Hà Nội như vào thu khi lá vàng, đỏ khắp phố phường

Hà Nội như vào thu khi lá vàng, đỏ khắp phố phường

Giữa tháng 2, một số cây ở hồ Gươm, đường Kim Mã… chuyển màu đỏ, vàng khiến nhiều người liên tưởng đến mùa thu châu Âu.

Cây lộc vừng nổi tiếng trên bờ hồ Hoàn Kiếm nằm đối diện ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng – Trần Nguyên Hãn vào mùa thay lá. Hàng năm, cứ vào độ qua Tết nắng ấm tràn về miền Bắc là cây trút lá vàng.

Cây lộc vừng trên phố Lê Thái Tổ được một nhà hàng trang trí những chiếc nón lá. Từ giữa tháng 2, tháng 3, những loại cây như bàng, sưa trắng, lộc vừng, bằng lăng lại đồng loạt thay áo mới đem đến sắc vàng, cam, đỏ rực trên nhiều tuyến phố.

Trên phố Kim Mã, hàng cây bằng lăng cũng đang chuyển mình vào mùa đâm chồi, nảy lộc khi tiết trời dần chuyển từ xuân sang hè. Mỗi khi gió thổi qua, những cành bằng lăng khẳng khiu, lá úa trên cây rơi lả tả xuống vỉa hè khiến không gian Hà Nội như trong tiết trời thu.

Sắc đỏ, cam của lá biến mất rất nhanh sau khi rụng xuống. Chỉ một ngày sau, lá đã khô lại và chuyển màu nâu.

Cây bằng lăng được trồng nhiều trên các tuyến phố nhưng để tham quan và chụp ảnh, du khách và nhiếp ảnh gia vẫn ưa thích bờ hồ Hoàn Kiếm và đường Kim Mã.

Thảm lá lộc vừng trước cửa một căn nhà trên phố Trần Quốc Toản. Ở một số vùng, lộc vừng được xếp vào danh sách “tứ quý” gồm sanh, sung, tùng, lộc. Theo phong thủy, loài cây này được coi là biểu tượng của sự may mắn, sung túc. Chữ Lộc ứng với Tài lộc, còn Vừng ngụ ý là nhỏ nhưng nhiều. Thêm vào đó, hoa buông xuống như bức mành màu đỏ rất đẹp, mang ý nghĩa về sự thịnh vượng.

Những cây lộc vừng trên đường Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) trong tiết trời đầu xuân khiến nhiều người đi qua phải ngỡ ngàng. Anh Nguyễn Quang Huy (Hà Đông) chia sẻ những cây bàng, lộc vừng mùa này khiến anh cảm thấy phố phường Hà Nội “như mùa thu ở các nước ôn đới”.

Hàng lộc vừng trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Bạn Thư, sinh viên khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, cho biết: “Cây thay màu lá rất nhanh. Chỉ trong vòng 2 tuần, cả hàng cây đã nhuộm sắc vàng”.

Những chiếc lá bàng cuối mùa ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) – điểm ăn vặt yêu thích của nhiều bạn trẻ. Lá và vỏ thân cây được sử dụng trong y học cổ truyền để chữa cảm sốt, viêm loét… Tại Đài Loan, người dân dùng lá bàng để làm thuốc chữa một số bệnh về gan.

Kiều Dương / Theo VnExpress

5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Nội

HÀ NỘI

Vị trí thủ đô Hà Nội trên bản đồ Việt Nam

là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là kinh đô của hầu hết các vương triều phong kiến tại Việt Nam trước đây.

So với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, đây là một thành phố có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong nội ô, cùng với các công trình kiến trúc, thủ đô còn sở hữu một hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam. Thành phố cũng có nhiều lợi thế trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với du khách nước ngoài thông qua các nhà hát sân khấu dân gian, các làng nghề truyền thống,… Du lịch Hà Nội đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các du khách.

Bạn có biết: Tên gọi “Hà Nội” bắt đầu được dùng làm địa danh ở Việt Nam từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831)

  • Diện tích: 3.358,9 km²
  • Dân số: 8.053.663 người
  • Phân chia hành chính: 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 24
  • Biển số xe: 29,30,31,32,33,40