Lễ cấp sắc của người Dao ở Hà Giang

Lễ cấp sắc của người Dao ở Hà Giang

Cùng Phượt – Người Dao có dân số đứng thứ 3 ở Hà Giang. Người Dao không chỉ nổi tiếng bởi đức tính cần cù, chịu khó làm ăn nên đời sống khá ổn định mà họ còn giữ gìn hầu như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Một trong những giá trị văn hóa độc đáo đó chính là lễ cấp sắc- một nghi lễ không thể thiếu trong đời người đàn ông Dao.

Lễ cấp sắc có mục đích là chuyển từ giai đoạn trẻ con lên người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ…

Trong các gia đình người Dao, các bé trai được chăm sóc rất chu đáo nhưng cũng rất nghiêm khắc; 12, 13 tuổi đã phải nhận thức được vai trò trách nhiệm của đàn ông đối với gia đình, dòng họ, làng bản. Lễ cấp sắc được tổ chức là một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của người con trai đó. Chính vì vậy, để được làm lễ cấp sắc thì bản thân người con trai đó phải nỗ lực cố gắng nhiều. Lúc đó, gia đình và họ tộc mới chuẩn bị mọi thứ để tổ chức lễ cấp sắc.

Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ, người Dao Đỏ, Dao Tiền thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, trong khi đó ở người Dao Áo Dài là 11-19 tuổi. Người Dao Đỏ có thể tổ chức Cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) ở nhà trưởng họ; người Dao Áo Dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Mỗi lễ cấp sắc phải có 6 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Lễ cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như: Lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên và thần thánh… Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc; người thụ lễ, có khi cả vợ anh ta cũng phải thực hiện nhiều động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Khác với nhóm Dao Đỏ và Dao Tiền, người Dao Áo Dài có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3-4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.

Điểm đặc biệt là các lời cúng trong lễ cấp sắc có giá trị lịch sử rất lớn. Mỗi lần tổ chức lễ cấp sắc là một dịp cộng đồng nghe lại nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình từ xưa đến nay, tạo nên lòng tự hào dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp đó. Một trong những điểm tạo nên giá trị của nghi lễ này chính là ý nghĩa của các lời răn dạy. Đó là sự hướng tới việc thiện, tuyệt đối không được làm điều ác. Đó là sự tôn trọng người thầy, biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, chung thủy với bạn bè, trọng nghĩa, có lòng vị tha, không phản bội, lừa gạt, không dâm đãng… Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc nên có tác dụng rất lớn. Những điều giáo huấn này còn được ghi lại bằng văn bản, một bản được đốt tại lễ cấp sắc, một bản giao cho người được cấp sắc để lưu giữ suốt đời. Trong lễ cấp sắc còn có rất nhiều điệu múa. Và rất nhiều điệu múa Dao hiện nay được biểu diễn trên sân khấu chính là được cải biên, trích đoạn từ những bài múa trong nghi lễ cấp sắc. Qua lễ cấp sắc của người Dao còn biểu hiện một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí…

Lễ cấp sắc của người Dao là cả một kho tàng văn hóa cổ truyền mang tính giáo dục rất lớn và gía trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Đây chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa vốn đã đa dạng và phong phú của đất nước ta.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 96 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Giang

HÀ GIANG

Vị trí Hà Giang trên bản đồ Việt Nam

nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp. Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang. Địa phương có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu.

Bạn có biết: Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được hoàn thành toàn bộ bằng sức người.

  • Diện tích: 7.927,55 km²
  • Dân số: 887.100 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố 10 huyện
  • Vùng: Đông Bắc
  • Mã điện thoại: 219
  • Biển số xe: 23