mở cửa vào ban ngày nên du khách có thể dễ dàng ghé thăm.
Theo Phong Vinh/VnExpress