Tháng 3 về, ngắm ruộng bậc thang ở Quảng Ngãi thay màu

Tháng 3 về, ngắm ruộng bậc thang ở Quảng Ngãi thay màu

Cùng Phượt – Tháng 3, du khách tới miền Trung có thể chiêm ngưỡng ruộng bậc thang ở Quảng Ngãi trĩu vàng uốn lượn đến tận chân trời hay dệt thảm giữa thung lũng “cặp lá yêu thương” mê hoặc lòng người.

Đồng lúa chín mênh mông trĩu vàng rẽ sóng uốn lượn bên dưới dãy núi hùng vĩ Trường Sơn ở xã Sơn Ba, huyện vùng cao Sơn Hà (Quảng Ngãi). Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi: Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Tây Trà và Trà Bồng đều có ruộng bậc thang trồng lúa nước bên trong các thung lũng tạo nên cảnh sắc thiên nhiên tuyệt tác.

Hoa gạo nở đỏ rực giữa đồng lúa chín vàng ven bờ sông Rin, huyện vùng cao Sơn Hà như bức tranh thủy mặc giữa núi rừng. Địa phương này trải rộng, đồi núi có độ cao trung bình 500-1.000 m so với mặt nước biển. Sơn Hà có mạng lưới sông suối chằng chịt, lớn nhất là các dòng sông Re, Rinh, Xà Lò và sông Tang.

Ruộng bậc thang ở huyện miền núi Sơn Tây nổi bật giữa thung lũng ví như “cặp lá yêu thương” nằm bên cạnh dòng suối nơi đây. “Tháng 3, tháng 4, đồng lúa ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi từ màu xanh bắt đầu ngả dần sang màu vàng, dệt nên muôn hình kỳ thú. Trong đó, ruộng bậc thang giữa trung tâm huyện Sơn Tây dệt giữa thung lũng giống hệt như hai chiếc lá đối xứng nhau bên dòng suối khiến tôi đặc biệt ấn tượng, thích thú”, du khách Trần Thị Lành (Đà Nẵng) cho hay.

Cánh đồng ruộng bậc thang bên dòng suối hình chữ S ấn tượng giữa trung tâm huyện lỵ Sơn Tây, nơi có “cặp lá yêu thương” mê hoặc du khách. Đây là địa phương miền núi có độ cao từ 400-1.700 m. Từ trung tâm TP Quảng Ngãi đi theo tỉnh lộ 623 về hướng Tây đến trung tâm huyện Sơn Tây khoảng 90 km.

Đồng bào H’re thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang ven sườn đồi gùi mang về nhà. Du khách về vùng cao Quảng Ngãi dễ dàng cảm nhận tấm lòng nồng hậu, thân thiện mến khách của đồng bào nơi đây.

Những ô ruộng lúa chín vàng xen lẫn ô ruộng xanh biêng biếc mở ra bức tranh độc đáo. Vào mùa thu hoạch, du khách về nơi đây có thể ở lại đêm nhà sàn thưởng thức rượu cần, thịt heo thả rông trên đồi nướng bếp than hay nhâm nhi thịt gà rừng, ếch núi, cá chạch cát… giao lưu múa cồng chiêng truyền thống cùng đồng bào dân tộc H’re, Cor, Kadong…

Bản làng thơ mộng bên đồng lúa trĩu vàng. Cánh đồng dát vàng giữa núi rừng là không gian lý tưởng để du khách lưu lại những bức ảnh đẹp kỷ niệm chuyến đi đáng nhớ.

Kết thúc ngày lao động trên đồng, những người nông dân vác cuốc về nhà dưới ánh hoàng hôn nhuộm đỏ mây trời.

Hoàng hôn “treo” lơ lửng trên đỉnh núi. “Tháng 3, trời về chiều sương lam lãng đãng, ngồi bên hiên nhà sàn của đồng bào vùng cao Quảng Ngãi ngắm mặt trời đỏ lừ xuống chậm trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, tôi cảm thấy lòng mình thư thái, nhẹ nhàng, mọi ưu phiền cuộc sống dường như tan biến”, du khách Trần Thị Lan (TP.HCM) thổ lộ.

Cánh đồng lúa Phú Lâm (xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành) huyễn hoặc dưới ánh hoàng hôn bàng bạc khắp núi đồi.

Khu dân cư bên dòng sông Vệ ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, xanh biếc mở ra bức tranh quê mộc mạc, thanh bình hiếm nơi nào có được. Tháng 3, tháng 4, những ai một lần đặt chân đến vùng đất Quảng Ngãi, hòa mình với cuộc sống bình dị của người dân quê nơi đây, thưởng thức những món ăn đặc sản độc đáo vào mùa lúa chín… khi ra về khó lòng mà nguôi quên được.

Theo Zing.vn

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 16 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Ngãi

QUẢNG NGÃI

Vị trí Quảng Ngãi trên bản đồ Việt Nam

Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Đường bờ biển có chiều dài khoảng 129 km với vùng lãnh hải rộng lớn 11.000 km2 và 6 cửa biển. Tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Nam Trung Bộ được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1989 trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Bạn có biết: Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Bên cạnh đó là hai danh thắng nổi tiếng là “núi Ấn sông Trà”. Các Lễ hội gồm Lễ hội nghinh cá Ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn), Lễ hội đâm trâu, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền truyền thống…

  • Diện tích: 5.153,0 km²
  • Dân số: 1.221.600 (2011)
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 13 huyện
  • Mã điện thoại: 0255
  • Biển số xe: 76