Nhà thờ con gà, nét Tây phương cổ kính của Đà Lạt

Nhà thờ con gà, nét Tây phương cổ kính của Đà Lạt

Cùng Phượt – Khi nhắc đến những biệt thự cổ nổi tiếng ở Đà Lạt. Tất nhiên không thể không nhắc tới Nhà thờ Con Gà. Nhà thờ mang ý nghĩa đặc biệt với thành phố không chỉ bởi nét kiến trúc độc đáo mà còn bởi sự góp mặt của nó với lịch sử và sự phát triển của thành phố. Ngày hôm nay, tới Đà Lạt, câu chuyện xưa không về nơi đây không hẳn ai cũng biết nhưng chắc chắn rằng vẻ đẹp của nhà thờ sẽ níu chân biết bao con người. Nhà thờ Con Gà hay là Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt với tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari là một công trình đặc biệt của Đà Lạt.

Nhà thờ con gà về đêm (Ảnh – Sirius™)

Nơi đây được xem là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố tình yêu do người Pháp để lại. Ấn tượng về nhà thờ không chỉ có thế, mà còn mang những dư vị, sâu đậm, lắng đọng hơn khi càng tìm hiểu ta càng thấy thú vị.

Nhà thờ Con Gà tọa lạc trên đường Trần Phú. Người dân quen gọi là nhà thờ Con Gà bởi trên đỉnh tháp chuông của nhà thờ có hình con gà lớn, là biểu tượng của người Pháp. Theo kinh Tân Ứớc thì đây là biểu tượng cho sự sám hối.

Đây là công trình tiêu biểu của Đà Lạt (Ảnh – dominicatorumstudiorum)

Với kiểu mẫu là nhà thờ Công giáo Roma ở châu Âu, nhà thờ con Gà mang đậm nét kiến trúc phương Tây, đặc trưng cho trường phái kiến trúc Roman với mặt bằng theo hình chữ thập có tháp chuông. Nét kiến trúc phương Tây điển hình giữa lòng thành phố tạo nên sự hòa hợp của nhà thờ với những công trình cổ khác nơi đây. Người đến thăm Đà Lạt có thể đến thăm nhà thờ con Gà cùng các biệt thực cổ đặc sắc khác của Đà Lạt như: trường Cao đẳng Sư Phạm, ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại…

Ảnh – Ông Kẹ [Lê Ngọc Bảo]

Nét kiến trúc phương Tây của ngôi biệt thự cổ này như một mối dây gắn chặt thành phố, gợi nhớ về một thời đã trải qua nơi đây.

Nhà thờ Con Gà có lối kiến trúc và vị trí đặc biệt trong lòng Đà Lạt. Đứng ở tháp chuông của nhà thờ, ta có thể phóng tầm mắt ra xa và ngắm nhìn tất thảy không gian của thành phố. Thú vị nhất là cửa chính của nhà thờ hướng về núi Lang Biang. Dù ngắm nhìn từ rất xa, nhưng ta vẫn có thể thấy được nóc nhà của Đà Lạt, nơi chất chứa tình yêu thuần khiết nhất của thành phố.

Ảnh – Mee Way

Tháp chuông vươn cao, thẳng đứng, cảm giác vững chãi và oai nghiêm. Được đứng lên đây một lần để ngắm Đà Lạt thì quả thực không còn điều gì hối tiếc khi rời nơi đây. Nhà thờ mang về cho ta cái khoảnh khắc bao trọn lấy lòng Đà Lạt và cảm giác của châu Âu thu nhỏ giữa lòng Việt Nam.

Nét kiến trúc từ phương trời xa xôi được giữ lại nơi này. Cửa sổ với hình vòm cung tròn với các đường nét mạnh mẽ, dứt khoát, tổ chức theo phân vị đứng. Mái được lợp bằng ngói thạch bản với các mảng khối hài hoà, chặt chẽ. Phần áp mái của nhà thờ còn được tỉ mỉ trang trí bằng 70 tấm kính màu do một công xưởng ở Pháp chế tạo. Khung cảnh trở nên mê hoặc người xem ngay từ những phút giây đầu tiên.

Ảnh – haidavh

Bên trong thánh đường, có ba gian bao gồm một gian lớn ở giữa và hai gian nhỏ ở hai bên. Tất cả đều được thiết kế rất công phu và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thiết kế theo lối cổ điển. Điều ấy mang lại cho nhà thờ cái vẻ truyền thống phương Tây. Nhưng ta không cảm thấy quá gò bó khi rất nhiều chi tiết vẫn được đem ra xử lí tinh tế để hài hòa được với không gian nơi đây.

Cả nhà thờ toát lên cái vẻ rất đỗi trang nghiêm nhưng không gò bó. Mọi người vẫn đến nơi đây rất đông. Không chỉ trong ngày lễ mà còn trong những ngày bình thường. Khách du lịch tới Đà Lạt luôn dành cho nơi đây một sự quan tâm đặc biệt và tìm đến để chiêm ngưỡng.

Càng nhìn ngắm nhà thờ, ta càng thấy bình yên. Hơn mười năm tỉ mẩn xây dựng từng chút một để có được công trình ấy quả thực không phí hoài chút nào. Từ khoảng cách gần hay khoảng cách xa, nhà thờ vẫn tạo nên một khung cảnh đầy thu hút lòng người. Không gian Đà Lạt như ôm trọn lấy nhà thờ, giữ gìn, bao bọc lấy nó để mỗi khi lòng chùng chình xuống, người dân lại có thể tới nơi đây trải lòng.

Cũng như những căn biệt thự cổ kính đặc biệt khác của Đà Lạt. Nhà thờ Con Gà vẫn ngày ngày góp mặt vào cuộc sống của thành phố sau biết bao nhiêu đổi thay. Nơi đây qua bao mùa vẫn đẹp và an lành như thuở trước góp hương sắc níu lòng người đến Đà Lạt sau những gió, những hoa, những ngây ngô thẫn thờ ngày dạo chơi vùng đất an bình của tổ quốc.

Xuân về bên nhà thờ (Ảnh – haidavh)

Đà Lạt đẹp, đẹp trong từng khoảnh khắc, trong từng góc hình. Đà Lạt là chốn bình yên mà lòng người khó cưỡng. Đến Đà Lạt không chỉ để tận hưởng cái dư âm thanh sắc thần tiên nơi đây mà còn để khám phá những hay ho rất mực mà chỉ nơi đây mới có. Những tòa biệt thự ở mọi nơi mỗi ngày được xây lên một nhiều thêm. Nhưng những gì chúng ta được trải nghiệm ở nơi đây là điều không thể thấy ở một nơi nào khác. Đi qua những thăng trầm thời gian và lịch sử, nguyện ước cổ kính Đà Lạt kia sẽ cùng thời gian mà tồn tại mãi.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 35 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Đà Lạt

ĐÀ LẠT

Thành phố Đà Lạt là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó. Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố 250.000 dân, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.

Bạn có biết: Hệ thống giao thông ở Đà Lạt hoàn toàn không có các cột đèn tín hiệu giao thông như ở những thành phố khác.

  • Diện tích: 394,64 km²
  • Dân số: 251.370 người
  • Tỉnh: Lâm Đồng
  • Phân chia hành chính: 12 phường và 4 xã