Hướng dẫn đi thuyền trên sông Nho Quế

Hướng dẫn đi thuyền trên sông Nho Quế

Cùng Phượt – Được đưa vào khai thác muộn hơn so với những điểm du lịch khác trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng hành trình đi thuyền trên sông Nho Quế khám phá hẻm Tu Sản bằng thuyền lại thu hút được rất nhiều du khách. Bất kỳ du khách nào đến Cao nguyên đá đều muốn một lần được khám phá hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á này.

Sông Nho Quế ở đâu?

Đập thủy điện trên sông Nho Quế (Ảnh – duyca.phan)

Sông Nho Quế nằm ngay phía dưới cung đường đèo huyền thoại Mã Pì Lèng, dòng nước của sông luôn có một màu xanh rêu khác lạ, chính bởi vậy Nho Quế là cái tên gần đây được nhắc đến rất nhiều khi du khách tới Hà Giang. Đi cùng với sông Nho Quế, không thể nhắc đến hẻm Tu Sản với chiều cao vách đá lên tới 700-900m, chiều dài gần 2km dọc theo sông, đây cũng chính là danh thắng kỳ vỹ và độc nhất của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Làm thể nào để đi thuyền trên sông?

Để có thể trải nghiệm vẻ kỳ vỹ này, các bạn nên một lần xuống tận mặt sông để đi thuyền dọc sông, ngắm nhìn hẻm Tu Sản. Có 2 bến thuyền để các bạn có thể đi, 1 là bến ở thôn Tà Làng, Pải Lủng, 1 bến thuyền khác ở khu vực xã Xín Cái, phía bên kia của đèo Mã Pì Lèng về phía Mèo Vạc.

Cập nhật tháng 3/2024

Hiện tại toàn bộ các bến thuyền tự phát của người dân đã bị đóng, chỉ còn một bến thuyền của bên công ty thủy điện mở ở phía dưới cầu Tràng Hương. Các bạn đi xe theo đường đi Xín Cái, xuống đến sát mặt sông Nho Quế sẽ thấy bến thuyền này. Bến có bãi gửi xe rộng rãi, khu vệ sinh đầy đủ.

Giá vé đi thuyền là 120k cho người lớn, trẻ em là 60k, vé gửi ô tô là 20k, xe máy 10k. Sau khi gửi xe tại bãi sẽ có xe điện/xe buýt đưa khách xuống dưới bến thuyền. Thời gian hoạt động của bến là từ 7h00-18h30 mỗi ngày.

Hiện giờ chỉ có một bến thuyền do bên công ty thủy điện Nho Quế mở tại cầu Tràng Hương (Ảnh – cungphuot.info)

Xe điện chở du khách xuống bến thuyền (Ảnh – cungphuot.info)

Bến Tà Làng

Từ Đồng Văn đi lên đèo Mã Pì Lèng, đến địa phận xã Pải Lủng, Mèo Vạc các bạn sẽ thấy có biển chỉ dẫn đi xuống bến thuyền sông Nho Quế. Cung đường từ đây xuống đến bến thuyền dài khoảng 8km nhưng vô cùng dốc, nhiều cua tay áo. Các bạn đi xe máy có thể tự chạy xuống đây, các bạn đi ô tô có thể thuê người dân chở xuống với chi phí 150k cho cả đưa xuống đưa lên.

Lối xuống bến Tà Làng ở xã Pải Lủng (Ảnh – 임똥개)

Thôn Tà Làng nằm sát dòng Nho Quế, là nơi sinh sống của 39 hộ dân các dân tộc Giáy, Tày, Mông, nằm cách xa trung tâm xã, đời sống của người dân nơi đây gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Trước đây, những đoàn khách nối nhau khám phá cung đường đèo Mã Pì Lèng hầu như ít ai biết, dưới hẻm vực sâu hun hút còn có những người dân đang lặng lẽ sinh sống. Cuộc sống của họ từ khi Thủy điện Nho Quế 1 hoàn thành đã có nhiều thay đổi, những đoàn người theo sức hút của hẻm vực Tu Sản mà tìm đến, người dân có cơ hội mở dịch vụ cho thuê thuyền, đưa đón du khách tạo ra sinh kế dưới hẻm vực heo hút. Hiện nay, có 23 thuyền du lịch hoạt động, mỗi năm đưa đón hàng ngàn lượt khách tham quan, chiêm ngưỡng kỳ quan hùng vỹ này.

Từ trên mặt đường xuống khoảng 8km, đường tuy trải bê tông hết nhưng khá dốc và nhiều cua gấp (Ảnh – cungphuot.info)

Phương tiện xuống dưới chỉ có thể là xe máy, các bạn nào có xe có thể tự chạy xuống, nếu không có thể thuê người dân chở (Ảnh – cungphuot.info)

Bến thuyền ở Tà Làng, tùy vào bạn chọn đi nhà nào sẽ có những đường xuống bến khác nhau (Ảnh – cungphuot.info)

Bến Xín Cái

Xín Cái là xã đầu tiên trong 3 xã xa nhất của huyện Mèo Vạc, con đường vào xã này cũng chạy dọc sông Nho Quế, từ Mã Pì Lèng các bạn cũng có thể nhìn thấy con đường này. Cuối đèo Mã Pì Lèng phía bên Mèo Vạc sẽ có biển chỉ đi Xín Cái, các bạn chạy vào khoảng hơn 5km nữa sẽ tới bến thuyền nơi đây (gần cầu Tràng Hương). Từ đây các bạn tiếp tục đi bộ khoảng 2km để xuống được bến thuyền dưới mặt sông, có thể lựa chọn chèo kayak hoặc đi thuyền tùy sở thích của các bạn.

Lối xuống bến thuyền ở Xín Cái (Ảnh – Ha Dinhquoc)

Đường xuống bến đã được xây dựng các bậc thang để thuận lợi hơn cho du khách (Ảnh – Thắng Nguyễn)

Bến thuyền khám phá hẻm Tu Sản ở Xín Cái (Ảnh – Nghĩa Đào Trọng)

Thưởng ngoạn vẻ đẹp của hẻm Tu Sản

Giữa bao la núi đá, một “dải lụa xanh” uốn lượn dưới chân đèo Mã Pì Lèng và dãy núi Sơn Vỹ mang đến cho miền đá khát nét đẹp dịu dàng, nên thơ. Dòng Nho Quế không phải con sông lớn nhất ở Hà Giang nhưng nó là một trong những dòng sông mang nhiều ý nghĩa nhất. Cao nguyên đá Đồng Văn là miền khát của tỉnh, dòng Nho Quế uốn lượn giữa địa phận hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đã tạo ra sức sống cho nơi chỉ có đá tai mèo trập trùng. Miền đá trở nên thơ mộng khi có Nho Quế, được ngắm nhìn dòng sông từ các điểm dừng chân trên cung đường đèo Mã Pì Lèng đã là một trải nghiệm nhiều cảm xúc; nhưng được lướt nhẹ trên mặt nước xanh rêu của Nho Quế vượt qua hẻm vực hun hút còn hấp dẫn hơn nhiều. Nên đường xuống Tu Sản có gian nan nhưng vẫn không làm chùn bước của những lữ khách.

Hẻm Tu Sản nhìn từ sông Nho Quế (Ảnh – tien_chibi)

Từ giữa lòng hẻm vực, ngước nhìn lên hai vách đá cao vút chỉ thấy vòm trời xanh phía trên xa tít càng khiến con người cảm thấy bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vỹ. Một không gian mà nắng không thể chiếu tới khiến nhiệt độ giữa hai vách đá mát lạnh. Bên dưới là mênh mông nước chảy, trên là hai bức tường đá khổng lồ với muôn hình vạn trạng của nhũ đá được kiến tạo hàng trăm triệu năm địa chất khiến nơi đây trở thành điểm đến mang vẻ đẹp kỳ vỹ nhất. Du khách háo hức được lưu lại những bức hình kỷ niệm và không khỏi trầm trồ trước sự kiến tạo tài tình của thiên nhiên.

Ngoài đi thuyền các bạn nếu yêu thích bộ môn chèo thuyền có thể thuê thuyền kayak và chèo ngay trên dòng sông Nho Quế, nước lặng nên chèo cũng khá dễ.

Bến thuyền Nho Quế 1 bên Xín Cái có cho thuê luôn kayak (Ảnh – lucydo08)

Nhiều bạn khá thích trò chèo kayak này (Ảnh – ocsentron)

Tìm trên Google:

  • đi thuyền trên sông nho quế
  • đi thuyền ở hẻm tu sản
  • chèo kayak sông nho quế
  • xuống bến thuyền sông nho quế như nào
  • đường tới bến thuyền nho quế
  • đường xuống hẻm tu sản hà giang
  • vị trí bến thuyền sông nho quế
  • giá vé đi thuyền sông nho quế tháng 3
5/5 - (3 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Giang

HÀ GIANG

Vị trí Hà Giang trên bản đồ Việt Nam

nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp. Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang. Địa phương có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu.

Bạn có biết: Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được hoàn thành toàn bộ bằng sức người.

  • Diện tích: 7.927,55 km²
  • Dân số: 887.100 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố 10 huyện
  • Vùng: Đông Bắc
  • Mã điện thoại: 219
  • Biển số xe: 23