Kinh nghiệm du lịch Cổ Loa tự túc A-Z (Cập nhật 12/2024)
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 5 tháng 12 năm 2024Cùng Phượt – Cổ Loa là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với hai lần được chọn là kinh đô của đất nước. Di tích lịch quốc gia đặc biệt Cổ Loa có niên đại 2.300 tuổi, được đánh giá là độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Thế nhưng đến nay, du lịch Cổ Loa dường như vẫn chìm trong giấc ngủ dài khi mà vấn đề xâm hại di tích đang diễn ra và tiềm năng du lịch của di tích chưa phát triển tương xứng như giá trị.
- Các tàn tích còn lại của nhà thờ Pháp cổ trên núi Ba Vì
- Kinh nghiệm du lịch Vườn Quốc gia Ba Vì
- Thuê xe máy tại Hà Nội
- Kinh nghiệm du lịch Đường Lâm, Hà Nội
- Cảnh đẹp dọc chiều dài Việt Nam nhìn từ trên cao
- Làng Chuông, làng nghề trăm tuổi yên bình qua những bức ảnh
- Rực đỏ hoa gạo trước sân chùa Thầy
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả huutungnguyen, Trịnh Hoàng Hiệp, Lại Văn Tới, Hảo Linh, Mean Travel, Hai Kieu Van và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu chung về Cổ Loa
Mục lục
Cổ Loa là một xã ngoại thành nhỏ bé và bình yên của thủ đô Hà Nội(Ảnh – cungphuot.info) |
Trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ, làng Cổ Loa thuộc từ xưa đã nổi tiếng, sử sách lưu danh bởi hai lần được chọn làm kinh đô của đất nước. Cùng hệ thống di tích lịch sử phong phú, nơi đây được coi là “vùng đất đặc biệt”, bởi còn lưu giữ được nét đặc trưng nông thôn truyền thống Việt Nam. Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10.
Khu di tích Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia. Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú gồm các lễ hội nổi tiếng, những tập tục đặc sắc, những làng nghề truyền thống và nền ẩm thực đặc trưng được bảo tồn và phát huy giá trị đến nay.
Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Nên đến Cổ Loa vào thời gian nào?
Các bạn có thể đến Cổ Loa vào mùa lễ hội đầu năm để tìm hiểu thêm về vùng đất này(Ảnh – huutungnguyen) |
Nếu chỉ muốn đến thăm Cổ Loa và vãn cảnh, các bạn chỉ cần sắp xếp thời gian rảnh hay chọn những ngày đẹp trời để tới đây. Nếu không, các bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau
- Lễ hội Cổ Loa được tổ chức vào ngày 5-6/1 (âm lịch) nhằm tôn vinh công đức của An Dương Vương, người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây thành Cổ Loa.
- Ngay trung tâm Cổ Loa có chợ Sa là phiên chợ khá lâu đời, họp 5 ngày một lần vào 1, 6, 11, 16, 21, 26 (âm lịch) hàng tháng. Chợ thường họp từ 5h sáng, nhưng cũng phiên mới 3h sáng chợ đã tấp nập kẻ bán người mua.
Hướng dẫn đi tới Cổ Loa
Cách trung tâm Hà Nội chỉ chừng 15 km, việc di chuyển tới Cổ Loa tương đối dễ dàng và thuận tiện cho bất kỳ ai muốn tới di tích này.
Phương tiện cá nhân
Để chủ động trong việc đi lại cũng như có thể kết hợp đi thêm các địa điểm khác, các bạn nên sử dụng phương tiện cá nhân (Ảnh – cungphuot.info) |
Ô tô
Với ô tô, tuỳ vào vị trí xuất phát các bạn có thể đi tới Cổ Loa qua cầu Thăng Long, Nhật Tân, hay Chương Dương. Qua bất kỳ cầu nào, các bạn cứ men theo tuyến đường QL 5 kéo dài, rẽ ra hướng QL 3 rồi từ đây đi tiếp chỉ khoảng hơn 1 km sẽ vào tới trung tâm xã Cổ Loa.
Xe máy
Với phương tiện xe máy, để an toàn các bạn nên đi theo hướng cầu Long Biên hoặc Chương Dương bởi tuyến đường này tốc độ lưu thống thấp, không nhiều ô tô như các hướng cầu kia. Sang phía bên kia Gia Lâm các bạn đi theo hướng cầu Đông Trù, qua cầu rẽ đi theo hướng Đông Hội, tới QL 3 rẽ phải đi chừng vài trăm mét sẽ thấy biển chỉ dẫn đi Cổ Loa.
Phương tiện công cộng
Xe buýt
Tuyến buýt số 46 là tuyến buýt đi qua gần nhất với khu di tích Cổ Loa (Ảnh – cungphuot.info) |
Với mạng lưới các tuyến xe buýt chạy khắp Hà Nội, việc di chuyển tới hầu hết các địa điểm ở thủ đô bằng phương tiện này khá thuận lợi và dễ dàng. Tuyến xe buýt gần nhất với khu di tích Cổ Loa là tuyến 46 Bến xe Mỹ Đình – Cổ Loa, tuyến này dừng ngay trên đường Cổ Loa và chỉ cần đi bộ khoảng vài trăm mét là tới nơi. Tuỳ vào vị trí xuất phát, các bạn lựa chọn các tuyến buýt phù hợp để tới được Mỹ Đình rồi chuyển xe nhé.
Taxi
Nếu đi theo một nhóm nhỏ và chỉ muốn đến tham quan Cổ Loa trong một khoảng thời gian ngắn, các bạn có thể thuê taxi để di chuyển bởi với tổng quãng đường cả đi cả về dưới 40 km, chi phí taxi tính ra cũng không quá cao.
Chơi gì khi đến Cổ Loa
Thành hào Cổ Loa
Kết quả của các cuộc khảo sát từ xưa đến nay đều cho thấy sự hiện diện của ba vòng thành cổ cùng hào nước sông hồ và nhiều gò, đống, lũy đất làm nên một Tòa thành có quy mô lớn. Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ.
Thành Ngoại
Là một vòng tường khép kín nối những gò đống tự nhiên, nên không có hình dáng rõ ràng. Chất liệu đắp thành nhìn ngoài thì hoàn toàn là đất nhưng qua các lát cắt khảo cổ thấy ở chân thành có lớp đá kẻ, trên là lớp đất sét. Tường thành Ngoại nhiều đoạn đã bị phá hủy. Tường thành ngoại có chiều dài gần 8 km, chiều rộng từ 13-20 m và cao từ 3-4 m.
Thành Trung
Là một vòng tường khép kín không có hình dáng xác định do đắp nối các gò tự nhiên và men theo đầm hồ mà thành. Tường thành trung có chiều dài hơn 6 km, chiều rộng 20 m và chiều cao từ 6-12 m.
Thành Nội
Thành nội hình chữ nhật, được xây dựng theo bốn hướng chính: Nam, Bắc, Tây, Đông nhưng chỉ mở cửa ở chính giữa tường thành phía Nam. Quanh tường thành Nội có đắp 12 ụ đất nhô ra ngoài gọi là Hỏa hồi, Hỏa hồi được đắp rất cân xứng, mỗi tường ngang 02 chiếc, mỗi tường dọc 04 chiếc. Thành nội có chiều dài khoảng 1.7 km, chiều rộng 20 m và chiều cao 5 m.
Đền An Dương Vương
Đền thờ vua An Dương Vương còn gọi là đền Thượng được xây dựng trên một quả đồi mà truyền thuyết nói là xưa có cung thất của vua. Di tích đền Thượng có diện tích rộng khoảng 19.138,6m2, được xây dựng theo hướng Nam, các công trình kiến trúc chính của ngôi đền nằm trên trục Dũng đạo (Thần đạo).
Giếng Ngọc
Đây là giếng nằm giữa hồ nước phía trước khu đền An Dương Vương, có hình cung tròn với bờ cong tự nhiên được kè bằng đá, có lối đi và trồng cây xung quanh. Trước đây, hồ nước thông với hào của hai vòng thành ngoài và ra tận bến sông phía Đông – Nam thành Ngoại. Theo truyền thuyết thì đây chính là hồ nước mà Mỵ Châu – Trọng Thủy thường từ đây đi thuyền du ngoạn khi chưa xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược của Triệu Đà. Sau chiến tranh, Trọng Thủy nhảy xuống đây tự vẫn vì ân hận đã gây ra cái chết của người vợ yêu quý.
Đình Cổ Loa
Đình Ngự Triều Di Quy nằm gần giữa khu thành Nội, cách đền thờ An Dương Vương khoảng 300m về phía đông, phía trước là một khoảng sân rộng, bên tây là am Mỵ Châu, bên đông là xóm Chợ, phía sau là chùa Bảo Sơn.
Đình có Nghi môn được xây trát kiểu hai tầng có mái đắp giả ngói ống, nối vào với ba cửa: một chính hai phụ tiếp liền với tường tạo thành phần ngăn ở phía trước, bên trái có đường dẫn thẳng vào trước am Mỵ Châu. Tất cả đều xây trát đơn giản.
Ngôi đình này được gọi theo tên địa danh Cổ Loa nhưng có tên là “Ngự triều di quy” vì theo tương truyền Đình được dựng trên nền cung điện thiết triều của vua An Dương Vương. Đây là một kiến trúc khá lớn, có bố cục mặt bằng hình chữ “Đinh”, (hay còn gọi là kiểu chuôi vồ) gồm 5 gian 2 trái và hậu cung.
Am Mỵ Châu
Am Mỵ Châu còn được gọi là am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu nằm ở phía Tây đình Ngự Triều Di Quy. Phía trước am thờ có một cây đa tương truyền là do Ngô Quyền đã trồng. Cây đa này rất lớn nên thường gọi là cây đa nghìn tuổi, nay không còn nữa, chỉ còn lại một vòm cửa xây gạch là dấu tích dưới vòm của những rễ đa khi xa.
Điếm Xóm Chợ
Xóm Chợ nằm về phía đông nam thành Nội, gần chợ Xa, còn có tên là Ngõ Thị. Điếm xóm Chợ ở ngay khu vực đầu ngõ chính từ đường lớn rẽ vào xóm. Ngôi điếm được xây dựng trên một nền cao gần 1m so với mặt sân. Lối lên được xây theo kiểu “ngũ cấp” chạy suốt ba gian mặt trước. Trước sân là hồ nước hình chữ nhật. Sát đó, một cây đa cổ thụ tỏa bóng mát chùm lên sân điếm nhỏ.
Ngày nay, điếm vẫn là nơi hội họp của xóm, nơi tổ chức một số cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Khách thăm quan Khu di tích Cổ Loa cũng thường tới thăm viếng nơi đây, đông nhất là dịp lễ tết và hội mùng 6 tháng giêng hàng năm.
Điếm Xóm Chùa
Xóm Chùa còn được gọi là xóm Hậu Miếu, có lẽ là do nằm sau ngôi đền thờ An Dương Vương từ rất xa xưa. Ngôi điếm được xây dựng cạnh đường vào đình Ngự Triều Di Quy, sát cửa Nam của thành Nội. Khu đất này rộng chừng 600m2 nằm trên mặt thành Nội, ngay đầu xóm, phía trước có hồi nước – dấu tích của con hào ngoài thành, nay đã bị mất gần hết.
Điếm xóm Chùa thờ linh thần, thổ công, thổ địa và cả thuỷ thần. Hiện ở phía đông mặt sân trước còn một giếng cổ xây miệng hình bát giác bằng đá xanh. Cạnh giếng là một miếu nhỏ thờ thuỷ thần.
Ngoài ra, ở điếm còn thờ tướng Cao Lỗ – người đã chế ra nỏ thần theo truyền thuyết, hiện cũng được thờ cùng với An Dương Vương ở đình “Ngự triều di quy”. Cách đây khoảng hơn 20 năm, ở địa phương đã cho dựng tượng Cao Lỗ trên mặt hồ trước điếm. Vì thế, nay nhiều người quen gọi là đền thờ Cao Lỗ.
Lăng Mỵ Châu
Theo truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thuỷ, sau khi Mỵ Châu bị vua cha chém đầu. Trọng Thủy đã đem xác vợ về chôn cất. Nay ở Cổ Loa vẫn còn dấu tích được coi là mộ của công chúa đang nằm trong khu vực thôn Vang, xã Cổ Loa. Trước đây lăng mộ Mỵ Châu được làm đơn giản với lối xây tường bao quanh bằng gạch một khu đất cao vuông vức có chiều rộng khoảng 5m, chiều dài 10m, bốn phía xây kè bằng gạch cổ (gạch thời Nguyễn), cao 60cm so với mặt đất xung quanh. Hiện nay khu Lăng đã được xây lại khang trang hơn.
Nhà trưng bày
Nhà trưng bày đặt tại Khu di tích Cổ Loavới diện tích hơn 300 mét vuông, gồm 2 tầng. Tầng 1 trưng bày sa bàn mô hình tổng thể, sơ đồ quy hoạch và phòng chiếu phim tư liệu, hình ảnh về khu di tích Cổ Loa. Tầng 2 trưng bày 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu gắn với lịch sử vùng đất Cổ Loa, niên đại từ thời Phùng Nguyên đến nay.
Lịch trình du lịch Cổ Loa
Vừa tương đối gần Hà Nội lại vừa nhỏ nên không mất quá nhiều thời gian để các bạn có thể khám phá hết Cổ Loa. Nếu chỉ đến tham quan Cổ Loa chắc các bạn chỉ mất chừng 1-2 tiếng là hoàn thành chuyến đi, hơi ngắn nhỉ. Để có thể kết hợp thành một lịch trình trọn vẹn trong ngày, các bạn có thể dành nửa ngày để cắm trại ở đầm Vân Trì, đây là một trong các địa điểm cắm trại khá thú vị ở Hà Nội. Nửa ngày sau sẽ sử dụng để tham quan di tích Cổ Loa. Lịch trình này khá phù hợp cho các bé vừa vui chơi dã ngoại, vừa tìm hiểu thêm về lịch sử văn hoá.
Sáng khoảng 8h các bạn xuất phát từ nhà tới đầm Vân Trì, địa điểm này nằm đối diện sân gôn Vân Trì. Tới nơi các bạn dựng lều, nghỉ ngơi, ăn uống và vui chơi ở đây.
Tới khoảng đầu giờ chiều, thu gọn lều trại rồi từ đầm Vân Trì di chuyển tới Khu di tích Cổ Loa. Hai địa điểm này khá gần nhau, chắc cũng chỉ mất chừng 20 phút để tới nơi.
Tới Cổ Loa, các bạn gửi xe rồi bắt đầu tham quan di tích. Có thể đi lần lượt từ đền An Dương Vương, quay lại khu nhà trưng bày, điếm Xóm Chùa, am Mỵ Châu…
Kết thúc chuyến đi.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch Cổ Loa 2024
- du lịch Cổ Loa tháng 12
- tháng 12 Cổ Loa có gì đẹp
- review Cổ Loa
- hướng dẫn đi Cổ Loa tự túc
- ăn gì ở Cổ Loa
- phượt Cổ Loa bằng xe máy
- Cổ Loa ở đâu
- đường đi tới Cổ Loa
- chơi gì ở Cổ Loa
- đi Cổ Loa mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Cổ Loa
- homestay giá rẻ Cổ Loa