Các địa điểm du lịch ở Bình Định

Các địa điểm du lịch ở Bình Định (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Là một tỉnh ven biển miền Trung, Bình Định trong những năm gần đây cùng với Phú Yên là một điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Các địa điểm du lịch ở Bình Định vẫn giữ gìn được khá nhiều nét hoang sơ, chưa bị xoáy vào vòng quay du lịch hóa một cách quá mức. Đến với Bình Định các bạn có thể trải nghiệm nhiều hình thức du lịch đa dạng, từ du lịch biển với vô vàn những bãi tắm đẹp, du lịch văn hóa lịch sử với hệ thống tháp Chăm cổ, du lịch cộng đồng nghỉ dưỡng tại đảo Cù Lao Xanh, Phù Cát…

Đường đi Nhơn Hải hay còn được gọi là làng chài Nhơn Hải, một xã ven biển tỉnh Bình Định (Ảnh – dimotngaydang)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả dimotngaydang, lylystories.vietnam, Nguyễn Đình Thành, Scrabulator, Scrabulator, nguyen.duy_95, kimdunglovely, trannga_, nicequynhon.com, Nguyễn Tiến Dũng, hoadaquy89, liendang10, liendang10, thanhnguyen922, daingu92, Duy Linh Ngô, laimythanh, An Nguyen Hoa, Tư Đỗ, Mai Huong, Hải Nguyễn văn, Võ Hữu Hường, Nghia Le Minh, Lê Văn Nhẫn, thuhieu90, Nghiem Ho, Quang Tuấn Trần, Thuy Duong, Nhật Nguyễn, Nguyen Huu Hong Phuong, Phat Nguyen, Xuân Dũng Nguyễn, briessss, Huỳnh Long Trần, Khanh Phan, Nguyễn Quang Thịnh, Vy Đức Nhật Quang, colin guy, mymeolazy, zing.vn, Ngọc Nhuận, Viet Anh La, môn phạm nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Quy Nhơn

Bãi biển Quy Nhơn

Bãi biển trong thành phố Quy Nhơn (Ảnh – lylystories.vietnam)

Được hình thành cách đây hàng trăm năm, thiên nhiên bồi đắp tạo nên bãi biển Quy Nhơn trông giống “vầng trăng khuyết” nên thơ và hấp dẫn du khách. Nằm ngay cạnh trung tâm thành phố, bãi biển uốn cong với bãi cát vàng thoai thoải trải dài 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng, Thành phố Quy Nhơn.

Ghềnh Ráng – Tiên Sa

Nằm trong trung tâm thành phố Quy Nhơn, khu du lịch Ghềnh Ráng toát lên vẻ đẹp từ sự hòa quyện tuyệt vời giữa một bên là biển trời mênh mông với một bên là núi đá muôn hình vạn trạng.Ghềnh Ráng như một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên xếp bày với quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất trập trùng, thành rạng, thành ghềnh hết sức hấp dẫn.

Mộ Hàn Mặc Tử
Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử ở KDL Ghềnh Ráng Tiên Sa (Ảnh – cungphuot.info)

Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển.Hàn Mặc Tử đã không còn nhưng thơ ông vẫn sẽ mãi ở trong lòng những người yêu thơ. Rất nhiều những thế hệ yêu thơ đã tìm đến với ông, tìm đến Ghềnh Ráng để được tưởng nhớ và bày tỏ lòng ái mộ đối với một hồn thơ tài hoa.

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Quy Nhơn

KHÁCH SẠN RAON Hotel - STAY 24H
Địa chỉ: 7 Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 0866888171

KHÁCH SẠN ⭑⭑⭑⭑⭑ Grand Hyams Hotel
Địa chỉ: 28 Nguyễn Huệ, Phường Lê Lợi, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 02563906666

KHÁCH SẠN Khách Sạn Lucien
Địa chỉ: 223 Trần Hưng Đạo, Phường Lê Lợi, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 02563585559

NHÀ NGHỈ 5 Elements
Địa chỉ: 30 Nguyễn Nhạc, Ngô Mây, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 0888555368

BUNGALOW Seagate Bungalow
Địa chỉ: Phía Bắc Cầu Thị Nại, TP Quy Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 02563548888

Nhà thờ Ghềnh Ráng

Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng có tên đầy đủ là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, thuộc giáo phận Quy Nhơn. Theo các tài liệu, nhà thờ Đá được khởi công xây dựng vào ngày 11/02/1963 và khánh thành ngày 15/8/1964, do linh mục Phạm Châu Diên đứng ra xây cất. Sau 40 năm trải qua mưa nắng, gió biển bào mòn, nhà thờ đã có một thời gian xuống cấp, hoang phế. Năm 2005, nhà thờ được tái thiết lại và khánh thành ngày 02/02/2007, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan.

Do nằm trên triền dốc nên lối đi vào nhà thờ khá quanh co, tuy vậy du khách vô cùng thích thú khi vừa đi vừa ngắm quang cảnh thiên nhiên tươi mát xung quanh. Không gian xanh với một bên là vách núi dày đặc những leo dây trường xanh, dương xỉ, một bên là bờ biển dài cong vút càng hấp dẫn bước chân du khách nhanh hơn để tiến vào khuôn viên của nhà thờ Đá.

Bãi Trứng

Bãi đá trứng (Ảnh – Nguyễn Đình Thành)

Bãi Trứng hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu (ngày trước mỗi lần ghé Quy Nhơn, Nam Phương hoàng hậu đều đến đây tắm biển) nằm trong khu danh thắng Ghềnh Ráng (rộng 35 ha) cách thành phố Quy Nhơn 3 km về phía Đông – Nam. Bãi tắm này ghi dấu với du khách với vẻ đẹp của cung đường biển uốn lượn, cát trắng, biển xanh và vô số những tảng đá tròn trịa trên bờ.

Ngoài tắm biển, đến đây, bạn có thể tham quan vẻ đẹp của Gềnh Ráng, quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất chập chùng thành hang, thành rạng, ghé mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử, tìm hiểu về Lầu Ông Hoàng hay xuôi ra đảo có có tên Hòn Đất Bi khám phá những hang động kỳ thú.

Bãi biển Quy Hòa

Bãi biển Quy Hòa (Ảnh – cungphuot.info)

Biển Quy Hoà nép mình cạnh trại phong Quy Hoà. Giống như tên gọi, biển Quy Hoà trong lành và êm đềm với những đợt sóng nhỏ, nước trong vắt và những hàng dương xanh ngát đung đưa theo tiếng gió, tiếng chim ríu rít hoà lẫn trong tiếng sóng tạo cảm giác thanh bình và yên ả.

Bãi Xép

Bãi Xép (Ảnh – Scrabulator)

Bãi Xép cách thành phố Quy Nhơn 10km theo đường Quy Nhơn – Sông Cầu và nằm trong khu du lịch sinh thái rừng biển Bãi Xép do một công ty tư nhân khai thác. Ngoài lợi thế của một bãi tắm đẹp, bãi Xép cũng xanh mát với vườn cây ăn quả, rừng dừa, rừng dương, bãi cỏ… khiến bạn có cảm giác đang ở một vùng quê yên tĩnh hơn là vùng biển sóng rì rào vỗ.

Từ bãi Xép, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của dãy Phương Mai, hòn Ngang, hòn Đất và vịnh biển Quy Nhơn xinh đẹp. Nằm trong khu sinh thái rừng biển nên nếu thích mạo hiểm, bạn có thể đi ngược về phía Tây khoảng 1 km, đến suối Vàng, sẽ bắt gặp một vùng thiên nhiên hoang dã với rừng cây, thác nước…

Bãi Dại

Bãi Dại (Ảnh – Bui Dung So)

Sự kết đôi của cung đường biển trong xanh ôm gọn những khối đá co cụm nhiều hình dáng rải rác trên bờ và dưới biển mang đến cho bãi Dại vẻ đẹp thơ mộng và góc cạnh. Vẻ đẹp của bãi Dại có thể làm mềm lòng cả những vị khách khó tính nhất.

Sau khi vùng vẫy thoả thích trong làn nước trong vắt, bạn có thể tìm cho mình bóng râm giữa các khối đá lớn hay đong đưa trên những chiếc võng ở các nhà chòi cạnh biển nghe tiếng sóng, tiếng gió, cả tiếng đàn, sáo vi vu vang lên từ các chòi bên cạnh.

Bãi Bàng

Bãi Bàng (Ảnh – cungphuot.info)

Được bao bọc bởi những dãy núi chạy dài uốn hình cánh cung vươn ra biển và những hòn đảo ngoài khơi, biển Bãi Bàng sạch đẹp, xanh mát, hiền hòa, là nơi tắm biển lý tưởng. Những ngôi nhà sàn nho nhỏ, những chiếc võng đong đưa dưới tán cây xanh, hàng dừa trĩu quả, rặng phi lao lả lơi, những chậu cây kiểng cổ thụ được cắt tỉa công phu… đã góp phần làm nên nét thi vị cho khu du lịch mini này.

Bãi Rạng

Bãi Rạng nhìn từ QL1D (Ảnh – cungphuot.info)

Là một bãi biển nhỏ, nằm sát trên tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, thuộc địa phận Xuân Hải, Sông Cầu, Phú Yên. Bãi Rạng nằm lọt thỏm giữa 2 ghềnh đá nhô ra biển, từ Quốc lộ 1D các bạn có thể nhìn thấy rõ bãi biển này.

Eo Gió

Eo Gió trước kia, thời còn nguyên vẻ hoang sơ tự nhiên mà không hề có sự can thiệp của con người (Ảnh – cungphuot.info)

Eo Gió thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, đây là một eo núi hình cánh cung, sườn núi đá cheo leo hiểm trở với độ cao hơn 70m, thuộc dãy Núi Cấm – dãy núi án ngữ phía Đông của xã, nối liền hai thôn Hưng Lương và Xương Lý, chạy dài theo hướng Bắc – Nam.

Eo Gió sau khi một doanh nghiệp du lịch xây dựng đường đi và thu vé với du khách tới tham quan (Ảnh – nguyen.duy_95)

Gọi là Eo Gió, hay Eo Cửa Gió vì đấy là cái hõm như yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển. Gió từ biển cả lọt qua hõm núi này như rót vào miệng phễu, thổi lồng lộng khiến người vừa đẫm mồ hôi vì lội cát, đến đây đã chợt thấy se lạnh.

Tịnh xá Ngọc Hòa

Tượng Quan Âm 2 mặt tại Tịnh Xá Ngọc Hòa (Ảnh – cungphuot.info)

Cạnh làng chài dưới chân Eo Gió là một ngôi chùa bề thế mang tên Tịnh Xá Ngọc Hòa, đây là ngôi chùa bề thế, trầm lặng nằm bên Eo gió với tượng Phật bà Quan âm hai mặt lớn nhất Việt Nam hướng ra biển lớn mang theo mong ước bình yên và may mắn của những người dân chài thân thiện nơi đây.

Kỳ Co

Làn nước trong vắt cùng bãi cát trắng trải dài ở Kỳ Có (Ảnh – kimdunglovely)

Kỳ Co thuộc xã Nhơn Lý (nằm trên bán đảo Phương Mai) là một bãi biển nhỏ diện dịch khoảng hơn 1km², với bãi biển nông, lặng sóng và mang vẻ đẹp vô cùng hoang sơ. Đây là địa điểm chưa được đưa vào khai thác du lịch một cách đại trà mà mới chỉ có các hoạt động du lịch tự phát từ người dân để phục vụ nhu cầu du khách.

Đầm Mai Hương

Đây là một phần nhỏ của đầm Thị Nại nằm dọc Khu Kinh tế Nhơn Hội và dãy núi Phương Mai, giáp với xã Nhơn Hải. Để đến được đầm, từ Tp Quy Nhơn, chạy xe máy đến ngã tư Khu Kinh tế Nhơn Hội – Nhơn Lý, rẽ phải chạy về hướng xã Nhơn Hải, tầm 20 phút là bạn đã đặt chân đến đầm Mai Hương. Đứng trên cao, bạn sẽ bị hút mắt giữa một vùng mây nước bao la, chen lẫn cỏ cây, hoa lá cùng các gành đá men theo mép nước. Xa xa giữa đầm nổi lên một cồn cát trắng trải dài. Tít tắp tận chân trời là cầu Thị Nại vươn mình trên biển tạo thành một bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng mà đầy mê hoặc.

Hòn Khô

Hòn Khô là nơi khá thú vị để tham gia các trò chơi với nước (Ảnh – trannga_)

Nằm cách Quy Nhơn khoảng 16km, đảo Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Trong những mùa biển động, Hòn Khô đón những con sóng trùng trùng tung bọt trắng xóa mà trông xa như những đóa hoa biển kỳ ảo, chợt hiện, chợt tan. Mùa biển yên, Hòn Khô lại quyến rũ mời chào du khách với bãi cát dài trắng mịn, với những rạn san hô sặc sỡ, với những bãi cỏ xanh mượt như nhung và lạch nước ngọt nứt từ vách đá. Đến với Hòn Khô, du khách sẽ được thăm làng chài Nhơn Hải, lặn ngắm san hô và thưởng thức những món tươi ngon miền biển.

Biển Hải Giang

Bên tay trái là biển Hải Giang, bên tay phải là biển khu vực đảo Hòn Khô (Ảnh – nicequynhon.com)

Là một ốc đảo nhỏ bé nằm trên bán đảo Nhơn Hải, là một làng chài dân cư thưa nhớt nhưng Hải Giang có địa hình khá độc đáo, nằm giữa núi và biển, cách biệt với thành phố Quy Nhơn bởi những rặng núi thuộc dãy Phương Mai. Để tới đây du lịch, bạn có thể đi bằng thuyền khởi hành từ bến Hàm Tử. Tới Hải Giang bạn có thể leo núi, lặn biển và thưởng thức các món hải sản tươi ngon ngay trên đảo.

Cù Lao Xanh

Đảo Cù Lao Xanh nhìn từ trên cao (Ảnh – Nguyễn Tiến Dũng)

Cù Lao Xanh (đảo Nhơn Châu) còn gọi là đảo Vân Phi là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Trước kia Cù Lao Xanh vốn là đất của tỉnh Phú Yên nhưng được nhập về thành phố Quy Nhơn từ sau năm 1975.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Cù Lao Xanh (Cập nhật 4/2024)

Cầu Thị Nại

Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam trước khi thông cầu Tân Vũ Lạch Huyện ở Hải Phòng (Ảnh – hoadaquy89)

Cầu Thị Nại hay Cầu Nhơn Hội là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội), gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại dài 2,5 km, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu.

Bảo tàng Bình Định

Bảo tàng Bình Định (Ảnh – cungphuot.info)

Bảo tàng Tổng hợp Bình Đinh với diện tích 3.673m2, nằm ở vị trí đẹp nhất thành phố Quy Nhơn với 5 gian trưng bày trên 1.000 tài liệu, hiện vật đem đến cho người xem cái nhìn vừa khái quát, vừa cụ thể về quê hương con người Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ và đặc biệt là hệ thống tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Champa.

Các gian trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp có 5 gian với 5 chủ đề chính: phòng “Đất nước con người” với 241 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Pháp” với 122 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Mỹ” với 233 hiện vật, phòng “văn hóa Chăm” 173 hiện vật, phòng “Bác Hồ với Bình Định – Bình Định với Bác Hồ” 185 hiện vật.

Tháp Đôi

Tháp Đôi nằm ngay trong trung tâm thành phố Quy Nhơn (Ảnh – liendang10)

Trong số các tháp Champa còn lại trên đất Bình Định, có một quần thể di tích khá độc đáo nằm ngay trên địa phận phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Đó là tháp Hưng Thạnh. Đại nam nhất thống chí chép Hưng Thạnh cổ Tháp ở thôn Hưng Thạnh huyện tuy phước có hai Tháp tục gọi là Tháp Đôi. Trong các tác phẩm nghiên cứu, người Pháp gọi đây là Tour Kh’mer vì nhìn gốc độ kiến trúc và nghệ thuật khu tháp này đã tiếp thu không ít ảnh hưởng của nghệ thuật khu tháp này đã tiếp thu không ít ảnh hưởng của nghệ thuật Kh’mer. Xét về phong cách, tháp Đôi có nhiều nét tương đồng với khu tháp Dương Long, đều là những công trình kiến trúc được xây dựng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ XIII, khi Champa bị người Kh’mer đô hộ. Di tích hiện còn là hai ngọn tháp không cao lắm nằm cạnh nhau theo trục Bắc – Nam. Tháp Bắc cao chừng 16m, tháp Nam thấp và nhỏ hơn một chút. Có lẽ chính vì vậy nên trong dân gian đã gọi bằng một cái tên giản dị: Tháp Đôi.

Chùa Long Khánh

Toạ lạc ở số 141 Trần Cao Vân, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Chùa Long Khánh là nơi truyền bá tín ngưỡng Phật giáo trong vùng bấy giờ. Chùa do hoà thượng Đức Sơn (người Trung Quốc) sáng lập. Hiện chùa còn lưu giữ hai vật quý: Thái Bình hồng chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805 triều vua Gia Long. Tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.

Chùa Sơn Long

Chùa Sơn Long nay thuộc phường Nhơn Bình, cách cầu Trường Úc 700m về hướng đông. Kiến trúc chùa có nhiều thay đổi nhưng khuôn viên chùa vẫn giữ như cũ. Mặt tiền hình cánh cung niễng, mặt hậu đất đá lồi lõm sát vách núi. Tương truyền dưới chân núi phía sau chùa xưa có tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới có một cái lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa. Tảng đá đó có tên gọi là đá Hàm Long, nay không còn nữa. Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn còn giữ nét rêu phong cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có những mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn.

Đến Sơn Long, du khách còn được chiêm ngưỡng tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn,cao 3,1 m với chạm khắc hoa văn sau lưng. Bức tượng xác định là của người Chăm tạc từ thế kỷ XIII. Dù dáng vẻ còn khiêm tốn nhưng chùa Sơn Long vẫn dập dìu khách phương xa đến thăm,vãn cảnh,…đặc biệt là vào dịp đầu năm mới.

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn (Ảnh – daniel_hunje_shin)

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn (còn có danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời và còn có tên khác là nhà thờ Nhọn) tọa lạc tại 122 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Nhà thờ có khuôn viên khá rộng và được trồng nhiều cây xanh…

Núi Xuân Vân

Núi Xuân Vân là 1 trong 3 điểm cao hấp dẫn nhất ở Quy Nhơn. Núi cao 242 m so với mực nước biển. Đường lên núi do dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Giáo xứ Phanxico Quy Hòa) xây dựng từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước để tín đồ lên cầu nguyện.

Xuất phát từ khu du lịch Ghềnh Ráng, men theo triền núi hướng sang Quy Hòa, độ 2 km nhìn về phía bên phải ta sẽ thấy một con đường nhỏ, trải xi măng, đó chính là chân núi Xuân Vân. Lối đi lên núi Xuân Vân là những bậc thang đá và xi măng, đường núi khá hẹp, chia thành từng chặng rõ ràng với 14 chặng được đánh số gắn đá với hơn 2.000 bậc. Dễ vì có bậc bước chân, nhưng cái khó của Xuân Vân là độ dốc lớn, chênh lệch độ cao 180 m từ chân lên đỉnh núi, khoảng cách giữa các bậc bước chân lại cao. Nên ai mới đi lần đầu sẽ cảm thấy rất mệt, nhất là ở 3 chặng đầu tiên.

Trên đỉnh núi có một khoảng không gian khá rộng, bằng phẳng, có nhiều tán cây tỏa bóng mát. Gần vùng đỉnh là những vạt sim mênh mông, tầm tháng bảy, tháng tám bạn nên lên đây nghe hương sim tỏa lan bát ngát. Trên đỉnh Xuân Vân có nhiều góc máy để bạn tha hồ chụp những bức ảnh đẹp về toàn cảnh Quy Nhơn.

Thác K50

Thác K50 (Ảnh – thanhnguyen922)

Từ trung tâm huyện Hoài Nhơn, thẳng hướng Xuân Phong (xã An Hòa, An Lão) khoảng 20 km, sau đó rẽ và đi thêm chừng 5 km nữa là đến con đường dẫn lên xã An Toàn. Dừng lại ở cột mốc cây số 10, các bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm một chuyến dã ngoại đầy thú vị. Từ đường chính sẽ phải đi bộ xuống suối. Các tảng đá xếp chồng lên nhau, theo thời gian và dòng nước chảy qua tạo nên những hình thù lạ mắt. Ở đoạn này, các lớp đá gắn kết với nhau như những bậc thang khổng lồ, dòng nước cứ thế chảy xuống tạo những thác nhỏ hiền hòa.

Muốn lên được Thác K50 không phải dễ bởi con đường đất nhỏ, xuyên rừng, ngoằn ngoèo, đặc biệt là độ dốc của nó. Đến nay, thác vẫn còn rất hoang sơ bởi cũng ít người đến vì đường còn rất khó đi. Vị trí thác tại tọa độ 14º 31′ 10” N; 108º 36′ 23” E; Cao độ 831m)

An Nhơn

Tháp Cánh Tiên

Tháp Cánh Tiên (Ảnh – daingu92)

Tháp cánh tiên tọa lạc trên đỉnh gò không cao lắm ở trung tâm thành Đồ Bàn, cố đô xưa của vương quốc Chămpa thuộc thôn Nam An, Nhơn Hậu. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy”.

Tháp Phú Lốc

Tháp Phú Lốc (Ảnh – Duy Linh Ngô)

Tháp được xây dựng trên một quả đồi cao chừng 80m so với mực nước biển, cách thành khoảng 2 km. Đi dọc trên đường Quốc lộ số 1, ngang qua địa phận thôn Châu Thành xã Nhơn Thành có thể nhìn thây rõ. Từ trước tới nay nhân dân vẫn thường gọi tháp là Thốc Lốc, Phốc Lốc, phú Lốc, Phú Lộc mà không hiểu nghĩa của những tên tháp này. Trong các thư tịch cổ, tên tháp còn được chép là Phước Lộc. Người Pháp, trong các công trình nghiên cứu của họ gọi là Tour d’Or (Tháp Vàng). Phân tích phong cách kiến trúc, các nhà chuyên môn đoán định rằng tháp có niên đại tương đương với tháp Cánh Tiên, có nghĩa là cũng được xây dựng vào đầu thế kỷ XII. Quy mô tháp không lớn. Bình đồ tháp hình vuông mỗi chiều đo được 9,7m. Toàn tháp cao khoảng 15m, nhưng vì được xây dựng trên đồi cao nên trông có vẻ ngạo nghễ.

Tháp Bình Lâm

Tháp Bình Lâm (Ảnh – laimythanh)

Tháp nằm trên địa phận xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa. Trong một số thư tịch cổ pháp có tên Thanh Trúc, nhưng trong các công trình nghiên cứu sau này và trong dân gian đều gọi là tháp Bình Lâm. Trên một gò đất cao, tháp có Bình đồ vuông, mỗi cạnh chừng 10m. Thủa nguyên sơ, toàn tháp cao khoảng 20m, chia thành 3 tầng rõ rệt. Để tháp xây bề thế, vững chải tạo bởi một hệ gạch đồ sộ, hơi thắt ở lưng chừng. Xung quanh có các gờ so le nhô ra là thành những khung trang trí chữ nhật cân đối. Làm nền cho thân tháp vươn lên là đường gạch với những chỗ uống tròn giống như những cánh hoa mềm mại phủ xuống. Thân tháp khối vuông hình trụ. Dọc thân tháp là những cột hẹp nhô ra và những ô chữ nhật lõm vào thân tường, trang trí hoa văn cánh sen uốn ngửa liên kết với nhau. Cửa chính mở về phía Đông, rộng khoảng 1,8m. Các cửa giả ở mặt tường phía Bắc, Nam và Tây đứng nhô ra khỏi mặt tường phía Bắc, Nam và Tây đứng nhô ra khỏi mặt tường có chỗ đến 1,5m. Các cửa đều tạo vòm nhọn vút lên khiến cho tháp có dáng vẻ thanh thoát, bay bổng.

Chùa Thập Tháp

Thập Tháp Di Đà Tự (Ảnh – An Nguyen Hoa)

Nằm ở phường Nhơn Thành, chùa Thập Tháp Di Đà hay chùa Thập Tháp là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung. Chùa tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Long Bích, ở phía Bắc thành Đồ Bàn của người Chăm xưa. Tên gọi “Thập Tháp” bắt nguồn từ việc trên khu đồi này từng có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ và mất dần dấu tích.

Chùa hình thành từ năm 1683, khi thiền sư Nguyên Thiều, một nhà tu hành người gốc tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ để dựng chùa. Chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ, diện mạo hiện tại được định hình từ đầu thế kỷ 20.

Thiên Hưng Tự

Chùa Thiên Hưng (Ảnh – Tư Đỗ)

Thiên Hưng Tự được xây dựng trên địa bàn thuộc phường Nhơn Hưng, hướng chính điện nhìn ra cánh đồng lúa, xung quanh có hào nước bao bọc; là một trong những ngôi chùa đặc biệt và nổi tiếng bậc nhất tỉnh Bình Định. Không cổ kính, không nằm ở vị trí có “hình sông thế núi” tuyệt vời nhất nhưng chùa Thiên Hưng đã trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách khi đến Bình Định vì là nơi cất giữ viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam.

Làng rượu Bàu Đá

Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá ở An Nhơn (Ảnh – Mai Huong)

Đây là một làng nghề truyền thống có tên Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc. Bàu Đá là tên của một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung, là nguồn nước để chưng cất rượu Bàu Đá. Bàu nước cổ này ngày nay  đã cạn nước, nguồn nước chủ yếu để ủ men, cất rượu bây giờ là từ những mạch nước giếng của làng. Các bạn có thể ghé làng để tìm hiểu quy trình sản xuất đặc sản khá nổi tiếng của Bình Định.

Thành Hoàng Đế

Thành Hoàng Đế được xây dựng vào thời nhà Tây Sơn và bị phá hủy đầu thời nhà Nguyễn (Ảnh – Hải Nguyễn văn)

Được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm 1775 trên nền thành Đồ Bàn xưa của vương quốc Champa để lại, nay là xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá thuộc thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25km. Nơi đây còn lưu giữ chứng tích về sự tồn tại của các vương triều Cham Pa, Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Thành Bình Định

Thành Bình Định là một tòa thành cổ, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1814 với vai trò là thủ phủ trung tâm của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định, hiện nay thuộc Đường Lê Hồng Phong, Phường Bình Định. Trước khi xây thành Bình Định mới, thủ phủ của đất Quy Nhơn nằm tại vị trí Thành Hoàng Đế cũ do Nguyễn Nhạc cho xây dựng làm kinh đô của nhà Tây Sơn thời kỳ đầu. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn năm 1802, thủ phủ của vùng đất Bình Định vẫn nằm ở thành Hoàng Đế cũ. 12 năm sau, tới năm 1814 vua Gia Long quyết định cho dời thủ phủ về hướng nam và gần thành phố Quy Nhơn ngày nay hơn, cách vị trí thành Hoàng Đế cũ khoảng 5 km theo hướng đông nam

Vị trí của thành Bình Định nằm ở phường Bình Định hiện nay. Phía nam thành là sông Côn thuận lợi cho việc giao thông đi lại. Thành có diện tích gần 100ha, chu vi hơn 4 km. Tường thành cao hơn 5m, dày 1m, chân tường dày 10m. Thành có 4 cửa mở theo 4 hướng: Đông, Tây, cửa Tiền và cửa Hậu, mỗi cửa có một vọng lầu gác. Cửa thành xây hình bán nguyệt, rộng 4m, cao 5m, mỗi cửa có hai cánh bằng gỗ tốt dày.

Thành Bình Định được sử dụng trong thời gian 132 năm, từ năm 1814 đến năm 1946. Từ năm 1946, do cuộc chiến tranh với Pháp thành đã bị phá hoàn toàn. Hiện nay chỉ còn biểu tượng của ngôi nhà đón khách còn sót lại và cổng thành phía đông (cửa đông) được xây dựng lại, bên trên có tầng lầu.

Hoài Nhơn

Đền thờ Đào Duy Từ

Đền thờ Đào Duy Từ (Ảnh – Võ Hữu Hường)

Di tích nhà thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài thuộc xã Hoài Phú. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí và đồng khánh dư địa chí đều chép đền thờ Hoàng Quốc Công Đào Duy từ ở thôn Cự Tài, huyện Bồng Sơn (nay là Hoài Nhơn). Trong chiến ranh nhà thờ này đã bị sụp đổ. Năm 1978 dòng họ Đào xin kinh phí của tỉnh Nghĩa Bình để xây dựng lại đền thờ trên nền cũ hiện chỉ còn lại hai trụ cổng và tấm đại tự cũng đề “Quốc công từ môn” (giống như nhà thờ ở thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây) là dấu tích kiến trúc năm Tự Đức thứ 32 (1880) và lần trùng tu năm Khải Định thứ 1 (1861). Trong đền thờ khám thờ là bài vị Đào Duy Từ cũng ghi giống như bài vị bên nhà thờ thôn Ngọc Sơn.

Bãi biển Lộ Diêu

Bãi biển Lộ Diêu, Hoài Nhơn (Ảnh – Nghia Le Minh)

Khi nhắc tới du lịch Bình Định, mọi người đều nghĩ đến bãi biển Quy Nhơn hay bãi tắm Hoàng Hậu tuyệt đẹp. Thế nhưng ít ai biết rằng Bình Định còn có những bãi đá, bãi gành mang vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ như những “nàng tiên” chưa được đánh thức.

Mất chừng 20 phút đi xe máy từ cầu Bồng Sơn, theo đường giao thông ĐT 639 liên xã Hoài Mỹ về phía biển, qua con đèo được làm bằng bê tông xi măng là bạn có thể đến chân gành đá Lộ Diêu, thuộc địa phận thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ. Vì đường đi lại không thuận tiện nên Lộ Diêu vẫn giữ được vẻ hoang sơ của mình suốt hàng trăm năm nay.

Từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Lộ Diêu giống như một cánh cung khổng lồ, lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển, chính giữa là cánh đồng. Còn nhìn từ xa, những khối đá nhiều hình dạng của ghềnh đá kết đôi với cát vàng bãi Bang Bang tạo nên bức tranh đá, nước kỳ vĩ, nguyên sơ và thơ mộng. Điểm nhấn của ghềnh là Hòn Trông, với hình dáng người phụ nữ cùng con trông ngóng chồng trong mỗi mùa đi biển.

Chùa Thắng Quang

Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi ở lưng chừng núi cây Xay, xưa là ấp Hi Tường, xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn nay là thôn Hi Tường, xã Hoài Sơn. Theo truyền thuyết thì núi cây Xay là nơi địa linh, các nhà phong thủy xưa cho núi này là đầu rồng. Chùa có hai bậc sân thấp và cao, qua khỏi cổng chùa là bậc sân thấp, tiếp theo là bậc sân cao nằm trước chánh điện. Ngày xưa chỗ sân thấp bây giờ là một cái hồ, nước có quanh năm, dẫu gặp nắng hạn hồ vẫn đầy nước bởi có nhiều mạch nước ngầm dồn về. Hồ đó có tên là Long thiệt hồ (Hồ lưỡi rồng). Chùa Thắng Quang (hay chùa Cây Xay) là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu giữ được những giá trị quý báu của lịch sử phát triển Phật giáo trên đất Bình Định.

Mũi Gành Hoài Hải

Mũi Gành Hoài Hải (Ảnh – Lê Văn Nhẫn)

Ghềnh đá Hoài Hải là một bãi đá nhấp nhô sát mặt nước biển, do thời gian dài bị nước biển xâm thực đã tạo ra những hình thù rất lạ mắt. Xen lẫn với những bãi đá chạy men theo bờ biển là những ngọn núi đá nhỏ nhô cao khoảng 200m so với mặt nước biển tạo thành những điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp. Trèo lên đến đỉnh, phóng tầm mắt nhìn xuống, biển, bãi đá, tàu thuyền cũng như xóm nhà ngư dân ven bờ biển hiện ra như những bức tranh vẽ.

Phù Cát

Khu dã ngoại Trung Lương

Trung Lương là địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để tổ chức các hoạt động dã ngoại, cắm trại (Ảnh – thuhieu90)

Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km, nằm ở phía Đông đường ĐT 639 thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (phía bên bán đảo Phương Mai, không phải phía sân bay). Đây là một trong những khu du lịch trọng điểm ở Bình Định. Biển ở đây trong veo và xanh ngắt như chính màu trời, màu núi, màu của những bao la ở một vùng đất còn rất nhiều điều bí ẩn để khám phá.

Điểm mới mẻ nhất của khu dã ngoại Trung Lương chính là nơi vui chơi, cắm trại những mái lều xanh đỏ nhấp nhô, hay những hàng ghế nghỉ đủ màu với tầm mắt hướng ngay về phía biển. Nắng vàng, cỏ xanh, xung quanh là những tảng đá vôi lớn và thứ không khí trong lành thổi về từ vùng đất vốn đã ít bon chen, hối hả đảm bảo sẽ khiến bạn chỉ muốn dừng chân tại đây hàng tiếng đồng hồ.

Chùa Ông Núi

Những bậc thang dẫn lên chùa (Ảnh – hoadaquy89)

Người dân Bình Định vẫn gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến). Theo tài liệu của chùa biên soạn năm 2001, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa thành lập năm 1702 niên hiệu Chánh Hoà thứ 11). Thầy trò “tu thiền quán nơi hang đá. Trước mặt có một suối nước từ chóp núi đổ xuống, nên hang đá mang tên “Dũng tuyền thạch cốc” (hang đá nước xối mạnh). Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào phía Nam tu hành.

Khoảng năm 1967, chùa bị bom đạn chiến tranh xóa sạch. Đến năm 1990, chùa mới bắt đầu được xây cất lại. Mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc gắn hình lưỡng long tranh châu, nạm sứ. Đôi cột trước điện hình song long cuộn. Tượng Phật cao 2,5m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn, đều mới đúc tại chỗ bởi các nghệ nhân từ Huế và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay.

Suối khoáng nóng Hội Vân

Có nhiều tiềm năng nhưng suối khoáng nóng Hội Vân hầu như không được khai thác (Ảnh – cungphuot.info)

Suối khoáng nóng Hội Vân, hay còn được gọi là suối Tiên, nằm cách thành phố Quy Nhơn gần 50 km về phía tây bắc, trên địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Với cảnh quan hội tụ đủ núi, sông, suối đẹp như bức tranh thủy mặc, nơi đây được biết đến như điểm du lịch chữa bệnh giàu tiềm năng, nhưng đến nay, tỉnh Bình Định vẫn chưa tận dụng triệt để thế mạnh này để phát triển kinh tế du lịch tương xứng với tiềm năng.

Hiện ở Hội Vân, chỉ mới có một vài nhà hàng quán ăn để phục vụ du khách các món trứng luộc hay gà hấp cát từ chính nguồn suối ngày. Dịch vụ tắm suối nước nóng chỉ có khu bệnh viện điều trị ở gần đó, không có thêm lựa chọn nào cho khách du lịch.

Núi Bà

Núi Bà, tên của cả một dãy núi gồm 66 đỉnh cao thấp khác nhau, được uốn lượn đan xen gấp nếp của các mạch Trường Sơn đâm ra biển Đông. Núi Bà nằm về phía Đông Nam huyện Phù Cát, có tổng diện tích khoảng 40km², địa hình tự nhiên phong phú với một thảm thực vật đa dạng, là nơi tồn cư của những quần thể động vật quý hiếm.

Các sử gia triều Nguyễn gọi Núi Bà là Phô Nghinh Đại Sơn. Xung quanh Núi Bà có nhiều di tích khá nổi tiếng như miếu Bà, đền thờ thần Núi, đá Vọng Phu, chùa Linh Phong với sự tích về Ông Núi, các giếng vuông, phế tích tháp cổ Chăm-pa. Tháp cổ Hòn Chuông mà dân gian gọi là Hòn Bà Chằng là một di tích văn hóa Chăm được xây dựng trên một khối đá to cao, là một kiến trúc duy nhất mà trong bản thống kê các di tích Chăm ở Trung Kỳ của người Pháp chưa được nhắc đến.

Làng biển Vĩnh Hội

Bãi biển Vĩnh Hội (Ảnh – Nghiem Ho)

Vĩnh Hội là một làng quê bình yên có núi, có biển, có cả đồng. Ở đó, có những nếp nhà nhỏ, trước sân có những giàn bông giấy vào độ nở hoa rực rỡ, hay một góc đường bung nở những cánh hoa mười giờ, hoa bướm vàng nhỏ xinh. Biển Vĩnh Hội hoang sơ với bờ cát dài, phẳng, thoai thoải. Đặc thù bãi ngang, biển không có những con thuyền lớn phía khơi xa, song lại có những chiếc thuyền thúng, sõng nhỏ xếp dài trên bờ cát. Những ghềnh đá nhấp nhô đã phủ đầy rêu xanh.

Phù Mỹ

Mũi Vi Rồng

Mũi Rồng (Ảnh – Quang Tuấn Trần)

Nằm cách thị trấn Phù Mỹ khoảng 20 km về hướng Đông, Mũi Vi Rồng, hay còn gọi là: Mũi Rồng, là ngọn núi có hình dáng trông như một con rồng khổng lồ được thiên nhiên chạm trổ và điêu khắc.

Theo truyền thuyết, Mũi Vi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương gọi là “Đá Vảy Rồng”. Đời nhà Đường, Cao Biền – một thầy địa lý chuyên tìm những nơi có long mạch để yếm và ông đã tìm đến Mũi Rồng này. Cao Biền thấy Mũi Rồng có linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát. Loại đá son này rất cứng, khi mài với nước thì cho ra màu đỏ thắm, cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho. Xưa, học trò khắp nơi hay về đây để lấy loại đá về làm son cho thầy chấm bài. Nếu tinh ý ngày nay thỉnh thoảng ta vẫn có thể tìm thấy những hòn son màu đỏ nằm lẫn trong cát biển. Khi chiều xuống, với quần thể những bãi đá như Bãi Bàn, Đá Dựng lô xô kỳ thú, khu vực Mũi Vi Rồng – Tân Phụng trông như một con rồng kỳ vĩ đang cất mình ra biển.

Hải đăng Hòn Nước

Hải đăng Hòn Nước (Ảnh – Thuy Duong)

Hải đăng Hòn Nước nằm trên đỉnh Gà Gô, thuộc dãy Gò Dưa (thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ). Ngọn hải đăng này được xây dựng từ thời Pháp thuộc và có tên gọi hải đăng Vũng Mới. Theo nhiều tài liệu, hải đăng Vũng Mới hoạt động một thời gian, sau đó bị chiến tranh hủy hoại. Đầu năm 1990 được xây dựng mới và chính thức đưa vào sử dụng vào ngày 26.3.1997. Tên hải đăng Hòn Nước được đặt theo tên một hòn đảo nhỏ gần đó.

Đèo Nhông

Đèo Nhông, Phù Mỹ (Ảnh – Nhật Nguyễn)

Đèo Nhông trên quốc lộ 1A ở vùng ranh giới xã Mỹ Trinh và Mỹ Phong, cách thị trấn Phù Mỹ cỡ 8,5 km về phía bắc. Tại vùng đèo năm 1965 diễn ra trận Dương Liễu – Đèo Nhông trong Chiến tranh Việt Nam. Hằng năm vào tháng 2 tại khu di tích thường tiến hành khai lễ kỷ niệm chiến thắng.

Chùa Hang

Chùa Hang hay còn gọi là Thiên Sanh (Ảnh – Nguyen Huu Hong Phuong)

Chùa Hang là tên thường gọi của Thiên Sanh Thạch tự (hay còn gọi là Thạch Cốc), nằm ở lưng chừng núi Chùa (có tên chữ là Lý Thạch, còn được gọi là La Hơi) thuộc thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa. Chùa gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau, trong đó ngôi chùa chính nằm trên sườn núi Lý Thạch. Để lên chùa, phải vượt qua hàng trăm bậc thang quanh co, khúc khuỷu len lỏi qua những phiến đá tự nhiên và cây rừng xum xuê.

Tour khám phá các làng nghề Phù Mỹ

Phù Mỹ không phải là vùng đất nổi tiếng của làng nghề, song làng nghề Phù Mỹ lại có những nét đặc trưng riêng, dệt nên từ đất và người. Tour làng nghề cái hay của nó chính là trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong làng thông qua việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Nổi tiếng nhất có lẽ là làng bí đao khổng lồ với những trái bí lên tới hàng trăm kg mà chính bản thân người dân cũng không biết giống xuất phát từ đâu.

Đầm Trà Ổ

Đầm Trà Ổ (Ảnh – Phat Nguyen)

Đầm Trà Ổ (hay còn gọi là đầm Châu Trúc, đầm Bàu Bàng) là một đầm nước lợ tự nhiên nằm ở phía Đông Bắc huyện Phù Mỹ. Không hiểu vì sao mà đầm có tên là Trà Ổ và trong dân gian còn được gọi là Bàu Bàng. Chỉ biết rằng Bàu Bàng xưa kia vốn là một vịnh nước mặn, ăn thông với biển bằng một dòng chảy đưa nước ra cửa Hà Ra, nơi đã từng có tàu bè qua lại, buôn bán tấp nập. Đến nửa cuối thế kỉ 19, nhà Nguyễn vẫn coi nơi đây là một hải tấn (cửa cảng biển) có đặt trạm thu thuế. Năm tháng qua đi, dòng chảy bị bồi lấp để lại dấu vết trên mặt đất một con lạch nhỏ chỉ có nước vào màu mưa lũ. Đầm không còn chung nhịp thở thuỷ triều với biển nhưng vẫn nhận đều nước nguồn từ núi qua vô số những con suối lớn nhỏ. Nước trong hồ vì thế luôn đầy và ngày tiếp ngày cũng nhạt dần vị muối.

Nằm giữa một vùng thiên nhiên có cánh đồng rộng lớn, núi non nhấp nhô trùng điệp, từ đó những dòng suối lớn nhỏ uốn lượn trườn ra, Trà Ổ dịu dàng như một cô gái e lệ. Nhưng những trảng cát trắng trải dài, toả rộng không gian bờ phía Đông ra biển cả bao la với Hòn Quy thấp thoáng ngoài khơi mang lại cho du khách một cảm giác hoành tráng không bến bờ.

Tây Sơn

Bảo tàng Quang Trung

Bảo tàng Quang Trung khá hay, mỗi tội cuối tuần không mở cửa (Ảnh – Xuân Dũng Nguyễn)

Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về phía Tây Bắc, bảo tàng Quang Trung thuộc làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong.

Khu vực bảo tàng bao gồm 9 phòng trưng bày với những chủ đề khác nhau, lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý xuyên suốt qua các thời kỳ phát triển của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 – 1789). Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc có công dẹp loạn trong nước và đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1788, ông thống lĩnh đại quân từ Phú Xuân (Huế) hành quân 35 ngày đêm ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long (nay là Hà Nội). Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế hiệu là Quang Trung.

Đến với bảo tàng Quang Trung, bạn sẽ được nghe thuyết minh, giới thiệu về những chiến tích lẫy lừng và chiêm ngưỡng những hiện vật quan trọng in đậm chiến công hiển hách của các vị anh hùng áo vải như trống trận, cồng chiêng, ấn tín hay 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút đến trận đánh 29 vạn quân Thanh. Trên các bức tường còn khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các quan văn, quan võ dưới triều đại Tây Sơn.

Thắng cảnh Hầm Hô

Khu du lịch sinh thái Hầm Hô (Ảnh – briessss)

Là một khúc sông dài gần 3km chảy qua các khu rừng già với những tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ trên địa bàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về phía Tây Bắc. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những khối đá dựng thành vách, rừng cây rợp bóng mát che phủ dòng nước và tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông.

Đến đây bạn có thể thuê xuồng tham quan thắng cảnh dọc sông, đây cũng là nơi khắc sâu lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cũng như các nghĩa binh của Mai Xuân Thưởng.

Đài Kính Thiên

Đàn tế trời đất (Ảnh – Huỳnh Long Trần)

Đài Kính Thiên, Đàn tế Trời Đất hay còn gọi là Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn, được khởi công xây dựng ngày 26/11/2011, trên khu đất rộng 46 ha, tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hoà Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Tương truyền, tại vùng non nước cẩm tú linh thiêng Ấn Sơn này, ba anh em nhà Tây Sơn đã được ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” trước khi khởi binh dựng nên sự nghiệp vĩ đại đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn thống nhất sơn hà, quét sạch ngoại xâm. Công trình bao gồm: Đàn tế, Đền Ấn, cổng Tam quan, hồ bán nguyệt và một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài.

Đàn tế toạ lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng. Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, tượng trưng cho Trời. Tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, tượng trưng cho Đất. Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bằng tường đá ong theo hướng chính là hướng Nam. Bên trong cổng tam quan là nơi diễn ra một số nghi thức trước khi tế lễ.

Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn, nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hoà giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương. Bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn được đặt ở nơi này. Đền Ấn gồm Tiền tế, Phương đình và Hậu cung – là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các công trình phụ trợ, được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam – Bắc.

Tháp Dương Long

Cụm 3 tháp Dương Long (Ảnh – Khanh Phan)

Dương Long là cả một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, trên địa phận hai thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình. Tháp có nhiều tên gọi. Ngoài tên phổ biến là Dương Long, đôi khi tháp còn được gọi theo địa danh tháo Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì ba tòa cổ tháp này được xây cất trên một gò cao có tên là Dương Long, nằm ở phía Nam núi Trà Sơn.

Căn cứ vào mặt bằng đế tháp và phong cách nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long tuy vẫn còn mang nhiều đặc trưng của tháp Champa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm ảnh hưởng của nghệ thuật Kh’mer. Có khả năng tháp được xây dựng vào thời kỳ Champa bị người Kh’mer đô hộ, nghĩa là trong khoảng thế kỷ XII – XIII. Nhìn trong bố cục tổng thể cũng như xem xét chi tiết từng tháp, cụm tháp Dương Long là một quần thể kiến trúc bề thế và có thể nói là đẹp nhất trong số các tháp Champa còn lại ở miền Trung.

Tháp Thủ Thiện

Tháp Thủ Thiện (Ảnh – Nguyễn Quang Thịnh)

Khác hẳn với các tháp Champa khác thường đứng trên đồi hoặc gò cao, tháp Thủ Thiện lại được xây cất trên một vùng đất tương đối thấp, trên bờ nam sông Kôn, cách bờ sông chưa đầy 1km, thuộc địa phận thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, xung quanh là ruộng nương, làng mạc. Vào thế kỷ XIX, thôn thủ thiện gọi là Thủ Hương nên trong sách Đại Nam Nhất thống chí, tháp này được gọi là Thủ Hương cổ tháp. Các tài liệu của người Pháp, họ gọi là Tour de Bronze (Tháp Thau).

Thác Đổ

Thác Đổ thuộc xã Vĩnh An cách thị trấn Phú Phong chừng 15 km. Đến với thác Đổ, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng, với dòng thác từ trên cao hơn 40m đổ xuống. Để đến thác Đổ, từ thị trấn Phú Phong, các bạn đi thêm 15km, đến xã Vĩnh An gửi xe trong nhà dân gần bờ tràn Nước Gộp (làng Kon Mon) rồi đi bộ thêm 4 km đường rừng nữa. Chỉ việc đi theo đường ống dẫn nước sạch thì sẽ đến nơi.

Đền thờ Bùi Thị Xuân

Đền thờ Đô Đốc Bùi Thị Xuân (Ảnh – Vy Đức Nhật Quang)

Bùi Thị Xuân là người ở thôn Xuân Hòa, phía nam sông Kôn huộc tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Bùi Thị Xuân là nữ tướng tài ba kiệt xuất thời Tây Sơn, hàng năm vào ngày mùng 6 tháng 11, con cháu tộc họ Bùi ở khắp nơi lại về đây cùng với chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Bùi nữ tướng, người con ưu tú của dòng họ và quê hương.

Tuy Phước

Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít (Ảnh – colin guy)

Tháp được xây dựng trên một quả đồi thuộc địa phận thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp. Quả đồi không lớn, cao chừng hơn 100m nhưng nằm gần đường Quốc lộ số 1 nên du khách có vẽ chiêm ngưỡng vẻ uy nghi mà duyên dáng của khu tháp ngay trên đường đi. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về khu tháp này trong mục Thổ Sơn cổ tháp (tháp núi đất). Sách cho biết tục danh của tháp là Thị Thiện và giải thích rằng dưới chân núi đất xưa có quán bán bánh của một người đàn bà tên gọi Thị Thiện nên có tên ấy. Không rõ tên Thị Thiện thông dụng đến mức nào, nhưng dân địa phương từ lâu đã quen gọi tên tháp này là tháp Bánh Ít. Quả thực, bốn ngọn tháp đứng gần nhau, một lớn ở trên cao và ba nhỏ ở dưới thấp, trông xa dễ làm người ta liên tưởng đến một mâm bánh ít đã bóc lá.

Tháp Bánh Ít là một trong những ngôi tháp nổi tiếng nhất và được nhóm tác giả người Anh của cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” giới thiệu với bạn đọc thế giới. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam được chọn giới thiệu trong cuốn sách này.

Tiểu chủng viện Lòng Sông

Tiểu chủng viện Lòng Sông như một kiến trúc Châu Âu cổ giữa lòng Bình Định (Ảnh – mymeolazy)

Tiểu Chủng Viện Lòng Sông hay nhà thờ Lòng Sông là một kiến trúc cổ vừa mang vẻ trầm mặc linh thiêng của một công trình tôn giáo vừa có sự dung hòa giữa thiên nhiên – con người và kiến trúc độc đáo đã tạo nên một tổng thể toàn vẹn nhất.

Chính điện được thiết kế theo phong cách Gothic, với những tháp bút chì, và nhiều cổng vòm cuốn mang đậm phong cách Châu Âu làm cho ta cảm giác như đang lạc vào chốn cung điện cổ tích. Nằm đối xứng với thánh đường là hai tòa nhà được xây dành cho các tu sinh, tường vôi vàng, trường lang với những hàng cột và cửa vòm ban công được thiết kế tinh tế. Những khối nhà nép mình dưới những hàng cây rợp bóng, lối đi xanh mượt cỏ hoa. Đặc biệt trước sân là hàng cây sao đã hàng trăm năm tuổi, nhiều cây to tới mấy vòng tay ôm không xuễ vẫn sừng sững đứng đó che chắn cho Lòng Sông trải qua biết bao thăng trầm, biến cố.

Khu sinh thái Cồn Chim

Rừng ngập mặn ở Cồn Chim hàng chục năm tuổi gồm đưng, đước, sú vẹt… tạo nên hệ sinh thái đa dạng, môi trường sống trong lành cho tôm, cua, cá không ngừng sinh sôi nảy nở; các loài cò, chim le le, sếu… từ khắp nơi quần tụ về đây sinh sống (Ảnh – zing.vn)

Khu sinh thái Cồn Chim như một ốc đảo lọt thỏm giữa bốn bề là màu xanh của trời, của đất và nước. Những ngày gió lặng biển êm, có dịp xuôi thuyền trên đầm Thị Nại, các bạn sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành cùng với cảnh sắc thiên nhiên đẹp hữu tình và quyến rũ, lá phổi xanh của thành phố Quy Nhơn.

Khu sinh thái Cồn Chim rộng 480 ha, nằm giữa một vùng đầm phá mênh mông giữa rừng ngập mặn. Bên dưới mặt nước là nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, với các loài thủy sản có giá trị cao cùng hệ sinh thái thảm cỏ biển ngày càng được phục hồi và phát triển. Bên trên tán rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa.

Suối Cà Te

Suối Cà Te, Vân Canh (Ảnh – Ngọc Nhuận)

Từ trung tâm Tp Quy Nhơn theo QL 19C đến thị trấn Vân Canh, tiếp tục di chuyển men theo con đường liên xã uốn lượn giữa trùng điệp keo lá tràm xanh ngút ngàn thêm khoảng 8 km là đến suối Cà Te. Không chỉ có dòng suối trong mát chảy róc rách, những tảng đá đủ màu sắc, nhiều hình thù kỳ lạ, tiếng chim hót líu lo dưới những tán cây cổ thụ tỏa bóng, đến đây bạn còn có cơ hội tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Bana với những truyền thống văn hóa đặc sắc, nghề dệt thổ cẩm, nhắp hơi rượu ghè bên tiếng đàn goong réo rắt. Bạn còn có thể thưởng thức những món ăn đậm đà chất Bana chế biến từ gà thả vườn, trứng kiến vàng…

Vĩnh Thạnh

Vĩnh Sơn

Là một xã vùng cao, Vĩnh Sơn có khí hậu khá mát mẻ (Ảnh – Viet Anh La)

Là một xã miền núi cao của huyện Vĩnh Thạnh, ở độ cao 800m so với mực nước biển, Vĩnh Sơn được ví von như “Ðà Lạt thu nhỏ” của Bình Định với 4 mùa trong ngày. Từ thị trấn Vĩnh Thạnh đi theo đường ĐT 637 khoảng 50 km, ta sẽ lên tới Vĩnh Sơn.  Những địa danh mà bạn nên khám phá khi tới Vĩnh Sơn là cánh đồng sản xuất rau ôn đới; hồ thủy điện Vĩnh Sơn, vùng trồng thử nghiệm giống hoa Mai Anh Ðào (Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn); thành đá Tà Kơn; Di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ; thắng cảnh thác Hang Dơi.

Suối nước nóng Vĩnh Thạnh

Suối nước nóng Vĩnh Thạnh không được nhiều du khách ngoài Bình Định biết đến (Ảnh – môn phạm)

Suối nước nóng Vĩnh Thạnh (tại thôn Vĩnh Trường, xã Vĩnh Thịnh) hiện còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, là điểm đến thú vị cho những ai thích khám phá vẻ đẹp của núi rừng, hòa mình vào thiên nhiên. Từ trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh đi khoảng 5 km về xã Vĩnh Thịnh, theo bảng chỉ dẫn, băng qua cánh đồng lúa trên con đường bê tông trải dài, qua cầu treo, đi hết con đường mòn sẽ tới suối nước nóng.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở Bình Định
  • tháng 4 Bình Định có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến Bình Định
  • phượt Bình Định có gì
  • cảnh đẹp Bình Định
  • danh lam thắng cảnh Bình Định
  • địa điểm du lịch tâm linh Bình Định
  • đến Bình Định nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Bình Định

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 4 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bình Định

BÌNH ĐỊNH

Vị trí Bình Định trên bản đồ Việt Nam

Là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc – Nam, có chiều ngang với độ hẹp trung bình là 55 km. Đây là quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi… với bờ biển dài, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh

Bạn có biết: Bình Định được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào.

  • Diện tích: 6022,6 km²
  • Dân số: 2.084.000 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện
  • Mã điện thoại: 256
  • Biển số xe: 77