Đình Trà Cổ, cột mốc văn hóa địa đầu Tổ Quốc

Đình Trà Cổ, cột mốc văn hóa địa đầu Tổ Quốc

Cùng Phượt – Đình Trà Cổ được dựng từ thế kỷ 16, thời Hậu Lê và mang đậm kiến trúc đình truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ. Từ lâu, ngôi đền này được ví như “cột mốc văn hoá” nơi địa đầu Tổ quốc.

Ngôi đình hiện nay, được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích hơn 1000 m², quay theo hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng.

Đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Chuyện xưa kể rằng, những ngư dân đất Đồ Sơn (Hải Phòng) trong một lần di cư tránh bão đã ghé vào đây, từ đó bắt đầu khai hoang, lập nghiệp, biến Trà Cổ thành một vùng đất trù phú. Vì thế, đình thờ 6 vị Thành hoàng đã có công gầy dựng đất Trà Cổ xưa. Đình cũng thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu – vị thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài giữa thế kỷ 18, dưới thời vua Lê – chúa Trịnh.

Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát.

Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Đình được xây dựng gồm 5 gian 2 chái đường và 3 gian hậu cung, với 48 cột đỡ bằng gỗ lim, sơn son thiếp vàng, được kê trên đá tảng.

Cột cái cao 4,65 m, chu vi cột 1,63 m. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thiếp vàng đối diện nhau ghi tám chữ Hán: “Nam Sơn Tịnh Thọ” 南山淨壽 (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” 地久天長 (Đất vững trời dài)”. Ngoài ra, đình còn có 2 cột bằng đá nguyên khối cao hơn 2 m.

Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá…

Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn đương thời.

Hiện nay, tại đình Trà Cổ hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 03 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy…

Hơn 5 thế kỷ qua, đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc đình truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, nhân dân Trà Cổ cũng ý thức gìn giữ, bảo tồn lễ hội truyền thống đình Trà Cổ. Hằng năm, lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức quy mô lớn với rất nhiều hoạt động.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 14 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Ninh

QUẢNG NINH

Vị trí Quảng Ninh trên bản đồ Việt Nam

Quảng Ninh là tỉnh ven biển, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam và có vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Quảng Ninh có nhiều khu kinh tế. Trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các nước trong khu vực. Năm 2016, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 2 ở Việt Nam.

Bạn có biết: Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) chọn Yên Tử, Quảng Ninh là nơi xuất gia tu hành và lập nên dòng Thiền trúc Lâm ở Việt Nam.

  • Diện tích: 6.102,3 km²
  • Dân số: 1.224.600 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 4 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện
  • Mã điện thoại: 0203
  • Biển số xe: 14