Các món ăn ngon ở Hòa Bình

Các món ăn ngon ở Hòa Bình (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới…” Đó là câu nói đã được đúc kết từ xa xưa của ông cha khi nói về truyền thống dân tộc Mường ở Hòa Bình. Trải qua thời gian dài lịch sử hình thành và phát triển, người dân Hoà Bình ngày càng biết cách sống cùng thiên nhiên, tận dụng tiềm năng của nó phục vụ đời sống con người. Họ phát hiện ngày càng nhiều về nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên và tìm cách chế biến hợp khẩu vị, đưa chúng thành những món ăn ngon ở Hòa Bình, cùng với đó hình thành nên tập quán, phong tục ăn uống với những bản sắc riêng.

Hòa Bình là một địa phương có nét văn hóa ẩm thực rất phong phú, đa dạng (Ảnh – ngoannbui)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả ngoan bui, thungnaitours, linhcandy_711, Linh Lynn, vikvik.68, huyen_jenny, minno_dang, Làng Sỏi, Đài Chang, Bui Ha Thanh, Bui Thuy, Nguyễn Thị Phong Lan, Mộc Loan, vietnamesegod, Phương Châm, Huong Thu Nguyen, Khánh Huyền, Vantoan Duong, hellomam, Hương Bùi, Nguyễn Gia Int. JSC nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Cá nướng đồ

Dễ dàng bắt gặp cá kẹp que tre nướng ở mọi nơi khi du lịch Thung Nai (Ảnh – thungnaitours)

Cá được đánh bắt từ sông Đà, mang về đem nướng trên than hồng. Trước khi nướng, cá được xiên các que tre nhỏ từ miệng xuống tận đuôi, rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào để cho cá khỏi rơi, gãy. Cá nướng được đem rắc muối gói lá chuối, đồ lên rồi mới ăn.

Sự kết hợp các hương vị của tre tươi, lá chuối, vị đậm đà của muối hòa quyện vào nhau làm cho món ăn thực sự hấp dẫn. Du khách sẽ khó mà quên được hương vị ẩm thực Tây Bắc này khi thưởng thức cùng với cơm lam.

Thịt lợn mán Hòa Bình

Hầu hết các địa điểm du lịch ở Hòa Bình các bạn đều có thể đặt người dân chuẩn bị cho một mâm cỗ lá chế biến từ thịt lợn như này (Ảnh – linhcandy_711)

Lợn là loại được nuôi thả trên đồi núi, quanh năm chỉ biết ăn ngô, khoai, cây cỏ nên cho thịt săn chắc, ít mỡ, có vị thơm ngọt tự nhiên. Sau khi chế biến đầy đủ các món ăn, thịt lợn mán sẽ được bày biện ra mâm cỗ đã được lót sẵn lá chuối. Lá chuối ở đây phải là lá chuối rừng, non mềm, thơm mùi đặc trưng núi rừng, hòa quyện với màu sắc hấp dẫn của mâm cỗ.  Trong mâm cỗ lá, thức ăn cũng được bày biện theo hình tròn. Lòng và tim gan lợn luộc chín được xếp đầu tiên, tiếp theo là thịt lợn mán luộc và nướng. Phía trên cùng là những miếng chả được nướng trên than hồng thơm phức. Xen lẫn các món thịt, không thể kể thiếu những thức rau rừng tươi mơn mởn.

Gà chạy bộ Thung Nai

Gà nướng than hoa ở Thung Nai (Ảnh – Linh Lynn)

Với địa hình là đồi núi cao, gà được nuôi ở Thung Nai là gà chạy bộ chính hiệu. Thịt sẽ dai và thơm hơn so với gà ở dưới xuôi nhiều. Ngoài gà trong bữa ăn chính, bạn có thể đặt nhà nghỉ chuẩn bị thêm 1 vài con (tùy số lượng người) để nướng hoặc nấu cháo vào buổi tối

Thịt lợn muối chua

Thịt lợn muối chua Hòa Bình (Ảnh – vikvik.68)

Thịt lợn nuôi thả ướp với men của lá rừng cùng với gạo rang giã nhỏ thời gian khoảng 60 phút. Sau đó lấy lá chuối rừng hơ lên trên lửa, lau sạch rồi lót vào đáy bồ làm bằng tre, nứa, trước khi đưa thịt vào bồ. Phần dưới của bồ (trên của lá chuối) được rải một lớp gạo rang nhỏ trộn với muối rang sau đó xếp thịt lên, cứ một lần xếp thịt lại rải một lần gạo rang với muối. Sau đó đậy kín nắp bồ bằng lá chuối và để bồ thịt muối ở quang bếp củi hoặc trên gác bếp đun củi. . Khi khách du lịch thưởng thức món ăn thịt lợn chua vẫn cảm nhận được màu sắc của thịt, ngậy của bì, độ chua của men rừng, độ mặn vừa phải của muối, độ thơm của gạo. Món ăn này thường được ăn với các loại lá rừng.

Cơm lam

Đến Mai Châu có thể dễ dàng tìm gặp món cơm lam vào mỗi buổi sáng (Ảnh – huyen_jenny)

Khi về Hòa Bình, về với miền phong thuỷ hữu tình này thực khách có thể được biết tới một lối sống độc đáo của người Mường và cũng được hoà mình vào nền văn hoá ẩm thực vô cùng phong phú của con người nơi đây. Những sản vật của núi rừng luôn làm hài lòng những vị khách khó tính nhất, những món ăn rất dân dã thôn quê nhưng để lại những ấn tượng rất khó quên cho những ai đã từng thưởng thức như món gà đồi nướng, cá sông, măng chua, rượu cần… nhưng thế vẫn chưa đủ, khi về Hoà Bình thì phải được nếm hương vị của cơm lam thì mới có cảm nhận được hương vị của miền sơn cước này.

Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng rất vất vả, nhọc nhằn có khi đi từ lúc sáng sớm tinh mơ cho tới lúc tối mịt hoặc thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Nên họ mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa, từ những thói quen từ ngàn xưa để lại, một thói quen rất bình dân, dễ làm thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – món cơm lam. Món cơm lam có rất ở nhiều nơi từ người Tày, nguời Thái, người Nùng, người Mường… đều có loại cơm này. Tuy nhiên, Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm lại dẻo nổi tiếng

Người Thái ở Mai Châu làm bằng cách bỏ gạo nếp vào ống tre đã chọn lọc và nút lại bằng lá chuối khô. Đốt một đống lửa to, chờ lửa cháy đượm, bắt đầu xếp các ống cơm lên. Trong lúc nướng phải xoay ống tre thật đều. Khi thưởng thức, vị dẻo của gạo nếp, hòa quyện vào mùi thơm của ống tre và lá chuối tạo nên một hương vị đặc biệt. Hiện nay, mỗi buổi sáng sớm, tại các bản, làng đang phát triển mạnh văn hóa du lịch của Mai Châu như bản Lác, bản Văn, Pom Coọng… đều có hình ảnh những người phụ nữ Thái nướng cơm lam, bán cho du khách gần xa.

Xôi các màu

Xôi tím ở Kim Bôi (Ảnh – minno_dang)

Người ta tạo ra màu xôi từ các thứ cây thân cỏ, sau đó lần lượt cho gạo màu đỏ xuống trước, sau là màu xanh, vàng, tím, trắng cho lên trên cùng. Khi xôi chín, dỡ ra rồi trộn với nhau hoặc để riêng từng màu thành loại xôi nhiều màu với hương vị khác nhau trông rất đẹp mắt. Đây là một món ăn dân tộc rất được khách du lịch ưa chuộng.

Rau rừng thập cẩm đồ

Món rau rừng đồ thập cẩm rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực người Mường (Ảnh – Làng Sỏi)

Món rau đồ quen thuộc gồm cả rau rừng, lá thuốc, các loại lá thập cẩm trong vườn nhà (hoa chuối, lá đu đủ, rau beo, rau tầm bóp, cà quẹng, rau đốm…) sau khi đồ lên khoảng 30-40 phút. Lúc ăn, chấm nước lòng cá tạo nên sự đan xen trong vị giác(chút đắng, cay, chua, chát, ngọt, bùi…)

Măng đắng

Măng đắng Hòa Bình, món này có thể mua về làm quà sau chuyến đi (Ảnh – Đài Chang‎)

Măng ngon là thứ mầm cây thuộc họ tre, trúc, mai, vầu, sặt, nứa mới nhú khoảng 1-2 đốt ngón tay trở xuống, phần thân còn lại ngập trong đất. Khi bóc bẹ ra, thân măng trắng muốt, nuột nà.

Muốn có món măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại bóc dần từng bẹ chấm vào gói chẩm cheo gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ. Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt, vị cay ấm của lá gừng, vị cay tê của mắc khén, vị cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.

Măng chua nấu thịt gà

Thịt gà nấu măng chua, thêm chút hạt dổi Hòa Bình thì các bạn khỏi chê (Ảnh – Bui Ha Thanh)

Gà nuôi thả, có trọng lượng khoảng trên 1 kg được làm sạch, bỏ riêng nội tạng. Sau đó, chặt thịt gà ra nhiều miếng nhỏ đem ướp với măng chua (măng giang, măng bương càng muối lâu càng tốt) cùng với gia vị bóp ướp để từ 20-30 phút cho ngấm hương vị của măng cùng gia vị vào miếng thịt. Sau đó, cho vào nồi vần quanh bếp củi than khoảng 1-2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ, rắc thêm một chút hạt dổi nướng giã nhỏ

Chả cuốn lá bưởi

Chả cuốn lá bưởi là món đặc sản của người Mường (Ảnh – Bui Thuy)

Thịt lợn ba chỉ thái con chì, ướp một chút nước mắm, hành. Lá bưởi cắt làm đôi, cuốn mỗi miếng thịt một nửa lá to hoặc một lá nhỏ, kẹp vào kẹp tre nướng trên than hồng. Mỡ lợn gieo xuống than hồng làm dậy lên ngọn lửa mỏng mơn man kẹp chả, lá bưởi ngả màu hơi tím se lại là được. Khi khách du lịch cắn miếng chả lá bưởi thơm giòn, gẫy mảnh lẫn vào thịt săn vàng làm tiêu tan sự ngấy, chỉ còn lại mùi thơm, khi nuốt miếng chả rồi còn lại cảm giác tê tê đầu lưỡi.

Thịt trâu nấu lá lồm

Thịt trâu nấu lá lồm thường thấy trong các mâm cỗ ở Hòa Bình (Ảnh – Nguyễn Thị Phong Lan)

Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi bung cho mềm, đem bóc thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất chín kỹ rồi giã lá lồm ( một loại lá chua), nêm một ít tấm gạo bỏ vào nồi hầm với thịt trâu. Khi tấm chín nở và hơi sánh thì cũng là lúc thịt trâu nhừ và ngấm vị chua của lá lồm. Đây là món ăn dân tộc phổ biến của người Mường Hoà Bình.

Chả rau đáu

Do nhu cầu muốn có một món ăn vừa có vị thanh mát, vừa bổ dưỡng cho sức khỏe, người Mường đã sáng tạo ra món chả rau đáu. Sở dĩ nó trở thành món ăn quý là do lá rau đáu là một vị thuốc bổ rất khó trồng, mà chỉ mọc tự nhiên ở các khe suối vào thời tiết lạnh và ẩm ướt như mùa Xuân hay mùa Đông.

Điểm đặc biệt của chả rau đáu so với những món ăn khác đó là sự cẩn trọng từ khâu tìm kiếm nguyên liệu đến khâu chế biến. Để có được những lá rau đáu xanh tươi và đúng hương vị, người làm phải mất cả ngày trời tìm kiếm bên những khe suối trên rừng. Chính vì thế mà khách đến chơi nhà người Mường muốn thưởng thức món ăn này thì phải báo trước vài ngày để chủ nhà chuẩn bị.

Canh loóng

Canh loóng (Ảnh – Mộc Loan)

Là món canh được nấu từ nước luộc thịt với nõn cây chuối rừng. Cây chuối rừng đốn về bóc vỏ ngoài lấy nõn thái mỏng nhỏ bóp với muối để xả chất chát sau đó cho vào nước luộc thịt đun trên bếp củi khoảng 50 – 60 phút. Rắc vào canh hạt dổi nướng giã nhỏ và lá lốt rừng thái nhuyễn trước khi ăn.

Rượu cần

Rượu cần thường thấy ở Hòa Bình và Tây Nguyên (Ảnh – vietnamesegod)

Rượu cần là loại rượu không thể thiếu trong gia đình người Mường khi tiếp khách, vui chơi, uống trong đám cưới, mừng nhà mới, thờ cúng, lễ tạ…Rượu cần được làm bằng cách lấy một nắm lá rừng nghiền nhỏ, rồi trộn với tinh bột để tạo men, sau đó cho vào vò, phủ một lớp trấu để ủ. Khi uống, khách chỉ cần đổ nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng đóng chai vào đầy bình. Tục uống rượu cần thể hiện cách uống theo nhóm người, đông và vui. Trong tiệc rượu, mọi người ngồi quây tròn bên nhau cùng thưởng thức cái êm nồng, dịu ngọt, ngây ngất của rượu cần cùng với tiếng chiêng tràn ngập không khí lễ hội.

Bánh uôi

Bánh uôi thường có trong những dịp lễ quan trọng của người Mường (Ảnh – Phương Châm)

Bánh đoàn kết, bánh tình yêu, hay bánh uôi, là tên gọi cho một món ăn đặc trưng của người Mường ở Hòa Bình. Cứ vào các dịp lễ tết hay có một sự kiện quan trọng, thì trên mâm cúng của người Mường đều có loại bánh này. Ngày nay, bánh uôi thường được làm vào các dịp lễ tết. Đặc biệt là trong tang ma của người Mường không thể thiếu được bánh này. Trong các dịp lễ tết hay những ngày lễ đại đoàn kết, người Mường cũng làm bánh uôi. Trong dịp Tết nguyên đán, ngoài việc để thờ cúng tổ tiên, người Mường còn dành bánh uôi chia cho gia súc hay nông cụ sản xuất.

Đặc sản Hòa Bình mua về làm quà

Quất hồng bì Kỳ Sơn

Nếu đi qua Kỳ Sơn vào đúng dịp thu hoạch, các bạn mới có cơ hội thưởng thức món quất hồng bì đặc sản ở đây (Ảnh – Huong Thu Nguyen)

Tháng 7 là thời điểm quất hồng bì hoặc nhâm vòng) vào vụ thu hoạch. Hàng trăm điểm bán hồng bì dọc tuyến quốc lộ 6 đoạn từ xã Dân Hòa qua Dân Hạ đến thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) tấp nập người mua. Với nguồn cung có hạn, gần như chỉ những ai ghé qua vùng đất Dân Hòa đúng thời điểm này mới có cơ hội thưởng thức những chùm hồng bì dày cùi mà ngọt lịm mang hương rất riêng này.

Cam Cao Phong

Cam Cao Phong (Ảnh – Khánh Huyền)

Các giống cam trồng tại huyện Cao Phong đều có nguồn gốc từ nơi khác. Tuy nhiên, khi đưa về trồng lại đây do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu nên đã trở thành một trong những loại đặc sản phổ biến được mua về làm quà nhiều nhất khi du lịch Hòa Bình.

Mía tím Hòa Bình

Đi vào đúng mùa các bạn sẽ gặp rất nhiều hàng mía ven đường QL6 như này (Ảnh – Vantoan Duong)

Giống cây có màu tím thẫm, thân bóng mịn, lóng dài, vị ngọt thơm. Đây là một trong những món quà quê bình dị mà nhiều người tới Hòa Bình chọn mua. Cây mía Hòa Bình có màu tím thẫm, thân bóng mịn, lóng dài, trong đó, nổi tiếng nhất là mía Phong Phú (Tân Lạc). Cây to, cao tới gần 2m, ít mắt. Mía mềm, ngọt mà không gắt, mùi thơm đặc trưng.

Bưởi đỏ Tân Lạc

Quả bưởi đỏ Tân Lạc (Ảnh – hellomam)

Đây là giống bưởi với quả tròn, vỏ màu vàng, khi chín chuyển màu vàng, phớt hồng; Phần cùi khi chín có màu hồng đỏ, khối lượng trung bình từ 800 – 1000g, múi và vách múi dễ tách rời nhau. Múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ăn giòn, ngọt không he đắng.

Mật ong Lạc Sơn

Mật ong được nuôi ở vùng núi Lạc Sơn, Hòa Bình (Ảnh – Hương Bùi)

Ong được nuôi ở xã vùng cao Tự Do (Lạc Sơn). Mật ong ở vùng này nguyên chất, sánh quyện, dậy mùi thơm của hương núi, hoa rừng.

Chè Shan Tuyết Pà Cò

Ít người biết ngay Mai Châu cũng có một loại chè Shan Tuyết khá nổi tiếng (Ảnh – Nguyễn Gia Int. JSC)

Ở độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển, quanh năm sương mù, vùng núi Pà Cò có các cây chè tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc rải rác khắp 9 bản của xã. Những gốc chè ở đất Pà Cò này ngày trước là của người Thái Bao La nuôi dưỡng, đến khi họ không ở nữa mới truyền lại cho người Mông giữ.

Tìm trên Google :

  • các món ăn ngon ở Hòa Bình
  • đặc sản Hòa Bình làm quà
  • ăn gì khi du lịch Hòa Bình
  • các quán ăn ngon ở Hòa Bình
  • đến Hòa Bình nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Hòa Bình
  • ẩm thực Hòa Bình
4.4/5 - (2181 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hòa Bình

HÒA BÌNH

Vị trí Hòa Bình trên bản đồ Việt Nam

Hòa Bình là một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.  Hoà Bình có nhiều hang động và suối nước nóng cùng nhiều di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc có giá trị; hồ sông Đà và Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình là những điểm du lịch hấp dẫn du khách muôn phương. Là nơi hội tụ, sinh sống của nhiều dân tộc (Mường, Thái, Dao, Tày, Mông,…), Hòa Bình có nền văn hóa đa dạng, rất giàu bản sắc với nhiều loại hình văn hoá lễ hội, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống phong phú, độc đáo.

Bạn có biết: Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam được đặt ở Chi Nê, nay thuộc xã Cổ Nghĩa, Lạc Thủy, Hòa Bình.

  • Diện tích: 4.608,7 km²
  • Dân số: 808.200 người
  • Vùng: Tây Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 10 huyện
  • Mã điện thoại: 218
  • Biển số xe: 28