Các lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn (Phần 2)

Các lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn (Phần 2) (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Lạng Sơn là một trong những nơi phát hiện ra các di chỉ của người Việt thời sơ sử, tiền sử. Nơi đây còn  in đậm dấu ấn của các nền văn hoá truyền thống của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Những dân tộc có đông cư dân ở Lạng Sơn như Nùng, Tày, Việt, Dao với nhiều phong tục tập quán và lễ hội rất độc đáo. Du lịch Lạng Sơn ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng các bạn có thể lựa chọn một hình thức khác là du lịch văn hóa, vẫn vừa có thể khám phá cảnh đẹp Lạng Sơn lại có thể tìm hiểu thêm về các lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn cũng như các nét văn hóa đặc biệt của địa phương.

Lễ hội chùa Tam Thanh

Lễ hội chùa Tam Thanh

Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh – di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Xứ Lạng. Theo như các nhà nghiên cứu khoa học, di tích này nguyên là nơi thờ tự của Đạo giáo. Sau này, do ảnh hưởng nhiều yếu tố, Đạo giáo mờ nhạt trong tâm thức nhân dân địa phương. Người dân địa phương đã đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào di tích này để thờ tự. Hội chùa được mở vào ngày 15 tháng giêng hàng năm.

Sáng ngày 15, các cụ già tập hợp trước Tam bảo tụng kinh, gõ mõ, cầu đức Phật phù hộ cho dân chúng một năm mới bình an, mạnh khỏe,… Lúc này, các đội sư tử lên chùa múa lễ, mọi người dân đi theo sau thắp hương lễ Phật, thánh, Mẫu trong chùa. Quy trình tế lễ gồm các tuần hương, hoa, trà, tửu, đọc chúc văn, hóa vàng,… trình tự tế giống như tế ở các đình đền chùa khác. Về phần hội, bao gồm: những hoạt động phong phú như đấu cờ người, thi múa võ, ném còn,… và các làn điệu sli, then, lượn, quan họ, chèo hòa theo cùng tiếng đàn then, đàn nhị,… tạo nên không khí ngày hội sôi động, hào hứng.

Ngoài ra, chùa Tam Thanh còn gắn liền với danh thắng tượng đá nàng Tô Thị đã đi vào ca dao của dân tộc. Tượng đá nàng Tô Thị đứng chếch trên sườn núi trước mặt chùa như một biểu tượng của lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ.

Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa

Tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch tại đền Tả Phủ, chợ Kỳ Lừa, xã Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Trong lễ hội này, một dây pháo dài khoảng 8 tấc, to 1,5 phân, đầu pháo có vòng đồng đính, sẽ được làm lễ đốt sau ngày khai hạ. Người nào cướp được vòng đồng ở đầu pháo sẽ được thưởng một con gà, một cân xôi, một cân rượu và quan trọng hơn cả là năm ấy, họ sẽ được mạnh khỏe, phát tài.

Lễ hội đầu pháo chợ Kỳ Lừa được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng. Nhưng thực ra, không khí ngày hội đã có thể nhận thấy ngay từ sau rằm tháng giêng. Từ ngày 16 trở đi, trong đền Tả Phủ, đèn nến được thắp sáng trưng, khói hương nghi ngút suốt ngày đêm. Trong những ngày này, người dân nơi đây tổ chức đón rước thổ công, thần thánh ở các đền miếu lân cận về dự hội. Từ ngày 16 đến ngày 21, các gia đình có “đầu pháo” lấy được từ năm trước trả lại đền, kèm theo món lễ tạ và những tràng pháo để thông báo cho hàng phố biết. Sáng ngày 22, sau khi khai mạc lễ hội, một đoàn kiệu rước trang hoàng lộng lẫy, có thanh niên trai tráng, trang phục chỉnh tề gọi là “đồng nam” khiêng kiệu và một tốp thiếu niên gọi là “đồng tử” khiêng đình hoàng trầm cùng với đội sư tử Kỳ Lừa múa một vòng quanh sân đền rồi hướng thẳng xuống đền Kỳ Cùng để rước thần sông Kỳ Cùng về dự hội. Sau khi làm lễ đón rước, đúng giờ Ngọ, đoàn kiệu rước thần sông Kỳ Cùng quay về đền Tả Phủ. Trên quãng đường đoàn kiệu rước qua, các gia đình bày biện mâm lễ, cúng xôi, gà, hoa quả để cầu may, cầu tào lộc và đốt pháo chào mừng. Ngày 23, 24, tổ chức lễ tế và chuẩn bị đầu pháo. Ngày 25, 26 tổ chức đốt đầu pháo, đây là đỉnh điểm của lễ hội, lôi cuốn mọi người tham gia. Quyền châm lửa đốt pháo thuộc về người năm trước đoạt giải, giây phút quyết định sẽ đến khi quả pháo đại nổ hất tung vòng thép đỏ (đầu pháo) lên không trung, rơi xuống và mọi người sẽ vào nhặt lấy.

Ngày 27, đúng giờ ngọ đoàn kiệu lại rước, trả thần sông về đền Kỳ Cùng và đưa thổ công, thần thánh về các miếu lân cận, lễ hội kết thúc. Từ khi Chính phủ cấm đốt pháo nổ, tên gọi “Hội đầu pháo” được đổi thành “Lễ hội xuân đền tả Phủ”. Hiện nay, còn có một lễ hội gắn liền với lễ hội đền Tả Phủ, đó là lễ hội đền Kỳ Cùng.

Lễ hội Nàng Hai

Thường được tổ chức vào ngày 4 tháng 2 âm lịch hàng năm ở bản Nà Cạo, xã Chí Minh để cầu khấn các nàng tiên phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng tươi tốt bội thu, cuộc sống yên vui.

Có nhiều truyền thuyết về lễ hội Nàng Hai, nhưng truyền thuyết sau đây được đánh giá là tiêu biểu hơn cả. Chuyện kể rằng: “Xưa kia vùng núi Nà Cạo hạn hán, ngô lúa mất mùa, cây cối khô cằn, bà con dân bản rủ nhau làm lễ cầu trời giúp cho nhân dân thoát khỏi đại hạn. Trước tình hình đó, trời cho 7 nàng tiên ở mặt trăng làm phép cho mưa thuận gió hòa, dạy dân làng cách xẻ ruộng trồng lúa nước, trồng bông lấy sợi dệt vải, trồng dâu nuôi tằm kéo tơ dệt lụa,… Ngoài ra, các nàng tiên còn dạy các chàng trai, cô gái hát các lời lượn tâm giao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 7 nàng tiên chia tay về mặt trăng, dân làng lưu luyến tiễn đưa. Vì thế, đến ngày 4 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức đón nàng Tiên (còn gọi là Nàng Hai – nàng Tiên Trăng), ngày 18 tháng 3 âm lịch làm lễ tiễn nàng về trời”.

Lễ đón Nàng Hai được tổ chức ở miếu thờ thổ công ở làng Nà Cạo. Trong 6 cô gái được tuyển chọn đóng vai các nàng tiên, có 2 người làm mẹ Nhất, mẹ Nhì, 4 người còn lại chuyên hát những lời lượn. Ngoài ra, dân làng cũng chọn 4 chàng trai gọi là Hai Pò để hát đối với 4 Nàng Hai tại nhà sàn ở cạnh làng, đây cũng là nơi để các bà Nhất, bà Nhì đến thắp hương hàng ngày và là nơi bà Then đến dạy các Nàng Hai hát lượn. Lễ tiễn Nàng Hai được tổ chức trang trọng với nghi lễ thành kính, các gia đình trong làng đều soạn mâm lễ gồm xôi cẩm đen, gà luộc, các loại bánh nhuộm đủ màu sắc được gắn kết tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và các sao. Bà Then cùng với bà Nhất, bà Nhì và các Nàng Hai đi chấm cỗ, những mâm nào thiếu lễ các Nàng Hai sẽ hát lời tạ, giải hạn với trời. Sau đó, các Nàng Hai vừa đi, vừa vãi những nắm hạt bông, nắm thóc, phát cành dâu,… và cùng ra bến sông hát lời thả thuyền trên sông. Kết thúc, bà Then làm lễ trả hồn cho các Nàng Hai về trời, gọi hồn cho các bà, các chị đóng vai Nàng Hai trở về. Toàn bộ diễn biến lễ hội được gắn liền với giai điệu mượt mà của các bài hát lượn.

Lễ hội Lồng Tồng

Lễ hội được tổ chức vào ngày 4 tháng giêng âm lịch hàng năm, một trong những lễ hội lớn nhất vùng với nghi lễ tín ngưỡng cầu thành hoàng và thần nông. Qua khảo sát sơ bộ của ngành văn hoá – thông tin Lạng Sơn, toàn tỉnh có khoảng hơn 200 lễ hội Lồng Tồng với quy mô tổ chức theo một thôn, bản, một xã, một khu vực hay vài xã. Dù bất cứ ở đâu lễ hội này có cùng đặc điểm cơ bản về nghi lễ cúng thần nông, các trò dân gian và hát các làn điệu sli, lượn,…

Mở đầu cho phần hội là nghi lễ cúng thần nông, khởi thủy từ tín ngưỡng coi thần nông là vị thần cai quản ruộng vườn, đất đai, có thể hô gió, gọi mưa cho mùa màng, cây cối tươi tốt, cho cuộc sống dân bản một năm mới bình an, vụ mùa bội thu. Từ đó, bà con các dân tộc có tục cúng thần Nông vào đâu xuân năm mới để cầu thần phù hộ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Mở đầu hội, Pú Mo làm lễ cúng thần linh, thành hoàng ở ngoài đình làng hoặc miếu, thần nông được cúng ở khu ruộng rộng hoặc trên một ngọn đồi cao. Đồ lễ cúng, bao gồm: gà thiến luộc, các loại bánh trái, hoa quả, rượu trắng. Sau lễ cúng, mọi người cùng ăn cỗ, uống rượu tại lễ hội. Tiếp theo, nghi lễ cầu cúng là các trò chơi dân gian như đánh đu, bắn nỏ, tung còn. Thậm chí, dân làng còn mời đội múa sư tử ở làng bên về tham gia lễ hội với quan niệm ngày Tết có sư tử đến chúc mừng là dịp may mắn cho gia đình, báo hiệu một năm mới làm ăn phát đạt, sức khoẻ dồi dào.

Lễ hội Bủng Kham

Thường được tổ chức vào mùng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội được hình thành bởi quan niệm Bủng Kham (thôn Nà Phái, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định). Tương truyền, Bủng Kham là nơi vui chơi giải trí của thần tiên. Người dân địa phương và du khách thập phương thường đến đây thắp hương cầu mong được các nàng tiên phù hộ làm ăn phát đạt, cuộc sống bình yên, gia đình ấm no hành phúc. Thậm chí, nhiều gia đình khó nuôi con đã đem bát tự của con đến ký thác vào mỏm đá để mong thần tiên nuôi dưỡng.

Lễ hội Bủng Kham được tổ chức tại hai khu vực gần nhau, bên gò đá phía tây Bùng Kham và miếng đất thoai thoải trước mặt là nơi tổ chức hành lễ và hát dân ca. Nơi thờ các thiên thần chia làm 3 bậc. Bậc trên cùng là nơi để ba bàn thờ và đồ tế thiên thần, bậc thứ hai đựng mâm lễ của 24 thôn, bậc thứ 3 phần bên trái là lán của thầy mo, phần bên phải là nơi 5 già làng và các đoàn đến làm lễ. Sau khi dâng rượu trà, thầy mo khấn xin phép mở hội bằng cách thả xuống đất đồng xu hoặc hai mẩu gỗ để xin âm dương. Sau khi các chàng trai, cô gái đại diện cho 24 thôn xã lần lượt bưng lễ đến và hát giới thiệu về mâm cỗ của làng mình, thầy mo sẽ tiến hành khấn. Nội dung của bài khấn xoay quanh mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát đạt, làng bản yên vui, mọi nhà đều ấm no hạnh phúc. Tiếp đến, các cụ già đến thắp hương ở 3 bàn thờ thần tiên: thần nông, thần hoàng trùng (Vua sâu bọ) và nàng tiên cá với nội dung như thầy mo đã khấn.

Trọng tâm của lễ hội Bùng Kham là trò gieo lộc và thụ lộc rất độc đáo. Trò chơi diễn ra vào buổi chiều, biểu tượng của thần lộc ở đây là bỏng thóc nếp. Đến giờ đã định, thầy mo đóng vai thần nông sẽ đem thúng lộc ra chòi, từ trên cao, cầm từng nắm bỏng xung tay vãi đều trong tiếng trống thanh la, não bạt giục liên hồi cùng tiếng reo hò náo nhiệt của người dân tham gia lễ hội. Lộc vãi xuống, bà con và du khách trẩy hội thi nhau nhặt vì họ cho rằng ai nhặt được nhiều lộc thánh thì năm đó làm ăn sẽ phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc. Chiều tối, mọi người tập trung tại nơi hành lễ để thắp hương và làm thủ tục cuối cùng, kết thúc lễ hội, mọi người ra về trong tâm trạng hân hoan, sảng khoái và mong đến mùa hội năm sau.

Tìm trên Google : các lễ hội ở lạng sơn, lễ hội lạng sơn, du lịch tâm linh lạng sơn, nét văn hóa lạng sơn, phong tục tập quán lạng sơn, lễ hội truyền thống lạng sơn, cac le hoi o lang son, le hoi lang son, du lich tam linh lang son, net van hoa lang son, phong tuc tap quan lang son, le hoi truyen thong lang son

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 49 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào