Nhà thờ độc đáo trên đồi mai anh đào Đà Lạt

Nhà thờ độc đáo trên đồi mai anh đào Đà Lạt

Cùng Phượt – Mặc dù có tên gọi chính thức là Domaine de Marie, người dân Đà Lạt vẫn quen gọi ngôi nhà nằm trên ngọn đồi mọc đầy hoa mai anh đào là nhà thờ Mai Anh. Đến thăm Đà Lạt, bạn nên bỏ ra vài giờ ghé thăm một kiến trúc được xây dựng giữa thế kỷ 20 mang tên nhà thờ Mai Anh. Với tổng diện tích là 12 ha nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 1 km về phía tây nam, quần thể nhà thờ được xây dựng theo phong cách châu Âu thế kỷ 17 có kết hợp với kiến trúc của dân tộc thiểu số bản địa vùng Tây Nguyên.

Ảnh – Photographer May Nguyen

Bố cục kiến trúc nhà thờ vẫn là dạng mặt bằng chữ thập nhưng tỷ lệ có phần tự do hơn, thoát ra hẳn những quy định nghiêm ngặt về kiến trúc tôn giáo tại châu Âu. Chiều rộng 11 m và chiều dài là 33 m. Có hai đường bậc thang đi lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính. Mặt ngoài của nhà thờ được thiết kế theo hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác. Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn, một chi tiết thường xuất hiện trong các nhà thờ Pháp cuối thế kỷ 17.

Ảnh – Joseph_Nguyen

Các cửa sổ mái nhô ra từ phần mái lớn, vừa tạo điểm nhấn duyên dáng cho một diện tích mái khá lớn, vừa là nơi gắn những tấm kính màu chiếu sáng cho không gian thánh đường thêm phần lung linh, huyền ảo. Hệ thống mái, có hình dáng tựa như nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Thêm vào đó, nhà thờ còn được xây dựng bằng chất kết dính là vôi, mật mía, và một số vật phụ gia khác, hầu hết đều lấy từ Việt Nam. Từ khi hoàn thành đến nay nhà thờ chỉ dùng vôi màu hồng đậm để quét tường, sáng rực lên khi có ánh mặt trời chiếu vào, rất đặc trưng mà bạn không thể nào nhầm lẫn khi đến Đà Lạt.

Điều đặc biệt khác tại nhà thờ chính là bức tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu người phụ nữ Việt Nam, do kiến trúc sư người Pháp Janchère thiết kế. Tượng cao 3m, nặng 1 tấn được làm vào năm 1943, do bà Suzanne tiến dâng. Tiền thân của nhà thờ chính là một quần thể gồm nhà nguyện và tu viện dành cho dòng nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn tại Đà Lạt.

Ảnh – hebaraki

Người có công lớn nhất trong việc xây dựng nhà thờ được nhắc đến là phu nhân toàn quyền Đông Dương Jean Decoux, bà Suzanne Humbert. Bà đứng ra quyên góp, vận động xây dựng công trình từ năm 1940 – 1944. Phía sau lưng nhà thờ, trong khuôn viên của một vườn hoa thoáng mát, nhìn ra vườn hoa đầy màu sắc, hiện còn có ngôi mộ của bà Suzanne. Bà qua đời năm 1944 trong tai nạn giao thông tại đèo Prenn trên đường đi hoà giải mâu thuẫn giữa Nam Phương Hoàng hậu và bà Mộng Điệp.

Trước năm 1975, nơi đây là tu viện chính của hơn 50 nữ tu với hoạt động là mở nhà trẻ và chăm sóc trẻ mồ côi. Các nữ tu cũng điều hành một trường huấn luyện thể thao và một trường tiểu học dạy chương trình Pháp. Hiện các nữ tu vẫn còn làm những công tác tác xã hội như: chăm sóc trẻ em chậm phát triển, giúp đỡ trẻ mồ côi, chữa bệnh cho người nghèo… Bạn cũng có thể mua những đặc sản của Đà Lạt, quà lưu niệm do các em mồ côi làm ra, hoặc giúp đỡ cho trẻ em nghèo tại nơi bán đồ lưu niệm ngay phía sau nhà thờ.

Ảnh – anhDb

Ngọn đồi nơi nhà thờ Mai Anh ngự trị cũng là một điểm độc đáo cho du khách ngắm nhìn thành phố Đà Lạt lúc bình minh cũng như khi hoàng hôn xuống.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 35 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Đà Lạt

ĐÀ LẠT

Thành phố Đà Lạt là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó. Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố 250.000 dân, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.

Bạn có biết: Hệ thống giao thông ở Đà Lạt hoàn toàn không có các cột đèn tín hiệu giao thông như ở những thành phố khác.

  • Diện tích: 394,64 km²
  • Dân số: 251.370 người
  • Tỉnh: Lâm Đồng
  • Phân chia hành chính: 12 phường và 4 xã