Các món ăn ngon ở Kon Tum

Các món ăn ngon ở Kon Tum (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Người ta biết đến phố núi Kon Tum như thành phố của những cơn gió hoang tàn, nơi có dòng sông Đăk Bla dữ dội, nơi có ngọn Ngọc Linh cao chót vót với Sâm Ngọc Linh nức tiếng về độ quý hiếm. Thiên nhiên đã phú cho mảnh đất Bắc Tây Nguyên đầy đủ cả sản vật của núi rừng và sông suối khiến các món ăn ngon ở Kon Tum trở thành những đặc sản thơm ngon lạ lùng. Những du khách một lần đến Kon Tum, đã thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên thì ắt hẳn không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ẩm thực Bắc Tây Nguyên với cả sự tò mò và thích thú. Để rồi người nào cũng phải công nhận đó là sự hòa quyện tuyệt vời và khéo léo giữa dân dã và cầu kì, giữa đơn giản và phức tạp, ẩn chứa trong từng món ăn riêng biệt.

Các món ăn ở Kon Tum có phần giống nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên nhưng vẫn có hương vị riêng (Ảnh – liuhrichardson)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả liuhrichardson, jangkeu, c_t_t_h, Luật Trịnh, cunsfoodie, lachian1986, lamoanhps, chanhleo_109, Máy Rmah Rcm, Kiều Hạnh Kt, cuatiemvyvy, Nga Nguyen, ohamyho, Nguyễn Nụ, Le Plateau, Huyền Trang, Thanh Tâm, Thoa Phan nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Gỏi lá Kon Tum

Món gỏi lá Kon Tum (Ảnh – jangkeu)

Đúng như tên gọi, món ăn có đến 40-50 loại lá khác nhau, gồm ổi, sung, xoài, me, đinh lăng, ngũ gia bì, lá chua, chùm ruột, tía tô, ngãi cứu, hồng ngọc… Món gỏi lá này được ăn kèm với thịt heo ba chỉ luộc thái mỏng, tôm đồng luộc, bì heo. Điều làm nên sự độc đáo của món ăn này là nước chấm kèm theo làm nên hương vị rất riêng.  Để thưởng thức món ăn, thực khách ngắt lá cây cuộn thành hình phễu rồi cho vào lát thịt ba chỉ, con tôm, bì heo, ít hạt muối trắng, tiêu và rưới lên ít nước chấm là có thể dùng được.

Xôi măng

Xôi măng là món ăn sáng khá lạ với du khách khi tới Kon Tum (Ảnh – c_t_t_h)

Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người dân tại Kon Tum. Cách làm xôi măng khá đơn giản và chẳng mấy cầu kỳ. Măng tươi sau khi được đào trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Qua công đoạn sơ chế để làm mất mùi ngái, măng được đem xào qua với gia vịđể trở nên đậm đà. Gạo nếp chọn loại ngon đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín.

Cơm lam Măng Đen

Cơm lam nướng ở Măng Đen (Ảnh – Luật Trịnh)

Cơm Lam của vùng đất Kon Plông được làm từ gạo nếp rẫy ngâm lẫn với lá dứa, qua một đêm cho gạo vào ống nứa non, khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người nấu khéo léo đổ nước suối mát lạnh đựng trong những cái bầu khô vào từng ống một, tước những thẻ lá chuối rừng già hườm hườm vàng đã được hơ nóng lửa và thắt nút cho từng ống nứa, và vùi vào bếp tro hồng.

Gà nướng

Gà nướng ăn cùng với cơm lam ở Măng Đen (Ảnh – cunsfoodie)

Không giống với nhiều loại gà khác, gà Kon Plông là giống gà thả tự nhiên nên thịt rất chắc và ngon, không bị bở như gà công nghiệp, hương vị gần giống với gà ta. Gà bản Kon Plông chỉ ngon khi nướng, với cách nướng gà rất độc đáo do bà con dân tộc sáng tạo ra.

Cá tầm Măng Đen

Lẩu cá tầm ở Măng Đen (Ảnh – lachian1986)

Do có khí hậu khá mát mẻ nên vùng đất này tương đối phù hợp để nuôi cá tầm, trước kia lượng cá tầm nuôi ở Măng Đen khá nhiều nhưng sau một thời gian không thể cạnh tranh được về giá với cá tầm Trung Quốc đưa đến nên hiện nay hầu như không còn.

Bún nước Kon Tum

Bún nước ở Kon Tum (Ảnh – lamoanhps)

Bún nước Kon Tum có nguồn gốc từ bún tôm Bình Định, có lẽ trong quá trình khai khẩn vùng đất Bắc Tây Nguyên, người dân đất võ đã mang theo món ăn độc đáo của mình, nhưng được cải biến đi, cho phù hợp với khẩu vị và nguồn nguyên liệu tại phố núi. Vị nước bún thanh ngọt nhẹ nhàng hơi ngang chứ không ngọt đậm đà của xương ống, của thịt cá. Khi có khách đến, tô bún được chuẩn bị rất nhanh chóng, múc một muỗng thịt tôm đã giã nhuyễn cho vào bát, sắp vào mấy con tôm đã được bóc vỏ, thêm mấy lát thị bò bằm nhỏ, rồi múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát quậy đều lên, rắc mấy cọng hành ngò, giá tươi, chút bột tiêu.

Thịt hun khói Bazana

Thịt hun khói Bazana (Ảnh – chanhleo_109)

Món này được chế biến từ thịt lợn mòi của người dân Bana, do được thả rông chỉ ăn ngô và khoai trong vườn nên thịt lợn rất thơm, ngon. Phần thịt ngon nhất sẽ được cắt ra và đem tẩm ướp bằng các hương liệu riêng của địa phương. Cuối cùng, miếng thịt được treo lên gác bếp, hun bằng khói trong thời gian dài cho chín. Món này tương tự thịt gác bếp của đồng bào Tây Bắc, chỉ khác về phần tẩm ướp nguyên liệu.

Gỏi kiến chua

Để chế biến món ăn này rất kỳ công, khó nhất là công đoạn vào rừng để lấy được tổ kiến vàng mang về, vì thông thường các tổ kiến nằm trên cây rất cao. Sau khi tổ kiến được lấy mang về nhà, phải qua sơ chế bằng cách nấu nước ấm cho tổ kiến vào để loại bỏ chất bẩn rồi vớt ra để ráo. Trộn kiến vàng, trứng kiến và một ít rau thơm, muối, ớt, bột ngọt là đã có được món ăn hấp dẫn. Tổ kiến vàng càng nhiều trứng kiến thì càng ngon.

Thịt chuột quý tộc

Loài chuột này chuyên ăn sâm nên khá ngon, nhưng cũng không dễ để thưởng thức (Ảnh – Máy Rmah Rcm)

Đây là tên gọi của người dân trồng sâm Ngọc Linh ở vùng Tu Mơ Rông gán cho loài chuột, vốn chỉ rình ăn những cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Món này được xem là đặc sản của người dân ở Măng Ri, bởi chúng đã ăn sâm Ngọc Linh – loài dược liệu quý hiếm của vùng đất Tu Mơ Rông. Chỉ khi có các dịp lễ lớn hoặc khách nào quý lắm mới được người dân đem ra đãi.

Cá niên

Cá niên nướng (Ảnh – Kiều Hạnh Kt‎ )

Ở Kon Plông, cá niên là đặc sản. Bởi loại cá này chỉ xuất hiện ở những sông suối có nguồn nước sạch, chảy xiết, ghềnh đá rất khó bắt và thường xuất hiện nhiều vào thời điểm những tháng mùa khô hoặc mùa xuân. Thức ăn của loài cá này chủ yếu là rong rêu bám trên đá nên ruột của chúng rất đắng, được nhiều người ưa chuộng (xem như một vị thuốc). Thịt cá niên rất trắng, chẳng những không có mùi tanh mà ngược lại rất thơm ngon và được đánh giá có nhiều dưỡng chất. Cá niên có nhiều cách chế biến, nếu nướng, cá chỉ cần để nguyên con rửa sạch rồi xiên vào thanh tre đặt trên bếp than. Khi cá chín vàng gỡ ra chấm với muối ớt.

Đặc sản Kon Tum mua về làm quà

Sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh có thể tìm thấy ở Kon Tum và Quảng Nam (Ảnh – cuatiemvyvy)

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm và là cây thuốc “giấu” mà đồng bào dân tộc Xơ Đăng sử dụng lâu đời để bồi bổ cơ thể. Bởi sở hữu hàm lượng saponin cao bậc nhất thế giới mà sâm Ngọc Linh có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe mỗi người như tăng sức đề kháng, chống lo âu, giúp cải thiện sinh lý và hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh khác.

Rượu sim Măng Đen

Rượu sim Măng Đen (Ảnh – Nga Nguyen)

Khác với sim đồng bằng chín vào dịp Tết Nguyên đán, sim rừng Măng Đen chín từ giữa hè sang thu, sim rừng Măng Đen mọc và sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, nhiệt độ ở khu vực này lại luôn trong ngưỡng lạnh rất phù hợp để lên men rượu. Hai thế mạnh quý hiếm này là điều kiện cơ bản để có thể làm ra được loại vang uống không nhức đầu, hương vị đặc trưng thơm ngon, bổ dưỡng của vùng cao nguyên này.

Cà phê Đắk Hà

Những hạt cà phê ở Đắk Hà (Ảnh – ohamyho)

Nếu yêu thích cà phê, chắc nhiều người sẽ biết Đắk Hà chính là một trong 8 vùng cà phê ngon nhất Việt Nam.

Chuối hột rừng

Chuối hột rừng thường sử dụng để ngâm rượu (Ảnh – Nguyễn Nụ)

Chuối hột rừng được lấy từ rừng Tu Mơ Rông, quả chuối nhỏ, nhiều hạt và mẩy. Khi phơi sấy lên có vị thơm đặc trưng thường dùng để ngâm rượu. Rượu chuối hột ngâm khoảng 1 tháng rất thơm, uống ngọt và thanh.

Hạt tiêu măng Đen

Hạt tiêu rừng ở Măng Đen (Ảnh – Le Plateau)

Với đồng bào Xơ Đăng ở Măng Bút, tiêu rừng là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Khi thưởng thức món cá suối, thịt heo rừng, thịt gà hay thịt chim nướng… đều cần đến tiêu rừng. Hương vị tiêu rừng cũng có vị cay nhẹ hơn ớt và tiêu thường, nhưng mùi thơm lại giống như mùi vị lá cây chanh, lá cây bưởi và nồng nàn như vỏ quả quýt, làm cho nó có sức tác động kỳ lạ.

Gạo đỏ

Gạo đỏ Kon Tum (Ảnh – Huyền Trang)

Gạo đỏ từ chỗ là lương thực truyền thống của người Xê Đăng tại vùng Ngọc Linh Kon Tum đã trở thành một loại gạo đặc sản bởi sự thơm ngon và tinh khiết.

Bánh tráng cá cơm

Bánh tráng cá cơm từ một món ăn vặt, nay đã trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích (Ảnh – Thanh Tâm)

Từ những mẻ cá cơm tươi được phơi vàng rụm dưới ánh nắng tự nhiên, không cần chất bảo quản, người dân ở làng chài Sê San đã chế biến nên món bánh tráng cá cơm thơm ngon, hấp dẫn, đậm đà.

Chuối sấy

Chuối sấy Kon Tum (Ảnh – Thoa Phan)

Sản phẩm được làm từ chuối sứ (chuối mốc) ép mỏng rồi đem sấy, nướng, mang hương vị thơm ngon đặc biệt… Khó nhất để chế biến đặc sản chuối sấy là cách chọn nguyên liệu chuối. Để có những bánh chuối sấy ngọt, dẻo, thơm ngon phải chọn những quả chuối chín bùi. Bởi nếu chọn quả chuối vừa chín tới mà còn gân xanh sẽ có vị chát; nếu chọn quả chuối chín ép sẽ không thơm, ngọt…

Rượu Đoát

Rượu Đoát có màu trắng đục như nước dừa, mùi thơm rất dịu. Nói là rượu nhưng khi uống vào hoàn toàn không có vị cay, đắng mà rất thanh mát, vị hơi ngọt ngọt. Tầm tháng 3 đến tháng 6, cây Đoát bắt đầu ra hoa (hoa giống như buồng cau), người dân phải đợi hoa già, cắt bỏ phần hoa, chừa lại phần cuống hoa dài khoảng 2 gang tay người lớn để hoa không kết trái mới lấy được rượu.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Kon Tum
  • đặc sản Kon Tum làm quà
  • ăn gì khi du lịch Kon Tum
  • các quán ăn ngon ở Kon Tum
  • đến Kon Tum nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Kon Tum
  • ẩm thực Kon Tum
  • món ăn vặt Kon Tum
  • các món ăn vỉa hè ở Kon Tum
  • mua gì ở Kon Tum
  • Kon Tum có gì ngon
5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Kon Tum

KON TUM

Vị trí Kon Tum trên bản đồ Việt Nam

có nhiều cảnh quan tự nhiên như hồ Ya ly, rừng thông Măng Đen, khu bãi đá thiên nhiên Km 23, thác Đắk Nung, suối nước nóng Đắk Tô và các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… có khả năng hình thành các khu du lịch cảnh quan, an dưỡng. Các cảnh quan sinh thái này có thể kết hợp với các di tích lịch sử cách mạng như di tích cách mạng ngục Kon Tum, ngục Đắk Glei, di tích chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh, chiến thắng Plei Kần, chiến thắng Măng Đen… các làng văn hoá truyền thống bản địa tạo thành điểm hấp dẫn cho địa phương này.

Kon Tum có độ cao trung bình từ 500 m đến 700 m, riêng phía Bắc có độ cao từ 800 m – 1.200 m, đặc biệt có đỉnh Ngọc Linh cao nhất với độ cao 2.596 m

Bạn có biết: Nơi đây có mốc ngã 3 biên giới Bờ Y là điểm giao nhau của đường biên giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia

  • Diện tích: 9.674,2 km²
  • Dân số: 540.438 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố 9 huyện
  • Vùng: Tây Nguyên
  • Mã điện thoại: 0260
  • Biển số xe: 82