Cùng Phượt – Là một thành phố trung tâm của khu vực miền Trung, Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng với các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các bãi biển dài cùng bờ cát trắng đã hút hồn biết bao du khách. Thành phố biển này còn hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa ẩm thực, các món ăn ngon ở Đà Nẵng tương đối đa dạng nhưng cũng rất đặc trưng của vùng đất miền trung. Ngoài ra, hải sản Đà Nẵng lại cũng là một sản phẩm ẩm thực mà hầu hết du khách khi tới đây khó có thể chối từ bởi nguồn nguyên liệu tươi sạch cùng giá cả vô cùng phải chăng. Sau những giây phút thư thái, thoải mái với biển Đà Nẵng, hãy dành những khoảng thời gian còn lại để khám phá các sản phẩm ẩm thực này nhé.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả _mimi.foodiii_, lula.22.9, pebap_lovely, letrang28890, taotaoovereating, nabi12.7, meo07.tlc, ngngmylinh2502, maihieunhi, hohoang_nam, dieutran114, daile0612, vatnang17, yummydanang, kitchenhongo, Linh Mimi, monte.the.eater, moanhnt, thiennguyen1012, theroguewanderluster, chinnfood, Xuân Sơn, thiennguyen1012, golfess, hae_yuni, auslynfoodjournal, tebefood, myduyen_229, Khương Nguyễn Phan, tini091196, ntvvirus,thienphu_29 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Hải sản Đà Nẵng
Mục lục
Là thành phố biển nên không có gì ngạc nhiên khi hải sản là món rất được ưa chuộng khi du khách tới đây (Ảnh – lula.22.9) |
Đà Nẵng nổi danh bởi nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, bên cạnh đó, các món hải sản phong phú, tươi ngon cũng là “điểm cộng” cực hút khách. Bạn có thể đi dọc đường Hoàng Sa để lựa chọn cho mình một quán nhậu bình dân để ăn hải sản, giá hải sản ở đây luôn rẻ hơn trong các nhà hàng ở trung tâm thành phố nhưng cũng vẫn rất tươi ngon .
Chíp chíp
Chíp chíp hấp xả (Ảnh – pebap_lovely) |
Đây là loại hải sản ngon, rẻ và vô cùng đặc trưng của Đà Nẵng. Chíp chíp thường được hấp hoặc luộc với cách chế biến giống như ngao. Thưởng thức những con chíp chíp nóng hổi, chấm cùng muối tiêu chanh ớt, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm, thơm ngon của món này. Chip chip được bán tại bất cứ nhà hàng hay quán nhậu ven biển nào.
Ghẹ
Ghẹ có nhiều cách chế biến, nhưng đơn giản nhất là hấp (Ảnh – letrang28890) |
Ghẹ thuộc họ Cua nhưng thân mỏng và vỏ mềm hơn, thịt chắc và ngọt. Chính vì vậy, ghẹ có thể chế biến được rất nhiều món ngon. Một trong những cách chế biến ghẹ đơn giản nhất là ghẹ hấp. Ghẹ sống rửa sạch cho vào nồi hấp, thêm chút sả đập dập, gừng tươi rồi đun nhỏ lửa trên bếp.
Mực nướng
Những con mực tươi rói vừa được vớt từ biển lên sẽ được rửa sạch, tẩm gia vị rồi nướng trên bếp than hoa. Mùi vị của món mực sa tế thì không lẫn vào đâu được với hương thơm vô cùng kích thích và giòn ngọt của mực tươi xì xèo trên nồi bếp than đỏ hồng.
Ốc hương
Được coi là món tương đối ngon trong những đặc sản ốc biển, đúng như tên gọi, loại ốc này luôn nhẹ nhàng tỏa ra hương thơm tự nhiên, hấp dẫn ngay cả khi chúng còn tươi sống. Ốc hương có thể luộc, nướng hay đem xào me, xả ớt. Món nào cũng ngon và hấp dẫn vô cùng.
Cua sốt me
Nếu là một tín đồ hải sản chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được cái hương vị thơm nồng từ mùi cua biển và nước sốt me bốc lên trong một buổi chiều đầy gió. Từ từ cảm nhận hương vị của món ăn bằng cách gỡ từng miếng thịt cua săn ngọt chấm vào nước sốt me sền sệt, chua ngọt là bao nhiêu suy nghĩ sẽ “tạm ngưng ngay”, nhường chỗ cho cảm giác mê li đang chiếm lấy đầu lưỡi của bạn.
Sò
Các loại sò điệp hay sò lông đều có vị ngọt, mềm, thơm được nướng trên than hồng kèm hành mỡ vừa tới thơm lừng cùng bùi, béo của lạc sẽ khiến bạn không thể nào quên.
Tu hài
Tu hài sống trong nước mặn trong môi trường tự nhiên. Thịt tu hài ăn giòn, ngon, có hương vị rất riêng biệt và chúng cũng có thể chế biến đa dạng thành nhiều món ăn hấp dẫn như: tu hài nướng mỡ hành, hấp sả, nấu cháo
Ốc hút
Ốc sau khi được ngâm với nước vo gạo để rã hết đất sẽ được cắt đít rồi đem xào chung với ớt, nước cốt dừa, gừng xả để những gia vị ấy thấm đều vào từng con. Ốc hút thường được ăn kèm với đu đủ xanh và bánh tráng. Chỉ nghĩ đến cái giòn tan của bánh tráng quyệt với ốc thơ, nước ốc sền sệt thơm lừng có đủ vị mặn ngọt, cay bùi cũng đủ “bắt thèm” những người đã từng được thưởng thức món quà dân dã này của Đà Nẵng.
Cùm cụm
Cùm cụm là loại hải sản có họ hàng với cua, ghẹ, có vỏ rất cứng, mặt trên màu xám, hai càng kẹp và hai que bơi màu vàng. Thịt cùm cụm trắng, giòn, rất ngọt, dày thịt hơn càng cua, ghẹ và đặc biệt trứng rất béo thơm.
Tôm
Đây là loại hản sản quen thuộc thường thấy ở nhiều vùng biển, trong đó có Đà Nẵng. Tôm được tẩm ướp kỹ càng bằng các loại nguyên liệu riêng theo công thức của mỗi quán, sau đó tất cả được xiên que và nướng trên than hồng.
Bạch tuộc nướng
Bạch tuộc tươi ngon được ướp đẫm gia vị rồi đem nướng trên bếp than. Thịt bạch tuộc dai, sực sực, khi nướng quét thêm một lớp tương cay cay ở trên. Ăn kèm với xoài và rau răm chấm đẫm trong chén nước mắm cay mùi ớt.
Các loại bánh
Bánh xèo
Bánh xèo là một loại bánh có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương mà bánh được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phong cách: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non. Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.
Bánh bèo
Cũng giống như bánh nậm, bánh bèo được làm từ bột gạo, sau đó được tráng vào những chiếc chén nhỏ hấp chín phần bột. Khi được bày trên khay bưng lên cho khách dùng mới được rắc lên trên phần thịt tôm đã giã nhuyễn xào với hành tỏi, không thể thiếu miếng tóp mỡ giòn tan. Màu trắng của bánh có vẻ tinh khiết cùng với màu hồng tươi rực rỡ của nhụy tôm tạo cho khách ăn cảm giác vừa mắt, ngon lành. Bánh bèo ăn với nước chấm là nước mắm ngon có ớt, tỏi được pha rất khéo khiến người ăn đôi khi có thể húp nước chấm mà không sợ mặn.
Bánh bột lọc
Bánh bột lọc với nguyên liệu chính là bột lọc, làm từ củ sắn hay còn gọi là củ khoai mì. Bột sắn sau khi đã lọc đem luộc một phần vớt ra để nguội rồi nhào với phần bột còn sống, bánh phải được nhồi vừa tay, không nhão quá mà cũng không khô quá, đảm bảo khi hấp chín lên thì trong vắt, nhìn thấy rõ tôm thịt gói bên trong. Khi ăn cắn làm đôi thì bột phải mềm, nhưng dai. Lúc gói bánh lọc thì phải cẩn trọng không để bột xìa ra ngoài lá, lớp lá dù bánh nóng nguội đều phải bóc dễ dàng. Bánh lọc thường được dùng kèm nước mắm ruốc rất thơm ngon, thêm trái ớt xanh hít hà thì còn gì bằng.
Bánh nậm
Bánh nậm lại được làm từ bột gạo trắng trong, chiếc bánh được gói hình chữ nhật bằng lá chuối xanh, nhân bánh làm từ tôm bằm và thịt ba rọi xào sơ qua với củ hành tím, sau đó quết bột bánh và nhân vào lá dong hấp trong xửng khoảng 20 phút cho bánh mềm. Chiếc bánh nóng hổi lúc bóc ra chính là sự hài hòa từ mùi thơm của lá, vị béo béo từ nhân bánh, từng miếng một mềm tan trong miệng dùng kèm với nước mắm mặn hay ngọt đều ngon tuyệt.
Bánh căn
Cũng là những chiếc bánh nhỏ được làm từ bột gạo, có hình tròn, song, so với bánh cùng loại ở Nha Trang và Đà Lạt thì bánh căn Đà Nẵng có một nét riêng khác biệt từ cách ăn cho đến hình thức. Nếu bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt, khi đổ bánh gần như không dùng đến dầu ăn thì bánh căn Đà Nẵng lại được chiên ngập dầu. Và đây là điểm khác biệt lớn nhất để tạo nên cái riêng của món ăn này tại Đà Nẵng. Điều này giải thích cho việc tại sao bánh căn Đà Nẵng lại giòn rụm, có màu vàng ươm còn bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt thì đặc ruột hơn, mềm chứ không giòn và thường có màu trắng tinh của bột gạo.
Bánh cuốn thịt nướng
Bánh cuốn được làm từ bột gạo nguyên chất, khi tráng xong có màu trắng muốt với phần nhân đi kèm là một ít nấm mèo, thịt nạc vai được băm nhỏ. Bánh bày ra dĩa sẽ được cho thêm ít dăm bông, hành phi nhà làm lên trên cùng để tăng hương vị. Ăn kèm với bánh cuốn gồm có rau sống, đồ chua ngọt, nước mắm tỏi ớt và đặc biệt là xiên thịt nướng.
Mì Quảng
Khi nói đến mì Quảng không nhất thiết là nói đến món ăn đặc sản của Quảng Nam – Đà Nẵng mà là nói đến một món ăn đặc trưng của người miền Trung nói chung. Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ… Thông thường nước dùng rất ít.
Cơm gà
Phải công nhận không biết cơm gà ở những nơi khác ra sao chứ cơm gà ở Đà Nẵng ngon tuyệt vời. Không quá béo, không quá chín vàng, ngọt vừa đủ, thơm vừa đủ ăn với cơm vừa dai bùi vừa thơm dẻo cái vị gà rán và cơm dẻo thì đúng là không gì sánh bằng.
Nem lụi
Nem lụi khá phổ biến ở nhiều tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Từ Đà Nẵng trở vào, người ta thường ăn nem lụi với bánh tráng nướng giòn. Ở mỗi địa phương, nem lụi có một hương vị khác nhau, tùy khẩu vị và cách chế biến. Nem lụi ngon hơn còn nhờ món nước lèo đặc trưng, giống như thứ nước lèo chấm bánh khoái. Khi ăn, quấn nem trong bánh tráng cùng các loại rau rồi chấm trong bát nước lèo.
Bánh tráng cuốn thịt heo
Bên cạnh món mì Quảng khá ngon ở quán này thì món bánh tráng cuốn thịt heo ở đây cũng hấp dẫn không kém. Hương vị giản dị mà đặc biệt của món ăn này đã tạo nên biết bao nhiêu nỗi “nhớ thương” cho các bạn trẻ từng được nếm qua mỗi khi ghé thăm thành phố Sông Hàn.
Ăn kèm với bánh tráng cuốn thịt heo là chén nước mắm nêm được pha rất đậm đà, thơm phức. Bên cạnh đó, ăn bánh tráng cuốn thịt heo mà không có rau sống thì coi như là một sự thiếu sót rất quan trọng. Dĩa rau sống bắt mắt với đủ loại, tươi non góp phần không nhỏ làm nên vị ngon tuyệt vời.
Bánh canh
Ở Đà Nẵng, có rất nhiều món bánh canh khác nhau: Bánh canh cá lóc, bánh canh thịt chả, bánh canh cua…Món Bánh canh có thể được nấu từ bột gạo, bột mì, nhưng phổ biến hơn cả là bột lọc (làm từ củ sắn). Sợi bánh canh thường to gần bằng chiếc đũa, dài và dai. Ăn bánh canh phải “vừa ăn, vừa thổi” vì chỉ khi bắt đầu ăn, sợi bánh mới được thả vào nồi nước đang sôi sùng sục, nếu không bánh sẽ nở to, đặc queo.
Bún bò
Bên cạnh Bún bò Huế nổi tiếng thì miền Trung còn có bún bò Quảng Nam – Đà Nẵng cũng là một món ăn rất đặc sắc. Bún bò Quảng Nam – Đà Nẵng thường ăn bún sợi nhỏ, với thịt tái hoặc bắp bò, thoảng mùi sả và điểm chút hương mắm ruốc, nhưng không dậy mùi như bún bò Huế. Khi ăn cho thêm hành chua, ớt ngâm vào để kích thích khẩu vị.
Bún chả cá
Tô bún với các viên chả cá được làm theo những công thức riêng, nước lèo được chế biến từ cá biển ăn cùng với ớt tỏi, hành hương và ớt xanh ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay xé của ớt tỏi sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị khó tả và không thể nào quên đối với món bún chả cá Đà Nẵng. Món ăn được sử dụng kèm với rau sống, tuy không cầu kì như rau sống mì Quảng nhưng rau cũng cần phải tươi và đủ loại như xà lách, húng, quế và đặc biệt phải có giá đỗ sống đi kèm.
Bún mắm nêm
Món ăn đậm bản sắc vùng miền này được gọi là bún mắm nêm, bún mắm Đà Nẵng hay bún mắm miền Trung để phân biệt với bún mắm đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Dẫu được biến tấu như thế nào thì “cái hồn” của món ăn dân dã này vẫn chính là nguyên liệu nước mắm nêm, chén mắm thơm ngon quyết định chất lượng tô bún. Khi ăn, người bán sẽ trải một lớp rau sống dưới đáy tô, kế đến là một lớp bún, thịt hoặc nem, chả ăn kèm, mít non luộc chín, hành phi vàng giòn, đậu phộng rang, đu đủ bào sợi mỏng và chan mắm nêm đã pha lên trên.
Gỏi cá Nam Ô
Là món ăn Đà Nẵng nổi tiếng bao đời, gỏi cá Nam Ô là đặc sản của vùng đất giàu nét văn hóa ẩm thực này. Cá để chế biến món gỏi là cá mòi, cá tớp, cá cơm…Ngon và thích hợp nhất là cá trích, vì cá này thịt có vị ngọt, săn chắc. Cá trích sống gần bờ được các ngư dân đánh bắt quanh năm nên còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cho món gỏi. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và “thính”.
Bò né
Đây là món ăn nóng kèm bánh mỳ, 2-3 miếng thịt bò to bằng 3 ngón tay, một cục thịt bò băm trộn gia vị (cục xíu mại) cuốn mỡ chài, một quả trứng ốp la nguyên lòng đỏ và trên hết là mấy cọng hành lá có chân, cành ngò rí, vài lát hành tây xắt tất cả được làm chín trong chiếc chảo gang vô cùng giữ nhiệt.
Các loại chè
Chè xoa xoa
Chè xoa xoa hạt lựu là món giải khát mùa hè được người dân Đà Nẵng rất yêu thích. Trước kia vì không có nhiều hàng quán bên ngoài bán món chè này, nên thường khi muốn ăn, người ta phải tìm vào chợ Cồn. Đến bây giờ, các quán tương tự đã mọc lên khá nhiều.
Chè Thái
Ly Chè Thái có màu sắc bắt mắt, vị ngọt thanh mát, hương thơm dễ chịu với nhiều nguyên liệu như: mít, thạch, sầu riêng, nhãn,… làm nên vị ngọt, béo, thơm mùi sầu riêng đặc trưng của nước chè. Quán chè Liên nổi tiếng nhất với món này.
Chè thập cẩm
Món chè này được tổng hợp từ nhiều loại chè khác nhau, có đậu đỏ, đậu đen, nước dừa, đậu phộng, đôi khi có kèm theo dừa sợi thái nhỏ, ăn bùi bùi. Các bạn có thể thử món này ở chè Xuân Trang.
Chè chuối nướng
Chè chuối nướng rất thích hợp cho những ngày se lạnh, ngồi cùng bạn bè thưởng thức dĩa chè chuối nướng nóng nóng, thơm thơm của chuối quyện với nước dừa cùng vị bùi của đậu phộng khiến món chè luôn được thực khách yêu thích mỗi khi đến Đà Nẵng.
Đặc sản Đà Nẵng làm quà
Nước mắm Nam Ô
Từ lâu nước mắm Nam Ô đã có tiếng tăm trên thị trường trong nước và nước ngoài. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô, có lẽ chính là nằm ở công thức chế biến. Mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch (vì có độ đạm rất cao), lựa con vừa phải, và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu sẽ bị thối.
Hải sản khô
Với nguồn hải sản tươi sống dồi dào, Đà Nẵng cũng là thiên đường của những món hải sản khô nổi tiếng. Du khách đến với Đà Nẵng sẽ tìm thấy các loại hải sản khô tại các khu chợ ẩm thực, các siêu thị đặc sản và các khu bán hải sản khô trong các chợ nổi tiếng như chợ Cồn, chợ Hàn…
Chả bò
Theo nhiều ý kiến, món chả bò của Đà Nẵng nhiều khả năng xuất hiện từ thời Pháp. Bởi người Pháp có thói quen uống sữa, ăn xúc xích, ăn bò bít-tết… Họ buộc phải tìm ra giải pháp để nuôi bò đáp ứng nhu cầu và nhanh chóng nhận ra một số vùng tương đối ấm áp và nắng nhiều ở miền Trung nuôi bò cho chất lượng thịt ngon, chả bò có nguồn nguyên liệu dồi dào từ đó.
Để chả bò ngon, phả ichọn thịt bò đùi (loại 1) lọc bỏ hết gân, xay nhuyễn, được ướp với hành, tỏi, tiêu, nước mắm nguyên chất, chất lượng và không được trộn bất kỳ loại thịt, cũng như phụ gia khác. Khi đó, chả bò mới có mùi thơm đặc trưng của thịt bò tươi, của tiêu, hành, tỏi, có vị ngọt dịu, giòn dai, không béo ngậy. “Đặc biệt, để có những đòn chả ngon, từ khâu lọc thịt, xay thịt, trộn gia vị, gói chả đến khi chả luộc xong không nên quá 2 giờ đồng hồ.
Mực một nắng
Mực một nắng là món đặc sản làm quà mà hầu hết các vùng biển trên cả nước trong đó có Đà Nẵng đều có. Mực được đem đi rửa sạch để giảm bớt nước biển trong con mực, sau đó sẽ đem ra phơi nắng. Phải chọn nơi nhiều ánh nắng, nắng to để mực được ngon hơn. Điều quan trọng ở đây là mực chỉ phơi một nắng, không phơi nhiều lần.
Bánh khô mè
Bánh khô mè người dân địa phương hay gọi bằng “bánh khô khổ” hay “bánh 7 lửa”. Bánh phải trải qua lửa 7 công đoạn để tạo nên một mẻ bánh thành phẩm: hấp bánh, rang mè, thắn đường, nướng bánh 4 lần cho đến khô hẳn. Cái tên của bánh cũng đủ khắc họa sự vất vả của những người thợ thủ công ở đây. Mỗi chiếc bánh đó là thành quả của sự sáng tạo, của nét đẹp lao động.
Tìm trên Google:
- các món ăn ngon ở Đà Nẵng
- đặc sản Đà Nẵng làm quà
- ăn gì khi du lịch Đà Nẵng
- các quán ăn ngon ở Đà Nẵng
- đến Đà Nẵng nên ăn gì
- địa điểm ăn uống Đà Nẵng
- ẩm thực Đà Nẵng
- món ăn vặt Đà Nẵng
- các món ăn vỉa hè ở Đà Nẵng
- mua gì ở Đà Nẵng
- Đà Nẵng có gì ngon
ĐÀ NẴNG
Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm kinh tế, chính trị của Miền Trung – Tây Nguyên.
Đà Nẵng là một thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Phía bắc thành phố được bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Phía tây là Khu du lịch Bà Nà nằm ở độ cao trên 1000m. Ngoài ra thành phố còn được bao bọc bởi 3 Di sản Văn hóa Thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là Vườn Quốc gia Bạch Mã, và Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên Con đường Di sản miền Trung.
Bạn có biết: Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) về mặt hành chính trực thuộc Thành phố Đà Nẵng.
- Diện tích: 1.284,9 km²
- Dân số: 1.134.310 ngườ
- Phân chia hành chính: 6 quận, 2 huyện
- Vùng: Nam Trung Bộ
- Mã điện thoại: 236
- Biển số xe: 43