Các món ăn ngon tại Quảng Ninh

Các món ăn ngon tại Quảng Ninh (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt –  Văn hoá ẩm thực ở vùng biển Quảng Ninh có đặc điểm là cùng một món ăn nhưng lại có nét riêng biệt, mang đặc trưng của vùng mình. Ví dụ như vùng huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên đều có mực ống, hà, tù hài… Nhưng mực ống ở Cô Tô mới là loại mực ngon nhất, càng nhai càng ngọt; trong khi với con hà thì chỉ ở Quảng Yên mới ăn mới ngon; cũng như vậy, các món ăn chế biến từ con ngán có ở Quảng Yên, Vân Đồn, Hạ Long, Hoành Bồ, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái v.v.. nhưng xuất xứ của nó lại từ Quảng Yên. Người Vân Hải (Vân Đồn) trước đây chưa biết cách đánh bắt con ngán, về sau mới biết do người Quảng Yên đến đánh bắt, có người ở lại lấy chồng, lấy vợ, sinh cơ lập nghiệp tại đây, rồi truyền lại cho. Khi đến với Quảng Ninh, một vùng đất giàu tính nhân văn mang đậm nét văn hoá Việt, bạn bè gần xa lại có dịp thưởng thức những món ăn dân gian khó quên, những món ăn ở Quảng Ninh, một phần nét ẩm thực của vùng biển Đông Bắc Việt Nam.

Với địa hình rộng, văn hóa đa dạng nên Quảng Ninh có rất nhiều các món ăn ngon (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Cam Ly Dinh, P Hồng Trâm, FB Mơ Yên Tử, FB Măng trúc Yên Tử, fong.linh, _bumbi_48, thanhpham218, lmttokki, nhatkhoa0089, Nhà hàng Quả Trám, Phuong Ha, Báo Quảng Ninh, Hạ Long Sakura, Lê Hồng Thu, mei.m.chou, Hiền Trần và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Chả Rươi Đông Triều

Chả rươi là một trong những món ngon nổi tiếng ở Đông Triều, Quảng Ninh (Ảnh – Cam Ly Dinh)

Là đặc sản của cư dân vùng bãi triều sông Cầm, thị xã Đông Triều, thường có vào cuối tháng 9, đầu tháng Mười âm lịch hàng năm. Chả rươi chiên vàng, có mùi thơm ngào ngạt, vỏ ngoài giòn mà không khô, được dùng để ăn chơi hoặc kèm bún và là đặc sản đãi khách khi mùa rươi về của người Đông Triều.

Na dai Đông Triều

Na Đông Triều quả to, đều, ăn ngọt và rất thơm (Ảnh – P Hồng Trâm)

Na Dai được trồng nhiều ở các xã An Sinh, Việt Dân, Tân Việt của thị xã Đông Triều. Na Dai Đông Triều quả to, vỏ mỏng, có vị ngọt đậm, mùi thơm, không cát. Thời gian thu hoạch thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch hàng năm.

Mơ Yên Tử

Ảnh – FB Mơ Yên Tử

Mơ Yên Tử có màu vàng óng, nhỏ, có vị thơm và chua. Sản phẩm mơ Yên Tử đã được chế biến và tạo thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu, được ưa chuộng hiện nay, như: nước mơ Yên Tử, Rượu mơ Yên Tử…

Măng trúc Yên Tử

Ảnh – FB Măng trúc Yên Tử

Là một món quà vô giá của thiên nhiên đã mang đến cho vùng đất Quảng Ninh. Măng trúc Yên Tử là một loại măng nhỏ, có vị ngọt bùi, mọc trên vùng núi Yên Tử. Hiện nay, Măng trúc Yên Tử đã trở thành sản phẩm mang thương hiệu OCOP đặc trưng của thành phố Uông Bí.

Chả mực Hạ Long

Chả mực có thể coi là món ăn nổi tiếng nhất của Hạ Long (Ảnh – fong.linh)

Chả mực Hạ Long nổi tiếng khắp ba miền, vầ đã được coi là thương hiệu ẩm thực của tỉnh Quảng Ninh. Mực dùng để làm chả là những con mực nang to, tươi sống được đánh bắt ở vùng biển Hạ Long. Món chả mực nơi đây đảm bảo nguyên chất nên luôn thơm giòn, sần sật đặc trưng. Mực sau khi sơ chế được cho vào cối giã nhuyễn, nêm hạt tiêu vỡ, mắm rồi nặn thành những miếng nhỏ vừa ăn, thả vào chảo dầu sôi rán cho chín vàng hai mặt. Miếng chả tươi ngon ngay từ khi mới cho vào chảo rán đã tỏa mùi thơm quyến rũ. Miếng chả mực giòn, ngọt nếu được ăn kèm với miếng bánh cuốn thịt đậm đà và cái ngọt chua của nước chấm pha cay cay sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng thực khách.

Hàu sữa nướng

Hàu sữa nướng mỡ hành (Ảnh – _bumbi_48)

Hàu sữa rửa sạch sẽ được chủ hàng nướng trên bếp than hồng ngay khi có khách gọi món nên lúc nào cũng nóng hổi. Sau khi húp nước hàu trắng trong, béo ngậy, phần thịt được chấm với muối chanh ớt đơn giản mà rất ngon. Cầu kỳ hơn bạn có thể yêu cầu nướng hàu với mỡ hành hay xả ớt để đổi vị.

Sam biển

Để làm các món ăn từ Sam, bao giờ cũng phải lấy đủ một đôi sam ( 1 đực và 1 cái ). Từ Sam, người ta có thể chế biến được nhiều món như Tiết canh sam, súp sam, gỏi sam, sam xào chua ngọt, đùi sam nướng, chả sam, sam rán, riêu sam nấu với trứng, lẩu sam.. mà nếu một lần được thưởng thức, du khách sẽ còn nhớ mãi hương vị thơm ngon của sản vật biển này.

Canh sá sùng lá lốt

Canh sá sùng nấu với lá lốt (Ảnh – thanhpham218)

Ở Quảng Ninh, Sá sùng ở vùng đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn nổi tiếng là ngon nhất cả nước. Sá sùng tươi có thể dùng nấu canh lá lốt, xào cần tỏi tây, xào su hào hoặc nấu cháo… Sá sùng khô được dùng để rang, nướng ăn khi uống bia, rượu, làm ngọt nồi nước dùng khi nấu bún, phở.

Tu hài

Tu hài nướng mỡ hành (Ảnh – lmttokki)

Tu hài hay còn gọi là ốc vòi, là loài hải sản có giá trị kinh tế được nuôi nhiều ở vùng biển huyện đảo Vân Đồn. Thịt tu hài thơm ngon, ngọt, giòn, giàu chất dinh dưỡng.

Mực một nắng Cô Tô

Mực một nắng hay mực tươi ở Cô Tô đều rất ngon (Ảnh – nhatkhoa0089)

Hương vị đặc trưng của sản phẩm mực khô và mực một nắng Cô Tô từ lâu đã nổi tiếng nhờ nguồn nguyên liệu tươi tốt tại vùng biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại được chế biến tại chỗ theo phương pháp riêng với bàn tay khéo léo, lành nghề của người địa phương.

Mực Cô Tô có thân thẳng, mình dày. Sau khi nướng lên, từng thớ thịt xé ra dẻo, dai, khi ăn có thể cảm nhận được vị ngọt thuần khiết của đạm, không mang vị chát như mực ở một số vùng khác.

Gà đồi Tiên Yên

Gà Tiên Yên (Ảnh – Nhà hàng Quả Trám)

Tiên Yên không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà cổ kính mà còn được biết đến với đặc sản “gà đồi”… Không mấy ai ở Quảng Ninh là không biết câu ngạn ngữ: “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Gọi là “gà đồi” bởi gà Tiên Yên không phải giống gà nuôi nhốt mà chúng được thả rông, suốt ngày chạy nhảy, đêm đến thì ngủ trên cây… Đây là giống gà thuần chủng ở địa phương, có thịt thơm, ngọt đặc biệt, săn chắc mà vẫn giòn, không dai; ngậy mà không ngấy…

Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, nhưng ngon nhất vẫn là thịt gà luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Da gà Tiên Yên không chỉ vàng mọng mà còn rất dày. Thoạt trông, có cảm giác hơi ngậy, nhưng cắn một miếng mới thấy thật giòn và ngọt…

Trứng vịt Đồng Rui

Ảnh – Phuong Ha

Vịt ở Đồng Rui được nuôi thả trong đầm nước ngọt và nước mặn, trứng vịt biển to, vỏ dày, chất lượng trứng ăn thơm, bùi, ngậy, nhiều lòng đỏ và màu đỏ sậm hơn trứng vịt nuôi nước ngọt.

Cá khô một nắng Đông Xá

Người dân Đông Xá phơi cá (Ảnh – Báo Quảng Ninh)

Sở dĩ cá khô ở đây “được lòng” du khách bởi quy trình hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất cứ hoá chất nào. Theo đó, cá sau khi đánh bắt về được đưa vào sơ chế, rửa sạch rồi được ngâm với nước muối theo tỷ lệ nhất định để đảm bảo cá rắn chắc và tươi ngon. Một trong những bí quyết làm nên cá một nắng thơm ngon chính là lựa chọn thời điểm nắng để phơi. “Phơi cá cần đặc biệt chú ý căn giờ nắng, gió. Thời gian phơi khoảng 3 tiếng, cần chọn nắng giòn, đẹp nhưng không quá to và gắt. Phơi cá khi có gió Nam là tốt nhất. Đó là những yếu tố giúp cá mau khô, không quắt, cứng mà vẫn giữ được hương thơm vị thơm, ngon của cá.

Ruốc lỗ Hoành Bồ

Ruốc lỗ là một trong những món ngon ở Hoành Bồ (Ảnh – Hạ Long Sakura)

Ruốc có rất nhiều cách chế biến, món truyền thống nhất là món ruốc luộc. Ruốc phải còn sống, bắt lên cho vào rổ, xát muối và chà kỹ, rồi rửa sạch cho vào nồi luộc với lá me chua (hoặc chay, tai chua…), lá ổi. Lá me có vị chua làm mềm và khử tanh, lá ổi có vị chát làm săn và giòn con ruốc. Ruốc luộc vớt ra đĩa ăn nóng với khế quả, rau thơm, gia vị, đặc biệt ruốc chấm với mắm tôm pha đường ớt chanh là chuẩn nhất.

Tài lồng ệp

Bạn có thể thưởng thức món bánh này ở Đền Cửa Ông, Quảng Ninh (Ảnh – Lê Hồng Thu)

Bánh tài lồng ệp có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau như “tày nồng ệp”, “tài nồng ệp”, “bánh tổ”, “bánh cấu” hay “xì lồng cấu”, cũng có người gọi rất hay là bánh tài lộc. Đây là một món ăn được xem như đặc sản của người Sán Dìu ở Quảng Ninh. Dân tộc Sán Dìu sinh sống chủ yếu ở thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn… và rải rác một số tỉnh miền núi phía Bắc. Bánh tài lồng ệp cũng như các món ăn khác của người Sán Dìu, chúng được yêu thích cũng vì rất dân dã, dễ ăn và ngon miệng.

Nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng cách thức làm món bánh có cái tên lạ tai này lại khá cầu kỳ và phải qua nhiều công đoạn. Trước đây người ta thường làm bánh bằng cách đong đếm 7 phần nếp 3 phần tẻ nữa, thay vào đó họ dùng bột nếp cùng đường mật mía. Cứ một kg bột là dùng nửa kg đường mật, cạo mỏng, đường nấu chảy với một ít nước gừng giã dập rồi nhào bột với nước đường gừng vừa nấu.

Công đoạn nhào khá mất thời gian, người làm bánh phải nhào đến khi thấy bột dẻo quánh không còn dính tay mới thôi. Sau đó dàn bánh lên lớp lá chuối, rắc lạc, vừng rang lên mặt bánh và thêm một lớp lá chuối khác, cuối cùng là cho bánh vào hấp. Bánh hấp tốn từ 6 tiếng đến 8 tiếng với bánh mỏng, và khoảng 12 tiếng với bánh dày. Chỉ cần xiên thử đũa qua bột bánh để thử, nếu bột dính vào đũa là chưa chín. Khi thành phẩm đã được đem ra khỏi nồi hơi nước, trong làn khói là thoang thoảng mùi hương vừa thơm vừa ngọt của gừng và đường mật. Bánh tài lồng ệp có màu vàng nâu, trên mặt là lớp vừng được rắc đều đặn trông rất ngon mắt.

Muốn ăn nóng bạn cắt miếng nhỏ và đem chiên vàng 2 mặt. Ăn nóng bột dẻo thơm mùi mật, ngọt thanh rất thú vị.

Bánh gật gù

Bánh gật gù Tiên Yên (Ảnh – mei.m.chou)

Bánh gật gù được làm từ bột gạo có vẻ bề ngoài giống bánh cuốn, bánh phở. Công đoạn tạo ra mẻ bánh khá cầu kỳ: Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo mới nghiền thành bột nước. Khá lạ ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được.

Bánh mỳ mỏ

Bánh mì mỏ giờ được sản xuất như một món đặc sản Quảng Ninh (Ảnh – Hiền Trần)

Bánh mì mỏ có thể được coi là một thứ đặc sản giản dị của thợ mỏ. Đó là bữa ăn ca nhằm bổ sung năng lượng để công nhân hoàn thành công việc trên khai trường vốn vất vả, nặng nhọc. Không chỉ phục vụ riêng công nhân mỏ, ngày nay bánh mì mỏ dần trở thành món ẩm thực hút khách.

Để có sản phẩm thơm ngon, bánh mì mỏ được chế biến theo những tiêu chuẩn khắt khe từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Bột mì Cái Lân loại ngon, các loại thực phẩm từ siêu thị được lựa chọn, kiểm tra kỹ về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình sản xuất cũng dần được chuẩn hoá. Các khâu đánh đảo, cắt bột, lên men, nướng, giữ nhiệt… đều được thực hiện khoa học, chính xác với sự hỗ trợ của máy móc. Chỉ các khâu nặn bánh, xếp khay, đưa vào lò nướng là thủ công. Bánh mì mỏ ra lò có lớp áo ngoài vàng ruộm, nóng giòn, thơm nức, có thể bảo quản được 2-3 ngày, để trong tủ lạnh có thể bảo quản được cả tuần”.

Gỏi ngán

Thịt ngán tách ra được rửa trong nước ngán cho hết bùn, cát ở miệng rồi vớt để vào rổ cho róc kiệt nước. Xong thì thái chỉ, nhỏ, ngang thân ngán trên một cái thớt khô, sạch. Ngán có gan màu tiết hoặc màu sẫm, vì thế khi thái chỉ nhỏ, trộn đều lại với nhau trông đĩa thịt ngán có màu đỏ hơi sậm. Thế là đã có đĩa gỏi ngán.

Tìm trên Google

  • ăn gì ở quảng ninh
  • đặc sản quảng ninh
  • các món ăn ngon ở quảng ninh
  • du lịch quảng ninh nên ăn gì
  • ăn vặt ở quảng ninh
  • ẩm thực quảng ninh

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 14 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Ninh

QUẢNG NINH

Vị trí Quảng Ninh trên bản đồ Việt Nam

Quảng Ninh là tỉnh ven biển, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam và có vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Quảng Ninh có nhiều khu kinh tế. Trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các nước trong khu vực. Năm 2016, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 2 ở Việt Nam.

Bạn có biết: Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) chọn Yên Tử, Quảng Ninh là nơi xuất gia tu hành và lập nên dòng Thiền trúc Lâm ở Việt Nam.

  • Diện tích: 6.102,3 km²
  • Dân số: 1.224.600 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 4 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện
  • Mã điện thoại: 0203
  • Biển số xe: 14