Các địa điểm du lịch ở Quảng Ngãi

Các địa điểm du lịch ở Quảng Ngãi (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Trên hành trình khám phá đặc trưng văn hóa và cảnh đẹp, khách du lịch ở khắp mọi nơi tìm đến Quảng Ngãi để thỏa sức đắm mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, kỳ vĩ, đặc biệt là ở đất đảo Lý Sơn, với nhiều miệng núi lửa, vách đá, hang động, cổng đá và làn nước biển trong xanh. Hiện tại, Lý Sơn vẫn là điểm du lịch lớn nhất Quảng Ngãi, nhưng trọng tâm của các địa điểm du lịch ở Quảng Ngãi có thể dịch chuyển trong tương lai gần, nếu những vùng miền núi của tỉnh trở thành những điểm du lịch khám phá văn hóa kết hợp du lịch sinh thái.

Vùng cao Quảng Ngãi có rất nhiều tiểm năng để phát triển du lịch sinh thái (Ảnh – jonnyrouse7)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả jonnyrouse7, thenaturesbest, Hoang Vu Le, Cam Lưu Văn, Nguyễn Xuân Thư, atomy dj, Dũng Nguyễn Văn, Huy Karin, Tran An, Đại Thịnh, Bui Cong Truong, Diep Albert Nguyen, Cong Hoang Phan, Khau Thao, Doan NT, Minh Hải Tăng, Hai Thinh Hoang Pham, Thạch Anh, Tram Nguyen, Bui Cong Truong, Minh Huỳnh Anh, Ngọc Hoàng Trần, Nguyễn Hữu Phu, Tâm Lê Văn, Phan Vinh, Thien Phu TV, Nam Đặng, Đạt Trần, Che Trung Hieu, Đức Anh Lê, Nguyen Duoc nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Đảo Lý Sơn

Lý Sơn có thể coi là điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Quảng Ngãi (Ảnh – thenaturesbest)

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ ra). Toàn huyện có 02 đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi), gồm 03 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (Đảo Bé). Diện tích tự nhiên gần 10km2. Dân số trên 21.000 nguời, có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Lý Sơn (Cập nhật 4/2024)

Do ít bị chiến tranh tàn phá và ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân nên Lý Sơn bảo lưu được hàng trăm di tích lịch sử có kiến trúc mỹ thuật đa dạng, phân bổ dày đặc, đặt biệt là các di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa được thiết lập từ thời chúa Nguyễn và Triều Nguyễn sau này, như: Âm Linh Tự, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết,… Nơi đây còn có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh (qua các cuộc khai quật ở xóm ốc, suối Chình), và sự dung hòa giữa nền văn hóa Chăm pa vào nền văn hóa Đại Việt.

Trước khi được hòa lưới điện quốc gia, đảo Lý Sơn chỉ nổi tiếng trong một cộng đồng nhỏ các bạn yêu du lịch bởi việc đi lại khó khăn, cơ sở vật chất trên đảo không có nhiều sự lựa chọn. Sau khi được quy hoạch thành khu du lịch của tỉnh cùng với việc đưa điện vượt biển ra với đảo, cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi chóng mặt, các dịch vụ hỗ trợ du lịch được xây dựng rất nhiều, các tuyến tàu cao tốc, siêu tốc liên tục được đầu tư và nâng cấp. Tất cả những điều này góp phần giúp Lý Sơn đến gần hơn với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Thành phố Quảng Ngãi

Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi

Bảo tàng Quảng Ngãi là nơi lưu giữ nhiều thông tin nền văn hoá Sa Huỳnh cổ (Ảnh – Hoang Vu Le)

Bảo tàng Quảng Ngãi được thành lập vào năm 1989 trên cơ sở tách ra từ Bảo tàng Nghĩa Bình. Đây là bảo tàng khảo cứu địa phương có nhiệm vụ giới thiệu lịch sử của tỉnh nhà cho đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc nói chung cũng như di tích lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh. Với diện tích 17.000m2, trưng bày trong nội thất, Bảo tàng đã thể hiện đầy đủ các chủ đề về nền văn hoá Sa Huỳnh cổ được phát hiện đầu tiên tại Quảng Ngãi, văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như dân tộc Kinh, Hrê, Ca dong, Kor.

Thành cổ Châu Sa

Thành Châu Sa hiện là tòa thành có quy mô lớn và toàn vẹn của người Chăm (Ảnh – Cam Lưu Văn)

Ở Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm Tp Quảng Ngãi khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.

Nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ IX, X thì Châu Sa là thành lũy kiên cố và cũng là “trung tâm kinh tế” ở vùng phía nam. Hiện dấu tích chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, chiều cao 6m, chu vi chừng 4km được đắp bằng đất. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất của người Chăm đã tìm thấy được.

Khu chứng tích Sơn Mỹ

Đây là nơi lưu giữ những ký ức đau thương của các tội ác chiến tranh đã xảy ra trong quá khứ (Ảnh – Nguyễn Xuân Thư)

Khu chứng tích Sơn Mỹ, nằm cạnh quốc lộ 24B, thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm Tp Quảng Ngãi chừng 12km về phía Đông Bắc. Đây là nơi vừa gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, vừa là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ (the massacre at Sonmy), hay còn gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai (the massacre at Mylai).

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Quảng Ngãi

KHÁCH SẠN Hana Riverside Villa
Địa chỉ: 04 Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Tp Quảng Ngãi, Quảng Ngãi
Điện thoại: 091 670 25 52
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Cẩm Thành
Địa chỉ: Số 118 Lê Trung Đình, Trần Hưng Đạo, Tp Quảng Ngãi, Quảng Ngãi
Điện thoại: 0255 3827 777
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Min's House
Địa chỉ: 15 Nguyễn Khuyến, Lê Hồng Phong, Tp Quảng Ngãi, Quảng Ngãi
Điện thoại: 0255 3737 377
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Gia Thành Đạt
Địa chỉ: 405 Hùng Vương, Trần Phú, Tp Quảng Ngãi, Quảng Ngãi
Điện thoại: 0255 3733 999
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Sea Village Homestay
Địa chỉ: Biển Mỹ Khê, Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
Điện thoại: 0868 242 628
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Biển Mỹ Khê

Ít ai biết, ở Quảng Ngãi cũng có một bãi biển mang tên Mỹ Khê (Ảnh – atomy dj)

Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng của tỉnh Quảng Ngãi với không gian mênh mông, bãi cát mịn, độ dốc thoải, được che chắn kín đáo, chạy dài 7 km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đỏ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú

Thiên Bút Phê Vân

Núi Thiên Bút (Ảnh – Dũng Nguyễn Văn)

Từ đỉnh Thiên Ấn, phóng tầm mắt vượt qua dòng sông Trà Khúc, xa về phía nam là núi Thiên Bút (núi Bút), tọa lạc tại địa phận phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.

Chỉ cao hơn 60 mét so với mặt nước biển, nhưng Thiên Bút có hình dáng cân đối, đỉnh núi thoai thoải vươn lên trời cao, từ cánh đồng Ngọc Áng ở phía đông nhìn lên, tựa như ngòi bút của đấng vô biên. Có những hoàng hôn kỳ thú, sườn núi chầm chậm khuất dần trong sương chiều, mây lam vấn vương trên đỉnh núi, ánh hồi quang từ phía trời tây bịn rịn dấu ngày. Cảnh tượng đất trời phóng khoáng, sơn thủy liên tình gợi lên hình ảnh bút trời phê vào mây gió. Bởi vậy cổ nhân mới đặt cho mỹ tự Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây).

Sơn Tịnh

Thiên Ấn Niêm Hà

Thiên Ấn Niêm Hà (Ảnh – Huy Karin)

Thiên Ấn là tên một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía hạ lưu, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 3km về hướng đông bắc, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thuỷ thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi.

Núi cao 106 mét, trông từ 4 phía đều tựa hình thang cân. Vào mùa nước đầy, nhìn từ phía bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, như dồn vào chân núi rồi lại từ chân núi, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đổ về cửa Đại. Giữa một thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà.

Chùa Thiên Ấn

Chùa Thiên Ấn (Ảnh – Tran An)

Chùa Thiên Ấn khởi công xây dựng vào năm 1694, hoàn thành cuối năm 1695 (niên hiệu Chính Hòa thứ 15), đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong. Tổ khai sơn ngôi chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến (Trung Hoa) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am, sau đó dần dần trùng tu, mở rộng, thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng.

Chùa Thiên Ấn có “giếng Phật” sâu 21 mét, nước mát trong, đào từ lúc khai sơn, và “chuông thần” do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Câu chuyện về nhà sư đào giếng Phật và lễ khai đỉnh chuông Thần đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, được ghi lại trong nhiều thư tịch cổ.

Hà Nhai Vãn Độ

Hà Nhai vãn độ (Cảnh đò chiều ở bến Hà Nhai) là một thắng cảnh sông nước hữu tình nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc địa phận xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, đoạn từ phía đông thôn Ngân Giang đổ xuống phía tây thôn Thọ Lộc.

Chính xác hơn, bến Hà Nhai là một chuỗi bến đò chừng 2 cây số, từ hạ lưu ngược lên thượng nguồn: Bến Thọ Lộc, bến Chợ Hố, bến Biền, bến Đá, bến Ngân Giang; đối diện bên hữu ngạn là thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.

Thạch Ky Điếu Tẩu

Thạch Ky Điếu Tẩu (Ảnh – Đại Thịnh)

Thạch Ky Điếu Tẩu được gọi dân dã là Ông câu trên ghềnh đá, đây là một vùng non nước hữu tình ở bờ nam cửa biển Sa Kỳ, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh, cách Tp Quảng Ngãi 16km, về phía Đông Bắc.

Thạch Ky Điếu Tẩu gồm hai quả núi đá tọa lạc trên cửa biển Sa Kỳ. Có lẽ sự hào phóng của thiên nhiên đã ban tặng cho vùng cửa biển Sa Kỳ vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, với vẻ trầm tĩnh của đá hòa hợp với nhịp đập của sóng cùng với rừng dương liễu xanh và nắng vàng cát trắng đã tạo thành một bức tranh khá sinh động, hiền hòa giữa bộn bề cuộc sống.

Long Đầu Hí Thủy

Long Đầu sơn (núi Đầu Rồng) là tên một ngọn núi của dãy Long Sơn (núi Rồng), nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía tây núi Thiên Ấn, cạnh đường thiên lý Bắc – Nam, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.

Nhìn từ đỉnh núi Thiên Ấn, dãy Long Sơn nhấp nhô uốn lượn tựa như một con rồng thiêng, đuôi trầm mình trong vụng biển, thân hùng dũng băng qua bao la đồng ruộng núi đồi, đầu vươn về phía vực sông Trà. Tại đây, dòng nước từ thượng nguồn đổ về, sau nhiều lần quanh co uốn khúc, lại chảy thốc vào chân núi, ào ào cuộn xoáy dưới chân Long Đầu sơn, như thể đầu rồng đùa giỡn cùng con nước.

Cảm vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa nên thơ của thắng cảnh nầy, Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh mới đặt cho mỹ tự “Long Đầu hý thủy” (Đầu Rồng giỡn nước).

Bình Sơn

Làng bích họa Bình An

Làng bích họa nằm ở thôn Thọ An, xã Bình An (Ảnh – Bui Cong Truong)

Nhằm tạo điểm nhấn phát triển du lịch, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, huyện Bình Sơn mời nhóm họa sĩ về đi thực địa lấy cảm hứng sáng tác tranh 3D phát sáng ca ngợi tình yêu thiên nhiên, vẻ đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Cor ở xã Bình An, một bản làng thanh bình ở thôn Thọ An, xã Bình An.

Khu du lịch Thiên Đàng

Các khẩu thần công cổ hướng ra biển nằm trong khuôn viên Khu du lịch Thiên Đàng (Ảnh – Diep Albert Nguyen)

Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng nằm trên địa bàn xã Bình Thạnh, đây là khu du lịch rộng và thoáng nằm cạnh bờ biển, với tổng thể 32 ha, có đầy đủ nhà hàng, khách sạn các khu du lịch sinh thái vui chơi, giải trí, có vườn sinh thái và các hồ nước được xây dựng rất công phu với những hàng cây Dương liễu được cắt tỉa cẩn thận, đều đặn trông thật đẹp mắt nằm dọc theo các bờ hồ, các lối đi dẫn đến các nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí. Đặc biệt là mặt tiền của khu du lịch được xây dựng bằng những tảng đá tự nhiên, tạo thành những dãy dài trông giống những hình người, những dãy núi thật ngoạn mục. Đến khu du lịch Thiên Đàng du khách còn được chiêm ngưỡng năm khẩu thần công cổ hướng ra biển.

Bãi tắm Khe Hai

Bãi tắm Khe Hai còn khá hoang sơ và ít dịch vụ (Ảnh – Cong Hoang Phan)

Liền kề với khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, cách 100m về hướng bắc là bãi tắm Khe Hai (xã Bình Thạnh) với bãi cát trắng, bờ biển thoai thoải gợn sóng, nước biển trong xanh và sạch sẽ.

Ba Làng An

Mũi Ba Làng An (Ảnh – Khau Thao)

Ba Làng An còn có một tên gọi khác là Ba Tân Gân thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn). Ba Làng An là một vùng biển có bãi đá đẹp, người dân làm nghề chài lưới.

Ai Hải Sa Bàn

Từ mũi Thanh Thủy chạy vào nam, bờ biển tỉnh Quảng Ngãi xuôi dần ra phía sóng, đến vùng bán đảo Châu My Đông thì gặp dãy núi Long Sơn – Tham Hội theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, núi trượt chân đổ dài lên những khối đá ong, đá đen để tạo thành mũi Ba Làng An (Cape Batangan) hùng vĩ và thơ mộng. Quá mũi Ba Làng An về phía nam là vụng biển Sa Kỳ, giữa Sa Kỳ và Ba làng An là thắng cảnh An Hải Sa Bàn (mâm cát An Hải).

Tư Nghĩa

Cổ Lũy Cô Thôn

Cổ Lũy Cô Thôn là một trong 12 thắng cảnh đẹp ở Quảng Ngãi (Ảnh – Doan NT)

Cổ Lũy cô thôn (Cổ Lũy thôn côi) là một trong mười hai danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cảnh đẹp hiếm thấy, hội đủ các yếu tố sông biển, núi non, làng mạc. Xa ồn ào nhân thế mà không dứt bỏ cõi đời. Ở nơi quạnh vắng nhưng chẳng để mình đơn độc. Hòa vào thiên nhiên mà không chìm khuất, u trầm.

Tên gọi Cổ Lũy liên quan mật thiết đến địa danh Cổ Lũy động – danh xưng mà người Việt dùng để chỉ vùng đất của vương quốc Chăm nằm ở phía nam châu Amaravati, nay là tỉnh Quảng Ngãi.

La Hà Thạch Trận

La Hà là tên một quần thể 4 ngọn núi nằm trên địa bàn thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, gồm núi Cao Cổ, núi Đá Chẻ, núi Voi và núi Hùm. La Hà được ông quan – thi sỹ Nguyễn Cư Trinh tặng cho mỹ tự La Hà thạch trận (Trận đá La Hà) và xem là một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Ông Thu Xà

Chùa Ông Thu Xà (Ảnh – Minh Hải Tăng)

Chùa Ông (Quan Thánh Tự 關 聖 寺) tọa lạc tại thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng đông. Chùa được 4 bang người Hoa Minh hương (Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông) sống tại vùng Thu Xà kiến lập vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) và đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1881, 1894, 1920, 199.

Phố cổ Thu Xà

Theo những bậc cao niên, vạn Thu Xà xưa thuộc làng Tiên Sà (Tiên là trước. Sà là bè, tức bè rớ) tức là vạn của người Việt đầu tiên ở đất này và người dân làm nghề bè rớ). Còn tên gọi Thu Xà xuất phát từ địa hình nơi đây là vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước. Thu có nghĩa là lau lách, Xà có nghĩa là đầm nước.

Vùng đất đắc địa này từ xa xưa sớm trở thành thương cảng của người Việt. Những con tàu từ Hương Cảng, Ma Cao đã chọn nơi đây làm điểm tập kết “ăn hàng”. Rồi sau đó, người Minh Hương thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam đến đây cùng với người Việt bỏ công sức biến vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước thành phố Thu Xà. Thương cảng Thu Xà tồn tại phát triển qua nhiều thế kỷ. Cho mãi đến nửa đầu thế kỷ XX, khi đường bộ đường sắt phát triển thì mất dần vai trò của nó.

Suối nước nóng Nghĩa Thuận

Khu tổ hợp nghỉ dưỡng suối nước nóng Nghĩa Thuận (Ảnh – Hai Thinh Hoang Pham)

Khu du lịch này xây dựng tại xã Nghĩa Thuận, cách đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chừng 1km và cách Tp Quảng Ngãi khoảng 7km về phía tây; có quy mô 15ha, gồm các hạng mục: Công viên nước khoáng nóng, tắm bùn, nghỉ dưỡng…

Nghĩa Hành

Làng Việt cổ núi Dâu

Ngôi làng cổ nằm dưới chân núi Dâu (Ảnh – Thạch Anh)

Dưới chân núi Dâu thuộc xã Hành Tín Đông huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) có một ngôi làng mang tên Thiên Xuân. Đây được xem là ngôi làng cổ nhất hiện nay được các nhà khảo cổ học phát hiện. Ngôi làng ước chừng 400-600 năm tuổi, có thể là sự kế thừa từ những chủ nhân người Chăm.

Suối Chí

Suối Chí (Ảnh – Tram Nguyen)

Thắng cảnh Suối Chí với diện tích rộng khoảng 15 ha, nằm cách Thành phố Quảng Ngãi 24 km về phía Nam, thuộc địa bàn thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông. Đây được xem là một thắng cảnh đẹp của huyện Nghĩa Hành nói riêng và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển du lịch sinh thái.

Suối Chí nằm ẩn mình dưới khu rừng nguyên sinh, tổng diện tích của khu rừng 1.012ha, nhân dân nơi đây thường gọi khu rừng này là rừng Cộng đồng vì toàn bộ khu rừng này đã được giao cho 350 hộ dân thuộc hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông quản lý. Tổng chiều dài của dòng suối khoảng 4km tính từ đầu nguồn đến khi hợp lưu với dòng sông Vệ. Điều đặc biệt ở dòng suối này là chưa bao giờ cạn nước, quanh năm, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông luôn tuôn chảy dòng nước trong vắt dội vào khe đá tung bọt trắng xóa.

Trường lũy Quảng Ngãi

Trường lũy Quảng Ngãi kéo dài qua nhiều huyện trong tỉnh (Ảnh – Bui Cong Truong)

Trường Lũy là công trình mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, được xây dựng bằng mồ hôi, công sức và sự hợp tác giữa hai cộng đồng người Hrê và người Việt.

Tuyến lũy dài 127,4km, trong đó trên đất Quảng Ngãi có 113km, chạy qua 8 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ với trên 30 xã. Hiện còn hơn 70 đồn (bảo) tương đối nguyên vẹn; tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân, di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành); di tích Rum Đồn (Rừng Đồn) và di tích đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành)…

Thác Trắng Minh Long

Thác Trắng Minh Long (Ảnh – Minh Huỳnh Anh)

Thác Trắng nằm cách Tp Quảng Ngãi chừng 23km về hướng tây nam thuộc địa bàn xã Thanh An, thác Trắng ẩn mình giữa rừng già, dòng nước trắng xóa như treo trên vách đá ở độ cao trên 40m. Từ trên cao, nước buông mình đổ xuống tạo thành dòng suối trong vắt chạy quanh.

Mộ Đức

Bãi biển Minh Tân

Bãi biển Minh Tân (Ảnh – Ngọc Hoàng Trần)

Minh Tân là một bãi biển còn khá đẹp và hoang sơ, chỉ được biết đến bởi người dân địa phương. Bãi biển này thuộc xã Đức Minh, chỉ cách QL1A khoảng 10km.

Núi Long Phụng – Chùa Ông Rau

Chùa Ông Rau (Ảnh – Nguyễn Hữu Phu)

Núi Long Phụng, chùa Ông Rau thuộc xã Đức Thắng mang nhiều vẻ đẹp cổ kính, kỳ vĩ, là danh thắng đáng để thưởng ngoạn. Trên núi Long Phụng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí, trong đó có một ngôi chùa độc đáo, tọa lạc trên lưng chừng núi, mặt hướng ra biển Tân Định. Chùa có nhiều tên gọi, như chùa Ông Rau, chùa Hang, chùa Cốc, vì người xưa đặt tên theo hình dáng chùa và đặc điểm riêng của vị trụ trì… Những vị cao niên ở đây kể rằng, từ xa xưa có một nhà sư không rõ danh tính, không đệ tử bổn đạo, không kinh kệ suốt ngày ngồi thiền ở hang đá này. Vị sư này không ăn ngũ cốc, chỉ ăn rau nên gọi ông là Ông Rau, hang động ông tu gọi là chùa Ông Rau.

Suối nước nóng Đức Lân

Ở thôn Tú Sơn và thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân có hai suối nước khoáng nóng độc đáo. Suối khoáng nóng là món quà vô giá của mẹ thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Suối nằm ngay giữa cánh đồng. Nguồn suối này có nhiệt độ từ 40 – 80oC, chứa nhiều loại muối khoáng khác nhau như muối natriclorua, kaliclorua, muối bicacbonat, có tác dụng chữa được nhiều bệnh ngoài da và các bệnh về xương khớp. Suối khoáng ở thôn Tú Sơn còn hoang sơ, còn suối khoáng Thạch Trụ ở đã xây dựng các giếng lấy nước và các bể tắm xi măng, thu hút khá đông du khách đến tắm và lấy nước về dùng.

Ba Tơ

Di tích Ba Tơ

Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ (Ảnh – Tâm Lê Văn)

Ba Tơ có 14 điểm di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Quần thể các di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được công nhận, xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.

Thác Lũng Ồ

Thác Lũng Ồ (Ảnh – Phan Vinh)

Từ TP Quảng Ngãi, theo con đường quốc lộ 1A đến Thạch Trụ rồi ngược đường lên Ba Tơ để tìm về thác Lũng Ồ, sẽ đi qua đèo Đá Chát. Còn ngược đường từ TP Quảng Ngãi lên Nghĩa Hành – Ba Tơ, ngoài đèo Đá Chát, sẽ vượt qua hai con đèo nữa là đèo Eo Gió, đèo Bỏ Giáp với cung đường quanh co uốn lượn.

Theo đồng bào dân tộc H’re địa phương, thác Lũng Ồ bắt nguồn từ những dãy núi đá tai mèo cao chất ngất đổ về suối Mang Kế tạo thành thác nước cao trắng xóa mát lạnh quanh năm.

Cũng theo dân địa phương, trong mùa đông, dòng thác chảy khá mạnh tuôn qua những phiến đá lớn phát ra tiếng kêu nghe ồ ồ nên mới gọi là thác Lũng Ồ.

Đức Phổ

Bãi biển Sa Huỳnh

Toàn cảnh bãi biển Sa Huỳnh (Ảnh – Thien Phu TV)

Sa Huỳnh là cửa biển cực nam tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm Tp Quảng Ngãi khoảng 60 km, Sa Huỳnh cũng là một trong những cửa biển sử dụng trong giao lưu hàng hải khu vực Đông Nam Á rất sớm. Hiện nay Sa Huỳnh là một cảng cá khá sầm uất ở bờ biển miền Trung. Thắng cảnh Sa Huỳnh nói ở đây bao gồm biển Sa Huỳnh và vùng phụ cận với đồng muối trắng, bãi cát vàng, làng vạn chài ven biển ẩn khuất dưới bóng dừa xanh tiếp liền những sơn thôn dưới chân đồi núi,…

Bãi biển Châu Me

Bãi biển Châu Me (Ảnh – Nam Đặng)

Châu Me là một bãi biển với vẻ hoang sơ, thơ mộng, yên tĩnh cộng với không khí trong lành. Với bãi cát trắng mịn, những ghềnh đá trải dài, rừng phi lao uốn lượn quanh bãi biển cùng với những chiếc thuyền thúng của người dân nơi đây, tất cả đã tạo cho Châu Me một nét đẹp rất riêng, không lẫn với các bãi biển khác.

Sơn Hà

Hồ Thạch Nham

Đập Thạch Nham (Ảnh – Đạt Trần)

Ngược dòng Trà Giang về phía thượng nguồn, qua các thắng cảnh Long Đầu Hí Thuỷ, Hà Nhai Vãn Độ và những cồn bãi nên thơ, đến nơi giáp ranh ba huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa ta gặp công trình thuỷ nông Thạch Nham. Đập nước ngăn dòng sông Trà hợp với thế núi tạo nên một hồ nước lớn.

Phong cảnh Thạch Nham mỗi mùa một vẻ nhưng thú vị nhất vẫn là những ngày đẹp trời, vượt qua đèo Bẻ Lá, theo con đường bộ phía nam hồ đi về phía Sơn Nham mà ngắm nhìn cảnh bình minh hay hoàng hôn nghiêng trên sông núi.

Thạch Bích Tà Dương

Núi Thạch Bích (Ảnh – Che Trung Hieu)

Thạch Bích sơn, tên nôm quen thuộc là núi Đá Vách, nằm về phía đông Nam huyện Sơn Hà, giáp giới huyện Minh Long, cao khoảng 1.500 mét. Đây là ngọn danh sơn vào hàng cao nhất, hùng vỹ và hiểm trở nhất tỉnh Quảng Ngãi. Vùng núi non, thung lũng châu tuần chung quanh Thạch Bích với nhiều sông suối, hẻm vực là địa bàn quần cư từ lâu đời của tộc người H’re.

Trà Bồng

Di tích khởi nghĩa Trà Bồng

Quần thể di tích khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi gồm nhiều điểm di tích nằm ở 8 xã, thị trấn thuộc huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng, đó là các địa điểm: Gò Rô (xã Trà Phong), Nước Xoay (Trà Thọ), đồn Eo Chim (Trà Lãnh), đồn Làng Ngãi (Trà Thọ) đồn Tà Lạt (Trà Lâm), đồn Đá Liếp (Trà Hiệp), đồn Xây dựng (Trà Sơn), Lô cốt trung tâm (thị trấn Trà Xuân)…

Thác Cà Đú

Đây là địa điểm được lựa chọn chụp ảnh cưới của nhiều bạn trẻ địa phương (Ảnh – Đức Anh Lê)

Nổi tiếng với phong cảnh tự nhiên của núi sông, mang một nét đẹp hoang sơ đại ngàn, thác Cà Đú ở xã Trà Thủy là địa điểm du lịch lý thú của nhiều du khách gần xa đến du ngoạn, ngắm cảnh. Với không gian tự nhiên, nguyên thủy của hệ sinh thái, sự hoang sơ và thuần khiết, lần đầu tiên đến đây, cảnh tượng đầu tiên thu hút du khách là giữa màu xanh của núi rừng từ độ cao cả ngàn mét, hiện ra dòng nước chảy xiết, lấp lánh như bạc, tràn qua các khối đá khổng lồ tạo nên thác Cà Đú hùng vĩ.

Điện Trường Bà

Điện Trường Bà (Ảnh – Nguyen Duoc)

Điện Trường Bà tọa lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Nằm ngay sát đường liên huyện Trà Bồng – Tây Trà, từ điện Trường Bà nhìn ra là một cánh đồng lúa xanh, sau lưng là rừng quế và con sông Trà Bồng trong xanh lững lờ trôi qua những bản làng. Trước điện là cây si già ôm choàng lấy cổng với những nhánh cây tỏa rộng che bóng, mang cho ngôi đền một nét cổ xưa, trầm mặc.

Đây là một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa hai dân tộc Kinh, Kor và cả dân tộc Chăm. Đây là di tích tín ngưỡng tương đối đặc biệt, một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm, là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Gọi di tích này tương đối đặc biệt bởi ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa – huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm, và hàng năm vào Lệ xuân, được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar rất trang trọng.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở Quảng Ngãi
  • tháng 4 Quảng Ngãi có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến Quảng Ngãi
  • phượt Quảng Ngãi có gì
  • cảnh đẹp Quảng Ngãi
  • danh lam thắng cảnh Quảng Ngãi
  • địa điểm du lịch tâm linh Quảng Ngãi
  • đến Quảng Ngãi nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Quảng Ngãi

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 16 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Ngãi

QUẢNG NGÃI

Vị trí Quảng Ngãi trên bản đồ Việt Nam

Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Đường bờ biển có chiều dài khoảng 129 km với vùng lãnh hải rộng lớn 11.000 km2 và 6 cửa biển. Tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Nam Trung Bộ được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1989 trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Bạn có biết: Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Bên cạnh đó là hai danh thắng nổi tiếng là “núi Ấn sông Trà”. Các Lễ hội gồm Lễ hội nghinh cá Ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn), Lễ hội đâm trâu, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền truyền thống…

  • Diện tích: 5.153,0 km²
  • Dân số: 1.221.600 (2011)
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 13 huyện
  • Mã điện thoại: 0255
  • Biển số xe: 76