Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc, Phú Quốc

Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc, Phú Quốc

Cùng Phượt – Chùa Hộ Quốc (hay thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc) là một trong những công trình nằm trong dự án khu du lịch tâm linh có diện tích hơn 110ha (diện tích chùa chiếm khoảng 12%) thuộc ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, Thành phố Phú Quốc, Kiên Giang.

Chùa được hoàn thành vào cuối năm 2012 (Ảnh – Bùi Hải Giang)

Chùa được khởi công đồng bộ với hơn 1000 người làm liên tục trong vòng 14 tháng, kinh phí xây dựng lên tới hơn 100 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí làm đường) được kêu gọi từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp. Chùa mang tên Hộ Quốc với ý nghĩa trấn giữ bờ cõi đất nước, bảo vệ lãnh thổ Việt Nam và vùng biển đảo xa xôi cực Nam của tổ quốc.

Hệ thống các cột trong chùa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim (Ảnh – cungphuot.info)

Tuy nằm trong cùng hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm nhưng kiến trúc của Thiền viện Hộ Quốc có chút khác biệt so với các Thiền viện khác bởi chùa được dựng hoàn toàn từ các cột gỗ lim nên chiều cao của các gian cũng bị giới hạn theo chiều cao của cột gỗ. Kiến trúc chính của chùa pha trộn giữa các kiến trúc của 2 triều đại Lý – Trần.

Ban thờ Đức Ông trong chùa (Ảnh – cungphuot.info)

Ngoài ra trong chùa cũng có ban thờ Đức Ông giống như các chùa ở Bắc Bộ. Đây là một điều hoàn toàn khác so với các ngôi chùa ở miền Trung hay miền Nam.

Con đường dẫn lên chùa chạy dọc ven biển (Ảnh – Hùng Mai Thanh)

Từ phường Dương Đông các bạn đi theo hướng về nhà tù Phú Quốc, cách đường rẽ vào Bãi Sao khoảng 1km phía bên tay trái có một lối rẽ nhỏ, đó chính là đường lên chùa Hộ Quốc.

Cổng Tam quan (Ảnh – Thuc Nguyen)

Cổng Tam quan gồm có cửa chính tên gọi là Cửa Địa Giác. Bên trái và bên phải cửa chính lần lượt là Cửa Bắt Nhị và Cửa Giải Thoát.

Bức tượng Phật nằm chính giữa sân (Ảnh – My Loan Nguyen)

Qua cổng là sân thiên tỉnh, ở chính giữa có tượng Phật (giả ngọc, không phải ngọc nguyên khối mà chỉ là được phủ sơn giống màu ngọc).

Chiếu Rồng được chế tác công phu (Ảnh – Le Vu)

Phía sau tượng Phật là đường đi lên Chính điện với 70 bậc thang, chính giữa 2 bên bậc thang là chiếu Rồng.

Chánh điện của chùa (Ảnh – Lee Anh)

Bức phù điêu về lịch sử Việt Nam (Ảnh – Huy Hoàng Bạch)

Bên cạnh chính điện, bạn có thể chiêm ngưỡng bức phù điêu về lịch sử Việt Nam từ những ngày đầu lập nước ở phía bên trái. Trên tượng là hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng với hình tượng trống đồng Đông Sơn và bản đồ Việt Nam.

Tháp trống (Ảnh – Đỗ Quang Huy)

Tháp Chuông (Ảnh – Jacek Anczarski)

Hai bên Chính điện là tháp chuông và tháp trống.

Nhà Tổ (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm sau chính điện, nhà thờ tổ hay Tổ đường là khu vực thờ Tam thánh tổ. Ba vị Tam thánh tổ của Thiền phái Trúc Lâm gồm có Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang.

Chùa Hộ Quốc có view biển siêu đẹp (Ảnh – Thai Do)

Đến Phú Quốc, các bạn hãy giành chút thời gian ghé thăm chùa. Ngoài có cơ hội tìm hiểu thêm về Phật giáo các bạn còn được chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ nên thơ của ngôi chùa hướng biển.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 65 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Phú Quốc

PHÚ QUỐC

Vị trí Phú Quốc trên bản đồ Việt Nam

được biết đến với tên gọi đảo ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo này cùng với các đảo khác tạo thành Thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang vào đầu năm 2021 trên cơ sở huyện đảo trước đây và là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Toàn bộ đảo có tổng diện tích 589,27 km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Phường Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của thành phố đảo.

Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả thành phố này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bạn có biết: Quần đảo xa nhất về phía Tây Nam của Tổ Quốc, quần đảo Thổ Châu (hay còn gọi là Thổ Chu) là một đơn vị hành chính trực thuộc Phú Quốc.

  • Diện tích: 589,27 km²
  • Dân số: 144.460 (2015)
  • Phân chia hành chính: 2 phường, 7 xã
  • Tỉnh: Kiên Giang