Bãi cọc Cao Quỳ ở Hải Phòng, di sản vô giá lịch sử để lại

Bãi cọc Cao Quỳ ở Hải Phòng, di sản vô giá lịch sử để lại

Cùng Phượt – Bãi cọc Cao Quỳ nằm bên bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng, thuộc xã Liên Khê, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Bãi cọc được phát hiện từ tháng 10 năm 2019, sau khi khai quật các nhà khảo cổ học đã phát hiện 73 cọc gỗ và hố cọc có kích thước, góc nghiêng hướng nghiêng khác nhau và phân bố không đồng đều.

Sông Bạch Đằng phía sau lưng bãi cọc Cao Quỳ (Ảnh – cungphuot.info)

Theo dòng lịch sử, dòng Bạch Đằng giang đã gắn liền với những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Sông Bạch Đằng đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài khoảng hơn 20 km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trong thời kỳ phong kiến, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy.

Khu di tích Bạch Đằng Giang cách bãi cọc Cao Quỳ chừng 15 km (Ảnh – cungphuot.info)

Trên dòng sông này, vào thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 13, đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt. Năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc. Năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã chọn sông Bạch Đằng để tổ chức trận chiến mang tính quyết định, đánh bại quân xâm lược Tống, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một trận địa cọc hùng vĩ trên toàn bộ dòng sông Bạch Đằng, tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông, với gần 600 chiến thuyền, 40.000 quân, do Ô Mã Nhi chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc.

Động Hang Lương, nơi được cho là địa điểm cất giấu lương thực của Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm (Ảnh – cungphuot.info)

Trong cả 3 trận chiến hào hùng đó, địa phận thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay là một trong những địa bàn trọng yếu. Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên ngày nay chính là nơi giăng đầy những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh của các vị chủ soái, là nơi tích trữ lương thảo, bày binh bố trận và là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh.

Theo các nhà sử học xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, có nền văn hóa mang nét đặc sắc riêng của vùng đất ven sông Bạch Đằng. Đây cũng là nơi chứng kiến những trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc.

Cổng chính khu di tích rộng 22m kết cấu bằng bốn trụ bê-tông cốt thép tượng trưng cho cọc Bạch Đằng (Ảnh – cungphuot.info)

Tại Cao Quỳ, sau khi khai quật đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng. Chúng được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, đặc biệt có cọc đường kính từ 37-40cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim.

Toàn cảnh bãi cọc Cao Quỳ (Ảnh – cungphuot.info)

Từ kết quả khai quật cổ học, kết quả xác định niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ phát hiện được, cùng với các nguồn tư liệu lịch sử, các nhà khoa học bước đầu cho rằng di tích bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ 13, liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần. Trận địa này được dùng để chặn giặc không cho chúng tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng. Toàn bộ binh thuyền của quân giặc phải theo sông Đá Bạc để tiến xuống sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa mai phục của ta ở vùng cửa sông Bạch Đằng – nơi được chọn làm trận địa quyết chiến, chặn đứng và tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy trên đường rút chạy.

Tuyến đường dẫn vào bãi cọc (Ảnh – cungphuot.info)

Kể từ khi được phát hiện, để bảo tồn các cọc được phát hiện và phục vụ nhân dân tham quan, Thành phố Hải Phòng đã xây dựng Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ. Toàn bộ dự án bao gồm tuyến đường dài khoảng 4km nối từ QL10, khu bảo tàng trưng bày, nhà vòm bảo tồn cọc.

Kết cấu nhà vòm có thể chịu được gió cấp 12-13 (Ảnh – cungphuot.info)

Nhà vòm có kết cấu không gian ba chiều, che phủ toàn bộ diện tích hơn 1800 m² mà không làm ảnh hưởng đến bãi cọc.

Dưới nhà vòm là hệ thống các cọc được bảo tồn (Ảnh – cungphuot.info)

Các cọc gỗ đã được khai quật tại đây được bảo quản bằng hai hình thức là bảo tồn trong nước vào bảo tồn trong đất.

Nhóm cọc được bảo tồn trong nước xử lý hoá chất (Ảnh – cungphuot.info)

18 cọc gỗ được bảo tồn nguyên trong hồ nước với diện tích 450 m², nước ở đây đã được xử lý hoá chất để đảm bảo các cọc gỗ không bị phá huỷ, hư hại.

Nhóm cọc được bảo tồn dưới đất, các cọc nổi phía trên được phục dựng lại theo đúng vị trí, kích thước (Ảnh – cungphuot.info)

Phần diện tích còn lại trong nhà vòm có 55 cọc và hố chôn cọc được bảo tồn bằng hình thức lấp đất để hạn chế tác động của môi trường và con người. Trước khi lấp đất, các cọc và hố cọc đã được quét 3D để phục dựng lại nguyên trạng phục vụ du khách đến tham quan. Các cọc phục dựng này có kích thước, vị trí tương tự như các cọc đang được chôn lấp dưới đất.

Nhà trưng bày các hiện vật được khai quật (Ảnh – cungphuot.info)

Phía ngoài cổng là khu vực nhà trưng bày, tại đây có nhiều hiện vật khảo cổ được khai thác tại cánh đồng Cao Quỳ với niên đại hàng trăm năm.

Bức tranh lớn mô tả cuộc thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng được đặt chính giữa nhà bảo tàng (Ảnh – cungphuot.info)

Các mảnh chân đế bát đĩa thời Trần (Ảnh – cungphuot.info)

Lon, sành thời Trần (Ảnh – cungphuot.info)

Mảnh tre nứa, gỗ có vết cháy, có khả năng liên quan đến việc sử dụng hoả công để đốt thuyền giặc (Ảnh – cungphuot.info)

Một mảnh lá cây còn hình dáng tương đối rõ, được bảo quản nguyên trong lớp bùn đầm lầy (Ảnh – cungphuot.info)

Bãi cọc Cao Quỳ là một trong những điểm đến liên quan đến các trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng mà các bạn không nên bỏ qua (Ảnh – cungphuot.info)

Sau khi hoàn thành, bãi cọc Cao Quỳ không chỉ là nơi bảo tồn và gìn giữ những di sản quý giá trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là nơi để giáo dục những truyền thống lịch sử cho nhân dân địa phương, du khách tham quan. Cùng với đó nơi này sẽ tạo thành những kết nối giao thông xuyên suốt giữa các khu di tích lịch sử Bạch Đằng trên khắp vùng.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 66 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG

Vị trí Hải Phòng trên bản đồ Việt Nam

là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ.

Là một thành phố lớn và gần biển đảo, và là một mắt xích quan trọng trong tam giác kinh tế và du lịch Hải Phòng – Hà NộiQuảng Ninh. Sản phẩm du lịch của Hải Phòng nổi bật nhất phải kể đến Quần đảo Cát BàKhu du lịch Đồ Sơn. Ngoài ra, thành phố ngày càng xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và lôi cuốn dựa trên nền ẩm thực đa dạng và phong phú.

Bạn có biết: Việc hoa phượng đỏ được trồng rộng rãi nơi đây, và sắc hoa đặc trưng trên những con phố, cũng khiến nơi này được biết đến với mỹ danh Thành phố Hoa Phượng Đỏ.

  • Diện tích: 1.561,8 km²
  • Dân số: 2.028.514 người
  • Phân chia hành chính: 7 quận, 8 huyện
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 225
  • Biển số xe: 15,16