Đến Đất Đỏ khám phá quy trình làm cá khô

Đến Đất Đỏ khám phá quy trình làm cá khô

Cùng Phượt – Cắt đầu, xẻ, ướp muối, phơi không ngừng tay suốt 8 giờ, mình mẩy ám mùi tanh là công việc của những người làm cá khô ở thị trấn Phước Hải.

Thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) hiện có 40 hộ làm cá khô. Trong đó, cơ sở bà Nguyễn Thị Bích Vân rộng 1.800 m2, là nơi sản xuất lớn nhất. Mỗi ngày, ở đây phơi hơn 3 tấn cá đù, đuối, ó…, thu khoảng 1,5 tấn cá khô.

Cá được bà Vân thu mua của những người đi biển tại bến cách nhà một km, trong đó chủ yếu là cá đù, giá 20.000-50.000 đồng mỗi kg, tùy loại.

Đầu tiên, cá được cho vào máy đánh vảy. “Trước đây đánh vảy thủ công tốn thời gian và công sức lắm. Bây giờ dùng máy làm sạch mỗi mẻ cá hàng trăm kg chỉ sau vài phút”, ông Lê Tâm, 45 tuổi, công nhân nói.

Công đoạn tiếp theo, cá được đổ ra sàn để hơn 20 nhân công, đa số là phụ nữ ở địa phương, cắt đầu, đuôi, mổ bụng.

Trước khi phơi, cá được rửa sạch bằng nước biển để giữ độ tươi, sau đó để ráo nước trước khi ướp gia vị mặn hay nhạt tùy theo thị trường. “Để có sản phẩm ngon, dai và không bị mốc, cá tuyệt đối không rửa nước ngọt trong khi chế biến”, một công nhân chia sẻ.

Giữa trưa nắng, từng rổ cá được các công nhân đưa lên xe kéo ra sân phơi, cách nơi sơ chế chỉ vài chục mét.

Liếp phơi cá làm bằng khung gỗ căng lưới rộng một mét, dài hơn 1,7 m. Mùa nắng cá phơi khoảng 2-4 ngày. Còn mùa mưa, thời gian phơi lâu hơn, nhiều khi phải đưa cá vào lò sấy.

Cứ vài giờ bà Nguyễn Thị Năm, 53 tuổi, phải đảo để cá đuối khô đều. “Đây là loại cá lâu khô nhất”, bà Năm cho biết.

Mức thu nhập của các công nhân phụ thuộc vào vị trí và năng suất làm việc. Trong đó, công đoạn cắt đầu và phơi là 2.000 đồng mỗi kg. Mỗi ngày bà Năm kiếm khoảng 200.000 đồng. Riêng những phụ nữ trẻ và đàn ông được 300.000 – 400.000 đồng.

Những liếp cá đuối phơi khô xong được hất xuống tấm thảm trước khi đóng thùng.

Cá đuối được bán 100.000 đồng mỗi kg, còn cá đù dao động từ vài chục nghìn đến 150.000 đồng mỗi kg.

Mỗi năm thị trấn Phước Hải cung cấp hàng nghìn tấn cá khô cho các thị trường ở Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh… “Năm ngoái, sau khi trừ hết các chi phí, gia đình tôi kiếm khoảng 200 triệu đồng”, bà Vân cho biết.

Theo Đăng Khoa/VnExpress

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 15 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bà Rịa Vũng Tàu

BÀ RỊA VŨNG TÀU

Vị trí Bà Rịa – Vũng Tàu trên bản đồ Việt Nam

Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ. Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của miền Nam với lợi thế đường bờ biển dài 305,4 km với khoảng 156 km có bãi cát thoai thoải, nước xanh, có thể sử dụng làm bãi tắm và hình thành các resort cao cấp kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển.

Ngoài ra, các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển cũng đã và đang được duy trì, phát triển thành các lễ hội văn hóa, du lịch, hàng năm thu hút rất đông du khách về hành hương, tế lễ như: Lễ hội Nghinh rước Cá ông (đình thần Thắng Tam), Lệ Cô (Dinh Cô Long Hải), Vía ông, Trùng Cửu (Đạo ông Trần).

Bạn có biết: Đây là tỉnh duy nhất có tên tỉnh được ghép từ tên 2 thành phố trực thuộc.

  • Diện tích: 1.980,8 km²
  • Dân số: 1.148.313 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện
  • Vùng: Đông Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 254
  • Biển số xe: 72