Các món ăn ngon ở Bà Rịa Vũng Tàu

Các món ăn ngon ở Bà Rịa Vũng Tàu (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Là một tỉnh thành với du lịch biển phát triển, không có gì ngạc nhiên khi các món ăn ngon ở Bà Rịa Vũng Tàu chủ yếu là các món hải sản. Các loại hải sản nơi đây phong phú về chủng loại, đa dạng về giá cả, từ bình dân đến cao cấp, phù hợp cho bất kỳ kiểu du khách nào. Ngoài hải sản, Bà Rịa Vũng Tàu còn có nhiều món bánh ngon mang đậm đặc trưng các làng nghề truyền thống của tỉnh như bánh hỏi An Nhứt, bánh xèo Long Hải, bánh khọt Vũng Tàu…

Nổi tiếng nhất trong các món ngon Bà Rịa Vũng Tàu có lẽ là món bánh khọt (Ảnh – foodbabybee)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả foodbabybee, tuanluxu, hanatran2014, vimoc610, vy_ame, pozdi_tran, ntvvirus, kenl0ve, __mitu.meetoo__, vynguyen_lovefood, Tú Nhi, pe0z, Duy Ho, Quang Vũ, Thùy Nhi, Thụy Nhiên, Sang Tran, keiko_pham, maianhdinhh, Ngoc Tram, Quang Vinh, Kim Hồng và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Hải sản

Tôm hùm đỏ

Tôm hùm đỏ (Ảnh – tuanluxu)

Tôm hùm đỏ, còn gọi là tôm hùm lửa, tên khoa học là Panulirus longipes, là loài hải sản quý hiếm, hàm lượng dinh dưỡng cao, được mệnh danh là “vua” hải sản ở Côn Đảo. Tôm hùm đỏ Côn Đảo sinh trưởng chậm, không to bằng các loài tôm hùm khác. Đặc biệt, tôm hùm đỏ không nuôi được tại các lồng bè mà chỉ có thể đánh bắt trong môi trường tự nhiên. Do vậy, thịt tôm rất dai và săn chắc, có vị ngọt tự nhiên pha chút mặn mòi của biển.

Cua mặt trăng

Cua mặt trăng (Ảnh – hanatran2014)

Thịt cua mặt trăng thơm, ngọt, săn chắc, giàu chất khoáng, chứa lượng lớn khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kẽm, đồng, kali, sắt. Ngoài ra, thịt cua mặt trăng còn chứa chất béo, omega 3, canxi, là những dưỡng chất rất tốt cho tim mạch. Đặc biệt, lượng đạm trong thịt cua mặt trăng ở Côn Đảo vô cùng lớn, cao hơn hẳn các loại cua thông thường, có thể sánh ngang với cua huỳnh đế.

Cua mặt trăng thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, hấp, nướng, xào me, xào chua ngọt… Nhưng cách chế biến truyền thống mà ngư dân vùng biển Côn Đảo thường làm là hấp hoặc nướng với gia vị chấm là muối tiêu, chanh, ớt. Cách chế biến này đơn giản và dân dã, nhưng ai đã thưởng thức món ăn này một lần thì nhớ mãi không quên.

Hàu Long Sơn

Hàu nướng phô mai (Ảnh – vimoc610)

Nhờ vị trí gần biển, nhiệt độ ấm quanh năm và nồng độ muối phù hợp nên Long Sơn có điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi hàu. Ngoài ra, xã Long Sơn còn có diện tích rừng ngập mặn lớn, nơi đây có nhiều sinh vật phù du là thức ăn tự nhiên cho hàu. Chính bởi các điều kiện này, Long Sơn trở thành vựa hàu cung cấp cho Vũng Tàu và các địa bàn lân cận. Hàu được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nướng, hấp sả, xào bông thiên lý, tái chanh, tái mù tạt, sốt me, chiên bột, nấu cháo… Nhưng du khách thích nhất vẫn là món hàu nướng mọi (không gia vị), nướng mỡ hành để cảm nhận hương vị tươi ngon của loài hải sản này.

Gỏi cá mai

Gỏi cá mai ở Vũng Tàu (Ảnh – vy_ame)

Cá mai giống như cá cơm, dài khoảng 6cm, có thân màu trắng trong, không tanh. Loài cá này hầu như có quanh năm tại các vùng biển của Bà Rịa Vũng Tàu, nhưng nhiều nhất là vào những tháng cuối năm. Gỏi cá mai là món ăn dân dã của người dân vùng biển nơi đây. Gỏi cá mai Vũng Tàu lạ miệng, có vị ngọt của cá tươi, vị bùi của đậu phộng, mè và thính, vị chát của chuối xanh, vị chua của khế, mùi hương của rau thơm.

Lẩu cá đuối

Lẩu cá đuối (Ảnh – pozdi_tran)

Cá đuối có quanh năm nhưng vào mùa là từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, do đó món lẩu cá đuối vào thời điểm này cũng ngon, rẻ hơn. Cá đuối hầu như không có xương hoặc nếu có thì xương sẽ chỉ ở phần đầu và sống lưng. Gần như toàn bộ phần gọi là xương cá đều như sụn non, ăn giòn sần sật. Thịt cá đuối dai và ngọt nước, nhờ đó mà vị của cá đuối không giống những loài cá biển khác. Chế biến lẩu cá đuối cũng không quá cầu kỳ. Cá đuối tươi sau khi làm sạch được tẩm ướp gia vị, nghệ, ớt, hành. Sau đó, xào săn cá rồi xếp ra dĩa. Tiếp đến là nấu nước dùng cùng với sả, măng chua và mẻ… Lẩu cá đuối thường được ăn cùng mì hoặc bún kèm theo rau muống cùng nhiều loại rau khác.

Cá mao ếch

Cá mao ếch ở Vũng Tàu (Ảnh – ntvvirus)

Cá mao ếch hay cá mang ếch là loại cá nước mặn sống ở các vùng biển Vũng Tàu, Cần Giờ. Mỗi cá mao ếch có trọng lượng trung bình từ 200 gam đến 500 gam, tuy bề ngoài xấu xí nhưng theo các ngư dân đánh giá thịt cá mao ếch trắng như tuyết, dai và ngọt.

Bánh canh

Quán bánh canh tương đối nổi tiếng có tên Long Hương, nằm ở cổng chào Tp Bà Rịa (Ảnh – kenl0ve)

Bánh canh giò heo là món ăn quen thuộc của người dân miền Nam. Riêng với người dân Bà Rịa – Vũng Tàu, món ăn với sợi bánh dai mềm, nước dùng thanh ngọt, thơm ngon…. còn là niềm tự hào về ẩm thực bên cạnh các món nổi tiếng khác. Điều khác biệt mà thực khách có thể nhận thấy đầu tiên chính là sợi bánh. Không làm bằng bột gạo như món bánh canh thông thường của người miền Nam, sợi bánh canh ở đây được chế biến hoàn toàn bằng bột lọc nên thường có màu trắng đục, mềm nhưng dai và không bị bở hoặc gãy nát.

Nguyên liệu ăn kèm món bánh canh là thịt heo với các thành phần như giò, thịt nạc hoặc que nạc (phần xương thanh mảnh gần xương ống với nhiều thịt bao quanh). Tùy sở thích mà người dùng có thể lựa chọn một bát bánh canh giò heo, thịt nạc hay que nạc… hoặc có thể gọi tổng hợp cả 3 món để ăn cùng nếu thích.

Bánh khọt

Bánh khọt (Ảnh – __mitu.meetoo__)

Bánh khọt là món ăn quen thuộc ở nhiều địa phương nhưng tại Bà Rịa Vũng Tàu, nó đã là đặc sản, phát triển thành thương hiệu riêng, có chỗ đứng trong lòng người dân và du khách. Với nhiều người, bánh khọt chỉ ăn ở Vũng Tàu mới ngon.

Ẩn chứa trong những chiếc bánh khọt là cách chế biến giản dị và tinh tế. Nó có thể nằm trong cách pha chế bột khéo léo, cũng có thể ở nhân bánh được chế biến từ hải sản tươi ngon rất sẵn của biển Vũng Tàu, cũng có thể hương vị đặc biệt nằm ở món nước chấm đậm đà. Ở Vũng Tàu, nhiều người coi bánh khọt như là một món điểm tâm nhưng cũng có thể làm bữa ăn chính hay món ăn chơi vào buổi tối.

Bánh bông lan trứng muối

Bánh bông lan trứng muối Gốc Cột Điện rất nổi tiếng ở Thành phố biển Vũng Tàu (Ảnh – vynguyen_lovefood)

Ở Vũng Tàu, tiệm bánh bông lan trứng muối lâu đời nhất phải kể đến tiệm bánh “Gốc cột điện”. Bánh bông lan của tiệm được nướng bằng củi gáo dừa (vỏ dừa khô), có độ nóng cao, không độc hại. Khi nướng, nhiệt độ cao làm tan chảy lòng đỏ trứng muối, như dòng nham thạch ngấm vào bột bánh. Vì vậy, khi thưởng thức, mọi người sẽ cảm nhận được một thứ hương vị ngọt ngào, béo ngậy quyện lẫn và tan chảy. Ngoài ra khi đến với tiệm bánh bông lan Gốc cột điện các bạn có thể tham quan, trải nghiệm khu vực nướng bánh.

Bánh xèo Long Hải

Bánh xèo Long Hải (Anh – Tú Nhi)

Vẫn là tôm, thịt heo, hành tây, giá, mộc nhĩ, đậu xanh, trứng gà và bột gạo nhưng bánh xèo tại thị trấn Long Hải mang một hương vị đặc trưng riêng rất đặc biệt. Bánh ngon không chỉ nhờ nguyên liệu, kĩ thuật đổ bánh mà phụ thuộc vào nước chấm rất nhiều bởi phần còn lại sẽ quyết định sự thành bại của sản phẩm nên nước chấm phải được pha chế công phu, vừa có vị chua chua ngọt ngọt của dưa cải, vị đậm đà của nước mắm ngon loại đặc biệt… Tất cả hòa quyện vào nhau từ rau sống, bánh xèo cho đến nước chấm khiến người ăn có thể cảm nhận được hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Bánh hỏi An Nhứt

Món bánh hỏi An Nhứt ở Đất Đỏ (Ảnh – pe0z)

Trải qua nhiều thế hệ của gia đình làm và bán món ăn gia truyền từ hơn 60 năm nay, tới tận bây giờ, quán bánh hỏi An Nhứt (xã An Nhứt, huyện Long Điền) vẫn luôn được thực khách gần xa tìm đến để thưởng thức món ăn dân dã, thơm ngon này. Bánh hỏi của quán luôn có vị thơm, dai và dẻo là do bí quyết gia truyền. Để ăn kèm với bánh hỏi có thịt heo nướng xiên que, chả giò cuốn bánh tráng. Trước hết, miếng bánh tráng mỏng được trải ra, xếp rau cải xanh, xà lách cùng các loại rau thơm, rồi tới lát bánh hỏi, mấy miếng thịt nướng, cùng với chả giò đã được cắt đôi theo chiều dài. Từ từ cuộn tròn cuốn bánh và chấm nước mắm đưa lên miệng cắn một miếng nghe rào rạo, giòn rụm, mùi thơm xộc lên mũi.

Bún nóng

Bún nóng ăn kèm với chả giò ở Đất Đỏ (Ảnh – Duy Ho)

Không ai còn nhớ bún nóng có từ khi nào, nhưng trên các ngả đường qua các huyện Long Điền, Đất Đỏ hay Tp Bà Rịa, du khách dễ dàng tìm được một quán bún nóng cho bữa điểm tâm. Đa phần bún nóng được bán ăn kèm bì, thịt nướng, chả giò, nước mắm chua ngọt. Có nơi làm thêm bún nước lèo, bún mọc, bún măng.

Gà nướng lu Long Sơn

Món gà nướng lu ở Long Sơn (Ảnh – Quang Vũ)

Không chỉ có hải sản, xã đảo Long Sơn của Vũng Tàu còn nức tiếng với món gà nướng lu. Từng miếng thịt gà vàng ươm, da giòn, vị ngọt vẫn được giữ nguyên vẹn đã làm cho món ăn trở nên hấp dẫn vô cùng.Gà được chọn để nướng phải là gà tơ, được để nguyên cả con, làm sạch rồi tẩm ướp đầy đủ các loại gia vị. Bí quyết làm nên món ngon của gà là nhờ kỹ thuật ướp, phương pháp chế biến nước sốt, sự tỉ mỉ trong kỹ thuật lựa chọn thịt gà tươi, dai để bảo đảm khi nướng xong miếng thịt gà vừa chín tới, ngọt, mềm, da giòn, thơm và không bị khô.

Thịt dê Châu Đức

Thịt dê là đặc sản của Châu Đức, nếu có ghé qua vùng đất này các bạn đừng quên thưởng thức (Ảnh – Thùy Nhi)

Nhắc đến ẩm thực Châu Đức, người ta nhớ ngay tới món thịt dê. Thịt dê được chế biến thành nhiều món, mỗi món đều có hương vị thơm ngon, hấp dẫn riêng. Nhưng món được nhiều người thích nhất là thịt dê nướng mọi. Từ những miếng thịt dê tươi, người đầu bếp cắt ra thành từng miếng bằng 3 đầu ngón tay, đặt lên bếp than hồng cùng vài trái đậu bắp hoặc mấy lát cà tím cho thêm phần hấp dẫn. Thịt dê vừa chín tới, được cắt thành miếng nhỏ, bày ra đĩa. Nhấm nháp một lát thịt dê chín tới cuộn cùng xà lách, tía tô, húng quế, rồi nhúng dấm, chấm muối ớt sẽ cảm nhận vị ngọt, mềm, ngậy ngon khó quên.

Cá chình suối

Một món ngon khác của Châu Đức là cá chình suối, loài cá này sống ở các đập hồ Sông Ray, đá Đen… nên thịt thơm ngon, dai, da giòn hơn so với cá chình nuôi hoặc bắt từ biển. Cá chình được chế biến thành nhiều món nhưng thông dụng nhất là nướng và lẩu. Nếu nướng, cá phải được làm sạch nhớt, cắt khúc ướp với chút muối ớt, hành, tiêu cho thấm. Sau đó, quạt than thật hồng, bỏ cả lên vỉ nướng trong thời gian từ 5 – 7 phút cho thơm vàng là được. Cá chình càng tẩm ướp đơn giản càng ngon vì nếu ướp với nhiều gia vị thì sẽ mất đi mùi đặc trưng của cá. Khi chín, từng miếng thịt cá chình trở màu vàng ươm, săn lại, quyện mùi thơm ngon khó cưỡng. Ăn cá chình nướng lúc nóng cần kèm theo gia vị muối ớt chanh.

Đặc sản làm quà

Cá thu một nắng

Cá thu một nắng Côn Đảo (Ảnh – Thụy Nhiên)

Cá thu một nắng ở Côn Đảo rất đặc biệt, những lát cá tươi ngon do ngư dân đánh bắt được phơi nắng, giữ nguyên được hương vị đậm đà của biển cả.

Khô cá chỉ vàng

Khô cá chỉ vàng có thể mua về làm quà khi đến Bà Rịa Vũng Tàu (Ảnh – Sang Tran)

Cá chỉ vàng tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc như: cá chỉ vàng nướng, cá chỉ vàng kho tương gừng, cá chỉ vàng hấp quýt, rim chua ngọt, rim sa tế, cá chỉ vàng xào mắm nêm… Nhưng ngon và nổi tiếng hơn cả là khô cá chỉ vàng. Ở Bà Rịa Vũng Tàu, khô cá chỉ vàng được sản xuất nhiều nhất ở huyện Long Điền.

Mắm hàu Côn Đảo

Mắm hàu (Ảnh – keiko_pham)

Mắm hàu (mắm hào) là thứ nước chấm được chế biến từ con hàu biển, sống rất nhiều ở bãi đá quanh các hòn của Côn Đảo. Từ những đồ nghề cầm tay như: chiếc búa mỏ nhọn, chiếc nhíp gắp và một cái ca đựng, người tìm hàu dùng búa gõ nhẹ vào miệng con hàu sữa nhỏ bằng ngón tay cái, sau đó lật nhẹ lớp vỏ, lấy nhíp gắp miếng thịt hàu bên trong bỏ vào ca.

Ruột hàu khi mang về nhà, sẽ đãi rửa sạch và để cho ráo nước. Sau đó, trộn đều với muối, ớt bột, rượu, tỏi, bột ngọt sao cho vừa khẩu vị chung rồi đóng chai. Khoảng hai mươi ngày sau, chai mắm hàu đổi màu, lúc phần thịt nổi lên trên còn phần nước lắng phía dưới có màu đỏ tươi là ăn được. Tuy nhiên thời gian ủ càng lâu thì mắm càng dậy mùi thơm nồng và ăn càng ngon.

Mứt hạt bàng

Mứt hạt bàng (Ảnh – maianhdinhh)

Để có thể chế biến được một món ăn này, người dân Côn Đảo thường hái những quả bàng chín, mang về phơi khô rồi tách lấy nhân bên trong. Nhân hạt bàng thường được làm sạch, rang lên cho vừa chín, rồi đem chế biến thành mứt hạt bàng. Có hai loại mứt hạt bàng là: ngọt và mặn. Gọi là mứt nhưng thật sự đó là hạt bàng rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối, đường ở đất liền.

Các loại trái cây

Mãng cầu ta

Trái mãng cầu ta ở Bà Rịa Vũng Tàu (Ảnh – Ngoc Tram)

Quả mãng cầu ta (miền Bắc gọi là quả Na) là một trong những loại cây ăn quả đặc sản của Bà Rịa Vũng Tàu. Múi quả mãng cầu trắng ngà, dai, ráo. Mãng cầu ta ở Bà Rịa Vũng Tàu có mùi thơm nhẹ, (được cho là) có hàm lượng Vitamin C cao hơn mãng cầu trồng ở nhiều nơi khác trên cả nước.

Thanh long Bông Trang

Vườn thanh long ở xã Bông Trang (Ảnh – Quang Vinh)

So với Bình Thuận, địa phương trồng thanh long nổi tiếng cả nước, chất đất ở Bưng Riềng có độ pH cao hơn, nên cây thanh long nơi đây phát triển rất tốt. Thanh long trồng ở xã Bưng Riềng và Bông Trang cho trái to, đẹp lại có vị ngọt thanh, khác hẳn với thanh long trồng ở những vùng đất khác.

Nhãn bắp cải

Nhãn xuồng cơm vàng là mặt hàng nông sản tương đối nổi tiếng của tỉnh (Ảnh – Kim Hồng)

Nhãn bắp cải là một trong những loại nhãn có nguồn gốc từ nhãn xuồng cơm vàng nổi tiếng của Bà Rịa Vũng Tàu. Loại nhãn này ngon nhất là khi chín cây, có mùi thơm hấp dẫn cùng với độ ngọt lịm khác biệt. Tách vỏ ra, sẽ thấy lớp cơm săn chắc, che khuất hẳn hạt bên trong. Thịt của giống nhãn này mọng nước nhưng lại có độ giòn sật. Nhờ hương vị độc đáo, mới lạ mà người dân cũng như du khách mỗi khi ghé Vũng Tàu đều lùng cho bằng được, dù giá loại nhãn này khá cao.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Bà Rịa Vũng Tàu
  • đặc sản Bà Rịa Vũng Tàu làm quà
  • ăn gì khi du lịch Bà Rịa Vũng Tàu
  • các quán ăn ngon ở Bà Rịa Vũng Tàu
  • đến Bà Rịa Vũng Tàu nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Bà Rịa Vũng Tàu
  • ẩm thực Bà Rịa Vũng Tàu
  • món ăn vặt Bà Rịa Vũng Tàu
  • các món ăn vỉa hè ở Bà Rịa Vũng Tàu
  • mua gì ở Bà Rịa Vũng Tàu
  • Bà Rịa Vũng Tàu có gì ngon

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 15 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bà Rịa Vũng Tàu

BÀ RỊA VŨNG TÀU

Vị trí Bà Rịa – Vũng Tàu trên bản đồ Việt Nam

Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ. Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của miền Nam với lợi thế đường bờ biển dài 305,4 km với khoảng 156 km có bãi cát thoai thoải, nước xanh, có thể sử dụng làm bãi tắm và hình thành các resort cao cấp kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển.

Ngoài ra, các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển cũng đã và đang được duy trì, phát triển thành các lễ hội văn hóa, du lịch, hàng năm thu hút rất đông du khách về hành hương, tế lễ như: Lễ hội Nghinh rước Cá ông (đình thần Thắng Tam), Lệ Cô (Dinh Cô Long Hải), Vía ông, Trùng Cửu (Đạo ông Trần).

Bạn có biết: Đây là tỉnh duy nhất có tên tỉnh được ghép từ tên 2 thành phố trực thuộc.

  • Diện tích: 1.980,8 km²
  • Dân số: 1.148.313 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện
  • Vùng: Đông Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 254
  • Biển số xe: 72